22 Th5, 2023

Ân điển tối thượng trong Xuất Ê-díp-tô-ký

Trích từ chương 3 trong quyển "Các nền tảng của ân điển" của Steven Lawson
Image
Image

Góc nhìn của Tiên Phong
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

52 phút

Ân điển tối thượng không thể cưỡng lại của Đức Chúa Trời, không bị cản trở bởi loài người và không bị giới hạn bởi quỷ Sa-tan, luôn thắng hơn mọi trở ngại để cứu rỗi những kẻ được tuyển chọn của Ngài. Đời sống của những kẻ được chọn không nhất thiết phải là công bình thì Đức Chúa Trời mới kéo họ đến cùng Ngài. Cho dù họ trải qua thời kỳ đỉnh cao của cuộc cải chánh và phục hưng vĩ đại hay là sống trong thời kỳ thấp điểm của nạn nghèo đói thuộc linh ở trong xứ, dù ở cung vua hoặc bị tù đày, sống trong văn hóa quốc tế hay ở một tiền đồn xa xôi, thì ân điển tối thượng không thể cưỡng lại của Đức Chúa Trời hoàn toàn có thể kéo những kẻ Ngài đã tuyển chọn đến sự sống đời đời. Bất kỳ trở ngại nào có vẻ bất bại xuất hiện ở chân trời, dù là thế lực ma quỷ hay sự cứng lòng của loài người đi nữa, thì ân điển của Đức Chúa Trời vẫn lớn hơn.

Chắc là không có chỗ nào bày tỏ sự thắng lợi rất lớn của ân điển tối thượng cách rõ ràng bằng ngày tháng đen tối trong đồng vắng của dân Y-sơ-ra-ên dưới tài lãnh đạo của Môi-se. Trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Hầu hết, họ đã thất bại thảm hại trước mọi thử thách. Dân Y-sơ-ra-ên đã than vãn và phàn nàn nghịch cùng Đức Chúa Trời, ngay cả khi họ đang ở dưới sự dìu dắt nhân từ của Ngài. Họ đã thấy sự chu cấp dồi dào của Đức Chúa Trời, nhưng liên tục rơi vào sự bội đạo và các trò hoan lạc. Khi họ đứng trước bờ cõi để tiến vào Đất Hứa, họ đã rơi vào tình trạng vô tín và nổi loạn cách bi thảm. Trong bốn mươi năm, họ đi lang thang vô định trong sa mạc khô cằn cho đến khi cả một thế hệ phải bỏ mạng. Đức Chúa Trời chưa từng đối diện với trở ngại nào lớn hơn như vậy để làm thành kế hoạch cứu rỗi của Ngài.

Tuy vậy, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn đến như thế, Đức Chúa Trời đã hứa ban ân điển tối thượng cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn. Bất chấp sự vô tín và sự bội đạo của dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã thổi vào luồng không khí trong lành của sự sống. Đằng sau hành trình gian khổ trong đồng vắng là chân lý về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời được cả trời nghe thấy và cả đất làm chứng. Giống như ngôi sao sáng trong đêm tối tăm, ân điển tối thượng của Đức Chúa Trời đã chiếu sáng trong đồng vắng. Đây là lẽ thật toàn thắng mà Môi-se đã thuật lại từ Xuất Ê-díp-tô-ký đến Phục truyền Luật-lệ-ký.

Xuất Ê-díp-tô-ký: Đức Chúa Trời – Chúa Cứu thế tối thượng

Sách thứ hai được thần cảm trong Kinh Thánh do Môi-se viết là Xuất Ê-díp-tô-ký, thuật lại câu chuyện tiếp theo trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu từ Sáng thế ký. Trong sách có kể lại những công tác lớn lao của Đức Chúa Trời đã đem dân sự của Ngài thoát khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô dã man. Trong câu chuyện về sự cứu chuộc và sự giải cứu dân Y-sơ-ra-ên này, Đức Chúa Trời được bày tỏ là Đấng có quyền tối thượng tuyệt đối trên tấm lòng của loài người, nhất là Pha-ra-ôn, kẻ mạnh nhất trên đất. Cũng vậy, qua mười tai vạ mà Chúa đã dùng Môi-se làm ra trong xứ Ê-díp-tô (Xuất 7-10), Đức Chúa Trời được bày tỏ là Đấng tối thượng ở trên tất cả thần tượng của xứ Ê-díp-tô, thiên nhiên và sự chết. Sau đó, Đức Chúa Trời còn được bày tỏ là Chúa tể ở trên tất cả biến cố và hoàn cảnh cuộc sống, đặc biệt là số phận của dân Y-sơ-ra-ên.

Quyền tối thượng

Năm luận điểm về giáo lý của ân điển – sự sa đọa triệt để, sự tuyển chọn tối thượng, sự chuộc tội giới hạn, sự kêu gọi không thể cưỡng lại và ân điển giữ gìn ­– tất cả đều dựa vào nền tảng chắc chắn về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trên tạo vật. Do đó, một chiến lược rất quan trọng đó là phải thiết lập ngay giáo lý về quyền tối thượng. Nói về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, Loraine Boettner viết rằng: “Thực tế mà nói, Đức Chúa Trời đã tạo ra muôn vật trên đời này, Chúa là Chủ và Đấng phán quyết sau cùng cho muôn vật. Chúa không chỉ gây ảnh hưởng chung, mà Ngài thực sự cai trị tạo vật. Các dân tộc trên đất chỉ như cát bụi không thể so sánh với sự vĩ đại của Ngài; mặt trời có thể dừng lại vào một ngày không xa, chứ không ai có thể cản trở công tác và ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong số những thất bại rõ ràng và mâu thuẫn trong cuộc sống, Đức Chúa Trời vẫn đang hành động cách oai nghi mà chẳng gặp trở ngại nào cả. Thậm chí hành vi tội lỗi của loài người chỉ xảy ra khi Chúa cho phép. Vì Chúa không hề miễn cưỡng mà sẵn sàng cho phép mọi việc xảy ra, cho nên tất cả biến cố xảy ra – bao gồm cả hành động và số phận chung cuộc của loài người ­– đều phải tuân theo ý muốn và mục đích của Ngài”.[1] Lẽ thật về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, nền tảng kiên cố của giáo lý ân điển, được mô tả hết lần này đến lần khác trong Xuất Ê-díp-tô-ký.

1. Cai trị lòng. Môi-se thuật lại rằng quyền phép tối thượng của Đức Chúa Trời được nhìn thấy qua cách Chúa lèo lái tấm lòng của công chúa, khiến nàng quan tâm đến Môi-se khi ông còn là một đứa trẻ sơ sinh:

Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao. Vả, bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ”.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 2:1-6)

Trong biến cố này, Đức Chúa Trời rõ ràng đã can thiệp bằng sự thần hựu. Ngay cả việc chăm sóc một em bé cũng nằm trong kế hoạch tối thượng của Ngài, vì Chúa đã cảm động tấm lòng của công chúa khiến nàng nhìn thấy em bé Môi-se và cứu nó. Sau khi nhìn thấy kế hoạch thiên thượng này, Pink viết rằng: “Một bằng chứng rõ ràng về quyền phép của Đức Chúa Trời đã cảm động tấm lòng của những kẻ thù địch với Ngài, qua cách con gái của Pha-ra-ôn đối xử với em bé Môi-se. Đây là một sự kiện nổi tiếng. Pha-ra-ôn đã truyền lịnh tàn sát các bé trai mới sinh của dân Y-sơ-ra-ên. Một người Lê-vi có con trai đã được người mẹ giấu đi trong ba tháng. Vì không thể che giấu sự tồn tại của em bé Môi-se nữa, người mẹ đã đặt nó vào một cái rương mây, để trôi theo dòng sông. Con gái của Pha-ra-ôn lại là người phát hiện ra cái rương mây khi xuống sông tắm, nhưng thay vì nghe theo sắc lệnh độc ác của cha mình và ném đứa trẻ xuống dòng sông, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ‘công chúa . . . bèn động lòng thương xót’ (Xuất 2:6)! Thế là, sinh mạng non nớt được tha và Môi-se đã trở thành con nuôi của công chúa! Đức Chúa Trời đã can thiệp vào tấm lòng của hết thảy mọi người, Chúa làm mềm lòng hoặc làm cứng lòng họ tùy vào ý định tối thượng của Ngài”.[2] Vậy, Đức Chúa Trời cai trị lòng của mọi người.

 2. Cai trị tạo vật. Môi-se dạy thêm rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tự hữu và Tự lập, Chúa tự do thi hành quyền tối thượng của Ngài:

Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng tự hữu hằng hữu ; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 3:14)

Chính danh xưng mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ với Môi-se – Ta là Đấng tự hữu hằng hữu – đã chứng tỏ sự tự hữu năng động và tích cực của Ngài. Chúa không phụ thuộc vào bất cứ ai hay bất cứ điều gì để tồn tại, nhưng tất cả mọi người và tất cả mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài. Qua sự mặc khải về chính Ngài như thế, Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ngài là Đấng đời đời, độc lập, tự trị, bất biến và tối thượng. Chúa không thay đổi về thân vị, kế hoạch, quyền phép, Ngài là tự hữu hằng hữu – không có khởi đầu, không có kết thúc, không biến hóa, không cải tiến, không suy giảm. Walter Kaiser viết rằng: “Nói như vậy . . . có nghĩa là ‘Ta thực sự tự có và sẽ hằng có cách năng động ở đây và ở trong hoàn cảnh mà ta sai ngươi đi’. Đây không phải là Đức Chúa Trời mới lạ đối với dân Y-sơ-ra-ên; mà chính là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã sai Môi-se. ‘Danh’ của Ngài là thân vị, đặc tánh, thẩm quyền, sức mạnh và tiếng tăm của Ngài. Thân vị của Chúa và danh Ngài được liên kết với nhau đến nổi cả hai thường được dùng để thay thế nhau”.[3] Trong những điều này, Đức Chúa Trời đã khẳng định quyền tối thượng của Ngài trên tất cả tạo vật. Chúa đang quả quyết rằng Ngài là Đấng Tạo hóa, Đấng giữ gìn và Đấng Tiếp trợ cho tất cả, Vua thần hựu, Chúa tể vũ trụ.

3. Cai trị thiên nhiên. Không những thế, Môi-se đã cho thấy Đức Chúa Trời là tối thượng ở trên thiên nhiên. Chúa ra lịnh cho chúng và chúng tuân lịnh Ngài, lúc nào cũng phục sự ý định cao cả của Ngài:

Vậy, Môi-se và A-rôn bèn làm y như lời Đức Giê-hô-va đã dặn mình. Trước mặt Pha-ra-ôn và quần thần, A-rôn giơ gậy lên, đập nước sông, hết thảy nước sông bèn hóa thành huyết. Cá dưới sông chết, nước sông hôi thối, người Ê-díp-tô không thể uống được; vậy, huyết lan khắp cả xứ Ê-díp-tô . . . Môi-se bèn giơ gậy mình lên trời, Đức Giê-hô-va làm cho sấm động, mưa đá sa, lửa chạy trên mặt đất. Vậy, Đức Giê-hô-va khiến mưa đá sa trên xứ Ê-díp-tô. Vả, có mưa đá sa xuống và lửa cháy rất mạnh pha lộn với, đến đỗi từ khi xứ Ê-díp-tô lập quốc đến giờ, chẳng có giống như vậy. Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi lên trời, hầu cho trên xứ Ê-díp-tô có sự tối tăm dày đến đỗi người ta rờ đụng đến được. Vậy, Môi-se giơ tay mình lên trời, bèn có sự tối tăm rất dày trong ba ngày tại xứ Ê-díp-tô.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 7:20-21; 9:23-24; 10:21-22)

Mỗi một tai vạ là một cách bày tỏ uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời ở trên các thần của người Ê-díp-tô, là những kẻ đáng lẽ phải kiểm soát được những hiện tượng này chứ! Môi-se là công cụ trong tay Đức Chúa Trời để bày tỏ quyền tối thượng của Ngài ở trên thời tiết và thiên nhiên, đặc biệt là trong tai vạ thứ nhất, thứ bảy và thứ chín. Những tai vạ này đã cho thấy Đức Chúa Trời cai trị sông Nin, mưa đá và mặt trời. Pink viết rằng: “Khi chứng kiến quyền cai trị tuyệt đối (và tối thượng) của Đức Chúa Trời đối với vật chất vô tri có liên quan đến các tai vạ xảy ra trên xứ Ê-díp-tô. Theo lịnh của Ngài, sự sáng trở nên tối tăm và sông nước biến thành máu; mưa đá sa xuống, sự chết chóc xuất hiện trên mảnh đất vô thần của sông Nin, cho đến nổi vị vua kiêu căng cũng phải cầu xin sự giải cứu. Hãy lưu ý đến cách biên sử được thần cảm nhấn mạnh sự cai trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời ở trên các hiện tượng này – ‘Môi-se bèn giơ gậy mình lên trời, Đức Giê-hô-va làm cho sấm động, mưa đá sa, lửa chạy trên mặt đất. Vậy, Đức Giê-hô-va khiến mưa đá sa trên xứ Ê-díp-tô’”.[4]

4. Cai trị thú vật. Môi-se cũng thuật lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời ở trên thế giới động vật. Chúng tồn tại trên đời để tuân theo lịnh của Ngài, giống như hết thảy tạo vật còn lại vậy:

Vậy, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho A-rôn rằng: Hãy cầm gậy giơ tay ra trên rạch, trên sông, và trên bàu, khiến ếch nhái tràn lên xứ Ê-díp-tô. A-rôn giơ tay mình trên các sông rạch xứ Ê-díp-tô, ếch nhái bò lên lan khắp xứ.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 8:5-6)

Trong tai vạ này và những tai vạ tiếp theo như ruồi, muỗi và ung nhọt, Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ quyền tối thượng tuyệt đối của Ngài ở trên các thần của người Ê-díp-tô bằng cách thi hành quyền cai trị tối thượng của Ngài ở trên các loài thọ tạo. Pink viết rằng: “Theo lời Chúa, sông nước sinh ra ếch nhái nhiều vô kể, những con ếch này vào cung điện của Pha-ra-ôn và các người hầu cậy của vua, trái ngược với bản năng tự nhiên, chúng nhảy lên giường, lò bếp cùng nơi nhào bột làm bánh (Xuất 8:3). Ruồi mòng xâm nhập xứ Ê-díp-tô . . . (Xuất 8:22). Tiếp theo, gia súc bị dịch lệ, chúng ta đọc thấy rằng: ‘the cattle were stricken, and we read: ‘Nầy, tay của Đức Giê-hô-va sẽ tra vào các súc vật của ngươi ngoài đồng, vào ngựa, lừa, lạc đà, bò, và chiên: sẽ có dịch lệ rất lớn’”.[5] Cho dù Pha-ra-ôn đã chống lại mạng lịnh của Đức Chúa Trời không cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, Chúa vẫn là Đấng cai trị tuyệt đối.

5. Cai trị thảo mộc. Môi-se tiếp tục thuật lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trên thảo mộc, cho thấy rằng Chúa có thể khiến chúng lớn lên để nuôi nấng loài người hoặc Ngài có thể cất đi:

Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra trên xứ Ê-díp-tô, đặng khiến cào cào tràn lên xứ đó, cắn xả rau cỏ và mọi vật chi trên đất mưa đá còn chừa lại. Vậy, Môi-se bèn giơ gậy mình ra trên xứ Ê-díp-tô, thì Đức Giê-hô-va dẫn ngọn gió đông thổi trên xứ suốt ngày và đêm đó; qua sáng mai gió đông đã dẫn cào cào đến. Cào cào tràn lên khắp cả xứ Ê-díp-tô, và sa xuống trong địa hạt xứ ấy nhiều vô số. Trước kia chẳng bao giờ có bằng số đó, sau nầy cũng chẳng hề sẽ có bằng như vậy.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 10:12-14)

Khi sai một đàn cào cào đến hủy hoại đồng áng của người Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời đã cho thấy Chúa có quyền hành trên thảo mộc tùy ý Ngài muốn. Nói về sự cai trị của Đức Chúa Trời đối với thực vật, Pink viết rằng: “Hãy xem thế giới thực vật. Tại sao hoa hồng có gai, hoa huệ không có gai? Tại sao hoa này có mùi thơm còn hoa kia không có? Tại sao trái của cây này không có độc còn trái của cây kia có độc? Tại sao rau này chịu được sương giá còn rau kia khô héo? Tại sao cây táo này ra trái tươi tối, còn cây khác cùng tuổi và trong cùng một vườn cây ăn quả lại cằn cỗi? Tại sao cây này nở hoa chục lần trong năm còn cây kia nở hoa mỗi thế kỷ một lần? Thật ra, ‘Điều nào đẹp ý Đức Giê-hô-va làm, Ngài bèn làm điều nấy, hoặc trên trời, dưới đất, trong biển, hay là trong các vực sâu’ (Thi thiên 135:6).”[6]

6. Cai trị loài người. Cuối cùng, Môi-se đã viết rằng Đức Chúa Trời thi hành quyền tối thượng vô song ở trên mọi khía cạnh đời sống của nhân loại. Chúa quyết định cả sự chết của loài người, như Ngài đã làm trong tai vạ thứ mười:

Vả, khi giữa đêm, Đức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật. Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 12:29-30)

Trong tai vạ cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã cho thấy Ngài cai trị tất cả mọi thứ xảy ra với nhân loại. Khi sai kẻ hủy diệt vào xứ Ê-díp-tô và giết chết con đầu lòng, Đức Chúa Trời đã cho thấy quyền tối thượng của Ngài ở trên sự sống và sự chết. Tức Ngài là Chúa cai trị sự ra đời và sự chết. Từng sinh mạng đều nằm trong tay Chúa, để làm theo ý Ngài muốn, thậm chí đến đời đời.

Sự sa đọa triệt để

Khi viết sách Xuất Ê-díp-tô-ký, Môi-se cũng đề cập đề tài sự sa đọa triệt để của loài người tội lỗi. Dường như không có trước giả Kinh Thánh nào hội tụ đủ điều kiện để viết về tấm lòng băng hoại của loài người bằng Môi-se. Rốt cuộc, ông đã chịu đựng bốn mươi năm trong đồng vắng cùng dân Y-sơ-ra-ên tội lỗi và đã chứng kiến một thế hệ ngã chết trong sự bội đạo mà không được vào Đất Hứa.

1. Lòng ăn năn. Khi đi theo con đường riêng của mình, người chưa được tái sinh sẽ luôn theo đuổi tội lỗi và làm cứng lòng mình. Khi loài người liên tục từ chối lẽ thật của Đức Chúa Trời, tấm lòng của họ càng trở nên cứng cỏi hơn vì sự lừa dối của tội lỗi:

Thế mà lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, chẳng nghe Môi-se và A-rôn, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Pha-ra-ôn đã rắn lòng, từ chối không để cho dân sự đi.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 7:13-14)

Mười lần trong câu chuyện về xứ Ê-díp-tô, Môi-se đã viết về sự cứng lòng của Pha-ra-ôn. Kaiser nói rằng: “Trong câu chuyện này có đến mười chỗ đề cập Đức Chúa Trời khiến Pha-ra-ôn “cứng lòng” (4:21; 7:3; 9:12; 10:1, 20, 27; 11:10; 14:4, 8, 17). Nhưng Kinh Thánh đã nói cách quả quyết rằng Pha-ra-ôn đã làm cứng lòng mình trong mười chỗ khác (7:13, 14, 22; 8:15, 19, 32; 9:7, 34, 35; 13:15). Vậy, sự cứng lòng là hành động của chính Pha-ra-ôn cũng như là công tác của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chính Pha-ra-ôn mới là kẻ tự làm cứng lòng mình khi thấy dấu lạ đầu tiên và trong năm tại vạ đầu tiên. Đến tai vạ thứ sáu, Kinh Thánh mới nói Đức Chúa Trời làm cứng lòng Pha-ra-ôn (9:12), y như lời Chúa đã phán cùng Môi-se ở xứ Mi-đi-an rằng Ngài sẽ làm việc này [4:21]”.[7] Vậy, trong khi Môi-se nói về quyền tối thượng của Đức Chúa Trời khi làm cứng lòng Pha-ra-ôn, ông cùng ghi lại trách nhiệm của riêng Pha-ra-ôn trong vấn đề này. Mấy câu Kinh Thánh trên cho thấy tội lỗi làm cứng lòng người chưa được tái sinh để họ đi theo ý riêng của mình.

2. Lòng thờ hình tượng. Tấm lòng của kẻ chưa được tái sinh chứa đầy hình tượng, ưa thích các thần mà họ tự làm ra hơn là Đức Chúa Trời chân thật có một không hai:

Dân sự thấy Môi-se ở trên núi chậm xuống, bèn nhóm lại chung quanh A-rôn mà nói rằng: Nào! hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi, vì về phần Môi-se này, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi. A-rôn đáp rằng: Hãy lột những vòng vàng đeo nơi tai vợ, con trai và con gái các ngươi đi, rồi đem lại cho ta. Hết thảy đều lột vòng vàng nơi tai mình mà đem lại cho A-rôn.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 32:1-3)

Dân Y-sơ-ra-ên bày tỏ mình là kẻ bội đạo khi từ chối không biết và không còn trung thành với Đức Chúa Trời nữa. Họ sẵn sàng đúc một con bê bằng vàng dưới chân núi Si-nai tức là phản bội Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên thật sùng đạo, nhưng hư mất. Loài người tội lỗi chưa được tái sinh luôn thất bại trong việc trung tính kính mến Đức Chúa Trời tối thượng. Thay vào đó, họ đem lòng ham mến các thần khác. Những kẻ đó chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật bằng môi miếng mà thôi, còn tấm lòng của họ không chịu tôn Chúa lên vị trí tối thượng vô song và trung thành với Ngài đến cùng.

Sự tuyển chọn tối thượng

Đức Chúa Trời chọn tội nhân đáng chết cho sự cứu rỗi là biểu hiện ý muốn tối thượng và ân điển vô điều kiện của Ngài. Đức Chúa Trời không cần phải cứu rỗi bất kỳ tội nhân nào cả. Ân điển cứu rỗi là vô điều kiện; không kẻ có tội nào xứng đáng nhận được như thế cả. Tất cả tội nhân đều đáng bị định tội. Vậy, loài người hư mất cần những điều mà họ chẳng xứng đáng nhận được vô cùng. Nhưng vì ân điển là sự ban cho, Đức Chúa Trời ban ân điển vô điều kiện cho kẻ nào tùy ý Ngài muốn mà không làm trái công lý của Ngài. Vì Chúa là Đấng tối thượng, nên Chúa chọn tội nhân nào mà Ngài muốn cứu rỗi:

Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 33:19b)

Trong câu Kinh Thánh này, Đức Chúa Trời không phán gì cả về công lý của Ngài. Chúa chỉ phán về sự thương xót của Ngài. Hai đặc tánh thiêng liêng – công lý và thương xót – thuộc về hai hạng mục hoàn toàn khác nhau. Sự tuyển chọn luôn phụ thuộc vào lòng thương xót tối thượng, không phải công lý. Sau khi ban ân điển cho một người nào đó, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài là Đấng yêu thương vô hạn khi Chúa chọn thương xót vài người. Khi hiểu được sự sâu sắc trong câu Kinh Thánh này, John MacArthur viết rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng tối thượng tuyệt đối và Ngài lựa chọn kẻ nào sẽ được cứu rỗi mà không làm trái lại những đặc tánh khác của Ngài. Chúa quyết định ai sẽ được thương xót”.[8] Thuật ngữ thần học “ơn” và “thương xót” lặp đi lặp lại trong câu Kinh Thánh này nhấn mạnh ý định tối thượng của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi. John Currid cho biết rằng: “Công thức này . . . cho thấy Đức Chúa Trời là tự trị, tự do ban phát ân điển và bày tỏ lòng thương xót của Ngài tùy ý Chúa muốn. Kinh Thánh nhấn mạnh giáo lý quyền tối thượng của Đức Chúa Trời”.[9] Vấn đề thật rõ ràng – Đức Chúa Trời tuyển chọn những kẻ được Ngài cứu rỗi bằng lòng thương xót tối thượng.

Sự chuộc tội giới hạn

Để bảo đảm sự cứu rỗi của những kẻ Ngài đã chọn, Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ, đến thế gian để chết thay cho tội lỗi của họ. Sự chịu chết thay cho dân sự của Đức Chúa Trời được minh họa thật đẹp qua sự chết của Chiên Con Lễ vượt qua. Một khi chiên con vô tội bị giết, thì huyết của nó được bôi trên nhà của dân sự Đức Chúa Trời. Chiên con được dâng lên không phải vì Pha-ra-ôn và con trai đầu lòng của vua. Cũng không bị giết vì người Ê-díp-tô. Càng không phải vì bất kỳ dân sự nào ở xung quanh. Chiên Con Lễ vượt qua là của lễ đặc biệt được dâng lên vì tuyển dân của Đức Chúa Trời. Sự chết chuộc tội này là minh họa thật đẹp cho sự cứu chuộc mà Đức Chúa Jêsus Christ đã làm cho chính dân sự của Ngài, tức những kẻ được chọn (Giăng 1:29; 1 Cô-rinh-tô 5:7; Hê-bơ-rơ 9:22; 1 Phi-e-rơ 1:19).

1. Chiên con chịu chết. Khi thời điểm giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi làm nô lệ của người Ê-díp-tô đến gần, Đức Chúa Trời đã lịnh cho họ bắt những con chiên đem vào trong nhà. Đó những con chiên sẽ bị giết và huyết của chúng được bôi trên nhà của dân sự, một hình ảnh về sự chuộc tội giới hạn của Đức Chúa Jêsus Christ, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, vì dân sự của Ngài:

Hãy nói cho toàn hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày mồng mười tháng nầy, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải bắt một con chiên con. Nếu nhà ít người quá ăn không hết một chiên con, hãy chung cùng người rất lân cận mình, tùy theo số người; và hãy tính cho mỗi chiên con tùy sức người ăn hết. Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, chiên con đực hay là dê con đực, tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi, 6 đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. Họ sẽ lấy huyết đem bôi trên hai cây cột và mày cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 12:3-7)

Trong lúc chiên con ở trong nhà, dân sự gắn bó hơn với nó. Nhưng đến thời điểm đã định, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giết chiên con. Sau đó, họ bôi huyết trên nhà của họ. Ý niệm về sự chết thay được dạy dỗ cách sinh động bằng một của lễ vô tội sẽ chịu chết để dân sự của Đức Chúa Trời thoát khỏi sự trừng phạt. Tất nhiên, Chúa Jêsus là Chiên Con Lễ vượt qua, Chúa sẽ chết thay cho dân sự của Ngài. Bởi đức tin, huyết của Ngài được bôi trên những kẻ được Đức Chúa Trời tuyển chọn.

2. Sự chết cứu rỗi. Khi Đức Chúa Trời giải thích cho Môi-se, kẻ hủy diệt sẽ đi vào xứ Ê-díp-tô để đánh giết con đầu lòng của người Ê-díp-tô. Nhưng hễ khi nào kẻ hủy diệt thấy máu bôi trên nhà nào, thì họ sẽ đi qua nhà đó – lại là một hình ảnh về Đấng Christ chịu chết thay cho người tin Chúa:

Huyết bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu; khi ta hành hại xứ Ê-díp-tô, thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 12:13)

Không thể nhầm lẫn được nữa – huyết chiên con của dân Y-sơ-ra-ên là hình bóng về Chúa Jêsus là Chiên Con Lễ vượt qua. Huyết đổ ra vì những kẻ được chọn của Đức Chúa Trời – “các ngươi” – không phải người Ê-díp-tô. Mấy chữ vượt qua có nghĩa là “đi qua”. Trong đêm xảy ra tai vạ cuối cùng, Chúa “đã đi qua” hoặc “vượt qua” những kẻ ở trong nhà đã bôi huyết của Chiên Con Lễ vượt qua. Trong xứ Ê-díp-tô không hề có huyết đổ ra vì những kẻ đã chọn ở lại trong sự vô tín, chỉ những kẻ tin mà thôi. Cũng vậy, huyết của Đấng Christ đổ ra chỉ cho người tin Chúa, không phải cho những kẻ vô tín. MacArthur viết rằng: “Trong Tân Ước, Chúa Jêsus cũng dự Lễ vượt qua cùng các môn đồ của Ngài (Ma-thi-ơ 26:2, 18). Đấng Christ đã trở thành Chiên Con Lễ vượt qua khi Chúa hy sinh thân mình vì tội lỗi”.[10] Chúa Jêsus đã chết thay cho tội lỗi của dân sự Ngài, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vượt qua những kẻ đã có huyết của Ngài bôi trong lòng họ bởi đức tin nơi Ngài (Rô-ma 5:9).

Sự kêu gọi không thể cưỡng lại

Đấng Christ, là Chiên Con Lễ vượt qua, chịu chết cho tất cả kẻ nào được Đức Chúa Trời kéo đến cùng Ngài. Không có kẻ nào được kéo đến nếu không có sự chuộc tội. Cũng không có sự chịu chết của Đấng Christ nếu không có kẻ nào được kéo đến cách thiêng liêng. Sự triệu tập thiêng liêng để được cứu bằng đức tin này là không thể cưỡng lại, tức là có một kế quả chắc chắn được đảm bảo. Lời kêu gọi hiệu quả này đã được minh họa vào đêm diễn ra Lễ vượt qua. Tất cả kẻ nào được che chở bằng huyết đều được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi xứ Ê-díp-tô:

Ấy là một đêm người ta phải giữ cho Đức Giê-hô-va, vì Ngài rút dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ê-díp-tô. Trải các đời, cả dân Y-sơ-ra-ên phải giữ đêm đó, để tôn trọng Đức Giê-hô-va.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 12:42a, 51)

Chúa chắc chắn đã không kêu gọi người Ê-díp-tô cứng lòng ra khỏi xứ của họ. Nếu Chúa làm vậy, thì họ sẽ đáp lại bằng đức tin và đi theo Ngài. Chúa cũng không kêu gọi các dân tộc xung quanh. Thay vì thế, Đức Chúa Trời đã kêu gọi dân sự của Ngài cách mạnh mẽ để dẫn họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Khi Chúa phát động lời kêu gọi, thì những kẻ được Ngài tuyển chọn liền đáp lại. Họ bước ra bằng đức tin và đi theo Đức Chúa Trời. Đây là một hình ảnh thật đẹp về tiếng gọi hiệu quả của Thánh Linh Đức Chúa Trời, triệu tập tuyển dân của Ngài ra khỏi thế gian để đi theo Đấng Christ. Đấng Christ, là Chiên Con Lễ vượt qua, đã chết thay cho kẻ nào từ bỏ thế gian xấu xa khi Thánh Linh mời gọi. Ân điển của Đức Chúa Trời ban cho những kẻ được Chúa tuyển chọn là không thể cưỡng lại.

Ân điển giữ gìn

Kẻ nào được Đức Chúa Trời tối thượng kêu gọi đã được dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô và được gìn giữ suốt đoạn đường ở Biển Đỏ. Không một người nào trong dân sự của Đức Chúa Trời bị chết chìm khi họ vượt qua các dòng nước đã rẽ ra – một hình ảnh về ân điển giữ gìn:

Môi-se đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi; vì người Ê-díp-tô mà các ngươi ngó thấy ngày nay, thì chẳng bao giờ ngó thấy nữa. Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng. Vả, Môi-se giơ tay ra trên biển, Đức Giê-hô-va dẫn trận gió đông thổi mạnh đến đùa biển lại trọn cả đêm; Ngài làm cho biển bày ra khô, nước phân rẽ. Dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, đi như trên đất cạn; còn nước làm thành một tấm vách ngăn bên hữu và bên tả . . . Trong ngày đó, Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi tay người Ê-díp-tô; dân ấy thấy người Ê-díp-tô chết trên bãi biển.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 14:13-30)

Khi dân Y-sơ-ra-ên tiến ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Chúa đã đi trước họ trong sự vinh hiển shekinah của Ngài, trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm. Sự hiện diện và quyền phép của Đức Chúa Trời đã bảo vệ dân sự của Ngài khỏi kẻ thù của họ và dắt họ vượt qua mọi hiểm ngụy. Khi Đức Chúa Trời đem họ đến Biển Đỏ, không người nào trong số họ bị hư mất khi Ngài rẽ nước biển ra và dẫn họ qua bờ bên kia. Sự giải cứu kỳ diệu này đã minh họa cách sinh động ân điển giữ gìn của Đức Chúa Trời để bảo vệ những kẻ được Ngài tuyển chọn. Chính Đức Chúa Trời dẫn dắt họ vượt qua hiểm họa của thế gian đến nơi vinh hiển. Không người nào đã được Chúa chọn sẽ hư mất bao giờ.

Sự định tội

Nếu Đức Chúa Trời đã chọn một số người để được cứu, thì sự thật phũ phàng đó là những người khác không được chọn. Đức Chúa Trời đã vượt qua nhiều người và bỏ mặc họ chịu khổ trong tội lỗi mà không thiên vị. Đây là giáo lý định tội, tức Đức Chúa Trời có quyền thi hành sự phán xét trên kẻ không được chọn vì tội lỗi của họ. Giáo lý này thật khó truyền dạy, nhưng là sứ điệp rõ ràng trong Kinh Thánh. Một thí dụ trong Kinh Thánh được tìm thấy ngay tại chỗ này trong Xuất Ê-díp-tô-ký, Đức Chúa Trời đã thi hành công lý tối thượng ở trên Pha-ra-ôn bằng cách làm cứng lòng tội lỗi của ông. Đức Chúa Trời đã chọn bày tỏ uy quyền tối thượng của Ngài ở trên Pha-ra-ôn bằng cách dấy ông lên để làm cứng lòng ông. Hành động trừng phạt này là hoàn toàn hợp lý, để bày tỏ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong việc lèo lái kẻ mạnh nhất trên đất:

Đức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, không nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng Môi-se. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đi đến Pha-ra-ôn, vì ta đã làm rắn lòng người và lòng quần thần. Nhưng Đức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng; người chẳng tha dân Y-sơ-ra-ên đi.
(Xuất Ê-díp-tô-ký 9:12; 10:1a, 20)

Như Kaiser đã nói ở trên, chúng ta đọc thấy có đến mười lần Đức Chúa Trời thi hành quyền phép tối thượng của Ngài để làm cứng lòng Pha-ra-ôn (4:21; 7:3; 9:12; 10:1, 20, 27; 11:10; 14:4, 8, 17). Hành động trừng phạt này được thi hành mà không làm giảm trách nhiệm cá nhân của Pha-ra-ôn, vì Kinh Thánh cũng nói rằng ông đã tự làm cứng lòng mình. Tuy nhiên, sự thật vẫn là Đức Chúa Trời đã làm cứng lòng Pha-ra-ôn như để phán xét tội lỗi của ông, để cho thấy Chúa vẫn là Đấng tối thượng ở trên mọi sự, ngay cả tấm lòng loài người.

Chúng ta kết luận gì từ sự cứng lòng của Pha-ra-ôn? Pink đưa ra năm chân lý thiết yếu được rút ra từ mấy câu Kinh Thánh này: “Thứ nhất, chúng ta biết từ Xuất Ê-díp-tô-ký 1415 rằng Pha-ra-ôn đã bị “giới hạn”, ông bị Đức Chúa Trời giới hạn, ông bị giới hạn trong sự gian ác của mình, ông bị giới hạn không phải bởi bệnh tật hay sự yếu đuối của tuổi già, cũng không phải bởi lý do tai nạn mà loài người đặt ra, mà ông bị giới hạn bởi chính bàn tay của Đức Chúa Trời trong sự phán xét. Thứ hai, Đức Chúa Trời rõ ràng đã dấy Pha-ra-ôn lên vì điều này – để  ‘giới hạn’ ông. Chúa không bao giờ làm việc gì mà không có kế hoạch. Đức Chúa Trời đã có mục đích khi cho phép ông có mặt trên đời, gìn giữ ông suốt thời thơ ấu, dấy ông lên làm vua của Ê-díp-tô. Thứ ba, sau khi tra xét kỹ cách Đức Chúa Trời đối xử với Pha-ra-ôn, điều rõ ràng đó là vua xứ Ê-díp-tô thực sự là một ‘bình đáng giận sẵn cho sự hư mất’. Ông được ngồi trên ngai vàng của xứ Ê-díp-tô, cầm dây cương của chính phủ trong tay, ông là người đứng đầu của một nước có vị thế thượng đẳng trong cả thiên hạ. Không có vua chúa nào trên đất có thể kiểm soát hoặc ra lịnh cho Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã dấy kẻ có tội này lên một độ cao chóng mặt, đó là một quá trình tự nhiên và cần thiết để chuẩn bị ông cho số phận sau cùng của mình, vì chân lý thiên thượng nói rằng: ‘sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh sự cao đi trước sự sa ngã’ . . . Thứ tư, Đức Chúa Trời ‘đã làm cứng lòng’ của ông như Chúa đã phán (Xuất 4:21). Giống như các vua khác, lòng của Pha-ra-ôn nằm trong tay của Đức Giê-hô-va; còn Đức Chúa Trời vừa có quyền vừa có sức mạnh để làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn. Chúa đã vui lòng khiến lòng của vua nghịch lại tất cả điều lành . . . Cuối cùng, thật đáng để xem xét cẩn thận Đức Chúa Trời bênh vực cho cách Chúa đối xử với Pha-ra-ôn như thế nào. Một lần nữa; chúng ta có lời chứng của Môi-se, là người đã quen thuộc với hành vi của Đức Chúa Trời đối cùng Pha-ra-ôn. Ông đã nghe về ý định của Đức Chúa Trời đối với Pha-ra-ôn từ ban đầu; ông đã chứng kiến cách Đức Chúa Trời đối xử với nhà vua; ông đã thấy ‘sự kiên nhẫn’ của Ngài đối với bình đáng giận sẵn cho sự hư mất; cuối cùng là ông đã nhìn thấy nhà vua bị sự phán xét của Đức Chúa Trời giới hạn tại Biển Đỏ. Môi-se đã có ấn tượng như thế nào? Ông có cất tiếng kêu bất công không? Ông có dám buộc tội Đức Chúa Trời là Đấng không công bình chăng? Không hề. Thay vào đó, ông nói rằng: ‘Hỡi Đức Giê-hô-va! trong vòng các thần, ai giống như Ngài? Trong sự thánh khiết, ai được vinh hiển như Ngài, đáng sợ, đáng khen, hay làm các phép lạ?’ (Xuất 15:11).”[11]


Chú thích:

[1] Loraine Boettner, Giáo lý Tiền định Cải Chánh (Phillipsburg, N.J.: Presbyterian & Reformed, 1932), trang 30.
[2] Pink, The Sovereignty of God, 147.
[3] Walter C. Kaiser, Jr., Exodus, in The Expositor’s Bible Commentary, vol. 2, ed. Frank E. Gaebelein (Grand Rapids: Zondervan, 1990), 321.
[4] Pink, Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, trang 45–46.
[5] Pink, Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, trang 49.
[6] Pink, Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, trang 37–38.
[7] Kaiser, Xuất Ê-díp-tô-ký, trang 331.
[8] MacArthur, Chú giải Kinh Thánh MacArthur, trang 1537.
[9] John Currid, Xuất Ê-díp-tô-ký: Quyển 2, Chương 19–40, Một Chú giải Nghiên cứu EP (Darlington, England: Evangelical Press, 2001), trang 305.
[10] MacArthur, The MacArthur Bible Commentary, 102.
[11] Pink, Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, trang 197–110.

Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Chia sẻ với mọi người . . .