07 Th7, 2021

Xin khiến con làm đủ các việc lành

Xin khiến con là nguồn lực của việc lành
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Nếu bạn đi theo Chúa Jêsus, thì Đức Chúa Trời muốn bạn làm đủ các việc lành trong thế giới nầy. Ngài muốn bạn không chỉ vui sướng ở trong việc lành mà Chúa Jêsus đã làm cho bạn, mà Ngài còn muốn bạn làm đủ các việc lành ở trong mọi khía cạnh của đời sống nữa.

Để nói rõ hơn thì không ai được cứu vì làm việc lành. Lời kêu gọi hãy làm đủ các việc lành không phải là phúc âm tôn cao việc làm và cái tôi để được công bình ở trước mặt Đức Chúa Trời. Ngược lại, làm đủ các việc lành là kết quả đã được Đức Chúa Trời định sẵn cho người nào biết rằng bản thân mình không phải là tốt lành, mà Đức Chúa Trời đã đối xử tốt lành với chúng ta thông qua sự sống, sự chết và sự sống lại, của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, trong giây phút chúng ta bắt đầu cho rằng: khi đặt niềm tin vào công tác cứu rỗi mà Chúa Jêsus đã làm để thay thế hoặc giảm bớt những việc lành mà chính Ngài đã kêu gọi chúng ta làm theo, thì chúng ta vẫn chưa hiểu hết tấm lòng và ý muốn của Ngài dành cho tội nhân. Kinh Thánh cũng không nói như vậy bao giờ.

Hiệu quả và kết quả

Tít 3:4-5 nói rất rõ là: “Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài”. Sau đó, sứ đồ Phao-lô viết tiếp rằng: “ta muốn con nói quyết sự đó, hầu cho những kẻ đã tin Đức Chúa Trời lo chăm chỉ làm việc lành” (Tít 3:8). Công tác cứu chuộc mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta không hề thay thế hoặc giảm bớt những việc lành mà Ngài đã định sẵn cho chúng ta làm theo đâu (Ê-phê-sô 2:10); mà điều đó còn truyền cảm hứng và khai phóng nhiều việc lành nữa. Người nào tiếp nhận sự cứu rỗi sẽ phản chiếu sự cứu rỗi. Người được phước trở thành nguồn phước cho người khác. Khi Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta, Ngài muốn chúng ta trở thành nguồn phước cho cả thế giới — hoặc là chúng ta có thể nói là: hãy làm đủ các việc lành.

“Khi Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta, Ngài muốn chúng ta trở thành nguồn phước cho cả thế giới”

Cũng vậy, sứ đồ Phi-e-rơ nói trong thư tín thứ hai của mình rằng: “gởi cho những kẻ cậy sự công bình của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ, đã lãnh phần đức tin đồng quí báu” (2 Phi-e-rơ 1:1). Lưu ý là ông còn nói với những tín hữu ấy “phải gắng hết sức” thêm cho mình những phẩm chất giống như Đấng Christ như là: sự nhân đức, sự học thức, sự tiết độ, sự nhịn nhục, sự tin kính, tình yêu thương và lòng yêu mến (2 Phi-e-rơ 1:5-7). Câu 8 nói rằng: Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu”. Nếu nói tích cực hơn thì sứ đồ Phi-e-rơ đang kêu gọi hết thảy người tin Chúa phải sống hiệu quả và kết quả ở trong sự nhận biết Cứu Chúa và Chủ của chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ — hoặc là chúng ta có thể nói là: hãy làm đủ các việc lành.

Lời cảnh báo cho sự làm biếng

Thế còn người nào tự xưng mình là Cơ Đốc nhân mà không thêm cho mình những phẩm chất giống như Đấng Christ và rốt cuộc không làm đủ các việc lành thì sao?

Nếu chúng ta thành thật, thì vài người trong chúng ta có thể khích lệ người tin Chúa đó là: “Hãy vững lòng – phải nhớ là Chúa Jêsus đã tha thứ tội lỗi của mình rồi”. Trước hết thì khuyên như vậy có vẻ khôn ngoan và nhân từ, nhưng đem so sánh với những điều Phi-e-rơ nói về sự thiếu hiệu quả và không kết quả thì “ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước” (2 Phi-e-rơ 1:9). Trong khi chúng ta vội vàng khích lệ người nào không làm việc lành, thì sứ đồ Phi-e-rơ lại cảnh báo và khuyên răn những người đó là: Anh em sống như vậy tức là đang nói rằng mình đã quên mất đã được tha thứ rồi

Trong tin lành có sự tha thứ và ân điển không phải để bào chữa cho sự làm biếng. Phúc âm tạo ra kết quả ngược lại. Công tác cứu rỗi của Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta, và Thánh Linh của Ngài ở trong chúng ta nữa, chính là để giúp chúng ta tăng trưởng và làm việc lành. Chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành trong thế giới nầy.

Mọi sự trong mọi lúc

Làm đủ các việc lành không chỉ là những hành động tử tế bất chợt và tùy hứng. Trái lại, “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành”(2 Cô-rinh-tô 9:8). Chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành trong mọi khía cạnh đời sống cho đến suốt cuộc đời.

Môi miệng của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, để lời nói ra sẽ gây dựng người khác và bày tỏ ân điển cho người nghe (Ê-phê-sô 4:29). Đôi mắt của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, không chỉ để tìm lợi ích riêng của mình, mà còn chủ động tìm kiếm ích lợi cho người khác nữa (Phi-líp 2:4). Đôi chân của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, để đem tin lành của Chúa Jêsus cho người nào chưa nghe biết về Ngài (Ê-sai 52:7; Rô-ma 10:15). Đôi tai của chúng ta được định sẵn để làm mọi việc lành, để mỗi sáng lắng nghe Lời Chúa (Ê-sai 50:4). Đôi tay của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, để làm việc một cách thành thật đặng giúp đỡ người nào bị thiếu thốn (Ê-phê-sô 4:28). Tấm lòng của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, để biến đổi mình biết sống tử tế, tốt bụng và tha thứ cho người khác (Ê-phê-sô 4:32). Tâm trí của chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành, để suy nghĩ và suy xét làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích người khác biết yêu thương và làm việc lành (Hê-bơ-rơ 10:24). Từ câu nầy đến câu khác đều cho thấy một góc nhìn rõ ràng và rất thuyết phục để Cơ Đốc nhân làm đủ các việc lành trong thế giới mà Đức Chúa Trời đã sai chúng ta đi.

“Chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành trong từng khía cạnh đời sống cho đến suốt cuộc đời”

Kinh Thánh được định sẵn để trang bị cho chúng ta “để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16-17). Các ân tứ thuộc linh được ban cho để “ai nấy đều được sự ích chung” (1 Cô-rinh-tô 12:7). Chúng ta được kêu gọi để trừ bỏ tội lỗi và “lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21). Sự giàu có là “làm nhiều việc phước đức” (1 Ti-mô-thê 6:18). Chúng ta được kêu gọi để “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:9-10). Đức Chúa Trời làm gì trước khi sáng thế? Ngài có một kế hoạch để Chúa Jêsus làm việc lành mà chúng ta không làm được (Công-vụ 2:23) và nhờ Thánh Linh mà chúng ta làm được những việc lành trong khả năng của mình (Ê-phê-sô 2:10).

Chỉ cần không làm điều ác

Khi chúng ta trở thành Cơ Đốc nhân, Thánh Linh của Đức Chúa Trời cáo trách chúng ta rất nhiều điều mà chúng ta “làm sai” — trong lời nói, nhìn nhận, suy nghĩ, hành động, đời sống. Đáng tiếc thay, rất nhiều người tin Chúa đáp lại điều nầy bằng cách hạn chế phạm tội. Kết quả là họ có vẻ thành công trong đời sống Cơ Đốc bằng khả năng không làm việc ác. Họ sống ổn định trong sự trung lập — tức là không bị khống chế bởi tội lỗi, mà chỉ né tránh làm điều ác, bằng lòng với cuộc sống không làm gì cả.

Bằng sự khôn ngoan, vua Sa-lô-môn đã tuyên bố rằng: “Kẻ thả trôi trong công việc mình, cũng là anh em của kẻ phá hại” (Châm ngôn 18:9). Người đầy tớ không dùng một ta-lâng của mình đã bị quở trách là “gian ác và lười biếng” (Ma-thi-ơ 25:26). Sứ đồ Gia-cơ nói rằng biết điều tốt mà không làm là tội lỗi (Gia-cơ 4:17). Nói cách khác, không làm gì cả và làm điều ác là anh em một nhà.

Trong khi tôi chỉ biết vài người tự xưng là Cơ Đốc nhân đang sống để làm điều ác, thì tôi lại biết có rất nhiều người tin Chúa định nghĩa thành công bằng cách né tránh làm điều ác. Thưa anh chị em, chúng ta được ở trong Đấng Christ không phải để né tránh tội lỗi thôi đâu.

Một lực lượng làm việc làm

Khi tôi nghĩ tới một tấm gương ở trong Kinh Thánh đã có đức tin nơi Chúa Jêsus được bày tỏ qua việc lành, thì tôi nghĩ tới người thầy đội ở trong Lu-ca 7:1-10.

Người thầy đội có một đầy tớ sắp chết, ông tin Chúa Jêsus có thể giúp đỡ. Các trưởng lão trong dân Giu-đa đến gặp Chúa Jêsus để xin rằng: “Thầy đội thật đáng cho thầy nhậm điều nầy, vì người yêu dân ta, và đã cất nhà hội cho chúng tôi” (Lu-ca 7:4-5). Người nầy rõ ràng là đang làm đủ các việc lành, còn dân chúng thì ngợi khen người vì những việc làm đó. Cũng vậy, thế giới sẽ trầm trồ trước những việc lành của chúng ta (Ma-thi-ơ 5:16), còn chúng ta phải sống làm sao cho họ thấy có rất nhiều lý do để làm như vậy.

Chúa Jêsus đồng ý đến gặp người đầy tớ, khi họ gần tới nhà, thì thầy đội sai bạn hữu mình đến nói rằng: “Lạy Chúa, xin đừng tự phiền đến thế, vì tôi không đáng rước Chúa vào nhà tôi. Tôi cũng nghĩ mình không đáng đến cùng Chúa; song xin phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành” (Lu-ca 7:6-7). Khi Chúa Jêsus nghe bấy nhiêu lời, thì “lấy làm lạ cho thầy đội, bèn xây lại cùng đoàn dân theo mình, mà phán rằng: Ta nói cùng các ngươi, dầu trong dân Y-sơ-ra-ên, ta cũng chưa thấy một đức tin lớn dường ấy” (Lu-ca 7:9). Chúa Jêsus đã lấy làm lạ về đức tin của người thầy đội khi ông biết Ngài có thể làm được như vậy.

Qua một người khiêm nhường và trung tín đó, chúng ta thấy được viễn cảnh tươi đẹp khi trở thành người làm đủ các việc lành ở trong thế giới nầy. Đức tin của ông đã cho phép ông làm việc lành, đến nỗi khiến rất nhiều người đang hư mất phải chú ý, mà Đức Chúa Trời cũng kêu gọi chúng ta làm như vậy — những việc lành được đâm rễ và thêm lên bởi đức tin ở trong công tác chỉ có Chúa Jêsus mới làm được cho chúng ta.

Vậy, nếu chúng ta ở trong Đấng Christ, thì chúng ta được định sẵn để làm đủ các việc lành trong mọi khía cạnh đời sống cho đến suốt đời. Khải tượng nầy không hề đối lập với sự tha thứ mà chúng ta nhận được ở trong Chúa Jêsus; mà còn để hưởng trọn ân điển của Ngài ở trong và qua chúng ta nữa.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.