Ai cũng đối diện với nghịch cảnh và phải tìm cách vượt qua những giai đoạn khắc nghiệt trong đời. Ai cũng phải thức dậy và thực hiện những thói quen như chuẩn bị đồ ăn sáng, rửa chén, đi làm, thanh toán hóa đơn và dạy dỗ con cái. Nói chung, chúng ta phải tiếp tục sống trong khi tấm lòng đang tan vỡ.
Spurgeon biết đủ loại kẻ thù mà hầu hết người truyền đạo phải chịu đựng — và còn hơn thế nữa.
Nhưng đối với các mục sư thì khác — không phải khác hoàn toàn, nhưng khác lắm. Tấm lòng là công cụ tại nơi làm việc của chúng ta. Charles Spurgeon từng nói rằng: “Chúng ta không chỉ làm việc bằng trí óc — mà làm việc bằng tấm lòng, nỗ lực từ trong linh hồn của mình” (Những bài học dành cho sinh viên của tôi, trang 156). Vì thế, khi tấm lòng mục sư bị tan vỡ, người đó phải lao động bằng một công cụ tan vỡ. Vậy thì câu hỏi không chỉ là làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục sống trong khi hôn nhân có sự trống rỗng hoặc không có tài chính hoặc băng ghế nhà thờ trống không và bạn bè lìa bỏ mình, nhưng làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục giảng luận đây?
Tôi cảm tạ Chúa vì những câu chuyện chữa lành trong lịch sử đầy dẫy quyền phép của Đức Chúa Trời ở trên đời sống các thánh đồ của Ngài, cụ thể là trong đời sống và chức vụ của Charles Spurgeon, trong suốt 38 năm tại Hội thánh ở trên đường New Park và Metropolitan Tabernacle ở Luân Đôn, ông là tấm gương trong việc giảng luận trước nghịch cảnh. Đối với người nào có mắt mà xem, thì những bài học nầy không chỉ dành cho mục sư, mà còn cho hết thảy chúng ta nữa.
Người truyền đạo không mệt mỏi
Spurgeon được kêu gọi trở thành mục sư của Hội thánh Congregational tại Waterbeach khi mới 17 tuổi. Chỉ hai năm sau đó, ông đã trở thành ứng cử viên cho vị trí chủ tọa tại Hội thánh trên đường New Park, ở Luân Đôn. Ông đã bắt đầu chức vụ của mình tại đó đúng một năm sau (1854). Hội thánh đã đổi tên thành Metropolitan Tabernacle khi ngôi nhà thờ mới được dựng nên. Spurgeon đã trở thành mục sư của hội chúng nầy trong vòn 38 năm cho đến khi qua đời vào năm 1892.
Giảng luận là một phần nổi tiếng và có sự hiệu quả nhất trong đời sống của Spurgeon. Ông đã truyền đạo hơn sáu trăm lần trước khi được hai mươi tuổi. Sau khi ngôi nhà thờ mới được khánh thành, sáu ngàn người đã lắng nghe ông rao giảng vào ngày Chúa Nhật. Ông đã từng giảng cho một hội chúng khoảng 23,654 người ở trong nhà — không có hệ thống điện khuếch đại. Những bài giảng của ông có thể bán được hai mươi lăm ngàn bài mỗi tuần và được dịch sang hai mươi ngôn ngữ.
Khi ông đến Hội thánh trên đường New Park, có khoảng 232 tín hữu. Ba mươi tám năm sau đó, nơi đây đã có khoảng 5,311 tín hữu, với tổng số người được thêm vào là 14,460 (trung bình có khoảng 380 tín hữu mới mỗi năm). Tất cả những điều nầy đã xảy ra ngay cả khi ông không nhận được một nền giáo dục thần học chân chính nào cả. Ông đã tự học và đọc ngấu nghiến — khoảng sáu quyển sách mỗi tuần, bằng một trí nhớ siêu phàm. Đến lúc qua đời, thư viện của ông có khoảng mười hai ngàn tuyển tập. Để duy trì tinh thần giảng luận trong các Hội thánh và nhiều giai đoạn sau nầy, ông đã thành lập Trường Cao đẳng Mục vụ, là nơi đã đào tạo gần chín trăm nhà truyền đạo trong suốt cuộc đời của ông.
Thêm vào sáu quyển sách mà ông đọc mỗi tuần, Spurgeon đã xuất bản hơn 140 tựa sách do mình viết ra — như Kho báu của Đa-vít, mất khoảng hai mươi năm mới xong, và Ngày và Đêm và Cuộc trò chuyện của John Ploughman.
Nhưng Chúa hằng hữu không để cho bạn bè và đầy tớ của ông sống mà không trải qua “nhiều nỗi khó khăn” như sứ đồ Phao-lô đã nói trước cho hết thảy người nào muốn vào nước Đức Chúa Trời (Công-vụ 14:22). Cuộc đời của ông rất khó khăn và ngắn ngủi theo thước đo mà bạn của ông là George Muller đã đưa ra. Ông đã đứng trước hội chúng của mình lần cuối cùng vào ngày 7 tháng 6 năm 1891, rồi qua đời vào ngày 31 tháng 1 vì căn bệnh thấp khớp, bệnh gút và bệnh Bright vô cùng phức tạp và đau đớn. Ông hưởng thọ được 57 tuổi.
Sự chịu khổ của Spurgeon
Spurgeon vốn biết rõ đủ loại kẻ thù mà hầu hết người truyền đạo nào cũng phải chịu đựng — và còn hơn thế nữa.
Spurgeon biết rằng mỗi ngày sẽ có thêm sự thất vọng và chán chường cứ lớn lên như cây nhà lá vườn từ những tín hữu hâm hẩm trong Hội thánh. Ông cảm biết được những tai họa bất thường sẽ giáng xuống vào một ngày nào đó trong đời. Ông đã quen với sự đau đớn ở trong gia đình. Ông đã đối diện với đau khổ về thuộc thể. Ông phải chịu đựng sự chế nhạo và vu khống cả đời, ngay cả những lời lẽ đầy ác ý nữa. Cuối cùng, Spurgeon cũng phải đối diện với cuộc chiến trầm cảm thường tái diễn.
Ai cũng đối diện với nghịch cảnh và phải tìm cách vượt qua những giai đoạn khắc nghiệt trong đời.
Nghịch cảnh cuối cùng nầy là kết quả từ những điều khác. Thật không dễ tưởng tượng một Spurgeon đa năng, có tài hùng biện, giỏi giang, đầy năng lượng như ông lại khóc như một đứa trẻ mà không rõ lý do vì sao. Vào năm 1858, lúc 24 tuổi, chuyện nầy xảy ra lần đầu tiên. Ông nói rằng: “Tinh thần của tôi bị tuột dốc đến nỗi tôi có thể khóc hàng giờ như một đứa trẻ, nhưng tôi chẳng biết lý do vì sao mình khóc” (Nỗi đau đớn và khổ sở của Charles Spurgeon, trang 24). Ông nói thêm rằng:
Sự trầm cảm không rõ lý do không thể nào lý giải, ngay cả cây đàn hạc của Đa-vít cũng không làm tan biến được. Sự tuyệt vọng không rõ hình dạng, không thể xác định, lại vô cùng khó hiểu nầy giống như đang chiến đấu với sương mù vậy . . . Cái chốt cửa bằng sắt buộc chặt vào cánh cửa hy vọng một cách khó hiểu và cầm giữ tâm linh của chúng ta trong nhà tù u uất, cần phải có một bàn tay thiên thượng đẩy lùi cánh cửa ấy. (Những bài học cho sinh viên của tôi, 163)
Ông đã nhìn thấy sự trầm cảm là “đặc điểm tệ hại” của mình. Ông nói rằng: “Sự nản lòng không phải là tính tốt; tôi tin rằng đó là thói xấu. Tôi vô cùng hổ thẹn vì đã rơi vào tình trạng đó, nhưng tôi chắc rằng chẳng có phương thuốc nào chữa khỏi căn bệnh nầy ngoài đức tin nơi Đức Chúa Trời” (Nỗi đau đớn và khổ sở của Charles Spurgeon, trang 24).
Bên cạnh những khổ sở và sự bắt bớ, Spurgeon đã chịu đựng tới cùng, ông còn truyền đạo cách mạnh mẽ cho đến bài giảng cuối cùng tại nhà thờ Tabernacle vào ngày 7 tháng 6 năm 1891. Câu hỏi mà tôi đặt ra khi đọc về cuộc đời và sự nghiệp của người đàn ông nầy là: ông đã chịu khổ và truyền đạo trong nghịch cảnh như thế nào?
Truyền đạo trong nghịch cảnh
Có đến vô số chiến lược của ân điển trong đời sống của Charles Spurgeon. Những điều tôi đã chọn ra để đề cập vẫn còn bị giới hạn ở đâu đó, nhưng phạm vi chiến lược và sự khôn ngoan trong chiến trận thuộc linh của người đàn ông nầy lại thật bao la làm sao.
1. Thuận phục Đức Chúa Trời đang tể trị
Spurgeon đã nhìn thấy thói trầm cảm của ông là ý định của Đức Chúa Trời để làm điều lành ở trên mục vụ của ông và cũng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Một điều thường hay xuất hiện hết lần nầy đến lần khác qua ngòi bút của Spurgeon đó là đức tin vững chắc vào sự tể trị của Đức Chúa Trời ở trong mọi sự đau khổ của ông. Dường như điều nầy đã giữ ông khỏi bị suy sụp trước những nghịch cảnh trong đời nhiều hơn bất kỳ điều gì khác. Ông viết rằng:
Nghĩ đến việc Đức Chúa Trời không bao giờ để tôi rơi vào nghịch cảnh, Ngài không để tôi uống chén đắng đâu, Chúa không cho phép thử thách xảy ra với tôi, Ngài cũng không để những điều đó xảy ra với tôi theo trọng lượng và số lượng của Ngài, là một điều rất khó khăn và gay gắt (Nỗi đau đớn và khổ sở của Charles Spurgeon, trang 25).
Đối với Spurgeon, góc nhìn của Đức Chúa Trời không phải là lý lẽ để tranh luận; mà là phương cách để tồn tại. Mọi nghịch cảnh của chúng ta đều là chế độ chăm sóc sức khoẻ của vị Bác sĩ khôn ngoan đến vô cùng. Cho dù Spurgeon rất sợ hãi trước sự đau khổ và chỉ muốn né tránh nó, ông đã nói rằng:
Tôi sợ rằng tất cả ân điển mà tôi nhận được từ những lần được ở thoải mái, thanh thản và hạnh phúc, chỉ là một mặt của đồng xu. Nhưng điều tuyệt vời là ân điển mà tôi nhận được từ sự buồn bã, đau đớn, thương tiếc, lại càng không thể đếm hết được . . . Hoạn nạn là đồ nội thất tốt nhất ở trong nhà của tôi. Nó là quyển sách hay nhất trong thư viện của một người hầu việc Chúa. (Nỗi đau đớn và khổ sở của Charles Spurgeon, trang 25)
Tôi sẽ nói cùng Spurgeon rằng những thời khắc đen tối nhất là sự tể trị tốt lành của Đức Chúa Trời để thêm sức cho tôi trên hành trình — sự thống trị của Ngài ở trên hoàn cảnh của tôi và cách Chúa khiến mọi sự làm ích lợi cho tôi là lời hứa vững bền như đá gra-nít, cho dù người khác có toan định điều gì đi nữa.
2. Hít thở bầu không khí khác biệt
Spurgeon đã bổ sung cho chiến lược thần học của ông bằng những phương tiện rất tự nhiên của Đức Chúa Trời — cách ông sử dụng sự giải lao và thiên nhiên.
Đối với hết thảy cuộc trò chuyện của Spurgeon về việc sử dụng thời gian và bị sử dụng thời gian, ông cố vấn cho chúng ta về cách nghỉ ngơi, cách tận dụng ngày nghỉ và mở lòng mình ra trước quyền phép chữa lành của Đức Chúa Trời vốn đã được Ngài sắm sẵn trong thế giới tự nhiên.
Ông nói rằng: “Ngày Sa-bát là ngày làm việc vất vả nhất của chúng ta, cho nên nếu chúng ta không tìm cách nghỉ ngơi vào ngày khác thì chúng ta sẽ kiệt sức” (Những bài học cho sinh viên của tôi, 160). Eric Hayden nhắc nhở chúng ta rằng Spurgeon “đã giữ ngày thứ Tư làm ngày nghỉ khi có thể” (Những điểm sáng trong cuộc đời của C.H. Spurgeon, 161). Hơn thế nữa, Spurgeon đã nói với sinh viên của mình rằng:
Thỉnh thoảng nên xin nghỉ phép là điều khôn ngoan. Trong cuộc đua đường dài, chúng ta làm nhiều hơn khi làm ít hơn. Còn làm hoài, làm mãi, làm không thôi, mà không có sự giải trí sẽ khiến tâm linh trở nên hao mòn trong “bình đất nặng nề” nầy, nhưng trong khi chúng ta còn ở trong nhà tạm nầy, đôi khi chúng ta phải biết dừng lại, rồi hầu việc Chúa bằng cách biệt riêng thì giờ nghỉ ngơi và nhàn rỗi. Không được để cho lương tâm mềm yếu nghi ngờ luật pháp của việc nghỉ ngơi. (Những bài học cho sinh viên của tôi, trang 161)
Trong kinh nghiệm làm mục sư, tôi có thể nói rằng giải lao là lúc quan trọng để hít thở bầu không khí thuộc linh khác biệt. Khi chúng ta rời khỏi áp lực của nghĩa vụ, Spurgeon gợi ý rằng chúng ta nên hít thở bầu không khí của đồng nội và để cho vẻ đẹp của thiên nhiên làm việc của nó. Ông thừa nhận rằng “những thói quen tĩnh lặng có xu hướng tạo ra sự nản lòng . . . đặc biệt là vào những tháng có sương mù”. Rồi ông cố vấn rằng: “Hít thở gió biển, hoặc là đi bộ lang thang trong cơn gió không hề thêm lên ân điển cho linh hồn, nhưng lại tiếp thêm ô-xi cho cơ thể là điều kế tốt” (Những bài học cho sinh viên của tôi, 160).
3. Thông công với Đấng Christ
Spurgeon quyết nuôi dưỡng linh hồn mình bằng sự thông công với Đấng Christ thông qua sự cầu nguyện và ở riêng với Chúa. Tôi thấy mình được thương xót vô cùng lúc mục vụ của mình đang ở mức cao trào thì tôi tìm thấy quyển sách Thông công với Đức Chúa Trời của John Owen. Quyển sách ấy đã nuôi dưỡng tôi hết lần nầy đến lần khác khi linh hồn tôi hỏi rằng: “Đức Chúa Trời có thể dọn bàn trong đồng vắng không?”
“Một điều thường xảy ra hết lần nầy đến lần khác là đức tin vững chắc của ông ở dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi hoạn nạn
Spurgeon đã cảnh báo các sinh viên của mình rằng:
Chớ bỏ qua những bữa ăn thuộc linh của mình, hoặc chúng ta sẽ thiếu sinh lực và tâm linh sẽ mòn mỏi. Hãy sống bằng nguồn dinh dưỡng từ giáo lý về ân điển, thì chúng ta sẽ sống lâu hơn và làm việc tốt hơn những kẻ chỉ ăn bánh ngọt và bánh sữa của lối “tư duy hiện đại”. (Những bài học cho sinh viên của tôi, trang 310)
Tôi nghĩ một trong những lý do Spurgeon lại giỏi ngôn ngữ, uyên bác về giáo lý và mạnh mẽ trong Thánh Linh, mặc kệ nỗi chán chường và yếu đuối về thuộc thể, đó là ông luôn ẩn mình trong một sách vở. Hầu hết chúng ta không thể nào đọc được sáu quyển sách của Spurgeon mỗi tuần, nhưng chúng ta có thể đồng hành với một vài “người có góc nhìn” vĩ đại của Đức Chúa Trời. Qua nhiều năm, tôi học được rằng chìa khóa để đọc sách thần học thật tốt đó là phải đọc như đang thông công thực sự với Đấng Christ. Spurgeon đã nói rằng:
Hơn hết, hãy làm cho sự thông công mật thiết giữa chúng ta với Đức Chúa Trời càng thêm nóng cháy. Không người nào còn giữ tấm lòng nguội lạnh sau khi họ đã sống với Chúa Jêsus giống như Giăng và Ma-ri. . . Tôi chưa bao giờ gặp một nhà truyền đạo chỉ có tấm lòng nửa vời mà nói mình đang thông công rất mật thiết với Chúa. (Những bài học cho sinh viên của tôi, trang 315)
Tóm lại, Spurgeon là một con trẻ khi nhắc đến việc thông công với Đức Chúa Trời. Ông không truyền đạt cách phức tạp về những điều xa lạ hoặc khó hiểu. Nếu chúng ta phải truyền đạo trong nghịch cảnh, thì chúng ta phải sống trong mối thông công với Đức Chúa Trời một cách mật thiết — rồi nuôi mình bằng ân điển mà Ngài đã hứa và những mặc khải về sự vinh hiển của Ngài.
Nhất định đắc thắng
Gần cuối đời của ông, trong bài giảng sau cùng của Spurgeon tại hội nghị các mục sư, ông đã nói rằng: “Ai có thể nghịch lại với chúng ta nếu chúng ta theo Chúa Jêsus? Làm sao đánh bại được ý định của Ngài đây? Theo ý muốn Chúa thì những kẻ cải đạo sẽ nhóm lại chung quanh lẽ thật của Ngài nhiều như cát dưới biển . . . Vậy thì hãy dũng cảm lên mà tiếp tục con đường của mình bằng lời ca tiếng hát [và rao truyền đạo Chúa!]:
“Hơi gió âm ti bừng thổi lên,
Thù hận ganh ghét thế gian tìm,
Không sao đổi dời được thời thế.
Ha-lê-lu-gia thập tự xưa!
Sầu đau mất mát làm được chi!
Khi Chúa vạn binh vẫn ở gần,
Chúa của Gia-cốp nơi tựa nương”. (Chuyện mục vụ, trang 395–96)