19 Th5, 2022

Toàn mãn, toàn nguyện

Đức tin cứu rỗi thấy gì ở Đấng Christ
Toàn mãn, toàn nguyện
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Khi tôi nói về bản chất của đức tin cứu rỗi, tôi có sự sốt sắng của Tin lành và Cải chánh để tán dương sự oai nghi, sự vinh hiển và sự toàn năng của Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ.

Đây từng là sự bất đồng quan điểm lớn nhất của Calvin đối với thần học ở thành Rô-ma: không hề tán dương thật xứng đáng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi. Ông tiếp tục nói với Sadolet, là những gì chúng ta cần nói về tất cả giáo lý và đời sống của mình, rằng: “lý do chính nói lên vì sao con người có mặt trên đời là để sốt sắng bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Ibid.).

“Đức tin cứu rỗi tôn vinh hiển Đấng Christ bằng cách không tập chú vào cái tôi nữa mà chỉ tập trung nhìn Đấng Christ mà thôi”

Vấn đề tối hậu của đức tin cứu rỗi là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Làm thế nào đức tin cứu rỗi tôn vinh hiển Đấng Christ? Câu trả lời là đức tin được Chúa ban, ấy là tiếp nhận ân điển (Giăng 1:11-13; Cô-lô-se 2:6), kêu gọi hết thảy tập chú vào Đấng Christ. Đức tin cứu rỗi tôn vinh hiển Đấng Christ bằng cách không tập chú vào cái tôi nữa mà chỉ tập trung nhìn Đấng Christ mà thôi — tức là tin vào sự toàn năng của Ngài, bao gồm cả sự đổ huyết ra và sự công bình của Ngài, bằng không chúng ta chẳng thể đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời. Vì thế mà tôi nói bằng cả lòng mình rằng: A-men! Chúng ta hãy sẵn sàng chịu chết vì điều nầy. Giống như nhiều người đã làm vậy.

Nhưng tuyệt vời hơn nữa là vẫn còn sự vinh hiển để dâng lên cho Đấng Christ khi chúng ta tiếp nhận Ngài để được xưng công bình.

Nhìn thấy thực trạng thuộc linh

Có những lý do tốt đẹp để nghĩ rằng sứ đồ Phao-lô và các trước giả Tân Ước hiểu đức tin cứu rỗi giống như nhìn thấy thực trạng thuộc linh vậy, đặc biệt là sự tự tôn vinh hiển của Đấng Christ. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô so sáng người tin Chúa và chưa tin Chúa bằng những gì họ thấy và không thấy trong Phúc âm về sự vinh hiển của Đấng Christ:

Nếu Tin lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời . . . Vì Đức Chúa Trời, --- là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! --- đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ. (2 Cô-rinh-tô 4:3–6)

Người chưa tin Chúa bị mù trước “sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ”. Nhưng đối với người tin Chúa, thì “Đức Chúa Trời . . . làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi”. Cả hai đối tượng nầy đều nghe thấy câu chuyện Phúc âm. Cả hai đều biết các dữ kiện lịch sử của Phúc âm. Nhưng người chưa tin Chúa không thấy được những gì người tin Chúa có thể thấy trong Phúc âm. Người chưa tin Chúa vẫn còn đi bằng mắt trần, chứ không phải bằng đức tin (2 Cô-rinh-tô 5:7). Mắt trần nhìn vào Phúc âm không nhận biết được sự vinh hiển của Đấng Christ ở trong sứ điệp đó. Tâm trí xác thịt (1 Cô-rinh-tô 2:14), với đôi mắt xác thịt, không thấy được những gì đức tin thấy trong Phúc âm.

Nhưng đối với người tin Chúa được miêu tả trong câu 6 thì khác. Họ kinh nghiệm phép lạ được trở thành tạo vật mới nhìn thấy sự sáng của Đức Chúa Trời. Họ thấy những gì người chưa tin không thấy được. Đức Chúa Trời phán, như trong ngày sáng tạo đầu tiên, rằng: “Hãy có sự sáng!” Bởi chính tiếng phán tạo nên đức tin ấy, Đức Chúa Trời ban “sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Cô-rinh-tô 4:6). Khi việc nầy xảy ra, người chưa tin Chúa trở thành người tin Chúa. Đây là sự khác biệt lớn và cơ bản giữa người tin Chúa và chưa tin Chúa. Khi lắng nghe Phúc âm, người tin Chúa nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời trên mặt của Đấng Christ.

Tỉnh dậy từ buồn chán

Trước khi phép lạ trong 2 Cô-rinh-tô 4:6 xảy ra cho ai đó, chúng ta nghe câu chuyện Phúc âm của Đấng Christ và thấy chán hoặc cho là ngu xuẩn hoặc gọi là truyện cổ tích hoặc không hiểu gì cả. Chúng ta chẳng thấy được vẻ đẹp cuốn hút hay giá trị ở trong Đấng Christ. Rồi Đức Chúa Trời làm “chói lòa trong lòng chúng tôi” và chúng ta thấy sự vinh hiển.

Ấy không phải là một quyết định. Mà là sự nhìn thấy. Chúng ta đi từ mù lòa đến trông thấy. Khi chúng ta từ mù lòa đến trông thấy, không có giây phút nào để phân vân có nên nhìn hay không. Không có lựa chọn nào ngay lúc đó đâu. Chúng ta không thể quyết định không nhìn khi có hành động nhìn thấy được. Chúng ta không thể quyết định không thấy vinh hiển khi nhìn thấy sự vinh hiển. Đó là phép lạ mà Đức Chúa Trời làm ở trong câu 6. Một khi chúng ta thấy sứ điệp của Phúc âm mà không thấy vẻ đẹp của Đấng Christ. Rồi Đức Chúa Trời phán khiến chúng ta nhìn thấu suốt qua sứ điệp của Phúc âm là vẻ đẹp thiên thượng.

Sự nhìn thấy ở trong 2 Cô-rinh-tô 4:6 là sự cải đạo. Đó là quá trình trở thành người tin Chúa. Câu 4 mô tả “kẻ chẳng tin” và câu 6 mô tả quá trình tạo nên người tin Chúa. Một nhóm bị mù không thấy được vinh hiển kỳ diệu của Đấng Christ. Nhóm còn lại nhìn thấy sự vinh hiển thực sự của Đấng Christ — đầy cuốn hút. Nói cách khác, người tin Chúa được phép nhìn thấy và tiếp nhận Đấng Christ là Đấng vinh hiển tối thượng. Đây là ý nghĩa của việc trở thành một người tin Chúa, hay là có đức tin cứu rỗi.

‘Chúng tôi đựng báu vật nầy”

Bây giờ, sứ đồ Phao-lô mô tả kinh nghiệm nầy trong câu tiếp theo như thế nào (2 Cô-rinh-tô 4:7)? Ông nói rằng: “Nhưng chúng tôi đựng báu vật nầy trong những bình đất, để bày tỏ rằng quyền năng tối thượng nầy đến từ Đức Chúa Trời, chứ không phải từ chúng tôi”. Ý nghĩa tự nhiên nhất về từ ngữ “báu vật” trong bình đất là những gì Đức Chúa Trời đã tạo nên bên trong chúng ta như câu 6 có chép: “sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ”. Từ nhưng trong câu 7 làm thành một kết nối cụ thể. “Nhưng chúng tôi đựng báu vật nầy”. Ông không dùng những phạm trù miêu tả quá rộng. Ông đang ám chỉ đến một kho báu rất cụ thể, “báu vật nầy”, mà ông đã mô tả trước đó.

Chẳng có gì lạ khi sứ đồ Phao-lô sử dụng từ ngữ báu vật để mô tả sự vinh hiển của Đấng Christ ở trong lòng người. Không gì có thể miêu tả thật tự nhiên hơn thế nữa trong suy nghĩ của sứ đồ Phao-lô. Ông thích nghĩ về Đấng Christ như là giá trị tài sản của người tin Chúa, sự giàu có và kho báu của người đó. Ông nói về “sự giàu có không dò được của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:8), “Sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:19), “sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:7) và “sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển” (Cô-lô-se 1:27). Đây là động lực ở trong chức vụ của ông, ý nghĩa cuộc đời của ông. Ông đã thấy mình “như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có” (2 Cô-rinh-tô 6:10) — giàu có trong Đấng Christ!

Đối với câu hỏi của chúng ta thì điều nầy có nghĩa là 2 Cô-rinh-tô 4:6 mô tả quá trình trở thành người tin Chúa, cũng tức là quá trình hình thành đức tin cứu rỗi. Quá trình nầy xảy ra khi Đức Chúa Trời cất đi sự mù lòa tâm linh và thay thế bằng sự nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ — vẻ đẹp của Đấng Christ, giá trị của Đấng Christ, thần tánh của Đấng Christ. Phép lạ về sự trông thấy nầy là đức tin. Tức là tiếp nhận Đấng Christ là chân thật và vinh hiển. Trong phép lạ nầy, người tin Chúa được hiệp một với Đấng Christ. Chúng ta “có” Đấng Christ. Ngài thuộc về chúng ta và chúng ta là của Ngài. Để làm rõ điều nầy hơn nữa, sứ đồ Phao-lô gọi là “báu vật” (2 Cô-rinh-tô 4:7).

Toàn mãn, toàn nguyện

Vậy thì làm thế nào đức tin cứu rỗi tôn vinh hiển Đấng Christ?

Đức tin cứu rỗi làm điều đó bằng cách lái chúng ta khỏi cái tôi để hướng tới dòng huyết toàn mãn và sự công bình của Ngài, bằng không chúng ta sẽ khó đứng nỗi trước mặt Đức Chúa Trời. Đúng là sự vinh hiển của Đấng Christ đang gặp nguy khốn khi bảo toàn sự công bình của Ngài khỏi bất kỳ nỗ lực công bình nào đó của chúng ta nhằm thay thế cho sự toàn mãn của Ngài. Vậy, hãy để sự vinh hiển của Đấng Christ được bày tỏ bằng sự vâng lời trọn vẹn cho tới chết của Ngài là cơ sở duy nhất để chúng ta được xưng công bình ở trước mặt Đức Chúa Trời.

Nhưng còn có nhiều vinh hiển hơn nữa cần phải nhìn thấy bởi vì đó là ý định của Đức Chúa Trời dành cho đức tin để chúng ta được hiệp một với Đấng Christ. Phân đoạn 2 Cô-rinh-tô 4:4-7 là một trong những câu Kinh Thánh cho thấy không chỉ công tác toàn mãn của Đấng Christ bị đe dọa, mà giá trị của việc làm ấy, vẻ đẹp của công việc ấy, sự vinh hiển toàn nguyện của công tác ấy nữa. Hay là nói chính xác hơn, điều bị đe dọa trong sự xưng công bình của chúng ta đó là giá trị của Đấng Christ, vẻ đẹp của Đấng Christ, vinh hiển của Đấng Christ được chiếu sáng qua đức tin được xưng công bình của dân sự Ngài.

Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã cho phép đức tin là phương tiện để xưng công bình không phải chỉ để tán dương sự vâng phục toàn mãn của Đấng Christ qua sự sống và sự chết, mà còn để tán dương vẻ đẹp và giá trị đời đời của Ngài nữa. Đức tin không phải là tiếp nhận ngay một thành tích toàn mãn rồi dùng chính điều đó để thoát khỏi địa ngục và để vào ở thiên đàng sống hạnh phúc, lành lặn, không có Đấng Christ. Đức Chúa Trời không ban đức tin làm phương tiện để xưng công bình, rồi biến sự công bình của Đấng Christ trở thành tấm vé nhằm thoát khỏi tình trạng tôn quý cái tôi đầy khốn khổ ở trong địa ngục để ở trong trạng thái tôn quý cái tôi thật hả hê ở thiên đàng.

“Đức tin cứu rỗi không chỉ tiếp nhận Đấng Christ là Đấng toàn mãn, mà còn tiếp nhận Đấng Christ là báu vật của chúng ta nữa”

Không. Đức Chúa Trời đã ban đức tin là phương tiện để xưng công bình chắc chắn đến nỗi không để cho sự lợi dụng công tác của Đấng Christ xảy ra. Đây là lý do tại sao đức tin không chỉ tiếp nhận Đấng Christ là Đấng toàn mãn, mà còn tiếp nhận Đấng Christ là báu vật của chúng ta nữa. Đức tin nhìn thấy và tiếp nhận Đấng Christ — là cơ sở duy nhất cho sự xưng công bình của chúng ta — không chỉ hiệu quả, mà còn vinh hiển nữa. Không chỉ đầy đủ, mà còn thỏa mãn.

Sự tin cậy tôn quý

Đức Chúa Trời được vinh hiển khi Ngài được tin cậy là chân thật và đáng tin. Chúa được vinh hiển hơn khi sự tin cậy ấy là sự tin cậy tôn quý — tức là được thỏa mãn bằng chính bản chất của Đức Chúa Trời ở trong Chúa Jêsus. Đức Chúa Trời đã ban đức tin cứu rỗi là đức tin tôn quý bởi vì: một Đức Chúa Trời được tôn quý bởi vì bản chất của Ngài sẽ được vinh hiển hơn một Đức Chúa Trời chỉ được tin cậy bởi vì công việc của Ngài, hoặc bởi vì tặng phẩm của Ngài.

Do đó, Đức Chúa Trời đã ban đức tin cứu rỗi thì hiển nhiên cũng chi phối cả chiều hướng của cảm xúc, mà tôi đã tóm lại qua cụm từ tôn quý Đấng Christ. Vì như thế, Chúa đã làm cho niềm vui tôn cao Đức Chúa Trời ở trong đời sống Cơ Đốc từ ban đầu cho đến cuối cùng. Niềm vui ấy đã xuất hiện ngay từ những giây phút đầu tiên khi trở thành tạo vật mới ở trong Đấng Christ, vì sự vui sướng ấy vốn ở trong đức tin cứu rỗi. Không hoàn hảo, nhưng đa dạng, dễ bị công kích, nhưng có thật. Niềm vui sướng ấy sẽ còn mãi bởi vì trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng (Thi thiên 16:11).

* toàn mãn: đầy đủ, trọn vẹn.
toàn nguyện: thỏa mãn, toại nguyện, thỏa lòng.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .