Sau khi Chúa Jêsus làm phép lạ đầy kinh ngạc trước thời điểm bị đóng đinh — Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn — Ngài đã đưa ra một phát biểu vô cùng khó hiểu và khó nghe nhất.
Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống. (Giăng 6:53-55).
Đến thời điểm này, đám đông không ngừng gia tăng đang rộn ràng về chuyện Chúa Jêsus. Vì Ngài đã chữa lành người bệnh và cho đám đông ăn no nê! Họ thắc mắc Ngài có phải là Tiên tri phải đến chăng? Không lâu sau, họ muốn tôn Ngài làm vua của họ (Giăng 6:14-15). Nhưng Chúa Jêsus biết rõ điều gì ẩn giấu đằng sau sự nhiệt thành ấy.
Họ muốn có thêm bánh từ trời (Giăng 6:34), nhưng không phải bánh mà Chúa đến để ban cho họ, đó là chính Ngài (Giăng 6:51-52). Thế là, Chúa đã thử khả năng phân biện của họ bằng một loạt những lời phát biểu đầy thách thức, đỉnh điểm là lời phát biểu ở trên. Họ thấy khó chịu; nghe có vẻ giống ăn thịt người quá! Chiến dịch “Tôn Jêsus làm Vua” bất ngờ bốc khói. Vậy là Chúa đã nghĩ đúng về họ vẫn còn thiếu khả năng phân biện. Họ đã hiểu sai về những điều Chúa phán.
Họ không phải là những người cuối cùng trong việc này. Nhiều người đã hiểu sai về câu Kinh Thánh này hơn hai ngàn năm qua — bao gồm cả Cơ Đốc nhân. Hơn nữa, các giáo đoà Cơ Đốc khác như Công giáo La Mã đã phát triển những lời dạy của Chúa Jêsus thành giáo lý hóa thể, đó là niềm tin “trong Lễ ban thánh thể, người ta thực sự ăn thịt và uống huyết từ thân thể của chính Chúa Jêsus. Bánh là thân thể thực sự của Ngài, rượu là huyết thực sự của Ngài”.
Nhưng đó không phải là ý Chúa Jêsus phán. Làm thế nào để hiểu điều này? Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều manh mối.
Phân biện các thực tại thuộc linh
Đầu tiên, đây không phải lần đầu tiên Chúa Jêsus sử dụng ẩn dụ để phơi bày thực tại thuộc linh. Một vài câu sau đây cho thấy Chúa mô tả quyền phép và ý nghĩa kín nhiệm từ lời dạy dỗ của Ngài cho các môn đồ (vài người giống như đám đông cũng thấy khó nghe):
Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. Song trong vòng các ngươi có kẻ không tin. Vì Đức Chúa Jêsus biết từ ban đầu, ai là kẻ không tin, ai là kẻ sẽ phản Ngài. (Giăng 6:63-64)
Nói cách khác, “Không ai hiểu được điều ta nói đến khi Thánh Linh tỏ ra”. Một sự hiểu lầm tương tự xảy ra khi Chúa Jêsus phán cùng Ni-cô-đem rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Ni-cô-đem không hiểu, ông tưởng Chúa Jêsus ám chỉ chuyện sinh đẻ của phụ nữ, nhưng lời lẽ của Chúa Jêsus là “thần linh và sự sống” – Chúa đang ám chỉ đến sự tái sanh thuộc linh.
“Hết lần này đến lần khác, Chúa Jêsus sử dụng phép ẩn dụ để giúp mọi người hiểu Ngài là ai”.
Trong chương tiếp theo, khi Chúa Jêsus phán cùng người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước, Chúa mời bà uống nước hằng sống. Trong lúc bối rối, bà đáp rằng: “Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy?” (Giăng 4:10-11). Tuy nhiên, lời lẽ của Chúa Jêsus là “thần linh và sự sống”. Những lời ấy có ý sâu xa hơn bà tưởng, mà ý nghĩa ấy chỉ có thể hiểu được bằng sự phân biện thuộc linh.
Hết lần này đến lần khác, Chúa Jêsus sử dụng phép ẩn dụ để giúp mọi người hiểu Ngài là ai và làm thế nào nhờ Ngài mà họ sẽ nhận được sự sống đời đời.
Ý nghĩa của ” ăn” là gì?
Bây giờ, chúng ta hãy tập trung vào bối cảnh trong Giăng 6 – tức là một cuộc bàn luận về bánh – bởi vì phân đoạn này chứa nhiều manh mối nói lên ý của Chúa Jêsus phán: “Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại” (Giăng 6:54). Tôi sẽ nêu bật những điều Chúa Jêsus phán thật cụ thể, in nghiêng các cụm từ quan trọng.
“Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình. Chúng thưa rằng: Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài” (Giăng 6:27-29). “Bởi chưng bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian. Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát. Nhưng ta đã nói: Các ngươi đã thấy ta, mà chẳng tin" (Giăng 6:33-36). "Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt (Giăng 6:40). "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời" (Giăng 6:47).
“Tin Chúa Jêsus là cách duy nhất để làm thỏa mãn cơn đói và dập tắt cơn khát thuộc linh”
Chúa Jêsus có ý gì trong những lời phát biểu trên? Tin Chúa Jêsus là những gì chúng ta cần làm để được sự sống đời đời. Tin Chúa Jêsus là cách duy nhất để làm thỏa mãn cơn đói và dập tắt cơn khát thuộc linh. Tin Chúa Jêsus là cách duy nhất để sống lại từ cõi chết. Tin Chúa Jêsus là cách duy nhất để nhận được sự sống đời đời.
Ăn là tin
Bây giờ, hãy quay lại lời dạy dỗ về thịt và huyết của Chúa Jêsus:
Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời. Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. 50 Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết. Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng; và bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta . . . Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống (Giăng 6:47-55).
Qua những manh mối mà chúng ta đã tra xét, ý nghĩa đúng nhất của việc ăn thịt và uống huyết của Chúa Jêsus là gì? Chúa Jêsus muốn phán rằng ăn là tin, uống là tin, vì Chúa Jêsus hứa hễ ai tin Ngài sẽ được sự sống đời đời.
Ngoài Giăng 6, Chúa Jêsus cũng như các sứ đồ không hề dạy điều gì ủng hộ giáo lý hóa thể. Đối với sứ đồ Giăng, ông không hề ký thuật lại câu chuyện Lễ tiệc thánh trong Phúc Âm của mình. Nếu ông thực sự tin vào giáo lý hóa thể là ý Chúa Jêsus muốn phán trong Giăng 6, thì ông phải liên hệ điều này bằng cách ký thuật lại thật rõ làm thế nào để áp dụng giáo lý này chứ, phải không?
Ăn là nhớ lại và rao truyền
Sự dạy dỗ rõ ràng nhất mà Tân Ước ký thuật lại về Lễ tiệc thánh đến từ sứ đồ Phao-lô.
Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến (1 Cô-rinh-tô 11:23-26).
Sứ đồ Phao-lô dạy các độc giả đầu tiên của mình hiểu Lễ tiệc thánh là một cách ăn uống thuộc linh, giống như phép báp-tem, để tượng trưng và chỉ về một thực tại thuộc linh.
Qua đó, chúng ta nhớ rằng mình đã tiếp nhận mọi điều Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta bằng đức tin, chúng ta rao truyền sự thật này cho người khác cũng bằng đức tin. Tiếp nhận và rao truyền điều gì? Đó là sự chết của Chúa Jêsus đã hoàn thành điều gì cho chúng ta: Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta – thân thể của Ngài tan nát và huyết Ngài tuôn ra – để trả xong tiền công của tội lỗi (Hê-bơ-rơ 10:12-14), sự công bình toàn hảo của Ngài ban cho những kẻ không công bình như chúng ta (2 Cô-rinh-tô 5:21). Đây là lời dạy dỗ rõ ràng nhất của Tân Ước về Phúc Âm của Cơ Đốc giáo.
Dựa vào sự dạy dỗ của Chúa Jêsus trong Giăng 6 và sự dạy dỗ của sứ đồ Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 11, ân điển cứu chuộc mà nhiều người gọi là Lễ ban thánh thể không hề tồn tại trong thân thể vật lý của Chúa Jêsus khi dùng những đồ vật như bánh và rượu, mà qua sự hiện diện của Chúa Jêsus bởi Đức Thánh Linh khi dự tiệc thánh và ở trong mỗi người tin Chúa bằng đức tin khi dùng bánh và chén. Điều này cho thấy Lễ tiệc thánh là nhớ lại ân điển cứu chuộc mà chúng ta đã tiếp nhận qua sự chết của Chúa và rao truyền ân điển cứu chuộc này cho chính linh hồn của mình và của người khác nữa – cho tới lúc Ngài đến.