Sứ đồ Phao-lô, nói với những người tin Chúa, thách thức tín hữu ở Cô-lô-se rằng: “Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới” (Cô-lô-se 3:5). Chúng ta có làm chưa? Chúng ta có làm điều này mỗi ngày không? Chúng ta còn sống ngày nào thì còn làm ngày nấy; đừng dừng lại; hãy giết chết tội lỗi, bằng không tội lỗi sẽ giết chết chúng ta.
Địa vị của chúng ta ở trong Đấng Christ, cùng sự sống mới của chúng ta ở trong Ngài, không phải là lời bào chữa để ngừng nghỉ việc làm này. Cứu Chúa nói với chúng ta biết cách Cha xử lý nhánh nào ở trong Ngài không kết quả; nhánh nào có sự sống thật đều được ‘Ngài tỉa sửa . . . để được sai trái hơn’ (Giăng 15:2). Chúa tỉa sửa, không phải chỉ một hai ngày, mà đến chừng nào nhánh đó còn trong thế gian. Sứ đồ Phao-lô mô tả lối sống của ông rằng: ‘tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục’ (1 Cô-rinh-tô 9:27). Đây là công việc mỗi ngày của ông. Nếu đây là công tác và việc làm của sứ đồ Phao-lô, một người được ban cho ân điển, được mặc khải, được vui vẻ, được đặc ân và được yên ủi nhiều hơn người tin Chúa bình thường nhận được, thì làm sao chúng ta được miễn trừ khỏi việc làm và nghĩa vụ này khi còn trong thế gian?
Hãy suy xét sáu lý do sau đây cho thấy việc làm quan trọng này là cần thiết cho nhu cầu của chúng ta.
- Tội lỗi còn ngự trị trong lòng khi chúng ta còn trong thế gian; do đó, trừ bỏ tội lỗi là cần thiết. Có người đã sai lầm và dại dột tin rằng chúng ta có thể gìn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời cách trọn vẹn ở trong đời này và hoàn toàn đã chết về tội lỗi rồi. Vì họ phớt lờ sự sống thật ở trong Đấng Christ và quyền phép của Ngài ở trong người tin Chúa, nên đã tự mình tạo ra sự công bình mới toanh mà không được tìm thấy ở trong Phúc Âm. Tâm trí xác thịt của họ đã tự thổi phồng lên một cách vô ích. Tội lỗi trong lòng tiếp tục sống trong người tin Chúa với nhiều mức độ khi chúng ta còn ở trong thế gian này. Chúng ta không được khoác lác như đã đạt đến trọn lành rồi (Phi-líp 3:12). “Người bề trong [của chúng ta] cứ đổi mới càng ngày càng hơn” khi chúng ta còn sống (2 Cô-rinh-tô 4:16); và sự thay đổi của người mới đi kèm với sự mục nát của người cũ. Khi chúng ta còn sống thì chúng ta “biết chưa hết” (1 Cô-rinh-tô 13:12). Có một sự tối tăm phải được cất bỏ đi bằng sự tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ (2 Phi-e-rơ 3:18); và ‘xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh . . . nên anh em không làm được điều mình muốn làm’ (Ga-la-ti 5:17). Do đó, chúng ta bị khiếm khuyết trong sự vâng lời cũng như trong hiểu biết của mình (1 Giăng 1:8). Chúng ta có một ‘thân thể hay chết’ (Rô-ma 7:24); chỉ có làm chết các việc của thân thể mới giải thoát cho chúng ta (Phi-líp 3:21). Nghĩa vụ của chúng ta là trừ bỏ tội lỗi, giết chết tội lỗi khi chúng còn sống ở trong chúng ta. Chúng ta phải làm việc này. Người nào được lịnh giết kẻ thù sẽ chỉ làm phân nữa nếu người đó bỏ cuộc trước khi kẻ thù bị giết chết (Ga-la-ti 6:9; Hê-bơ-rơ 12:1; 2 Cô-rinh-tô 7:1).
- Tội lỗi còn đang hành động và nỗ lực thực hiện các việc của thân thể. Khi tội lỗi để yên cho chúng ta, thì chúng ta để yên cho tội lỗi; nhưng tội lỗi luôn hoạt động khi dường như có sự yên ắng, một hồ nước yên tĩnh thường là một cái bể rất sâu. Do đó, chúng ta phải chiến đấu nghịch cùng tội lỗi thật quyết liệt mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi chẳng có gì xảy ra. ‘Xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh’ (Ga-la-ti 5:17); dục vọng đang cám dỗ và cưu mang tội lỗi (Gia-cơ 1:14). Gọi là “tội lỗi dễ vấn vương” (Hê-bơ-rơ 12:1). Tội lỗi luôn hoạt động, cưu mang, xúi giục và cám dỗ. Ai có thể nói mình đã từng phục sự Đức Chúa Trời mà không bị tội lỗi trong lòng gây khó dễ? Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài hoặc ít đi suốt cả cuộc đời của chúng ta. Nếu tội lỗi không ngừng hoạt động, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối nếu không liên tục trừ bỏ tội lỗi. Người nào đứng yên để cho kẻ thù giáng hai đòn vào mình mà không kháng cự chắc chắn sẽ bị chinh phục. Nếu tội lỗi không ngừng hoạt động, rất tinh vi, luôn rình rập để hại chết linh hồn của chúng ta, còn chúng ta vẫn cứ lười biếng, cẩu thả và dại dột trong cuộc chiến này, thử nghĩ xem chúng ta sẽ có kết quả thuận lợi chăng? Không có ngày nào tội lỗi không đánh bại hoặc bị đánh bại, chiếm ưu thế hoặc bị lấn lướt. Chúng ta sẽ sống với điều này trong thế gian. Tội lỗi sẽ không nhường nhịn ngày nào đâu. Không hề có sự an toàn nào cả, mà chỉ có một cuộc chiến dai dẳn cho kẻ nào muốn được giải cứu khỏi sự nổi loạn của tội lỗi.
- Tội lỗi, nếu không tiếp tục bị trừ diệt, sẽ sinh sôi thêm những tội lỗi lớn hơn, ghê tởm, xấu xa và hủy hoại linh hồn. (Ga-la-ti 5:19–20). Chúng ta đã biết tội lỗi đã làm gì cho Đa-vít và những người khác rồi. Mỗi lần tội lỗi dấy lên để cám dỗ hoặc xúi giục, nó luôn tìm cách thể hiện đến cùng cực. Mỗi các liếc mắc hoặc tư tưởng bẩn thỉu đều phạm tội tà dâm nếu có cơ hội; mỗi ước muốn tham lam đều là sự áp bức; mỗi suy nghĩ vô tín đều là thuyết vô thần. Tội lỗi như nấm mồ không bao giờ thỏa mãn.
Chúng ta còn thấy sự dối trá của tội lỗi nữa. Nó dần dần chiếm ưu thế để làm cứng lòng con người đến mức bị hủy hoại (Hê-bơ-rơ 3:13). Ban đầu, tội lỗi có biểu hiện khiêm tốn nhưng, một khi đã có được vị thế tốt, nó tiếp tục lấn chiếm và tiến lên tầm cao hơn. Sự phát triển của tội lỗi như thế làm cho linh hồn không thấy mình đang cách xa Đức Chúa Trời. Linh hồn trở nên thờ ơ trước mầm mống của tội lỗi đang phát triển lớn mạnh. Sự phát triển này không có ranh giới nhưng hoàn toàn chối bỏ Đức Chúa Trời và chống lại Ngài. Tội lỗi tiến lên cao hơn theo cấp độ; nó càng tiếng tới thì càng làm cứng lòng con người. Điều này cho phép sự dối trá của tội lỗi lèo lái linh hồn con người chìm sâu hơn trong tội lỗi. Không gì có thể cản trở cuộc xâm lấn này ngoại trừ giết tội lỗi. Sự trừ bỏ tội lỗi làm khô héo gốc rễ và tấn công vào cái đầu của tội lỗi từng giờ. Những thánh đồ giỏi nhất thế giới đều có khả năng sa ngã nếu cẩu thả trong nhiệm vụ quan trọng này!
- Đức Thánh Linh và người mới được ban cho chúng ta để chống trả tội lỗi và dục vọng (Ga-la-ti 5:17; 2 Phi-e-rơ 1:4). Chính sự dự phần của chúng ta vào bản chất thiêng liêng giúp chúng ta thoát khỏi những tác động xấu xa của dục vọng ở trong thế gian này. Chúng ta cần nhờ cậy Đức Thánh Linh và người mới trong cuộc chiến gìn giữ linh hồn của mình. Nếu chúng ta không tận dụng những điều ban cho, thì Đức Chúa Trời sẽ không ban cho chúng ta điều gì nữa đâu. Ân điển và các ân tứ mà Chúa đã ban để chúng ta sử dụng, thi hành và tìm được ích lợi cho mình. Nếu chúng ta không tìm cách trừ bỏ tội lỗi mỗi ngày, thì chúng ta sẽ phạm tội nghịch cùng sự tốt lành, sự nhân từ, sự khôn ngoan, ân điển và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng đã ban cho chúng ta khí giới để chiến trận.
- Dửng dưng trước nghĩa vụ này sẽ khiến người bề trong suy yếu thay vì đổi mới. Sứ đồ Phao-lô khẳng định (2 Cô-rinh-tô 4:16) rằng người bề trong được đổi mới từng ngày, còn người bề ngoài thì hư nát. Người nào thờ ơ trong việc trừ bỏ tội lỗi tức là cho phép người bề trong hư mất. Ân điển ở trong lòng phải được rèn luyện. Nếu không đụng đến thì sẽ bị héo khô và suy tàn (Khải huyền 3:2), còn tội lỗi luôn làm cứng lòng chúng ta (Hê-bơ-rơ 3:13). Chểnh mảng trong việc trừ bỏ tội lỗi sẽ làm khô héo ân điển và nuôi dưỡng dục vọng. Tấm lòng trở nên tồi tệ hơn. Khi tội lỗi giành được chiến thắng đáng kể nào đó, nó làm tiêu hao xương cốt của linh hồn (Thi thiên 31:10; 51:8). Tội lỗi khiến con người yếu ớt, bệnh tật và sẵn sàng cho cái chết (Thi thiên 38:3–5), hầu cho người không thể ngước đầu lên được (Thi thiên 40:12).
Khi các tạo vật đáng thương hứng chịu hết đòn này đến đòn khác, hết vết thương này đến vết thương khác, hết thất bại này đến thất bại khác, và không thể đứng dậy cách mạnh mẽ nữa, họ có thể làm gì khác ngoài việc làm cứng lòng mình trong sự dối trá của tội lỗi, còn linh hồn họ sẽ chảy máu cho đến chết (2 Giăng 8)? Thật buồn khi xem xét hậu quả đáng sợ của thái độ thờ ơ, chúng ta bị đe dọa mỗi ngày. Chúng ta không thấy Cơ Đốc nhân, đã từng tan vỡ tấm lòng, hạ mình, xúc động, kính sợ và sốt sắng vì Đức Chúa Trời trong mọi đường lối của Ngài, đã trở theo thế gian, xác thịt, lạnh nhạt và giận dữ vì phớt lờ nghĩa vụ này hay sao? Họ học tập theo lề thói của người thế gian và các vật của thế gian đến nỗi mặc kệ niềm tin của mình.
Ngày hôm nay, sự trừ bỏ tội lỗi thực sự đã bị lạc mất vào trong số những sự cứng cỏi của thế gian, luật pháp, khắc nghiệt, phê phán, giận dữ, đố kỵ, thù hận và kiêu ngạo, một mặt thì giả vờ tự do, ân điển, mặt khác thì tôi chẳng biết gì cả.
- Sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta là nghĩa vụ mỗi ngày. Nghĩa vụ của chúng ta là ‘lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta’ (2 Cô-rinh-tô 7:1), để ‘tấn tới trong ân điển’ mỗi ngày (1 Phi-e-rơ 2:2; 2 Phi-e-rơ 3:18),hầu cho người bề trong đổi mới càng ngày càng hơn (2 Cô-rinh-tô 4:16). Điều này không thể làm được nếu không trừ bỏ tội lỗi mỗi ngày. Tội lỗi hết sức nghịch cùng mọi việc làm thánh khiết và mọi mức độ tăng trưởng thuộc linh. Chúng ta sẽ không tăng trưởng trong sự thánh khiết nếu không thắng hơn cái bụng chất chứa những dục vọng của mình. Người nào không giết tội lỗi thì chẳng có sự tăng trưởng ở trên hành trình của mình đâu.
Điểm chính từ đầu đến giờ: Ngay cả khi chúng ta tuyên bố tội lỗi đã bị trừ diệt bởi công tác của Đấng Christ trên thập tự giá và mặc dù đời sống mới ở trong Đấng Christ chống trả cũng như hủy hoại mọi biểu hiện của tội lỗi, thì tội lỗi vẫn còn ở trong lòng, đang hành động và làm việc cách tối đa ở trong người tin Chúa khi họ còn sống trong thế gian này. Nghĩa vụ mỗi ngày của chúng ta là phải trừ bỏ tội lỗi.
Trước khi đi tiếp, tôi không thể không lưu ý rằng mặc dù thế hệ này đang ngày càng có nhiều người tin Chúa, nói lớn tiếng ở trong đạo, gánh vác nhiều nghĩa vụ và rao giảng cách mạnh mẽ, thì vẫn còn rất ít bằng chứng cho thấy kết quả của sự trừ bỏ tội lỗi ở trong đời sống của họ. Có lẽ chúng ta thấy rằng, xét theo nguyên tắc trừ bỏ tội lỗi, số lượng người tin Chúa thật không hề tăng theo cấp số nhân như trên thực tế từ những kẻ đưa ra một tuyên bố sơ sài ngoài kia. Một số người ăn nói và tuyên bố một vấn đề thiêng liêng còn hơn cả ngày xưa, nhưng đời sống của họ lại cho thấy một tấm lòng đau khổ không trừ bỏ tội lỗi. Nếu lãng phí thời gian, vô tích sự, đố kỵ, bất hòa, cãi cọ, ganh đua, nóng giận, kiêu ngạo, thạo đời, ích kỷ (1 Cô-rinh-tô 1), là dấu hiệu của Cơ Đốc nhân, thì giữa vòng chúng ta thật lắm thay. Cầu xin Chúa nhân lành ban cho chúng ta tinh thần dám trừ bỏ tội lỗi để chữa trị phiền não của chúng ta, bằng không chúng ta sẽ ở trong tình trạng buồn thảm mất!
Có hai thứ gian ác chắc chắn ở với từng người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi, thứ nhất là bản ngã của họ và thứ hai là ảnh hưởng người khác.
- Thứ nhất, bản ngã của họ. Đặc điểm cơ bản của hạng người không trừ bỏ tội lỗi là tiêu hóa tội lỗi mà không thấy cay đắng trong lòng. Người nào có thể ăn nuốt và tiêu hóa tội lỗi mà không bị cáo trách trong lòng, thì người đó đang làm cho ân điển của Đức Chúa Trời trở thành sự dâm đãng và bị sự dối trá của tội lỗi làm cho cứng lòng.
Hãy mặc kệ người nào tưởng mình làm gì cũng được, không màng đến tội lỗi là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với ân điển và thương xót của Đức Chúa Trời!
Không có bằng chứng nào lớn hơn một tấm lòng dối trá và đồi bại ở trong thế gian bằng điều này. Tuyên bố huyết của Đấng Christ được ban cho để tẩy sạch tội lỗi của chúng ta (1 Giăng 1:7; Tít 2:14); tôn cao Đấng Christ để chúng ta ăn năn tội lỗi (Công vụ 5:31); giáo lý ân điển dạy chúng ta từ bỏ mọi sự không tin kính (Tít 2:11–12); mà còn cho phép tội lỗi tồn tại trong đời sống của mình, là một sự nổi loạn sẽ làm hư hoại xương cốt của chúng ta. Vấn đề này cho thấy hầu hết những người tin Chúa đã bội đạo đi ra từ giữa chúng ta trong ngày hôm nay. Hầu hết bọn họ đều bị cáo trách không lâu, rồi ‘bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian’ (2 Phi-e-rơ 2:20). Nhưng sau khi đã quen thuộc với các giáo lý của Phúc Âm, họ trở nên mệt mỏi trước nghĩa vụ thuộc linh của mình. Họ không còn khao khát những điều ấy nữa, thay vào đó cho phép điều ác kiểm soát mình, rồi nhanh chóng đẩy họ vào sự diệt vong.
- Thứ hai, ảnh hưởng người khác. Những người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi đều có ảnh hưởng xấu đến người khác bằng hai cách:
- Những người khác bị cứng lòng ở trong tội lỗi của mình bằng cách thuyết phục bản thân rằng họ vẫn ổn giống như người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi kia. Họ thấy mình có sốt sắng vì tôn giáo, nhưng không có sự công bình. Họ sống ích kỷ và thạo đời. Họ thấy mình ăn nói thiêng liêng nhưng đời sống không kết quả. Họ nghe thấy mình nói về sự thông công với Chúa, nhưng đời sống biến hóa theo thế gian. Họ thấy mình kể về sự tha thứ tội lỗi, nhưng không bao giờ tha thứ cho người khác. Vậy, khi họ thấy dấu vết tội lỗi từ người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi kia, họ làm cứng lòng mình trong tình trạng không tái sinh của họ.
- Tội lỗi lừa họ nghĩ rằng nếu sống tốt như người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi kia thì mọi chuyện sẽ êm đẹp. Trên thực tế, họ có thể tiến bộ trong ‘sự thánh khiết’ hơn cả người tin Chúa không trừ bỏ tội lỗi kia, nhưng vẫn không có sự sống đời đời.