Từ đầu phân đoạn này mô tả việc lựa chọn mười hai sứ đồ. Đó là một sự kiện trong chức vụ trên đất của Chúa mà chúng ta nên đọc cách cẩn thận. Đây là những người ít ỏi mang đến lợi ích to lớn cho thế giới! Tên của một vài ngư phủ người Do Thái được hàng triệu người ghi nhớ và yêu mến khắp địa cầu, trong khi tên của các vua và những kẻ giàu có bị lãng quên. Chính những người làm việc lành cho nhiều linh hồn sẽ được ghi nhớ mãi mãi (Thi thiên 112:6).
Được gọi làm môn đồ trước khi trở thành sứ đồ
Hãy chú ý mấy câu này nói có bao nhiêu người trong số mười hai người có tên ở đây đã được gọi là môn đồ trước khi họ được gọi là sứ đồ. Trong số đó có ít nhất sáu người đầu tiên được kêu gọi đi theo Đấng Christ đã được ghi chép lại cách đặc biệt. Sáu người này là Phi-e-rơ và Anh-rê, Gia-cơ và Giăng, Phi-líp và Ma-thi-ơ. Tóm lại, có thể cho rằng mười một sứ đồ của Chúa đã được cải đạo trước khi họ được phong chức.
Đối với hết thảy những người hầu việc Phúc Âm cũng vậy. Họ phải trước hết được Đức Thánh Linh kêu gọi trước khi được biệt riêng để làm công tác vĩ đại là giảng dạy người khác. Quy tắc không hề thay đổi đối với họ cũng như các sứ đồ – trước hết phải được cải đạo, sau đó mới được phong chức.
Đây là điều vô cùng quan trọng đối với một tôn giáo chân chính. Các mục sư và các trưởng lão không thể quá nghiêm ngặt và thiên vị khi thắc mắc về phẩm chất thuộc linh của các ứng viên sắp được thụ phong. Một người hầu việc Chúa chưa được cải đạo hoàn toàn không phù hợp với chức vụ của mình. Làm thế nào một người chưa có kinh nghiệm về ân điển có thể nói về điều này? Làm thế nào một người chỉ biết danh của Cứu Chúa có thể nói về Ngài cho dân sự? Làm thế nào một người chưa nếm biết sự cải đạo có thể thúc giục mọi người về điều này? Sai lầm nghiêm trọng là các bậc cha mẹ hay thuyết phục con trai của họ trở thành mục sư để có được cuộc sống tốt đẹp hoặc theo đuổi một sự nghiệp đáng kính! Thuyết phục con cái nói ra những điều không đúng sự thật và lấy danh Chúa làm chơi như vậy sao! Không ai được phép gây thiệt hại cho lý tưởng của Cơ Đốc giáo như mấy kẻ hầu việc Chúa chưa được cải đạo, vẫn còn thế tục kia. Họ ủng hộ những kẻ ngoại đạo, làm trò cho ma quỷ và xúc phạm Đức Chúa Trời.
Bản chất chức vụ của các sứ đồ
Thứ hai, hãy chú ý đến bản chất của chức vụ mà các sứ đồ đã được thụ phong. Họ phải ở với Ngài. Họ được sai đi giảng đạo. Họ phải đuổi quỷ.
Ba điều này rất đáng chú ý. Chúng chứa đựng nhiều sự dạy dỗ. Mười hai sứ đồ của Chúa chắc chắn là một trật tự đặc biệt. Họ không có người kế vị khi qua đời. Nói cách chính xác và theo nghĩa đen là không có chuyện kế vị chức sứ đồ. Không ai được gọi là người kế vị các sứ đồ trừ khi người đó có thể làm phép lạ và dạy dỗ cách không sai lầm như các sứ đồ đã làm. Tuy nhiên, nói đến điều này thì chúng ta không được quên rằng các sứ đồ đã được chọn để làm mẫu mực và khuôn phép cho hết thảy những người hầu việc Phúc Âm về nhiều mặt. Hãy ghi nhớ điều này, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học hữu ích nhất từ phân đoạn này về nghĩa vụ của một người trung tín hầu việc Chúa. Giống như các sứ đồ, một người trung tín hầu việc Chúa phải có mối thông công chặt chẽ với Đấng Christ. Người đó phải ở với Chúa luôn luôn. Người đó phải thông công với Đức Chúa Con (1 Giăng 1:3). Người đó phải cứ ở trong Ngài. Người đó phải biệt riêng khỏi thế gian và mỗi ngày ngồi dưới chân Chúa Jêsus và lắng nghe Lời Ngài, giống như Ma-ri vậy. Người đó phải học biết Chúa, bắt chước Chúa, dầm mình trong Thánh Linh của Ngài và bước theo gót chân của Ngài. Người đó phải hết sức nói ra điều này khi đứng vào bục giảng rằng: Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em (1 Giăng 1:3).
Giống như các sứ đồ, một người trung tín hầu việc Chúa phải là một truyền đạo. Đây chính là công tác chủ yếu của người đó và phải chi chối phần lớn tư tưởng của người nữa. Một người hầu việc Chúa không biết truyền đạo thì chẳng có ích lợi mấy cho Hội thánh của Đấng Christ. Người đó là ngọn hải đăng trơ trọi, thổi kèn trong im lặng, một lính gác mê ngủ, một ngọn lửa nguội lạnh.
Giống như các sứ đồ, một người trung tín hầu việc Chúa phải gắng sức làm việc lành bằng mọi cách. Mặc dù người đó không thể chữa lành kẻ bệnh, nhưng phải tìm cách làm giảm bớt sư buồn phiền và gia tăng sự vui mừng giữa vòng dân sự của mình. Người đó phải gắng sức trở thành người biết an ủi, biết cố vấn, biết giảng hòa, biết giúp đỡ và bạn hữu của mọi người. Người ta phải biết người không phải là kẻ cai trị độc đoán, nhưng là một tôi tớ của họ vì cớ Chúa Jêsus (2 Cô-rinh-tô 4:5).
Giống như các sứ đồ, một người trung tín hầu việc Chúa phải chống lại mọi việc làm của ma quỷ. Mặc dù không được kêu gọi để đuổi quỷ ra khỏi cơ thể nữa, những người đó phải luôn sẵn sàng chống lại những mưu chước của ma quỷ và từ chối cạm bẫy mà hắn muốn dụ dỗ linh hồn. Người đó phải phơi bày khuynh hướng của các cuộc thi đua, những rạp hát, các buổi khiêu vũ, cờ bạc, say xỉn, coi thường ngày Sa-bát và thỏa mãn xác thịt. Mỗi thời đại đều có những cám dỗ riêng. Có nhiều mưu chước của quỷ Sa-tan. Nhưng bất kỳ ma quỷ đang bận rộn nhất ở đâu, thì người hầu việc phải ở đó, sẵn sàng đối đầu và chống lại hắn.
Trách nhiệm của người hầu việc Chúa thật lớn lao! Công việc của họ nặng nề biết bao nếu họ đang thực thi bổn phận của mình! Họ rất cần sự cầu thay của tất cả mọi người để hỗ trợ và thêm sức cho đôi tay của họ! Không có gì phải ngạc nhiên khi sứ đồ Phao-lô thường xuyên nói với các Hội thánh rằng: Hãy cầu nguyện cho chúng tôi.
Hiểu lầm sự sốt sắng của Đấng Christ
Cuối cùng, chúng ta hãy để ý lòng sốt sắng của Đức Chúa Jêsus Christ đã bị hiểu lầm như thế nào. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng họ đã đến chăm sóc Ngài; vì họ nói rằng: “Ngài đã mất trí khôn”.
Chúng ta không nên ngạc nhiên trước điều này. Vị tiên tri đến xức dầu cho Giê-hu được gọi là một kẻ điên (2 Các-vua 9:11). Phê-tu đã nói với sứ đồ Phao-lô là ông bị điên. Có rất ít chỗ cho thấy bản chất bại hoại rõ ràng của loài người ngoài việc loài người không có khả năng hiểu được lòng sốt sắng trong tôn giáo. Sự nhiệt tình về tiền bạc, khoa học, chiến tranh, thương mại, kinh doanh là điều dễ hiểu đối với thế gian. Nhưng sự sốt sắng về tôn giáo thường bị cho là ngu dại, cuồng tín và dấu hiệu của một người mất trí. Nếu một người từ làm hại sức khỏe của mình bằng cách nghiên cứu hoặc chú ý quá mức vào kinh doanh, mà vẫn không tìm thấy lỗi nào cả; người ta nói: “Đó là một người siêng năng”. Nhưng nếu anh ta mệt mỏi vì giảng dạy hoặc dành toàn bộ thời gian của mình để làm việc lành cho nhiều linh hồn, thì người ta nói là: “Anh ta đã quá nhiệt tình về đạo đức”. Thế giới đã thay đổi rồi. Những điều thuộc về Thánh Linh luôn là sự ngu dại đối với người tự nhiên (1 Cô-rinh-tô 2:14).
Hãy đứng vững trong đức tin nếu chúng ta phải uống cùng một chén mà Chúa đã uống. Dù người thân hiểu lầm về thịt và huyết, thì chúng ta phải nhớ rằng đó không phải là điều mới mẻ. Hãy ghi nhớ lời Chúa phán rằng: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:37). Chúa Jêsus biết sự đắng cay của gian khổ; Chúa Jêsus cảm thông với chúng ta. Chúa Jêsus sẽ giúp đỡ chúng ta.
Hãy kiên nhẫn chịu đựng sự vô lý của những kẻ chưa được cải đạo, giống như Chúa đã làm. Hãy đau buồn vì sự mù quáng và thiếu hiểu biết của họ, nhưng đừng yêu thương họ bớt đi chút nào. Trên hết, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thay đổi tấm lòng của họ. Ai biết được những kẻ hiện đang cố gắng lôi kéo chúng ta rời xa Đấng Christ sau này sẽ trở thành những tạo vật mới, nhìn thấy mọi thứ khác đi và bước theo Đấng Christ nữa.