16 Th9, 2023

Sự khiêm nhường là bí quyết sức mạnh của ông

Charles Simeon (1759–1836)
Image
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Khi thất vọng và chán nản trong vai trò mục sư, tôi đã tìm thấy sức lực to lớn cho sự bền đổ bằng cách đặt ở trước mặt mình cuộc đời của một người đã vượt qua những trở ngại lớn, để vâng phục tiếng gọi của Đức Chúa Trời bằng ân điển dư dật của Đức Chúa Trời.

Tôi đã cần nguồn cảm hứng này từ một thế kỷ khác, bởi vì tôi biết rằng mình chỉ là một đứa trẻ ở trong thời đại của mình mà thôi. Một trong những dấu hiệu phổ biến của thời đại chúng ta là cảm xúc yếu ớt. Nó lơ lửng trong bầu không khí của chúng ta. Chúng ta dễ bị tổn thương. Chúng ta dễ đổ lỗi. Chúng ta dễ tan vỡ. Hôn nhân của chúng ta dễ đổ vỡ. Đức tin của chúng ta dễ lung lay. Hạnh phúc của chúng ta dễ tan vỡ. Chúng ta dễ nản lòng và dường như rất ít khả năng sống sót cũng như phát triển khi đối mặt với những lời chỉ trích và chống đối. Nếu chúng ta nghĩ mình không phải là đứa con của thời đại này, thì chúng ta chỉ cần kiểm tra xem mình phản ứng như thế nào khi mọi người từ chối ý tưởng của mình, hoặc từ chối những cố gắng của mình, hoặc hiểu sai ý tốt của mình.

Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ. Chúng ta được vây quanh và là một phần của một xã hội gồm có những người bỏ cuộc khi cảm xúc yếu ớt. Tinh thần của thời đại này quá lớn với chúng ta. Chúng ta cần thời gian ở với hạng người có cuộc sống chứng tỏ cuộc đời này vẫn còn một lối thoát. Kinh Thánh nói rằng: “Cứ học đòi những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa” (Hê-bơ-rơ 6:12). Vậy, tôi muốn cho chúng ta biết đến đức tin và sự nhịn nhục của Charles Simeon để chúng ta được truyền cảm hứng và noi theo.

Biết Đấng Christ từ nhỏ

Charles Simeon ra đời vào ngày 24 tháng 9 năm 1759. Cha của ông là một luật sư giàu có, nhưng không tin Chúa. Chúng ta không biết gì về mẹ của ông. Có lẽ bà đã chết sớm, để ông không bao giờ biết bà là ai. Từ lúc 7 tuổi đến 19 tuổi, ông theo học trường nội trú hàng đầu của nước Anh là Đại học Hoàng gia Eton. Một nơi chẳng có tôn giáo và suy đồi theo nhiều cách. Khi nhìn lại vào lúc cuối đời, ông nói thà giết chết con trai của mình còn hơn để nó nhìn thấy khuyết điểm mà chính ông đã nhìn thấy ở Eton.

Tôi yêu thung lũng của sự hạ mình. Tôi cảm thấy đang ở đúng vị trí của mình

Đến năm 19 tuổi, ông theo học Đại học King thuộc Đại học Cambridge, trong bốn tháng đầu tiên, Đức Chúa Trời đã đem ông từ tối tăm ra ánh sáng. Vào tháng 1 năm 1779, người hiệu trưởng thông báo rằng Simeon phải đến dự Lễ tiệc thánh. Simeon rất sợ hãi. Ông sợ vì biết rằng dùng Lễ tiệc thánh mà chưa tin Chúa hoặc là một kẻ giả hình thì rất nguy hiểm. Vì vậy, ông đã cố gắng đọc và cố gắng ăn năn, làm cho mình tốt hơn. Cuối cùng, ông đã chuyển sang đọc quyển sách của Giám mục Wilson về Lễ tiệc thánh. Khi ngày Chúa Nhật kỷ niệm Chúa phục sinh đến gần, một điều tuyệt vời đã xảy ra. Dưới đây là điều chính ông đã viết:

Trong tuần Thương khó, khi tôi đọc sách của Giám mục Wilson về Lễ tiệc thánh, tôi đã gặp phải điều này – “Người Do Thái vốn biết chuyện họ đã làm khi chuyển tội lỗi của họ lên đầu sinh tế”. Môt ý nghĩa xuất hiện trong đầu của tôi, Cái gì, tôi phải chuyển hết tội lỗi của mình cho người khác sao? Đức Chúa Trời đã cung ứng một Của lễ để tôi chuyển tội lỗi của mình lên đầu Ngài sao? Sau đó, bởi ý Chúa mà tôi không còn mang vác tội lỗi trong tâm hồn mình thêm một giây phút nào nữa. 

Hy vọng của ông đã tăng dần lên suốt những ngày còn lại của tuần Thương khó, vào sáng Phục Sinh, “tôi dậy sớm với mấy lời còn đọng lại trong lòng và trên môi của mình rằng: ‘Đức Chúa Jêsus Christ đã sống lại ngày hôm nay! Ha-lê-lu-gia! Ha-lê-lu-gia!’ Từ giờ phút đó, sự bình an tràn ngập trong tâm hồn tôi” (Charles Simeon, trang 25–26).

Người đại diện bị ghét bỏ

Trong ba năm tiếp theo, Simeon thường đi ngang qua Hội thánh Trinity ở Cambridge, ông nói với chúng ta, và cũng tự nhủ rằng: “Tôi sẽ rất vui nếu Đức Chúa Trời ban cho Hội thánh đó, để tôi rao giảng Phúc Âm ở đó và trở thành một sứ giả của Ngài ở trong trường Đại học” (Charles Simeon, trang 37). Ước mơ của ông đã thành hiện thực khi Giám mục Yorke bổ nhiệm ông làm “cha phó” (lúc đó chỉ được phong chức làm chấp sự). Ông tiếp nhận nhiệm vụ và chia sẻ bài giảng đầu tiên của mình tại Hội thánh Trinity vào ngày 10 tháng 11 năm 1782. Ông đã gặp phải sự chống đối và khó khăn ngay từ đầu.

Giáo dân không muốn Simeon ở lại. Họ muốn ông Hammond làm cha phó. Simeon sẵn sàng bước xuống, nhưng sau đó Giám mục nói với ông rằng ngay cả khi ông từ chối được bổ nhiệm, Hammond sẽ không được bổ nhiệm. Thế là, Simeon đã ở lại – trong 54 năm! Dần dần – cuối cùng – đã vượt qua sự chống đối. 

Điều đầu tiên mà hội chúng đã làm trong cuộc nổi loạn chống lại Simeon là từ chối để ông trở thành giáo sư vào chiều Chúa Nhật. Buổi nhóm ngày Chúa Nhật thứ hai này là do họ phụ trách. Trong 5 năm, họ đã giao cho ông Hammond giữ vị trí giáo sư. Sau đó, khi ông ấy rời đi, thay vì giao lại cho vị mục sư đã quản nhiệm họ trong 5 năm qua, thì họ lại giao cho một người khác trong bảy năm nữa. Cuối cùng, vào năm 1794, Simeon được chọn làm giáo sư. Như vậy, trong vòng mười hai năm, ông đã phục vụ một Hội thánh đã chống lại vai trò lãnh đạo của ông, họ không để ông giảng vào các buổi chiều Chúa Nhật, mà lại thuê một trợ lý để giữ ông khỏi vị trí đó.

Đức Chúa Jêsus Christ đã sống lại ngày hôm nay! Ha-lê-lu-gia! Ha-lê-lu-gia!

Điều thứ hai mà Hội thánh đã làm là khóa cửa chỗ ngồi vào các buổi sáng Chúa Nhật. Những kẻ giữ cửa chỗ ngồi không đến và không cho người khác ngồi ghế cá nhân của họ. Simeon sắp xếp chỗ ngồi ở giữa các lối đi và trong góc bằng tiền túi của mình. Nhưng mấy kẻ coi sóc nhà thờ đem ném chúng vào trong sân nhà thờ. Khi ông cố gắng đi từ nhà này sang nhà khác, hầu như không có ai chịu mở cửa để tiếp ông. Tình trạng này kéo dài ít nhất mười năm. Nhiều sổ sách cho thấy vào năm 1792, Simeon đã có một quyết định pháp lý về mấy kẻ giữ cửa chỗ ngồi không được khóa chỗ ngồi của họ nữa. Nhưng ông đã không dùng quyền đó. Ông đã để cho chức vụ giảng luận, sự cầu nguyện và làm chứng kiên định, không ngừng nghỉ ở trong cộng đồng của mình vượt qua sự chống đối.

Bị coi thường trong chính Đại học của mình

Khi các sinh viên đến Hội thánh Trinity, hội chúng thù địch đã làm cho các sinh viên có thành kiến với mục sư, ông đã bị bôi nhọ bằng đủ loại tin đồn trong nhiều năm. Các sinh viên ở Cambridge đã chế giễu Simeon vì bài giảng theo Kinh Thánh và lập trường không khoan nhượng của ông với tư cách là một người theo đạo Tin lành. Các sinh viên đã được cải đạo và được thức tỉnh trước sự giảng luận của Simeon cũng sớm bị tẩy chay và chế giễu. Họ được gọi là “Sims” – một thuật ngữ còn mãi đến những năm 1860 – lối suy nghĩ của họ được gọi cách mỉa mai là “thuyết Simeon”. 

Nhưng khó chịu hơn mấy lời lăng mạ các sinh viên là sự tẩy chay và lạnh nhạt của bạn bè đồng trang lứa ở trong trường đại học. Một trong những người bạn ở trường đại học đã sắp lịch học tiếng Hy Lạp vào tối Chúa Nhật để ngăn sinh viên đến nhóm tại nhà thờ của Simeon. Lần khác, một trong những sinh viên ngưỡng mộ Simeon đã bị từ chối nhận giải thưởng hàn lâm vì “thuyết Simeon” của ông. Đôi khi, Simeon cảm thấy hoàn toàn cô đơn ở trường đại học cũng là nơi ông sinh sống. Ông nhìn lại những năm đầu tiên ấy rồi viết rằng: “Tôi nhớ đến khoảng thời gian khá ngạc nhiên khi một người cùng trường Đai học đã mạo hiểm đi bộ với tôi hết 15 phút trên bãi cỏ trước sảnh Clare; nhiều năm sau khi tôi bắt đầu chức vụ, tôi cứ ‘mãi thắc mắc về chuyện đó’, thật hiếm hoi có được những người hứng thú với tôn giáo thật như vậy” (Charles Simeon, trang 59).

Gốc rễ sâu xa nhất của sự bền đỗ

Trong nhiều thập kỷ, Simeon đã đối phó với thử thách và chịu khổ bằng nhiều cách đến nỗi người bình thường không thể làm được. Một điều gì đó đã xảy ra, chứ người bình thường sao làm được. Làm thế nào Simeon có thể chịu đựng những thử thách lâu đến nỗi không hề bỏ cuộc hoặc bị đuổi ra khỏi Hội thánh của mình?

Có rất nhiều chiến lược trong Kinh Thánh về sự bền đỗ. Chẳng hạn, ông đã đặt trước mặt mình một ý thức mạnh mẽ về việc phải giải trình ở trước mặt Đức Chúa Trời về những linh hồn ở trong bầy của ông. Ông đã học cách đón nhận lời quở trách và trưởng thành từ những điều đó. Ông xem sự chịu khổ là một đặc ân để vác thập tự giá của mình với Đấng Christ.

Nhưng cũng có một gốc rễ sâu xa hơn bất kỳ chiến lược bền đỗ kia. Một điều hoàn toàn khác biệt so với lời khuyên mà chúng ta nhận được ngày hôm nay. Handley Moule nắm bắt được bí mật bền đỗ của Simeon trong câu này: “‘Trước khi có danh dự thì phải có sự khiêm nhường’, ông ‘ vừa đi xuống vừa tăng trưởng‘ từ năm này sang năm khác dưới sức ép của khó khăn một cách ngay thẳng, tức là gần gũi và tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời” (Charles Simeon, trang 64). Hai điều đó là nhịp đập trái tim trong đời sống thuộc linh của Simeon: vừa đi xuống vừa tăng trưởng trong sự khiêm nhường và vừa đi lên vừa tăng trưởng trong sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời.

Vừa đi xuống vừa tăng trưởng

Một điều đáng chú ý về sự khiêm nhường và sự mật thiết ở trong lòng của Charles Simeon là hai điều này không thể tách rời. Simeon hoàn toàn không giống như hầu hết chúng ta ngày hôm nay thường nghĩ rằng mình nên bỏ đi cảm giác xấu xa và không có giá trị càng sớm càng tốt cho xong. Đối với ông, sự mật thiết chỉ phát triển trong đất tơi xốp của sự khiêm nhường. Vậy, ông đã nỗ lực tìm hiểu tội lỗi của mình là gì và sự bại hoại còn lại trong đời sống của mình sau khi tin Chúa là gì. 

Tôi đã liên tục có cảm giác sự mặc cảm tội lỗi sẽ nhận chìm mình trong tuyệt vọng, nếu tôi không có góc nhìn chắc chắn rằng Đấng Christ có quyền phép và sẵn lòng cứu tôi đến cùng. Đồng thời, tôi lại có cảm giác được Đấng Christ chấp nhận sẽ lật úp con thuyền nhỏ của mình, nếu tôi không có chấn lưu đủ nặng ở dưới đáy để giữ cho tàu cân bằng. (Charles Simeon, trang 134)

Tiếng thở dài, tiếng rên xiết của một tấm lòng tan vỡ, sẽ sớm vượt khỏi trần nhà mà lên tận thiên đàng và ở trong lòng của Đức Chúa Trời

Ông chưa từng đánh mất nhu cầu cần một cái chấn lưu cho sự khiêm nhường của mình. Sau khi đã tin Chúa được bốn mươi năm thì ông viết rằng: “Chỉ có hai mục tiêu mà tôi rất khao khát trong bốn mươi năm qua; một là sự bại hoại của mình; hai là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trên mặt của Đức Chúa Jêsus Christ: tôi luôn nghĩ cả hai nên được xem xét cùng với nhau” (Hồi ký về cuộc đời ủa Mục sư Charles Simeon, trang 518).

Nếu Simeon đúng, thì phần lớn Cơ Đốc giáo đương đại đều sai. Tôi không biết làm gì khác ngoài việc thắc mắc có phải một trong những lý do chúng ta dễ có cảm xúc thăng trầm ngày hôm nay – tức là dễ tổn thương khi bị chỉ trích hoặc bị chống đối – là vì chúng ta đã bỏ cái chân lưu ra khỏi thuyền nhân danh sự tha thứ và ân điển chăng. Thuyền của Simeon đã chứa rất nhiều nước. Nhưng con thuyền có sự ổn định và đi đúng hướng, đỉnh cột buồm cao hơn và các cánh buồm to hơn, đầy dẫy Thánh Linh hơn hầu hết mọi người ngày nay thường nói về lòng tự trọng hơn là hạ mình xuống. Ông thực sự đã chạy trốn đến thành ẩn náu mà nhiều người ngày nay cố gắng thoát ra ngoài.

‘Ở đúng vị trí của mình’

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm công tác của ông tại Hội thánh Trinity, khi nhìn lại nhiều thành quả của mình, ông đã nói rằng: “Tôi yêu thung lũng của sự hạ mình. Tôi cảm thấy đang ở đúng vị trí của mình” (Charles Simeon, trang 159–60). Vì sao? Vì sao sự hạ mình của Cơ Đốc giáo lại là vị trí hạnh phúc của Simeon? Hãy lắng nghe những ích lợi mà ông nhận thấy trong việc này:

Trong khi chúng ta tiếp tục với tinh thần tự suy thoái này, thì mọi điều khác sẽ diễn ra cách dễ dàng. Chúng ta sẽ thấy bản thân tiến bộ trên chặng đường của mình; chúng ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời; chúng ta sẽ kinh nghiệm được tình yêu của Ngài; chúng ta sẽ sống trong ân điển của Ngài và trông cậy vào sự vinh hiển của Ngài . . . Chúng ta thường cảm thấy lời cầu nguyện của mình dường như không đụng đến trần nhà; nhưng hãy có lòng khiêm nhường mà xét thử Chúa tốt lành dường bao, còn chúng ta hết thảy đều là xấu xa, sau đó lời cầu nguyện sẽ chắp cánh đức tin mà bay lên tận thiên đàng. Tiếng thở dài, tiếng rên xiết của một tấm lòng tan vỡ, sẽ sớm vượt khỏi trần nhà mà lên tận thiên đàng và ở trong lòng của Đức Chúa Trời. (Charles Simeon, trang 137–38)

Tôi kết luận rằng bí quyết bền đỗ của Charles Simeon là ông không bao giờ bỏ đi cái chấn lưu nặng nề để khiêm nhường nhận biết tội lỗi của mình, chính điều này đã giữ cho cột buồm của ông thẳng đứng và những cánh buồm của ông tràn đầy lòng tôn thờ. Khi Simeon vừa đi xuống vừa tăng trưởng trong sự hạ mình, ông cũng vừa đi lên vừa tăng trưởng trong sự thờ phượng và sự vui sướng – cho đến cuối cùng. Khi ông qua đời vào tháng 10 năm 1836, một người bạn ngồi bên giường hỏi ông đang nghĩ gì lúc đó. Ông trả lời rằng: “Bây giờ tôi không nghĩ ngợi gì cả; tôi đang tận hưởng” (Charles Simeon, trang 172).

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .