27 Th10, 2021

Sự chịu khổ của ông khơi dậy một phong trào

David Brainerd (1718–1747)
Sự chịu khổ của ông khơi dậy một phong trào
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Cuộc đời ông thật ngắn ngủi — 29 năm, 5 tháng và 19 ngày. Chỉ có tám năm trong ngần ấy thời gian là tin Chúa. Chỉ có bốn năm làm giáo sĩ. Nhưng vẫn còn quá ít cuộc đời tạo nên những gợn sóng lăn tăn sâu rộng như David Brainerd.

Tại sao cuộc đời ông lại có ảnh hưởng đến như vậy? Tại sao John Wesley nói rằng: “Mỗi nhà truyền đạo phải đọc cẩn thận về Cuộc đời của David Brainerd”? Tại sao William Carey cho rằng quyển sách Cuộc đời của David Brainerd của Jonathan Edwards là quý báu và thiêng liêng? Tại sao Henry Martyn (giáo sĩ ở Ấn Độ và Ba-tư) khi còn là sinh viên ở Cambridge vào năm 1802 đã viết rằng: “Tôi mong được giống như ông!” (Cuộc đời của David Brainerd, trang 4)?

Tại sao cuộc đời của người nầy lại có ảnh hưởng đáng kể đến như vậy? Hay là tôi nên đưa ra một câu hỏi khiếm tốn và dễ trả lời hơn rằng: Tại sao cuộc đời của ông lại tác động đến tôi như vậy? Điều đó giúp tôi tấn tới trong chức vụ, trong đời sống thánh khiết, trong linh quyền và kết quả trong đời sống tôi như thế nào?

Cuộc đời của Brainerd làm chứng về một chân lý rất mạnh mẽ: Đức Chúa Trời là Đấng có thể và đang sử dụng các thánh đồ yếu đuối, bệnh tật, nản lòng, bị vùi dập, cô độc, sống chật vật, biết kêu cầu Ngài ngày đêm để hoàn thành những điều lạ lùng vì sự vinh hiển của Ngài. Họ luôn kết quả lớn lao qua mọi hoạn nạn. Để minh họa cho điều nầy, chúng ta sẽ cùng nhìn vào những tranh chiến của Brainerd, sau đó là cách ông đối diện với chúng, rồi cuối cùng là cách Đức Chúa Trời đã dùng ông trong sự yếu đuối của mình.

Những tranh chiến của Brainerd

Cách đây ba trăm năm trước về trước, Brainerd sinh vào ngày 20 tháng 4 năm 1718, tại Haddam, thuộc tiểu bang Connecticut, sau đó ông đã tiếp nhận Chúa lúc 21 tuổi. Trong suốt năm thứ ba tại trường Yale, là nơi ông được chuẩn bị cho chức vụ mục sư, ai đó nghe được Brainerd nói rằng một trong những người giám hộ của mình “chẳng bằng một cái ghế ngồi”. Thời kỳ Đại Tỉnh Thức đã tạo ra sự căng thẳng giữa các sinh viên và bộ phận cán bộ và nhân sự, vì thế mà cho dù Brainerd là sinh viên đứng đầu lớp cũng phải bị trục xuất.

Mặc dù ông đã cố gắng hết lần nầy đến lần khác nhiều năm trời để sửa chữa lỗi lầm, trường Yale không bao giờ nhận ông vào học nữa. Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch khác dành cho Brainerd. Thay vì dành sáu năm ngồi trong sảnh đường để chuẩn bị trở thành mục sư, rồi qua đời và chỉ tạo ra một chút ảnh hưởng cho vương quốc của Đấng Christ, Đức Chúa Trời muốn lèo lái cuộc đời ông vào trong đồng vắng để ông phải chịu khổ vì cớ Ngài và tạo ra ảnh hưởng khôn dò trong lịch sử truyền giáo.

Một thân thể hay hư nát

Brainerd đã tranh chiến với hầu hết các căn bệnh.

Ông phải nghỉ học vài tuần vì có triệu chứng ho ra máu vào năm 1740. Vào tháng 5 năm 1744, ông đã viết trong nhật ký là: “Cưỡi ngựa vài giờ đồng hồ dưới mưa xuyên qua khu vực vắng vẻ đến ảm đạm, mặc dù thân thể của tôi đang cảm thấy khó chịu đến nỗi chỉ có một hoặc chẳng có gì khác ra khỏi cái xác nầy ngoài máu tươi” (Cuộc đời của David Brainerd, trang 247). Bây giờ và lại một lần nữa, ông viết rằng: “Vào buổi chiều, tôi cảm thấy đau đớn nhiều hơn; buộc phải nằm xuống giường để nghỉ ngơi. . . đôi khi tôi không thể suy nghĩ được bởi vì quá đau đớn” (trang 253).

Vào tháng 5 năm 1747, tại nhà của Jonathan Edwards, các bác sĩ nói rằng ông bị mắc bệnh lao phổi không thể chữa được và cũng chẳng sống được bao lâu nữa (trang 447). Edwards nói thêm về tuần lễ trước khi Brainerd qua đời rằng: “Anh ta nói cùng tôi rằng thật không thể nào hiểu nỗi sự đau đớn mà anh ấy cảm thấy ở trong lòng ngực. Anh đã bày tỏ nhiều lo lắng nhưng không làm ô danh Chúa vì phải kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn đến cùng cực; anh ấy nói rằng nghĩ đến chuyện phải chịu đựng thêm một phút nữa thôi cũng không nỗi”. Trong đêm trước khi qua đời, ông đã nói với mọi người đang có mặt rằng: “chết là điều không ai tưởng tượng được” (trang 475–476).

Một tâm trí tuyệt vọng

Brainerd đã tranh chiến với sự trầm cảm tái diễn. Ông bị những điều làm cho nản lòng dằn vặt hết lần nầy đến lần khác. Điều lạ lùng đó là ông đã sống và tấn tới sau mọi chuyện.

Ông thường gọi sự trầm cảm của mình là một kiểu chết. Có ít nhất 22 chỗ trong quyển nhật ký ghi rằng ông muốn được thoát khỏi sự đau đớn bằng cái chết. Thí dụ, Chúa Nhật ngày 3 tháng 2 năm 1745, ông đã viết rằng: “Linh hồn tôi nhớ tới ‘cây ngải tây và túi mật’ (Tôi gần như nói về địa ngục) vào ngày thứ Sáu vừa rồi; tôi sợ rằng mình buộc phải uống “cái chén đáng sợ” ấy, là thứ còn đắng hơn cả sự chết, khiến tôi muốn thấy phần mộ nhiều hơn cả việc nhìn thấy những kho báu bí mật nào đó” (trang 285).

Chỉ khi nhìn lại ông mới thấy mình giống như một “đối tượng phù hợp để tiếp nhận sự thương xót của Chúa Jêsus”. Nhưng trong giờ phút đen tối, có lúc ông chẳng thấy một tia hy vọng hay tình yêu thương hay sợ hãi gì cả. Đây là khía cạnh đáng sợ nhất của bệnh trầm cảm, bởi vì bản năng không còn kiểm soát được suy nghĩ tự tử nữa. Nhưng khác với William Cowper, Brainerd đã không rơi vào suy nghĩ tự sát. Mong ước được chết đi của ông đều bị giới hạn trong vành đai của lẽ thật Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi” (Gióp 1:21). Ông ước được chết đi rất nhiều lần, nhưng chỉ khi nào Đức Chúa Trời cất ông đi mà thôi (Cuộc đời của David Brainerd, trang 172, 183, 187, 215, 249, thí dụ).

Thật lạ lùng về cách Brainerd tấn tới bằng những việc thực tiễn cần thiết trước nhiều sóng gió của sự nản lòng. Chính điều nầy đã cho thấy ông được các giáo sĩ quý mến bởi vì họ cũng trải qua những khổ đau giống như ông vậy.

Một linh hồn cô độc

Ông kể là mình phải chịu đựng cuộc trò chuyện ngoại đạo của hai người lạ mặt vào tháng 4 năm 1743 rồi nói rằng: “Ước gì có vài Cơ Đốc nhân hiểu được nỗi khổ của mình!” (trang 204). Một tháng sau ông nói rằng: “Hầu hết các cuộc trò chuyện mà tôi nghe được đều là về rượu Highland Scotch hoặc là người Ấn Độ”. Tôi không có ai là người tin Chúa để thổ lộ và trải lòng trước những khổ sở thuộc linh của mình, tôi phải tìm ai để được cố vấn về những chuyện trên trời đây, ai sẽ cùng tôi cầu nguyện xã giao với nhau” (trang 207). Chính sự khốn khổ nầy đã khiến ông co mình lại trước một cuộc mạo hiểm khác. Ông đã viết vào thứ Ba ngày 8 tháng 5 năm 1744 rằng: “Trái tim của tôi đã có lúc sẵn sàng đắm mình vào tư tưởng của công việc, đi một mình trong nơi vắng vẻ, mà tôi chẳng biết sẽ về đâu” (trang 248).

Brainerd cô độc trong chức vụ của ông cho đến cuối cùng. Trong vòng mười chín tuần cuối đời, Jerusha Edwards là đứa con gái 17 tuổi của Jonathan Edwards, là y tá của ông, và rất nhiều sự suy đoán cho rằng họ có tình cảm (lãng mạn) sâu đậm dành cho nhau. Nhưng trong nơi vắng vẻ và trong mục vụ, ông là người cô độc và chỉ có thể tuôn đổ linh hồn mình ra trước mặt Chúa. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã nâng đỡ và gìn giữ ông tiến tới phía trước.

Phản ứng của Brainerd

Chúng ta có thể tiếp tục mô tả những tranh chiến của Brainerd — những gian khổ trong cuộc sống của ông, khung cảnh chán chường của thiên nhiên, tình cảm của ông dành cho người Ấn Độ, những cám dỗ muốn rời khỏi cánh đồng — nhưng bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang nói về cách Brainerd phản ứng với những tranh chiến nầy.

Điều chúng ta phải lấy làm lạ đó là ông vẫn không bỏ cuộc. Một trong những lý do chính khiến cuộc đời của Brainerd có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mọi người đó là: bên cạnh những tranh chiến của mình, ông không bao giờ từ bỏ đức tin hoặc chức vụ của mình. Ông bị thiêu đốt bởi một quyết tâm muốn hoàn thành cuộc đua của mình, tôn vinh Chủ của mình, mở rộng bờ cõi của vương quốc, tấn tới trong đời sống thánh khiết cá nhân. Chính lòng trung thành trước sau như một đối với ý muốn của Đấng Christ đã làm cho sự ảm đạm trong cuộc đời ông trở nên rực rỡ đến vinh hiển.

Trong số tất cả những phương cách mà Brainerd đã dùng để đeo đuổi sự thánh khiết ngày một lớn dần hơn và có hiệu quả, thì sự cầu nguyện và kiêng ăn là đặc biệt nhất. Chúng ta cũng đọc thấy cách ông dành rất nhiều ngày để cầu nguyện. Thứ Tư ngày 30 tháng 6 năm 1742, “Dành gần hết cả ngày để cầu nguyện không ngừng” (trang 172). Có lúc ông biệt riêng một chu kỳ sáu lần trong ngày để cầu nguyện rằng: “Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời, tôi được tự do từ năm đến sáu lần trong ngày, để cầu nguyện và ngợi khen Chúa, tôi cảm thấy một gánh nặng ở trong tâm linh dành cho những linh hồn quý báu kia được cứu rỗi và sự mở rộng vương quốc của Chúa Cứu Thế ở giữa họ” (trang 280).

Ngoài sự cầu nguyện, Brainerd còn đeo đuổi sự thánh khiết bằng sự kiêng ăn nữa. Hết lần nầy đến khác ở trong quyển nhật ký, ông kể lại nhiều ngày dành để kiêng ăn. Một trong những điều đáng chú ý, nếu đem so sánh cách chúng ta tổ chức sinh nhật của mình, đó là sự kiêng ăn vào lần sinh nhật thứ 25 của ông:

Thứ Tư, ngày 20 tháng 4. Biệt riêng ngày hôm nay để kiêng ăn và cầu nguyện, để hạ linh hồn mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời để xin Chúa gia thêm ơn thiêng; đặc biệt là trong mọi đau khổ thuộc linh ở trong lòng có thể khiến linh hồn tôi được nên thánh . . . Tâm linh tôi đau đớn khi nghĩ tới sự khô hạn và sự chết của mình; tôi đã sống quá ít cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đời đời. Tôi đã dành cả ngày ở trong rừng một mình để than thở với Chúa. Cầu xin Chúa giúp tôi sống cho sự vinh hiển của Ngài trong tương lai! (trang 205)

Kết quả từ hoạn nạn của Brainerd

Jonathan Edwards đã viết về kết quả từ đời sống tận hiến của Brainerd trong vòng hai năm sau đó, trong quyển Cuộc đời của David Brainerd, đã được in tái bản nhiều hơn các sách khác của Edwards. Qua cuộc đời của ông, ảnh hưởng của Brainerd ở trên Hội thánh là không thể kể xiết. Ngoài các giáo sĩ có tên tuổi kể lại cho chúng ta nghe về cách họ đã được nâng đỡ và tìm lại cảm hứng từ Cuộc đời của Brainerd, thì còn bao nhiêu đầy tớ trung tín không tên tuổi nữa đã tìm được sự nâng đỡ và sức lực từ cuộc đời của Brainerd để tiến tới phía!

Một viên sỏi rơi xuống đại dương của lịch sử có thể tạo ra những làn sóng ân điển tràn vào các bờ cõi xa xăm đến hàng trăm năm sau và hàng ngàn dặm là một suy nghĩ thật tuyệt vời. Robert Glover nghĩ đến tư tưởng nầy khi ông viết rằng:

Chính đời sống thánh khiết của Brainerd đã ảnh hưởng Henry Martyn trở thành một giáo sĩ và một nhân tố quan trọng để truyền cảm hứng cho William Carey. Tới lượt Carey truyền cảm hứng cho Adoniram Judson. Vậy, chúng ta truy nguyên về dòng giống thuộc linh từng bước một — Hus, Wycliffe, Francke, Zinzendorf, anh em nhà Wesleys và Whitefield, Brainerd, Edwards, Carey, Judson, và cứ tiếp tục ở trong mục vụ sứ đồ thật rất thành công của ân điển, quyền năng và mang tính toàn cầu. (Tiến triển của công tác truyền giáo toàn cầu, trang 56)

Nhưng ảnh hưởng quan trọng và lâu bền nhất từ chức vụ của Brainerd cũng giống như ảnh hưởng quan trọng và lâu bền nhất từ mục vụ của từng mục sư. Chỉ có một vài người Ấn Độ — có lẽ là vài trăm người — từ bây giờ và cho đến đời đời đang mắc nợ sự sống đời đời từ tình yêu thương và chức vụ của David Brainerd.

Ai có thể mô tả một linh hồn được dời từ vương quốc của sự tối tăm, có khóc lóc và nghiến răng, sang vương quốc của Con rất yêu dấu của Đức Chúa Trời? Nếu sống được 29 năm, hoặc nếu sống được 99 năm, mà cứu được một người khỏi sự đau khổ đời đời của địa ngục, để được vui mừng đời đời trong sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì chúng ta có dám trải qua những gian khổ kia chăng?

Tấn tới và tiến lên

Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì chức vụ của David Brainerd ở trong chính cuộc đời tôi — lòng nhiệt thành dành cho sự cầu nguyện, bữa tiệc kiêng ăn thuộc linh, sự ngọt ngào từ Lời Chúa, sự bền đỗ không ngừng qua gian khổ, sự tập trung cao độ vào sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, sự lệ thuộc hoàn toàn vào ân điển, sự yên nghỉ ở trong sự công bình của Đấng Christ, đeo đuổi tội nhân đang hư mất, sự thánh khiết trong sự chịu khổ, tâm trí tập chú vào những điều thuộc về cõi đời đời, và kết thúc tốt đẹp mà không rủa sả căn bệnh đã khiến ông bị giới hạn vào lúc 29 tuổi. Qua hết thảy sự yếu đuối, thiếu cân bằng và tội lỗi của ông, tôi vẫn yêu David Brainerd.

Cầu xin Chúa gia ơn bền đỗ cho chúng ta để rao truyền uy quyền tối hậu của Ngài ở trên mọi sự, giống như Brainerd, vì sự vui mừng của muôn dân! Cuộc sống quý báu đến nỗi không nên sống lãng phí vào những điều tầm thường. Chúa ơi, xin ban cho chúng con một lòng khao khát sự cầu nguyện và sống với lời nài xin của David Brainerd rằng: “Tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ la cà trên hành trình tiến về thiên quốc!” (trang 186).

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .