1 Th12, 2021

Sự cải cách tiếng Anh

Kinh Thánh của Tyndale đã biến đổi tiếng Anh của chúng ta
Sự cải cách tiếng Anh
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Vào cuối mùa hè hoặc mùa thu năm 1525, những xấp giấy mỏng được khâu chỉ lại thành sách đã xuất hiện khắp eo biển Anh, được bọc kín bằng những kiện hàng bằng vải và các bao tải dùng để chứa bột mì. Chúng được chuyển đi cách lặng lẽ, bí mật, từ eo biển đến các tàu bè ở Luân Đôn, từ đó chuyển đến tay các thợ rèn và đầu bếp, các thủy thủ và thợ sửa giày, các thầy tu và chính khách, những người đang làm mẹ, làm cha và con cái. Mở miếng vải ra và mở bao tải ra, mấy dòng đầu tiên đọc là:

Tôi đã chuyển ngữ (kính thưa anh chị em rất yêu dấu ở trong Đấng Christ) phần Tân Ước để giúp mọi người được thông sáng và yên ủi về đời sống thuộc linh.

Sau đó vài trang là:

Gia phổ của Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít, cũng là con cháu Áp-ra-ham . . .

Đây từng là Phúc âm của Ma-thi-ơ, được chuyển ngữ từ nguyên gốc tiếng Hy-lạp sang tiếng Anh lần đầu tiên. Toàn bộ Tân Ước cũng sớm xuất hiện sau đó, và nhiều phần khác của Cựu Ước nữa, trước khi dịch giả của Kinh Thánh là William Tyndale (1494-1536) bị bắt và bị xử tử vì làm công tác nầy.

Nhiều thế kỷ sau, một người Anh bình dân còn tưởng là Đức Chúa Trời phán bằng tiếng La-tinh. Quyển Kinh Thánh duy nhất được sử dụng hợp pháp ở nước Anh lúc bấy giờ là Kinh Thánh tiếng La-tinh, được cha đẻ Hội thánh là Jerome (qua đời vào năm 420) chuyển ngữ hơn một thiên niên kỷ. Đối với họ, Thi thiên chỉ là những bài hát ở nơi đất khách quê người. Mười điều răn chỉ như tiếng súng bên tai mà chẳng có sự rõ ràng gì khác hơn tiếng sấm truyền ở núi Si-nai ngày xưa. Có thể họ vốn biết rằng: Lời Chúa đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta — nhưng ngoài những đoạn trích ngắn ấy ra thì họ chưa bao giờ nghe Chúa phán trong tiếng mẹ đẻ của mình. Cho đến hôm nay.

Nhiều năm sau đó, có người thiêu đốt quyển sách nầy và có người bị thiêu đốt vì quyển sách ấy. Có người lén lút đem quyển sách nầy vào Anh quốc, có người tẩy chay chúng. Nhưng khi quyển sách ấy được chuyển ngữ rồi thì không bao giờ bị quên lãng nữa. Dù có hợp pháp hay không, thì Kinh Thánh tiếng Anh vẫn tìm được lối đi đến các bục giảng nói tiếng Anh và tấm lòng của người Anh, cải cách tiếng Anh bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Song song đó là một cuộc cải chánh nữa xuất hiện — một phong trào Cải chánh thường bị phớt lờ, nhưng lại lan tỏa khắp nơi. Bản dịch của Tyndale đã cải cách không chỉ nước Anh, mà còn cả tiếng Anh; nó hình thành không chỉ lịch sử tôn giáo của nước Anh, mà còn cả tiếng Anh nữa. Một tiểu sử gia tên là David Daniell đã viết rằng: “Các bản tin chính trên báo vẫn còn trích Tyndale, mặc dù không hề cố ý, và ông đã vươn đến còn nhiều người hơn cả Shakespeare” (William Tyndale, trang 2).

Những nguy hiểm của công tác dịch thuật

Từ khoảng cách năm trăm năm, chúng ta khó hình dung được làm thế nào Hội thánh Cơ Đốc nói tiếng Anh lại không tiếp nhận Kinh Thánh Cơ Đốc bằng tiếng Anh. Vì điều kỳ lạ đó là chính Hội thánh lại tẩy chay và thiêu trụi quyển sách nầy. Những người cầm quyền Hội thánh Công giáo vào thời của Tyndale đã đưa ra ít nhất hai lý do.

Đầu tiên, chính bản dịch đã là mối nguy hiểm. Vào đầu những năm 1400, một thế hệ sau John Wyiffe (1328-1384) đã xuất bản Kinh Thánh tiếng Anh đầu tiên (được dịch từ tiếng La-tinh Vulgate chứ không phải tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp), theo Hiến pháp của Oxford tuyên bố rằng:

Thật là nguy hiểm, theo Thánh Jerome làm chứng, khi chuyển ngữ bản văn Kinh Thánh từ tiếng nầy sang tiếng kia, vì ý nghĩa trong bản dịch không phải lúc nào cũng như nhau . . . Vì thế chúng tôi quy định rằng không ai được quyền chuyển ngữ bản văn Kinh Thánh sang tiếng Anh hoặc bất kỳ thứ tiếng nào . . . và không ai được phép đọc một phần hoặc toàn bộ quyển sách ấy. (Sách bán chạy nhất của Đức Chúa Trời, trang xxii)

“Họ có thể thiêu trụi quyển sách, họ có thể thiêu sống một người, nhưng họ không thể thiêu sạch hết mọi lời mà nhiều người đã nghe”.

Các tu sĩ và thẩm phán tòa sơ thẩm vào thời của Tyndale đã ban hành luật pháp để trả thù, đôi khi thiêu sống Cơ Đốc nhân chỉ vì sở hữu bài cầu nguyện chung bằng tiếng Anh. Tất nhiên, sở hữu một quyển Kinh Thánh tiếng Anh còn nguy hiểm cho một Hội thánh sai lạc hơn là cho một Cơ Đốc nhân bình dân. Dẫu vậy, họ vẫn coi: dịch thuật là vấn đề vô cùng nguy hiểm.

Thứ tiếng khiếm nhã và lỗi thời

Bên cạnh việc dịch thuật được xem là nguy hiểm, thì ý tưởng về bản dịch tiếng Anh còn bị xem là “nực cười” nữa. Daniell nói: “Tiếng Anh, khi Tyndale bắt đầu viết ra, là thứ tiếng tội nghiệp, chỉ được vài người ở trên hòn đảo cách xa châu Âu nói mà thôi . . . Vào năm 1500, đó là chuyện không thích hợp cho đời ở châu Âu giống như Scots Gaelic là thành phố của Luân Đôn vậy” (Kinh Thánh tiếng Anh, trang 248).

Mặc dù tiếng Anh được dùng để đối thoại hàng ngày, nhưng tiếng La-tinh lại được dùng phổ biến hơn trong các lĩnh vực xã hội cao cấp. Thẩm phán tòa sơ thẩm đã viết bằng tiếng La-tinh. Các giáo sư đã viết (và dạy) bằng tiếng La-tinh. Các tác phẩm văn học sử dụng tiếng La-tinh. Giới tu sĩ đã dùng tiếng La-tinh trong các giờ nhóm. Làm thế nào Kinh Thánh có thể dịch sang tiếng Anh đây?

Một bài thơ của John Skelton, được sáng tác vào đầu những năm 1500, đã tả lại sự ngớ ngẩn của một bản dịch tiếng Anh như sau:

Thứ tiếng của ta thật khiếm nhã,
Thật khó để sửa lại
Với những thuật ngữ hấp dẫn;
Tiếng của ta [toàn những từ] lỗi thời,
Thật hư hỏng và tối tăm,
Đến nỗi nếu phải dùng để
Viết gì đó cho thật hay,
Ta chẳng biết tìm đâu
Từ ngữ để giải bày suy nghĩ. (Trang 273)

Thứ tiếng khiếm nhã và lỗi thời không thể truyền đạt Lời của Đức Chúa Trời. Hoặc đại loại là suy nghĩ của các nhà cầm quyền.

Kinh Thánh cho nông dân

William Tyndale đã lớn lên với các bạn cùng lứa, lắng nghe Lời Chúa bằng tiếng La-tinh. Bài cầu nguyện chung không hề bắt đầu bằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, mà là “Pater noster, qui es in caelis”. Giống như các bạn cùng lứa với mình, ông cũng đi học để chuẩn bị nói mấy tiếng La-tinh ấy với tư cách là một tu sĩ cho thế hệ tiếp theo.

Nhưng ông không theo con đường đó — hoặc chí ít là con đường ấy không kéo dài. Chúng ta biết được một vài lý do vì sao Tyndale thấy mệt mỏi với cái tôn giáo độc ngữ La-tinh nầy và bắt đầu nóng cháy muốn đọc Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Có lẽ ông để ý thấy, khắp châu Âu vào những năm 1520, chỉ có tiếng Anh không hề có bản dịch bằng tiếng mẹ đẻ hợp pháp (Kinh Thánh tiếng Anh, trang 249). Có lẽ ông đã nghe về — và thậm chí đã đọc — quyển Kinh Thánh đột phá bằng tiếng Đức của Martin Luther, được xuất bản vào năm 1522. Có lẽ ông đã để ý thấy sự mục nát của toàn thể Công giáo mà chỉ có quyển Kinh Thánh bị câm điếc mới có thể hậu thuẫn cho. Có lẽ, với tư cách là một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, ông đã nghe thấy tiềm năng sâu xa hơn của tiếng Anh mà Hội thánh lúc bấy giờ vẫn chưa thấy.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng khi Tyndale được hơn đôi mươi đã nghe thấy một người kia nói rằng: “Chúng ta có thể sống thiếu điều răn của Lời Chúa chứ không thể thiếu luật pháp của giáo hoàng được”, ông trả lời là: “Tôi bất chấp Giáo hoàng và hết thảy luật lệ của ông ta . . . Nếu Đức Chúa Trời cho tôi sống thêm nhiều năm nữa, thì tôi sẽ khiến một anh nông dân cày ruộng biết Kinh Thánh nhiều hơn các anh” (William Tyndale, trang 79). Phúc âm của Kinh Thánh, mà Tyndale biết rõ, “khiến lòng dạ của loài người được vui cười, làm cho người cất tiếng hát, nhảy múa và vui vẻ” (trang 123). Nhưng làm sao người nông dân cất tiếng hát nếu không nghe được gì về Phúc âm đây?

Thế là Tyndale bắt tay vào công tác dịch thuật. Trước tiên ông đến Luân Đôn để tìm hiểu xem có sự hỗ trợ nào ở gần nhà chăng. Chẳng tìm được gì cả, ông rời khỏi Luân Đôn để tiến vào lục địa, ông thiết lập công tác dịch thuật kể từ đó với mục tiêu không chỉ giúp nông dân có Kinh Thánh, mà còn là Kinh Thánh bằng tiếng Anh có thể tồn tại qua hàng thế kỷ.

Bản dịch của Tyndale

Qua đánh giá của một học giả, Tyndale “chịu trách nhiệm hầu như toàn bộ công tác chuyển ngữ tiếng địa phương, bị coi thường trong giới học thức vào đầu thế kỷ 16, trở thành một phương tiện mềm mỏng, mạnh mẽ và nhạy bén vào thời của Shakespeare” (Bản dịch King James lần thứ 400, trang 316). Nói một cách sâu xa hơn là: “Có lẽ thật trong lời phê bình: ‘Không có Tyndale, không có Shakespeare’” (William Tyndale, trang 158). Dưới ngòi bút của Tyndale, tiếng Anh đã từ một chàng trai non nớt trở thành một người trưởng thành, có thể diễn đạt những điều tinh tế và uyên thâm của Kinh Thánh từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền.

Nhưng ông đã làm điều đó như thế nào? Bằng cách tập trung toàn bộ khả năng ngôn ngữ thiên bẩm của mình vào hai mục tiêu lớn, như Daniell viết là: “Đầu tiên, hiểu rõ tiếng Hy-lạp và tiếng Hê-bơ-rơ trong các bản văn Kinh Thánh nguyên thủy tốt nhất có thể. Thứ hai, viết ra tiếng Anh tất cả mọi thứ và trong mọi lúc thấy có nghĩa nhất” (trang 92). Tính chính xác và rõ ràng là tiêu chí của Tyndale, hai điều nầy đã làm cho tiếng Anh trở nên mới mẻ đến kỳ lạ và quen thuộc đến mức phải chú ý.

Môi-se nói tiếng Anh

Trước tiên, Tyndale quyết tâm làm cho tiếng Anh phải có tính chính xác đến lạ thường. Một hương vị mới len lỏi trong các cụm từ tiếng Anh của ông, giống như ngôn ngữ của ông vừa trở về từ hải ngoại với một giọng điệu mới lạ.

Có lúc độc giả cảm nhận được sự thay đổi trong các từ ngữ mới mà Tyndale đã tạo ra để bắt lấy ý nghĩa của bản văn. Sự cầu thay, sự đền tội, Lễ Vượt Qua, ngôi thương xót, con dê đực— tất cả đều là của Tyndale, là tác phẩm của một nhà văn trong lò rèn của mình. Alistair McGrath bình luận rằng: “Có thể thấy ngay là công tác dịch thuật Kinh Thánh đã cung ứng một sự kích thích lớn cho việc phát triển tiếng Anh, chứ không chỉ tạo ra từ vựng tiếng Anh mới để giải thích ý tưởng của Kinh Thánh mà thôi” (Lời Chúa bằng tiếng Anh, trang 61).

Tuy nhiên, Tyndale không chỉ tạo ra từ vựng mới, mà còn tạo nên phong cách mới và đặc biệt là qua bản dịch Cựu Ước của ông. Cố gắng bám sát nghĩa đen, ông đã uốn đúc thành tiếng Anh thuộc hệ Hê-bơ-rơ, giống như Môi-se đã nói tiếng Anh trong tiếng mẹ đẻ của mình vậy. Thí dụ, điều nầy rất là kỳ lạ, một cấu trúc câu đơn giản như sau “the+danh từ+of+the+danh từ” — “the beasts of the field,” “the birds of the air” — đã xuất hiện trong tiếng Anh qua bản dịch một thể thức câu trong tiếng Hê-bơ-rơ được gọi là chuỗi khái niệm (William Tyndale, trang 285). Tyndale vốn có thể sát nhập thể thức câu trong tiếng Hê-bơ-rơ nầy vào trong cú pháp tiếng Anh; thay vì thế, ông đã phát minh ra một thể thức câu tiếng Anh mới, tô điểm thêm cho tiếng Anh của chúng ta bằng những bộ cánh của tiếng Hê-bơ-rơ.

Robert Alter viết rằng: “Tiếp tục với những diễn biến về cú pháp trong tiếng Hê-bơ-rơ là một loại hiệu ứng hấp dẫn mới lạ, vừa cao quý vừa mạnh mẽ” (Kinh Thánh King James và Công cuộc tạo nên thế giới, trang 136). Còn nhiều thí dụ khác nữa có thể liệt kê ra tại đây. Tầm ảnh hưởng của tiếng Hê-bơ-rơ ở trên ngôn ngữ của chúng ta (và rất ít tiếng Hy-lạp), Daniell nói là chẳng thiếu gì ngoài “tràn ngập” (William Tyndale, trang 289) — còn phần lớn đều là nhờ Tyndale. Qua khả năng bám sát nguyên ngữ rất chặt chẽ, ông đã lồng ghép hầu như tất cả vào trong tiếng Anh, để chúng ta có thêm sự phong phú.

Kinh Thánh bằng ngôn ngữ dễ hiểu

Tuy nhiên, ngoài sự mới mẻ kỳ lạ ấy là cái quen thuộc đến mức phải chú ý, nó ra đời vì quyết tâm muốn mọi thứ phải rõ ràng của Tyndale. Tiếng Anh của ông có thể đã từ hải ngoại trở về, nhưng không bao giờ mất đi nguồn cội của nó — và đặc biệt là nguồn gốc Saxon của nó.

Như chúng ta cũng thấy, tiếng La-tinh đã thống trị các bài diễn thuyết trang trọng ở nước Anh của Tyndale. Ngay cả khi một tác giả đã viết vài câu quan trọng bằng tiếng Anh rồi, nhưng ông ta vẫn phải góp nhặt một chút phong thái của tiếng La-tinh, tức là thứ tiếng Anh pha lẫn tính trừu tượng, những từ đa âm tiết trong cú pháp phức tạp. Thí dụ, Daniell đưa ra một đoạn trích ngắn từ bản dịch 1523 của Ngài Berner về một lịch sử của người Pháp như sau:

Vậy, khi tôi quảng cáo và ghi nhớ các thương phẩm đa dạng trong lịch sử, nó lợi gì cho người phàm, và công trình viết sử đáng khen ngợi biết bao . . . mà tôi, tất nhiên, đánh giá là hàng hóa và thứ sinh lợi phải có trong tiếng Anh . . . (Kinh Thánh tiếng Anh, trang 250)

Trong số 46 từ tiếng Anh của câu trên, 11 từ có ba hoặc nhiều âm tiết, 6 trong số 11 từ có đến bốn hoặc năm âm tiết, và hầu hết đều nằm trong màn sương của tính trừu tượng. Trở lại với Tyndale, hoặc là trong các bài văn xuôi hoặc là trong bản dịch Kinh Thánh, và bạn bước vào một thế giới khác hẳn — một thế giới có nhiều tiếng Saxon hơn là tiếng La-tinh, được phổ biến với các từ ngữ và câu cú súc tích gợi lên nhiều hình ảnh về đời thực. Ở đây chúng ta tìm được ánh sáng, chứ không phải sự soi sáng; ăn, chứ không nuốt vào bụng; lớn lên, chứ không cày cấy; đốt, chứ không đốt ra tro.

Tất nhiên, các từ ngữ tiếng La-tinh vẫn có vị thế của chúng trong tiếng Anh, nhưng Tyndale vốn biết rằng “tiếng địa phương Anglo-Saxon đơn giản” không chỉ phù hợp với “cách diễn đạt dễ hiểu của tiếng Hê-bơ-rơ”, mà còn giải bày được tấm lòng của độc giả và thính giả nói tiếng Anh nữa (Kinh Thánh King James, trang 137). Ông đã dịch sang “tiếng bình dân mọi người hay nói, chứ không phải tiếng học giả hay viết” (William Tyndale, trang 3) — thí dụ như câu chuyện Chúa giáng sinh ở trong Lu-ca 2:

Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa. (Lu-ca 2:8–11)

Với 87 từ tiếng Anh trong phân đoạn nầy, chỉ có một từ ba âm tiết (abiding). Đây là một ngôn ngữ quen thuộc và ấm áp, một thế giới từ ngữ ngay cả một cậu nông dân cũng hiểu được. Nhưng, đồng thời, đây cũng là một ngôn ngữ đẹp, một “suối nước trong, dễ uốn lượng và giàu cảm xúc của bản văn vĩ đại nhất” (William Tyndale, trang 116).

Tiếng Tyndalian tuyệt vời của chúng ta

Vào năm 1611, 86 năm sau khi một phần Tân Ước của Tyndale được lén lút đưa vào nước Anh, có một bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh mới xuất hiện, một quyển Kinh Thánh đã chiếm hữu trái tim của Cơ Đốc nhân nói tiếng Anh, trong ba thập kỷ, bạn có thể gọi quyển sách ấy là Kinh Thánh tiếng Anh. Nhưng điều đáng chú ý là hầu hết Bản dịch King James thuộc về ngòi bút của Tyndale: 84 phần trăm Tân Ước được hình thành từ bản dịch của ông, cùng với 76 phần trăm các sách Cựu Ước mà ông đã hoàn thành trước khi qua đời (Sách bán chạy nhất của Đức Chúa Trời, trang 1). Các dịch giả của bản 1611 đã mắc nợ công trình tiên phong của ông đến nỗi C.S. Lewis có thể nói về bản dịch KJV rằng: “Quyển Kinh Thánh của chúng ta thực chất là Tyndale” (Lời của Đức Chúa Trời bằng tiếng Anh, trang 60).

“Kinh Thánh của Tyndale mở ra cuộc cải cách — về thần học và thuộc linh, còn cả ngôn ngữ nữa”.

Cũng không lạ gì khi Daniell viết rằng: “Món quà mà Tyndale đã tặng cho tiếng Anh là vô biên” (William Tyndale, trang 158). Qua bản dịch của ông, sau đó là qua bản dịch KJV, Tyndale — một dịch giả bị săn lùng, phải sống cô độc đến khi tử vì đạo vì công việc của mình — có thể làm gia sư cho các nhà thơ và các nhà soạn kịch, các chính khách và các mục sư, về “âm thanh và nhịp điệu cũng như ý nghĩa của tiếng Anh” (2). Tyndale đã cho chúng ta một tiếng Anh tuyệt vời để nói và viết, không chỉ dùng trong đối thoại hằng ngày và những tài liệu không chính thức, mà còn cả những vấn đề quý báu nhất liên quan đến sự sống và cái chết.

Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn cảm nhận được sức ảnh hưởng của ông mỗi khi đọc hoặc nghe bản dịch English Standard Version, các dịch giả của bản dịch ấy chú thích rằng “từ ngữ và cụm từ . . . là từ di sản của bản dịch Tyndale–King James”. Nhưng sức ảnh hưởng của ông còn sâu xa hơn đến tận bản năng và thế giới tư duy của hết thảy người nào nói tiếng Anh. Chúng ta nói tiếng Anh giống như con cá bơi trong nước, hiếm khi để ý đến chất lượng của ngôn ngữ mà chúng ta đang sống động và hiện hữu cùng với nó (một cụm từ Tyndale, Công vụ 17:28). Như David Norton viết rằng: “Thật khó để tưởng tượng ra ngôn ngữ của chúng ta sẽ như thế nào nếu không nhờ công sức của Tyndale ở trong bản dịch KJV — phần lớn là vì chúng ta đã quen với ngôn ngữ hiện tại cho nên sẽ khó quan sát thấy điều nầy” (Bản dịch King James, trang 21).

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tiếng Anh không còn là thứ tiếng bất lịch sự và lỗi thời như John Skelton đã từng nghĩ. Kinh Thánh của Tyndale đã mở ra cuộc cải cách — về thần học và thuộc linh, còn cả ngôn ngữ nữa. Họ có thể đốt quyển sách, họ thậm chí có thể thiêu sống người đàn ông nầy, nhưng họ không thể thiêu hủy lời lẽ mà nhiều người đã nghe. Dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời, Tyndale đã cho thế giới nói tiếng Anh một Phúc âm được xưng công bình chỉ bởi đức tin, nhờ vậy mà ông cũng đã cho chúng ta một thứ tiếng mới để hát xướng về Phúc âm đó.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .