Thật dễ dàng lãng mạn hóa nỗi đau thể xác — đặc biệt là khi chúng ta chưa trải qua bao giờ.
Các thánh đồ như Amy Carmichael là người đã nằm liệt giường hơn hai mươi năm và Joni Eareckson Tada là người bị liệt tứ chi phải sống trong đau đớn mỗi ngày có thể gợi lên những hình ảnh yên bình về mối thông công bền chặt với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hình dung những người đó chịu đựng đau đớn và yếu đuối dễ dàng hơn hết thảy chúng ta.
Tuy nhiên, thực tế của sự đau khổ về thể xác là dai dẳng và xâm lấn. Không ai có thể trở nên quen thuộc với nó. Đau đớn cần sự chú ý của chúng ta. Thời gian bỗng trôi chậm lại, đặc biệt là vào giữa đêm, khi chúng ta cầu xin Chúa được ngủ ngon giấc. Chúng ta thấy cô đơn và bị cô lập. Không ai có thể vào trong thân thể tù đày này thay cho chúng ta.
Đau đớn chồng chất
Nếu như thế vẫn chưa đủ, thì đau đớn thể xác hiếm khi xuất hiện một mình – nó thường đi kèm với sự mất mát, yếu đuối và sự lệ thuộc. Thông thường, chúng ta cần sự giúp đỡ về các nhu cầu cơ bản hàng ngày và không muốn người khác phải chịu gánh nặng. Chúng ta suy nghĩ kỹ trước khi nhờ vả, không muốn làm phiền người khác thêm lần nào nữa. Không biết người ta có mệt mỏi và nghĩ mình “làm quá” không? Họ có bực bội vì bị thiếu tự do không?
Chúng ta nhớ về ngày tháng tự do tự tại trước khi gặp khó khăn thể xác đã thay đổi cuộc đời của mình, đó là lúc chúng ta muốn làm gì cũng được. Bây giờ chúng ta dùng muỗng cà phê để đo năng lượng thay vì dùng xô chậu như trước đây. Chúng ta cân nhắc mọi quyết định, mọi hành động. Nói ‘có’ với một hoạt động đồng nghĩa với việc nói ‘không’ với các hoạt động khác. Thật khó mà không ghen tị với những người có cơ thể khoẻ mạnh, những người có vẻ chẳng lo lắng gì cả.
Đau khổ, cô đơn và ao ước có thể nhường đường cho trầm cảm và tuyệt vọng. Chúng ta kêu cầu Chúa để được giải cứu, nhưng sự giải cứu không đến. Tế bào ung thư lan rộng. Giấc ngủ lảng tránh chúng ta. Đau đớn dữ dội hơn. Thuốc men không còn tác dụng. Những tác dụng phụ tăng gấp bội. Những người chăm sóc chúng ta đã mệt mỏi. Bạn bè không còn hỏi thăm nữa. Tất cả nguồn lực đều cạn kiệt.
Sự nghi ngờ chiếm ưu thế.
Đức tin đã từng rất mạnh mẽ của chúng ta bắt đầu phai nhạt – chính là điều quỷ Sa-tan muốn xảy ra khi chúng ta đau khổ. Hắn muốn chúng ta nghi ngờ và xa lánh Đức Chúa Trời, tin rằng Chúa không nghe chúng ta than khóc đâu. Quỷ Sa-tan biết chúng ta rất dễ nản lòng khi cơ thể bị kiệt sức, đó là thời điểm để hắn tấn công. Khi các cơ thể lên tiếng cần được chú ý, thì quỷ Sa-tan thì thầm với chúng ta rằng: “Đức Chúa Trời còn không nghe tiếng của ngươi, thì làm sao Ngài có thể chăm sóc ngươi đây? Nếu có, thì tại sao Chúa không giải cứu ngươi?”
Nếu phước hạnh lớn nhất của Đức Chúa Trời là chính Ngài, thì có lẽ sự nâng đỡ là món quà quý giá hơn cả sự giải cứu
Những nghi ngờ ngấm ngầm len lỏi vào trong đầu, khiến chúng ta đặt nghi vấn về niềm tin đã từng rất vững vàng là: Chúng ta có được Cha toàn năng yêu thương không? Ngay khi nhận ra sự thay đổi trong tâm trí, chúng ta cần phải dừng lại và kêu cầu Chúa, cầu xin Ngài đáp ứng nhu cầu của chúng ta trong sự sầu khổ, để giải cứu chúng ta khỏi đau đớn và cho chúng ta thấy bằng chứng về tình yêu và sự tốt lành của Ngài. Có phải chúng ta chỉ đang tập trung vào những điều mình đã mất, vào Đức Chúa Trời đã không giải cứu chúng ta và chúng ta cảm thấy tuyệt vọng như thế nào chăng? Hoặc chúng ta có nhận thấy Đức Chúa Trời luôn ở cùng chúng ta, làm mọi việc vì sự ích lợi của chúng ta và chăm sóc chúng ta từng giây phút chăng?
Những điều chúng ta tưởng đến trong lúc đau khổ nhất rất là quan trọng. Tư duy của chúng ta sẽ quyết định cách chúng ta tiếp cận những thắc mắc đang tấn công mình. Đây là ba câu hỏi của tôi: (1) Làm thế nào Đức Chúa Trời “ở bên tôi” trong khi tôi vẫn đang chịu khổ? (2) Làm thế nào Đức Chúa Trời sử dụng sự yếu đuối của tôi để làm điều ích? và (3) Có điều lành nào xảy ra trong những lúc đau đớn tột cùng?
1. Làm thế nào Đức Chúa Trời ‘ở bên tôi’ trong khi tôi vẫn đang đau khổ?
Đôi khi Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta cách kỳ diệu khi chúng ta cầu xin Ngài, giống như lúc Chúa rẽ Biển Đỏ. Những lần khác, Chúa nâng đỡ chúng ta, giống như Ngài đã ban ma-na trong đồng vắng. Hành trình vượt Biển Đỏ đã giải phóng dân Y-sơ-ra-ên, nhưng nhu cầu ăn bánh ma-na giúp họ lệ thuộc vào Đức Chúa Trời. Khi lượm bánh ma-na, họ đã có một khoảng thời gian khó khăn quên mất rằng mình phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời. Nếu phước hạnh lớn nhất của Đức Chúa Trời là chính Ngài, thì có lẽ sự nâng đỡ là món quà quý giá hơn cả sự giải cứu, vì sự nâng đỡ có thể giữ chúng ta giao thông với Chúa.
Hãy suy xét trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Ông cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu mình khỏi cái giằm trong xác thịt, nhưng thay vào đó ông đã nhận được ân điển – tức là ân điển để chịu đựng cái giằm, ân điển để chịu đựng sự yếu đuối, ân điển để đưa ông vượt qua những thử thách khác (2 Cô-rinh-tô 12:7–10).
Khi chúng ta nhận ra mình có thể lệ thuộc vào Đức Chúa Trời khi yếu đuối, thì chúng ta học cách tin cậy Ngài trong mọi sự. Bất cứ ai cũng có thể cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự giải cứu nhanh chóng khỏi sự đau khổ của thể xác, nhưng chúng ta thường quên Ngài cho đến lần khủng hoảng tiếp theo. Tuy nhiên, khi Chúa nâng đỡ chúng ta trong đau đớn của mình, thì chúng ta tin chắc rằng Ngài luôn ở bên chúng ta.
2. Làm thế nào Đức Chúa Trời sử dụng yếu đuối của tôi để làm điều ích lợi?
Chúng ta có thể nghĩ rằng cơ thể yếu đuối đang ngăn cản chúng ta có kết quả tốt nhất, nhưng đó là điều không thể. Sự yếu đuối là một phần kế hoạch của Đức Chúa Trời ban cho đời sống của chúng ta; chúng được thêu dệt trong sự kêu gọi của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nghĩ rằng cái giằm đang cản trở chức vụ của ông, nhưng Đức Chúa Trời biết rằng đó là chìa khóa để ông có được sức lực: cái giằm buộc sứ đồ Phao-lô phải hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Chúa Trời. Khi chúng ta kiệt sức và mệt mỏi, thiếu thốn nguồn lực – thì đó là lúc chúng ta hoàn toàn nương cậy vào Đức Chúa Trời.
Trong sự nương cậy đó, chúng ta khám phá quyền phép của Đức Chúa Trời hành động qua chúng ta – chính là quyền phép đã khiến Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết (Ê-phê-sô 1:19–20). Quyền phép này giúp chúng ta bền đỗ khi muốn bỏ cuộc; quyền phép ấy bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và mang lại sự thay đổi lâu dài. Vì sứ đồ Phao-lô nương cậy vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời, nhờ có cái dằm mà ông đã làm được nhiều điều cho thiên quốc hơn cả lúc không có cái dằm ấy. Ông có sức lực mạnh nhất khi ông đầu phục Đấng Christ.
Chúa Jêsus cũng có được sức lực mạnh nhất khi cơ thể của Ngài yếu đuối nhất. Trong suốt chức vụ của mình, Chúa Jêsus đã ảnh hưởng đến nhiều người khác bằng những hành động của Ngài. Chúa đã dùng một tiếng phán để làm yên cơn bão. Chúa đã dùng vài cái bánh và mấy con cá để cho năm ngàn người ăn. Chúa đã đuổi quỷ, chữa lành người bệnh và khiến kẻ chết sống lại. Chúa đã làm đảo lộn cả thế giới.
Nhưng đến khi chức vụ của Ngài tới hồi kết thúc, từ bữa tiệc cuối cùng trở đi, Chúa Jêsus đã cho phép nhiều người khác hành động thay Ngài: Chúa bị dẫn đi, Chúa bị đánh đòn và bị chế giễu, Chúa bị đánh đập và bị đóng đinh trên thập tự. Khi Chúa nộp mình cho mấy kẻ bắt giữ Ngài, đám đông chỉ nhìn thấy sự yếu đuối chứ không thấy được những điều thực sự đang diễn ra, đó là: sức mạnh và quyền phép của Chúa Jêsus.
Ngay trước khi các sự kiện khủng khiếp này diễn ra, Chúa Jêsus đã cầu xin Đức Chúa Trời cất chén đau khổ của mình. Nhưng vì Đấng Christ đã đầu phục ý muốn của Đức Chúa Cha – tức là chịu tra tấn và sỉ nhục, bị ngược đãi thân thể và mang vác thập tự giá – nên Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền phép và ân điển của Ngài cách lạ lùng nhất.
3. Có điều lành nào xảy ra trong những lúc đau đớn tột cùng?
Ngay cả khi chúng ta đã kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời qua sự đau khổ, chúng ta vẫn thắc mắc làm sao điều tốt lành có thể xảy ra khi đau đớn xâm chiếm thân thể của mình. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, điều này cũng là một phần trong sự kêu gọi thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta có thể dâng lên Chúa sự đau đớn của mình khi kêu cầu Ngài, chúng ta có thể cầu xin Chúa giải cứu, như Chúa Jêsus và sứ đồ Phao-lô đã làm, khi dâng lên Chúa sự đau đớn của mình như một của lễ.
Rất ít người trên đất này thấy được sự tác động qua cách chúng ta thờ phượng Chúa, một số người sẽ nói rằng đau đớn về thể xác là một sự lãng phí. Có lẽ đó là một sự lãng phí – giống như người đàn bà đập vỡ chai dầu thơm là “lãng phí” (Mác 14:4). Bà đã đổ dầu quý giá ra để bày tỏ một hành động thờ phượng, làm cho mùi hương lan tỏa khắp mọi nơi. Không hề có sự vị lợi; không có vật chất hữu hình nào được làm ra – nhưng tác động của việc lãng phí chai dầu thơm ấy sẽ vang vọng suốt cõi đời đời, giống như các thánh đồ đã thuật lại câu chuyện của bà vậy.
Có lẽ những điều chúng ta dâng lên Chúa trong lúc đau khổ và yếu đuối sẽ có tác động tương tự. Có lẽ những của lễ ấy quý giá ở trước mặt Chúa hơn tất cả việc làm của chúng ta hoặc của người khác làm cho Ngài. Có lẽ của lễ ngợi khen khi chúng ta chịu khổ là món quà tuyệt vời nhất để dâng cho Ngài.
Tôi chắc rằng: không có hành động thờ phượng nào dâng lên Chúa Jêsus sẽ bị lãng phí đâu.