5 Th1, 2022

Ông trừ bỏ tội lỗi của mình bằng tình yêu thương

John Owen (1616–1683)
Ông trừ bỏ tội lỗi của mình bằng tình yêu thương
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Vài người trong chúng ta đang đứng trên vai của những người đã từng ở trên vai của John Owen. Thí dụ như J.I. Packer, Roger Nicole và Sinclair Ferguson, là ba nhà tư tưởng trụ cột đương thời của tôi, mỗi người đã làm chứng rằng John Owen là một nhà văn có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông. Thật kỳ diệu thay, một người đã khuất hơn ba trăm năm, có lối hành văn cực kỳ khó đọc, mà ngay cả chính ông còn thấy tác phẩm của mình lại được thế hệ của mình hết sức ưa chuộng.

Trong phần lời nói đầu dành cho quyển sách của mình là Sự chết của cái chết trong sự chết của Đấng Christ, Owen đã làm điều mà không một đại lý tiếp thị giỏi nào muốn làm ngày hôm nay. Ông bắt đầu như sau: “Hỡi ĐỘC GIẢ, . . . Nếu bạn, giống như rất nhiều người trong thời đại giả hình nầy, là một biển hiệu hoặc tiêu đề, đọc sách như Cato trong rạp hát, để rồi ra về như chẳng có gì xảy ra — thì bạn đã có một buổi giải trí rồi đó; vĩnh biệt!”

Tuy nhiên, J.I. Packer, Roger Nicole và Sinclair Ferguson không vĩnh biệt Owen sau khi đọc phần mở đầu ấy. Họ đã nán lại. Họ đã học hỏi. Ngày hôm nay, cả ba người đều nói rằng không một nhà văn Cơ Đốc nào lại ảnh hưởng cuộc đời của họ nhiều như John Owen.

Sự hình thành một nhà Thanh Giáo

Owen sinh ra tại Anh vào năm 1616, cùng năm Shakespeare qua đời và đúng bốn năm trước khi các nhà Thanh Giáo giương buồm đến Tân Anh. Ấy là vào giữa thế kỷ vĩ đại của phong trào Thanh Giáo (khoảng từ 1560 đến 1660). Owen sinh vào giữa lúc phong trào nầy diễn ra và đã trở thành nhà thần học-mục sư lỗi lạc của nó, phong trào cũng đã kết thúc gần lúc ông qua đời vào năm 1683.

Vào năm 1642, cuộc nội chiến đã bắt đầu xảy ra giữa Quốc hội và Vua Charles. Owen, làm mục sư tuyên úy lúc bấy giờ, thuận theo Quốc hội để chống lại nhà vua và Giám mục Laud, thế là ông đã bị trục xuất khỏi cương vị mục sư tuyên úy và trở về Luân Đôn, tại đó xảy ra một vài sự kiện quan trọng trong vòng bốn năm sau đã đánh dấu phần còn lại của cuộc đời ông.

1. Sự cải đạo

Đầu tiên là sự cải đạo của ông — hay là nhận thức về sự cứu rỗi chắc chắn và mối thông công cá nhân của ông với Đức Chúa Trời. Owen từng là một người theo chủ nghĩa Calvin quyết đoán với kiến thức rộng lớn về giáo lý, nhưng ông lại thiếu chắc chắn về sự cứu rỗi của mình.

Khi Owen được 26 tuổi, ông đi cùng một họ hàng để nghe Edmund Calamy thuộc hệ phái Trưởng lão chia sẻ tại Nhà thờ Aldermanbury của St. Marry. Nhưng cuối cùng Calamy không giảng được, nên một diễn giả địa phương giảng thế cho ông ta. Người họ hàng của Owen muốn bỏ về. Nhưng điều gì đó đã khiến Owen ngồi lại. Vị diễn giả đơn sơ kia chia sẻ từ Ma-thi-ơ 8:26: “Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?” Chính Lời của Đức Chúa Trời và thời điểm ấy đã đánh thức Owen.

Mọi nghi ngờ, sợ hãi và lo lắng về việc đã được tái sanh bởi Đức Thánh Linh hay chưa đều tan biến. Ông thấy mình được tự do và được nhận làm con nuôi của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đọc các tác phẩm sâu sắc và thiết thực của Owen về công tác của Đức Thánh Linh và sự thông công thật với Đức Chúa Trời là thế nào, thật khó tin vào những gì Đức Chúa Trời đã làm vào ngày Chúa Nhật năm 1642 hôm ấy.

2. Hôn nhân và con cái qua đời

Sự kiện quan trọng thứ hai vào những năm đầu tiên ở Luân Đôn là hôn nhân của Owen với một phụ nữ trẻ tên là Mary Rooke. Ông kết hôn với nàng được 31 năm kể từ 1644 đến 1675. Chúng ta hầu như chẳng biết gì về bà. Nhưng chúng ta biết một điều vô cùng kinh ngạc đã tô điểm cho toàn bộ chức vụ của Owen đến cuối đời. Chúng ta biết rằng bà đã sanh cho ông mười một đứa con, tất cả đều chết khi còn sơ sinh chỉ trừ đứa con gái sống sót đến lúc thành thiếu nữ mới qua đời. Mỗi đứa con ra đời và chết đi trung bình khoảng ba năm một lần trong suốt cuộc đời của Owen.

Chúng ta không biết gì về Mary hay là con cái hay là nỗi đau đớn của ông ở trong các tài liệu mà ông đã viết. Nhưng chỉ cần biết rằng người đàn ông đã đi qua trũng bóng chết gần hết cuộc đời mình cho tôi biết thêm về mối liên hệ sâu sắc với Đức Chúa Trời ở trong các tác phẩm của ông. Đức Chúa Trời có đường lối kỳ lạ và đau khổ để khiến người hầu việc Ngài trở thành mục sư và nhà thần học mà Chúa muốn.

3. Khởi đầu chính trường

Sự kiện thứ ba vào những ngày đầu tại Luân Đôn là lời mời chia sẻ tại Quốc hội vào năm 1647. Vào thời ấy, có những kỳ kiêng ăn là lúc chính phủ mời một vị mục sư nào đó đến chia sẻ ở trong Tòa Nghị Viện. Đó là một vinh dự rất lớn. Sứ điệp lần ấy đã khiến Owen bước vào chính trường trong vòng mười bốn năm sau đó.

Không những thế, Cromwell đã chỉ định Owen trở thành Trưởng Khoa tại Trường Cao đẳng Hội thánh Đấng Christ vào năm 1651, rồi một năm sau đó lại chỉ định ông trở thành phó hiệu trưởng. Ông dự phần vào công tác của Oxford trong vòng chín năm cho đến năm 1660, khi Charles II trở về và mọi thứ trở nên tồi tệ với phong trào Thanh Giáo.

Học nữa, viết mãi

Bên cạnh áp lực và thậm chí còn có sự thù địch trong vai trò quản lý bởi vì ông đã cam kết sống tin kính và sống vì đại nghĩa của phong trào Thanh Giáo, ông liên tục học tập và viết lách, hầu như là vào rất khuya thay vì đi ngủ. Đó là mức độ quan tâm trung thành của ông dành cho giáo lý của Kinh Thánh.

Trong suốt những năm giữ vai trò quản lý, ông đã viết xong hai mươi hai tác phẩm đã được xuất bản, bao gồm Sự hổ thẹn về tội lỗi của người tin Chúa (1656), Sự thông công với Chúa (1657) và Sự cám dỗ: Bản chất và Sức mạnh (1658). Điều tuyệt vời về các sách nầy đó là chúng có yếu tố cá nhân đến nỗi rất ngọt ngào trong nhiều khía cạnh. Vậy, ông không chỉ đấu tranh cho cuộc chiến giáo lý — ông còn chiến đấu với tội lỗi và sự cám dỗ. Ông không chỉ đấu tranh thôi đâu — mà ông còn nuôi dưỡng mối thông công mật thiết với Đức Chúa Trời nữa.

Mục sư lánh nạn suốt đời

Owen đã hoàn thành xong nghĩa vụ làm trưởng khoa vào năm 1660 (từ chức phó hiệu trưởng vào năm 1657). Cromwell qua đời vào năm 1658. Chế độ quân chủ của Charles II quay trở lại. Đạo luật Thống nhất, làm cho hai ngàn nhà Thanh Giáo bị trục xuất khỏi bục giảng, sẽ sớm được ban hành (1662). Ngày tháng tiếp theo không phải là thời kỳ chính trường và học tập vĩ đại đối với Owen trong mười bốn năm cuối đời. Bây giờ, từ 1660 đến khi ông qua đời vào năm 1683, ông là một mục sư lánh nạn ở Luân Đôn.

Bởi vì tình hình chính trị, ông không thể ở một chỗ quá lâu cùng mọi người được, nhưng ông vẫn nhớ đến họ trong lòng ngay cả khi phải di chuyển khắp nơi. Gần đến cuối đời, ông đã viết cho bầy chiên của mình là: “Dẫu thân tôi xa cách, nhưng tấm lòng, tâm trí và tâm linh tôi vẫn nhớ tới mọi người; vì tôi mong rằng anh chị em sẽ thấy mão miệng của tôi và mừng rỡ trong ngày của Chúa chúng ta”.

Mục tiêu của ông: Sự thánh khiết

Hãy dừng lại và thử đến gần tấm lòng đã khiến người đàn ông nầy phải tỉnh thức và điều gì đã khiến ông nên vĩ đại? Tôi nghĩ những lời lẽ sẽ cho chúng ta biết tấm lòng và mục tiêu cuộc đời của ông được tìm thấy trong lời nói đầu của quyển sách nhỏ tựa đề là Sự hổ thẹn về tội lỗi của người tin Chúa:

Tôi hy vọng mình đang nói thật từ đáy lòng rằng tấm lòng tôi khao khát Chúa và mục đích cao cả nhất trong đời sống của tôi . . . đó là sự hổ thẹn và sự thánh khiết càng thêm lên ở trong tôi và trong tấm lòng cũng như lối sống của người khác, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Phúc âm của Cứu Chúa và Chúa Jêsus được lan tỏa trong mọi sự. (9)

Sự hổ thẹn có nghĩa là mang lấy trạng thái xung đột với tội lỗi bằng góc độ triệt tiêu tội lỗi. Ông đã diễn giải lẽ thật nầy bằng một cụm từ rất dễ nhớ là: “Hãy trừ bỏ tội lỗi hoặc là tội lỗi sẽ giết chết chúng ta”.

Đời sống thánh khiết trong chỗ riêng tư và kết quả ở nơi công cộng của Owen không hề tự nhiên xảy ra. Ông đã đeo đuổi chúng. Đức Chúa Trời đã sử dụng những chiến thuật trong đời sống kỷ luật cá nhân và sự chân thật nơi công cộng để uốn nắn ông. Trong cuộc sống và chức vụ, khi chúng ta quan tâm đến người khác và sống bằng đức tin, chúng ta có thể học được rất nhiều điều về việc đeo đuổi sự thánh khiết trong chỗ riêng tư và ở nơi công cộng.

Ông đã thông công với Chúa

Thật thú vị khi tìm thấy nhiều bằng chứng [trong tác phẩm Sự hổ thẹn], trong lúc vẫn còn nhiều mâu thuẫn về thần học, về các hoạt động công khai phức tạp và phải vận dụng đến trí não, vậy mà ông vẫn chưa sống gần Đức Chúa Trời, giống như Gia-cốp đang ở giữa mấy tảng đá trong đồng vắng đã duy trì mối liên hệ bí mật của ông với Đấng đời đời không thấy được vậy. (Các tác phẩm của John Owen, I:lxiv–lxv)

Thật không thể tin được rằng Owen vẫn có thể, dù phải chịu áp lực trong cuộc sống, viết ra nhiều sách quan trọng và gây dựng đến như vậy. Andrew Thomson, một trong những người thuật lại tiểu sử về ông đã viết rằng:

Owen đã nói với một người bạn trong lá thư được viết lúc mắc bệnh vào năm 1674 rằng: “Đấng Christ là bạn thân nhất của chúng ta, không lâu nữa Ngài sẽ là người bạn duy nhất của chúng ta. Tôi cầu nguyện xin Chúa dù tôi có mỏi mệt như thế nào cũng đừng để tôi thấy mệt mỏi trong sự cải đạo và sự thông công với Ngài” (Chính khách của Đức Chúa Trời, trang 153). Đức Chúa Trời đang dùng bệnh tật và những áp lực khác trong đời sống của Owen để lèo lái sự thông công của ông với Chúa, chứ không phải kéo ông xa khỏi Ngài.

Ông tin, nên ông nói

Một trở ngại lớn cho sự thánh khiết trong chức vụ rao giảng Lời Chúa đó là chúng ta quá thiên về giảng luận và viết lách mà không sống với điều mình chia sẻ và áp dụng những điều ấy cho chính linh hồn của mình. Qua nhiều năm, lời lẽ được nói ra dễ dàng hơn, chúng ta thấy mình có thể nói ra sự mầu nhiệm mà không còn kinh ngạc về điều đó nữa; chúng ta có thể nói về sự trong sạch mà không cảm thấy trong sạch; chúng ta có thể nói về sự sốt sắng mà không cần đến sự sốt sắng thuộc linh; chúng ta có thể nói về sự thánh khiết mà không còn run rẫy nữa; chúng ta có thể nói về tội lỗi mà không còn buồn bực nữa; chúng ta có thể nói về thiên quốc mà không còn sự mừng rỡ nữa. Cuối cùng, đời sống thuộc linh của chúng ta trở nên cứng cỏi hơn.

Một sự quả quyết đã kiểm soát Owen về vấn đề nầy là:

Một người chỉ rao giảng một sứ điệp tốt khi người đó đã tự giảng cho linh hồn mình. Còn người nào không ăn nuốt và tiêu hóa đồ ăn mà chính mình sẽ làm cho người khác sẽ khó lòng khiến họ cảm thấy ngon miệng; thật ra, người đó không biết liệu đồ ăn mình làm có phải là thuốc độc chăng, trừ khi người đó phải tự mình dùng qua rồi mới biết. Nếu Lời Chúa không hành động cách năng quyền ở trong chúng ta, thì cũng chẳng có quyền phép gì ra từ chúng ta đâu. (Các tác phẩm của John Owen, XVI:76)

Chính sự quả quyết nầy đã nâng đỡ Owen trong đời sống công khai hết sức bận rộn còn lắm mâu thuẫn và xung đột. Mỗi khi ông đứng ra bênh vực cho chân lý, ông luôn tìm cách áp dụng chân lý ấy ở trong lòng mình trước và phải kinh nghiệm được hiện thực thuộc linh của lẽ thật ấy, hầu cho trong cuộc tranh luận sẽ không hề có sản phẩm nhân tạo, điệu bộ hoặc mấy trò khiến đối thủ bị lãng trí.

Ông chuẩn bị gặp Đấng Christ

Điều cuối cùng Owen đã làm, khi gần đến cuối đời, đó là thông công với Đấng Christ ở trong một tác phẩm cũng được xuất bản sau nầy là Suy gẫm về sự vinh hiển của Đấng Christ. Bạn của ông là William Payne đã giúp ông biên soạn tác phẩm nầy. Khi gần qua đời, Owen đã nói rằng: “Hỡi anh Payne, mong ước bấy lâu nay cũng thành hiện thực rồi, tôi sắp được thấy sự vinh hiển ở trong một trạng thái khác mà tôi chưa từng thấy hoặc không thể thấy được ở trong thế giới nầy” (Chính khách của Đức Chúa Trời, trang 171).

John Owen đã rất chắc chắn về niềm tin theo Kinh Thánh bởi vì ông muốn nhiều thế hệ sau nầy cũng nhận được điều “mong ước bấy lâu nay” khi nhìn thấy sự vinh hiển của Đấng Christ “trong một trạng thái khác” mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ. Ông không bao giờ tạo ra mâu thuẫn, cũng không tìm kiếm chiến thắng cho mình. Mục tiêu tối hậu là nhìn thấy Chúa Jêsus, được thỏa mãn trong Ngài, và được trở nên giống như Ngài.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .