Theo Peter Kreeft, “Clive Staples Lewis không phải là người: ông ta là một thế giới” (C.S. Lewis: Một bài phê bình, trang 4).
Đó là lời công nhận mà chúng ta đọc thấy hết lần nầy đến lần khác trong các sách nói về C.S. Lewis. Điều nầy nói lên phải có gì đó xuất chúng về người đàn ông nầy. Kỳ thực, điều nầy rất đúng.
Nói một cách cá nhân thì kể từ khi tôi bắt đầu nghiêm túc với Lewis lúc hai mươi tuổi — cùng với một nhà Cải chánh giống y hệt ông là Jonathan Edwards — tôi không còn như trước nữa. Tôi không thấy mình là một kẻ bắt chước Lewis. Đối với khả năng quan sát, tư duy và cảm nhận, thì gần như chẳng có ai sánh bằng. Ông có khả năng quan sát và cảm nhận sự mới mẻ và phi thường của mọi vật giống như một đứa trẻ, còn khả năng mô tả lại, hiểu thấu và bênh vực cho nó lại vô cùng nam tính.
Vậy nên, tôi không thể bắt chước Lewis được, nhưng tôi có thể lắng nghe. Tôi vẫn đang lắng nghe nhiều thập kỷ qua, còn những gì tôi nghe được đang vang dội hầu như ở khắp mọi nơi trong đời sống và việc làm của tôi. Sức ảnh hưởng của ông thật là to lớn.
Tiếng nói niềm tin của Anh quốc
Lewis sinh ngày 29 tháng 11 năm 1898, tại Belfast, ở Ai-len. Mẹ ông qua đời khi ông chỉ mới 9 tuổi, còn cha ông không tái hôn. Sau khi mẹ qua đời vào tháng 8 năm 1908 cho đến mùa thu năm 1914, Lewis đã nhập học bốn trường nội trú. Sau đó khoảng hai năm rưỡi, ông học một mình với William Kirkpatrick, là người ông hay gọi là “Cú gõ lớn”. Đó là lúc ông khẳng định về chủ nghĩa vô thần, còn khả năng lý luận của ông được tôi luyện ngày một tốt hơn. Ông đã tự mô tả về mình sau nầy là một nhà duy lý 17 tuổi.
Nhưng khi chủ nghĩa duy lý của ông đạt tới đỉnh điểm của nó, thì ông đã nghiêng mình trước cuốn tiểu thuyết tưởng tượng Phantastes của George MacDonald. Ông nói rằng: “Tối hôm đó, trí tưởng tượng của tôi, vẫn còn tỉnh táo, bị làm báp-tem” (Niềm vui bất ngờ, trang 222). Có gì đó đã xảy ra — ông gọi nó là một “phẩm chất mới”, một “bóng sáng ngời” (Niềm vui bất ngờ, trang 220). Tính lãng mạn đầy ngẫu hứng của tuổi thơ được đánh thức. Chỉ có lúc nầy nó mới có thật và trong sáng (cho dù ông vẫn chưa gọi nó là như vậy).
Lúc 18 tuổi, ông nhập học tại trường Đại học Oxford, nhưng trước khi ông bắt đầu việc học của mình thì ông phải nhập ngũ, ông bị thương ở Pháp vào tháng 2 năm 1918, rồi quay trở lại Anh quốc để được phục hồi. Ông quay lại Oxford để tiếp tục việc học vào tháng 1 năm 1919, trong vòng sáu năm ông đã trải qua ba lớp danh dự dành cho sinh viên đứng nhất lớp về các môn kinh điển, nhân loại và văn học Anh. Ông trở thành thầy giáo vào tháng 10 năm 1925 khi chỉ mới 26 tuổi.
Sáu năm sau, vào năm 1931, ông đã bày tỏ niềm tin nơi Chúa Jêsus và được thuyết phục rằng Cơ Đốc giáo là đạo thật. Trong vòng mười năm, ông trở thành “tiếng nói niềm tin” cho cả nước Anh trong suốt Chiến tranh Thế giới II, các bài phát thanh của ông vào những năm 1941-1942 “đạt tính kinh điển” (C.S. Lewis — Một cuộc đời, trang 210).
Một bông hoa nở rộ
Giờ đây ông là một bông hoa nở rộ với các tác phẩm đầy tính sáng tạo và biện giáo. Trong thời kỳ huy hoàng của mình, ông là tác giả đi đầu thế giới về văn học Anh thời Trung Cổ, theo như lời của một trong những đối thủ của ông nói: “tác giả hay nhất trong thế hệ của tôi” (C.S. Lewis — Một cuộc đời, trang 166). Nhưng ông không chỉ có bấy nhiêu thôi đâu. Sách vở nhiều thể loại được xuất bản: Thoái bộ Thiên trình, Dụ ngôn tình yêu, Thư quỷ và Perelandra. Sau đó, vào năm 1950 ông bắt đầu viết Biên niên sử Narnia. Tất cả tựa đề nầy đều mang nhiều thể loại khác nhau và cho thấy tính linh hoạt kỳ diệu của Lewis với tư cách là một nhà văn, nhà tư tưởng và cũng là người có tầm nhìn giàu trí tưởng tượng.
Ông đã xuất hiện ở trang bìa tạp chí Thời báo vào năm 1947. Sau đó, ông đã trở thành giáo sư môn Văn học Anh thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ Phục hưng ở trường Đại học Cambridge vào năm 1955 sau ba mươi năm làm việc ở Oxford. Một năm sau đó, ông đã kết hôn với Joy Davidman khi được 57 tuổi. Sau bốn lần kỷ niệm ngày cưới của họ, thì bà đã qua đời vì mắc bệnh ung thư. Ba năm rưỡi sau đó — đúng hai tuần sau khi được 65 tuổi, vào ngày 22 tháng 11 năm 1963 — Lewis cũng qua đời.
Ngày hôm nay, Lewis là một tác giả nổi tiếng nhiều hơn lúc ông còn sống. Bộ sách “Biên niên sử Narnia” của ông không thôi đã bán được hơn một trăm triệu bản trong bốn mươi ngôn ngữ. Một trong những lý do bộ sách nầy trở nên hấp dẫn, theo suy luận của tôi, chính vì Lewis là một “nhà duy lý lãng mạn” lành mạnh và hiếm có. Tính lãng mạn và duy lý của Lewis là con đường dẫn ông đến với Đấng Christ, đó cũng là con đường mà ông đã trải nghiệm đời sống và việc làm của mình.
Lewis, nhà văn lãng mạn
Yếu tố cốt lõi trong tính lãng mạn của Lewis chính là những trải nghiệm của ông ở trong thế giới, chúng liên tục đánh thức con người ông một cảm giác lúc nào cũng còn quá nhiều điều để cảm nhận về thế giới nầy — có gì đó khác, một điều gì đó vượt xa thế giới tự nhiên trước mắt. Một cảm nhận bồn chồn và thích thú, một cảm giác đói khát “tốt hơn bất kỳ cảm giác trọn vẹn nào” và trạng thái nghèo nàn “tốt hơn mọi của cải trên đời” (Thoái bộ Thiên trình, trang 7). Lúc đầu, ông tưởng mong muốn bị đâm vào người và chờ đợi cảm giác ấy xảy ra là những gì ông khao khát nhất. Nhưng quá trình cải đạo từ một kẻ vô thần trở thành người tin Chúa đã làm sạch bầu không khí và cho ông thấy điều mình khao khát bấy lâu nay là gì.
Tin lành từ nơi xa
Sau khi Đức Chúa Trời khuất phục chủ nghĩa vô thần của Lewis vào mùa xuân năm 1929, Lewis đã nhớ lại những trải nghiệm lãng mạn của mình và biết được vì sao cảm nhận ấy lại bồn chồn mà thích thú. Đó là một khao khát dành cho Đức Chúa Trời. Đó là bằng chứng cho thấy ông được tạo nên vì Đức Chúa Trời.
Sách vở hay âm nhạc mà chúng ta tưởng là ẩn chứa vẻ đẹp trong đó sẽ phản bội chúng ta nếu đặt niềm tin vào chúng, bởi vì có một thứ được truyền tải qua những điều ấy, đó là sự khao khát. Những điều như — vẻ đẹp, ký ức thời quá khứ của chúng ta — là những hình ảnh tốt cho thấy chúng ta thực sự khao khát gì; nhưng nếu chúng là những hình ảnh sai trật, thì sẽ trở thành hình tượng ngu xi, làm tan nát tấm lòng những kẻ thờ phượng chúng. Vì chính chúng không phải là thật; chúng chỉ là mùi hương của một bông hoa mà chúng ta chưa tìm ra, là tiếng vọng của một giai điệu mà chúng ta chưa từng nghe, là tin lành đến từ nơi chúng ta chưa hề tới. (Gánh nặng của vinh hiển, trang 32)
Vậy, Lewis đã dừng biến Niềm Vui trở thành hình tượng khi ông phát hiện ra, nhờ ân điển, đó là “mũi tên chỉ về một điều gì đó khác ở ngoài kia”, điều đó là Đức Chúa Trời (Niềm vui bất ngờ, trang 291).
Được tạo nên cho thế giới khác
Lewis nói rằng: “Về mặt nào đó thì câu chuyện trọng tâm ở trong cuộc đời của tôi chẳng có gì khác cả” (Niềm vui bất ngờ, trang 19). Khi chúng ta đọc những mô tả lặp đi lặp lại của ông về chủ nghĩa lãng mạn hay Niềm Vui trong các sách như Niềm vui bất ngờ, Thoái bộ Thiên trình, Vấn đề Khổ đau và Gánh nặng Vinh hiển, chúng ta sẽ nhận ra Lewis không thấy điều nầy là kỳ quặc về tính cách của ông, mà còn cho đó là điểm đặc trưng của loài người. Hết thảy chúng ta đều là những kẻ lãng mạn trong một phương diện nào đó.
Thí dụ, trong quyển Vấn đề Khổ đau, Lewis đưa ra trường hợp ngay cả những kẻ nghĩ mình chưa từng khao khát về thiên đàng sẽ không thấy mọi thứ một cách rõ ràng được.
Có những lúc tôi nghĩ chúng ta không khao khát về thiên đàng, nhưng lại thường thấy mình tự hỏi liệu trong đáy lòng nầy đã từng khao khát điều gì chưa . . . những ý nghĩ viễn vông, những lời hứa còn bỏ ngỏ, những tiếng vọng phai đi lập tức khi mới vừa nghe. Nhưng nếu . . . có một tiếng vọng không phai liền mà cứ tăng dần — chúng ta biết nó là gì. Chúng ta sẽ thốt lên mà không ngần ngại là “rốt cuộc cũng tìm được lý do mình được tạo nên”. (trang 152)
Vậy, Lewis đã thấy trong tính lãng mạn của ông là trải nghiệm sẽ xảy ra với cả loài người. Hết thảy chúng ta đều là những kẻ lãng mạn. Hết thảy chúng ta đều có lúc nảy sinh một khao khát mà thế giới nầy không thể đáp ứng, một cảm giác nói rằng vẫn còn điều gì đó nữa. Ông đã nói một câu rất nổi tiếng ở trong quyển Cơ Đốc giáo đơn thuần rằng: “Nếu tôi thấy mình có một khao khát mà thế giới nầy không thể đáp ứng, thì lời giải thích hợp lý duy nhất đó là tôi được tạo nên cho một thế giới khác” (trang 181).
Lewis, nhà duy lý
Bây giờ, chúng ta chuyển sang nói về Lewis là người theo chủ nghĩa duy lý. Đối với thuật ngữ chủ nghĩa lãng mạn, tôi có ý nói hơi khác so với các triết gia hay dùng. Những gì tôi muốn nói đó là sự sốt sắng hết mức của ông trong việc dựa vào lý trí — tức là vào nguyên tắc có một sự duy lý thật xuất phát từ một lý lẽ tuyệt đối, đó là lý lẽ của Đức Chúa Trời.
Không mâu thuẫn
Cách dễ nhất để hiểu được tấm lòng duy lý của Lewis đó là nói rằng ông tin vào quy luật không mâu thuẫn, ông còn tin rằng hễ quy luật nầy bị bài trừ ở đâu, thì không chỉ có chân lý gặp nguy hiểm, mà tính lãng mạn và Niềm Vui cũng gặp nguy hiểm theo. Quy luật không mâu thuẫn đơn giản là những tuyên bố mâu thuẫn không thể vừa là thật cùng một thời điểm và cùng một phương cách được.
Chính cam kết vào quy luật lô-gíc cơ bản nầy, hoặc gọi là duy lý, đã dẫn Lewis vào con đường triết học để đến với Đấng Christ mà ông đã gặp ở trên con đường của tính lãng mạn hay Niềm Vui. Trên con đường lãng mạn, Lewis bị lèo lái hết lần nầy đến lần khác để nhìn thấy một hiện thực tối thượng vượt xa tự nhiên — rốt cuộc thì ông đã nhìn thấy Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ — bởi vì thế giới nầy không thể giải thích được những khao khát của ông. Bây giờ, làm thế nào hai điều nầy lại xảy ra giống nhau bằng cách sử dụng lý luận của ông như vậy?
Ông đã quan sát sự phát triển của triết học và khoa học của vũ trụ học xuất hiện trong thế giới hiện đại nầy và thấy tự nó có sự mâu thuẫn.
Nếu tôi đón nhận vũ trụ học khoa học một cách hoàn toàn (tức là loại trừ một Đức Chúa Trời có lý trí và cá nhân), thì tôi không chỉ không phù hợp với Cơ Đốc giáo, mà tôi cũng không phù hợp với khoa học. Nếu tâm trí hoàn toàn dựa vào não bộ, não bộ dựa vào hóa sinh, hóa sinh (về lâu dài) dựa vào dòng chảy vô nghĩa của nguyên tử, thì tôi không thể hiểu được làm thế nào tư tưởng ra từ những tâm trí như thế lại có tầm quan trọng hơn tiếng gió thổi trong rừng. Đối với tôi đây là thử nghiệm cuối cùng cho vấn đề nầy. (“Thần học có phải là thơ ca không?” trang 21)
Nói cách khác, con người ngày nay dựng lên một thế giới quan để nói tư tưởng chẳng khác gì gió thổi trong rừng. Rồi họ gọi những tư tưởng ấy là thật. Lewis đã nói đó là một sự mâu thuẫn. Một người vô thần vận dụng tâm trí của mình tạo ra thế giới quan để làm giảm giá trị sử dụng tâm trí của mình.
Hoặc Ngài bị điên hoặc Ngài là Đức Chúa Trời
Đây là những gì Lewis muốn nói khi đặt tựa đề cho quyển sách là Bài trừ Con người. Nếu không có Đức Chúa Trời là cơ sở cho tính lô-gíc (giống như quy luật không mâu thuẫn) và là cơ sở cho sự đánh giá (giống như công lý và sắc đẹp), thì loài người bị bỏ cho rồi. Tâm trí của loài người chỉ toàn là sự xào xạt của lá cây, còn những đánh giá của loài người chỉ toàn là những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ.
Đây là cách ông mô tả những suy nghĩ nầy đã dẫn ông vào con đường lý lẽ để nhìn thấy Cơ Đốc giáo là đạo thật:
Dựa vào những cơ sở nầy và những cơ sở khác giống như thế, một người sẽ nghĩ rằng điều gì cũng là thật cả, còn khái niệm vũ trụ học khoa học thì không phải là thật đâu . . . . Những thứ giống như chủ nghĩa duy tâm triết học hay thuyết hữu thần còn chưa tệ đến mức đó. Khi chúng ta nghiêm túc xem xét chủ nghĩa duy tâm thì nó là một khái niệm trá hình của chủ nghĩa hữu thần. Một khi chúng ta đón nhận chủ nghĩa hữu thần thì chúng ta không thể từ chối những lời tuyên bố của Đấng Christ nữa. Khi chúng ta suy xét kỹ những điều nầy, thì chúng ta không thể chọn vị trí trung lập được. Hoặc Ngài bị điên hoặc Ngài là Đức Chúa Trời. Còn Ngài không hề bị điên đâu. (“Thần học có phải là Thơ ca?” trang 21)
Khao khát và lô-gíc
Vì thế, Lewis đã tiếp nhận Đấng Christ là Chủ và Đức Chúa Trời của mình ở trên con đường của tính lãng mạn, hoặc là cảm giác bồn chồn, và ở trên con đường của tính duy lý, hoặc là lô-gíc.
Lewis đã gặp được Đấng Christ ở trên hai con đường hội tụ tính lãng mạn và tính duy lý. Đối với tư cách là một Cơ Đốc nhân, ông đã trở thành một nhà tư tưởng tài ba và một nhà thơ xuất chúng trong việc kể chuyện và viết bài tiểu luận. Đó là con người ông, đó là những gì ông biết, và đó là mục tiêu cuộc đời của ông. Ông bẻ cong mọi sự lãng mạn và mọi sự duy lý để giúp người khác nhìn thấy những khao khát và lô-gíc của ông đã dẫn ông đến với: sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ — Ngài chính là mục tiêu cho toàn bộ khao khát của ông và là cơ sở cho toàn bộ tính lô-gíc của ông.