1 Th8, 2023

Ông dám thách thức Giáo hoàng

Martin Luther (1483 – 1546)
Image
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Một trong những khám phá vĩ đại về cuộc Cải Chánh – đặc biệt là Martin Luther – là lời Chúa đến với chúng ta dưới dạng một quyển sách, đó là Kinh Thánh. Luther nắm bắt được thực kiện mạnh mẽ: Đức Chúa Trời giữ gìn trải nghiệm về sự cứu rỗi và sự thánh khiết từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng một quyển sách có sự mặc khải, chứ không phải bằng một giám mục ở Rome.

Nguy cơ mang lại sức sống và đe dọa tính mạng của cuộc Cải Chánh là từ chối thẩm quyền tối cao không sai lạc ở trên Hội thánh của giáo hoàng và các hội đồng. Một trong những đối thủ truyền kiếp của Luther trong Hội thánh Công giáo La Mã đó là Sylvester Prierias, người này đã viết đáp trả lại 95 luận đề của Luther rằng: “Ai không chấp nhận tín lý của Hội thánh Rome và giáo hoàng của Rome, là tiêu chuẩn không sai lạc của đức tin, mà nhờ đó chính Kinh Thánh cũng có được sức mạnh và thẩm quyền, là một kẻ dị giáo” (Luther: Người đàn ông ở giữa Đức Chúa Trời và ma quỷ, trang 193). Nói cách khác, Hội thánh và giáo hoàng là cơ sở tối cao cho sự cứu rỗi và lời của Đức Chúa Trời – còn quyển sách, Kinh Thánh, là bản sao và thứ yếu.

Người viết tiểu sử Heiko Oberman ghi rằng: “Điều mới mẻ ở Luther là quan niệm đầu phục Kinh Thánh cách tuyệt đối trước bất kỳ thẩm quyền nào, có thể là các giáo hoàng hoặc hội đồng” (Luther, trang 204). Hành trình tìm ra Lời của Đức Chúa Trời có thẩm quyền hơn hết thảy thế lực trần gian đã định hình Luther và toàn bộ cuộc Cải Chánh. Nhưng con đường trở về của Luther thật là quanh co, bắt đầu từ một trận sét đánh lúc ông mới 21 tuổi.

Vị tu sĩ đầy sợ hãi

Vào mùa hè năm 1505, một kinh nghiệm giống câu chuyện ở thành Đa-mách đã xảy ra. Trên đường từ trường luật về nhà vào ngày 2 tháng 7, Luther đã bị cuốn vào một cơn bão và bị sét đánh ngã xuống đất. Ông kêu lên rằng: “Lạy thánh An-ne ơi, cứu tôi với! Tôi sẽ trở thành một tu sĩ” (Luther, trang 92). Ông lo sợ cho linh hồn của mình và không biết làm thế nào để tìm thấy sự an toàn ở trong Phúc Âm. Thế là, ông đã chọn điều tốt nhất tiếp theo là: tu viện.

Mười lăm ngày sau, trước sự thất vọng của cha mình, Luther đã từ bỏ trường luật và giữ lời thề. Ông gõ cửa nhà các tu sĩ dòng Augustine ở Erfurt và yêu cầu người tiền nhiệm chấp nhận ông vào luật dòng tu. Sau đó, ông nói lựa chọn này là tội lỗi – “không đáng giá một xu” vì ông đã chọn điều này để chống lại cha của mình và vì ông quá sợ hãi. Sau đó, ông nói thêm rằng: “Nhưng Chúa thật là thương xót đã cho phép điều đó xảy ra!” (Luther, trang 125).

Kinh Thánh đã trở nên thật ý nghĩa đối với Luther nhiều hơn tất cả tiền nhân và các nhà chú giải.

Nỗi sợ hãi và run rẩy tràn ngập những năm tháng của Luther trong tu viện. Chẳng hạn, trong thánh lễ đầu tiên hai năm sau đó, ông đã choáng ngợp trước ý nghĩ về sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời đến nỗi gần như bỏ chạy. Người tiền nhiệm đã thuyết phục ông tiếp tục. Nhưng biến cố này không phải là duy nhất trong cuộc đời của Luther. Sau này, Luther nói về những năm tháng đó rằng: “Mặc dù tôi là một tu sĩ không có gì đáng chê trách, nhưng tôi thấy mình là một tội nhân có lương tâm luôn lo lắng ở trước mặt Đức Chúa Trời. Tôi không thể nào tin được rằng Chúa không hề nổi giận trước những thỏa mãn của tôi” (Martin Luther: Tuyển tập các bài viết của ông, trang 12).

Luther không kết hôn trong hai mươi năm nữa – với Katharina von Bora vào ngày 13 tháng 6 năm 1525 – điều đó có nghĩa là ông đã sống với những cám dỗ tình dục như một người đàn ông độc thân cho đến khi 42 tuổi. Nhưng “trong tu viện” ông nói “tôi không nghĩ về phụ nữ, tiền bạc hay của cải; thay vào đó, tấm lòng của tôi run rẩy và lo lắng về việc Đức Chúa Trời có ban ân điển cho tôi hay không” (Luther, trang 128). Khao khát tột cùng của ông là được vui sướng ở trong ân điển của Đức Chúa Trời. Ông nói rằng: “Nếu tôi có thể tin rằng Đức Chúa Trời không nổi giận với tôi, thì tôi sẽ đứng chổng ngược đầu vì vui sướng cho mà xem” (Luther, trang 315).

Phúc Âm – sự công bình của Đức Chúa Trời

Vào năm 1509, người giữ chức trưởng tu viện, cũng là cố vấn và bạn thân của Luther là Johannes von Staupitz đã cho phép ông bắt đầu giảng dạy Kinh Thánh. Ba năm sau, vào ngày 19 tháng 10 năm 1512, khi được 28 tuổi, Luther đã nhận bằng tiến sĩ thần học, von Staupitz nhường chức chủ nhiệm khoa thần học Thánh Kinh lại cho ông tại Đại học Wittenberg, Luther đã giữ cương vị này suốt phần đời còn lại của mình.

Khi Luther bắt tay vào việc đọc sách, nghiên cứu và giảng dạy Kinh Thánh từ nguyên ngữ, thì lương tâm đầy lo lắng của ông sôi sục lên ở trong lòng – đặc biệt là khi ông đối mặt với cụm từ “sự công bình của Đức Chúa Trời” trong Rô-ma 1:16–17. Ông viết rằng: “Tôi ghét cụm từ ‘sự công bình của Đức Chúa Trời’, theo cách dùng và thói quen của tất cả giáo sư, tôi đã được dạy phải hiểu cách triết lý về sự công bình chủ động hoặc hình thức, như cách họ gọi điều này, cùng với việc Đức Chúa Trời là công bình và trừng phạt tội nhân không công bình” (Tuyển tập, trang 11).

Nhưng đột nhiên, khi ông nghiên cứu bản văn trong sách Rô-ma, tất cả sự căm ghét của Luther về sự công bình của Đức Chúa Trời đã chuyển thành yêu mến. Ông nhớ rằng:

Cuối cùng, nhờ lòng thương xót của Đức Chúa Trời, sau khi suy gẫm ngày và đêm, tôi đã chú ý đến bối cảnh của mấy từ này, cụ thể là: “vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin”. Từ đó, tôi bắt đầu hiểu rằng nhờ có sự công bình của Đức Chúa Trời mà người công bình sống bằng sự ban cho của Đức Chúa Trời, đó là bằng đức tin. Đây là ý nghĩa: sự công bình của Đức Chúa Trời được bày tỏ bởi Phúc Âm, tức là Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót đã xưng công bình cho chúng ta bằng đức tin, như có chép rằng: “Người công bình sẽ sống bởi đức tin”. Tôi thấy mình đã được sinh lại và bước vào cánh cổng mở toang của thiên quốc . . .

Tôi đã ca tụng bằng lời lẽ ngọt ngào nhất của mình với lòng yêu mến cũng rộng lớn như sự căm ghét dành cho cụm từ “sự công bình của Đức Chúa Trời”. Vậy, cái điều sứ đồ Phao-lô nói là cánh cổng để tôi bước vào thiên quốc. (Tuyển tập, trang 12).

Đứng vững trên quyển sách

Đối với Luther, tầm quan trọng của việc nghiên cứu lại đan xen với khám phá của ông về Phúc Âm thật nhiều đến nỗi ông luôn xem nghiên cứu là một việc vô cùng quan trọng sẽ mang lại sự sống và định hình lịch sử. Nghiên cứu đã trở thành cánh cửa dẫn ông đến Phúc Âm, Cải Chánh và đến cùng Đức Chúa Trời. Ngày nay, chúng ta coi thường lẽ thật và Lời Chúa đến nỗi khó có thể hình dung được Luther phải trả giá thế nào để đến gần lẽ thật và tiếp cận Lời Chúa. Nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng. Cuộc đời của ông và sinh hoạt của Hội thánh tùy thuộc vào điều đó. Thế là, Luther đã nghiên cứu, giảng dạy và viết lách nhiều hơn hầu hết chúng ta có thể tưởng tượng.

Luther không phải là mục sư của Hội thánh trong thị trấn ở Wittenberg, nhưng ông đã chia sẻ vai trò giảng dạy cùng với người bạn là mục sư Johannes Bugenhagen. Lời tường thuật cho thấy ông đã tận tụy với chức vụ rao giảng Lời Chúa như thế nào. Thí dụ, vào năm 1522, ông đã chia sẻ 117 bài giảng, năm tiếp theo là 137 bài giảng. Vào năm 1528, ông giảng gần 200 lần, rồi vào năm 1529 chúng tôi có 121 bài giảng. Vậy, trung bình trong vòng bốn năm, cứ mỗi hai ngày rưỡi là một bài giảng. Tất cả đều xuất phát từ việc nghiên cứu cách nghiêm ngặt, có kỷ luật.

Một chìa khóa không thể thiếu để hiểu Kinh Thánh là chịu khổ trên con đường ngay thẳng.

Ông nói với sinh viên của mình rằng nhà chú giải nên xử lý một đoạn văn khó giống như Môi-se đã đối xử với hòn đá trong đồng vắng, ông đã dùng gậy đập vào hòn đá cho đến khi nước trào ra cho dân sự đang khát nước (Luther, trang 224). Nói cách khác, hãy chú ý vào bản văn. Đối với sự đột phá về Rô-ma 1:16–17, ông viết rằng: “Tôi đánh bại sứ đồ Phao-lô cách tàn nhẫn” (Tuyển tập, trang 12). Có một động lực lớn trong việc đánh bại bản văn này: “Kinh Thánh là một nguồn nước đáng chú ý: người ta càng lấy nước và uống nước chừng nào, thì Kinh Thánh càng khiến chúng ta khát nước chừng nấy” (Luther nói gì: Một tuyển tập, quyển 1, trang 67).

Đối với Luther, công tác nghiên cứu là tiếp cận một bản văn giống như Gia-cốp vật lộn với thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói rằng: “Đầu hàng đi. Tôi sẽ nghe theo và hiểu biết Lời Chúa trong bản văn này cho linh hồn tôi cũng như cho Hội thánh!” (xem Sáng Thế Ký 32:26). Đó là cách ông khám phá ý nghĩa cụm từ “sự công bình của Đức Chúa Trời” trong sự xưng công bình. Đó là cách ông đã phá vỡ truyền thống và triết lý hết lần này đến lần khác. Luther có một vũ khí mà ông đã dùng để khôi phục lại Phúc Âm từ việc rao bán ở ngoài chợ của Wittenberg là: Kinh Thánh. Ông đã đuổi hết những kẻ đổi tiền – những kẻ bán bùa xá tội – bằng roi da của Lời Chúa.

Bị vu khống và đánh gục

Nghiên cứu không phải là yếu tố duy nhất giúp Luther nhận biết lời của Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ cũng làm được điều đó. Thử thách đã được thêu dệt trong cuộc đời của Luther. Hãy nhớ là từ năm 1521 trở đi, Luther sống dưới sự cấm đoán của đế quốc. Hoàng đế Charles V nói rằng: “Ta đã quyết định huy động hết mọi thứ để chống lại Luther: vương quốc và quyền thống trị của ta, bạn bè của ta, thân thể của ta, máu và tâm hồn của ta” (Luther, trang 29). Ông có thể bị giết theo pháp luật, ngoại trừ nơi ông được hoàng tử Frederick của xứ Saxony bảo vệ. 

Ông phải chịu đựng những lời vu khống tàn nhẫn nhất. Ông từng nhận xét rằng: “Nếu Ma quỷ không thể làm được gì để chống lại sự dạy dỗ, thì hắn sẽ tấn công người đó, nói dối, vu khống, nguyền rủa và hăm dọa người. Giống như Bê-ên-xê-bun của giáo hoàng đã làm với tôi khi ông không thể dập tắt Phúc Âm của tôi, ông đã viết thư nói rằng tôi bị quỷ ám, tôi là một kẻ ngỗ nghịch, mẹ yêu dấu của tôi là một con điếm và một người hầu tắm rửa cho người khác” (Luther, trang 88).

Về thể chất, ông bị sỏi thận và đau đầu dữ dội, bị ù tai, nhiễm trùng lỗ tai, bị rối loạn tiêu hóa và bị trĩ. “Tôi gần như đã từ bỏ linh hồn – còn bây giờ, bị tắm trong máu, không có sự bình an. Một vấn đề đã mất bốn ngày để phục hồi thì liền chảy nước mặt thêm lần nữa” (Luther, trang 328).

Oratio, Meditatio, Tentatio

Tuy nhiên, trong sự thần hựu của Đức Chúa Trời, những đau khổ bội phần này không giết chết Luther, mà còn biến ông trở thành một nhà thần học. Luther đã thấy trong Thi thiên 119 nói trước giả Thi thiên không chỉ cầu nguyện và suy gẫm để hiểu lời của Đức Chúa Trời, mà còn chịu khổ để hiểu lời ấy rõ hơn nữa. Thi Thiên 119:6771 nói rằng: “Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc, nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa . . . Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, hầu cho học theo luật lệ của Chúa”. Một chìa khóa không thể thiếu để hiểu Kinh Thánh là chịu khổ trên con đường ngay thẳng.

Hành trình tìm ra Lời của Đức Chúa Trời có thẩm quyền hơn hết thảy thế lực trần gian đã định hình Luther và toàn bộ cuộc Cải Chánh.

Vậy, Luther nói rằng: “Tôi muốn chúng ta biết cách nghiên cứu thần học thật đúng đắn. Tôi đã tự mình thực hành phương pháp này . . . Chúng ta sẽ thấy có ba quy tắc. Chúng thường được đề xuất trong cả Thi thiên [119] và xuất hiện liên tục như sau: Oratio, meditatio, tentatio (cầu nguyện, suy gẫm, hoạn nạn)”. Còn hoạn nạn theo ông gọi là “đá thử vàng”. “[Những quy tắc này] không chỉ dạy chúng ta biết và hiểu, mà còn trải nghiệm cho biết lời của Đức Chúa Trời thật đúng đắn, chân thật, ngọt ngào, đáng chuộng, mạnh mẽ, yên ủi như thế nào: đó là sự khôn ngoan tối thượng” (Luther nói gì, quyển 3, trang 1359–60).

Ông đã chứng minh giá trị của những thử thách hết lần này đến lần khác bằng trải nghiệm của chính mình. Ông nói rằng: “Vì ngay khi Lời Đức Chúa Trời được tỏ ra cho chúng ta, thì ma quỷ sẽ làm khổ chúng ta, sẽ khiến chúng ta trở thành tiến sĩ [thần học] thực thụ và sẽ dạy chúng ta bằng những cám dỗ của hắn để chúng ta tìm kiếm và yêu mến Lời Chúa. Bản thân tôi . . . mắc nợ các giáo hoàng rất nhiều lời cảm ơn vì đã đánh đòn, nài ép và khiến tôi thấy sợ hãi bằng sự tức giận của ma quỷ đến nỗi chúng đã biến tôi trở thành một nhà thần học khá giỏi, dẫn tôi đến với mục tiêu mà bản thân không thể nào đạt được” (Luther nói gì, quyển 3, trang 1360).

Hơn hết thảy thế lực trần gian

Luther nói vang dội vào năm 1545, một năm trước khi ông qua đời, rằng: “Ai muốn nghe Đức Chúa Trời phán, hãy đọc Kinh Thánh” (Luther nói gì, quyển 2, trang 62).

Ông đã sống đúng với lời thôi thúc của mình. Ông đã viết vào năm 1533 rằng: “Trong nhiều năm, tôi thường đọc qua Kinh Thánh hai lần mỗi năm. Nếu Kinh Thánh là một cái cây lớn và tất cả lời lẽ của Kinh Thánh là các nhánh cây, thì tôi đã gõ vào tất cả các nhánh, nôn nóng muốn biết nhánh cây là gì và nhánh cây có gì”⁠(Luther nói gì, quyển 1, trang 83). Oberman nói Luther giữ thói quen đó trong ít nhất mười năm (Luther, trang 173). Kinh Thánh đã trở nên thật ý nghĩa đối với Luther nhiều hơn tất cả tiền nhân và các nhà chú giải.

Luther đã đứng vững, còn chúng ta đang đứng vững. Không phải ở trên những tuyên bố của các giáo hoàng, hoặc quyết định của các hội đồng, hoặc những luồng gió dư luận, mà dựa trên “lời có quyền hơn hết thảy thế lực trần gian” – tức lời hằng sống và đời đời của Đức Chúa Trời.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .