28 Th3, 2023

Ông đã ở lại để cứu thế giới

Andrew Fuller (1754 – 1815)
Image
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Chúng ta sẽ không đọc thấy trong các sách lịch sử thế tục hoặc nghe trên bản tin hàng đêm đâu, nhưng xét theo hầu hết mọi tiêu chuẩn, thì phong trào truyền giáo hiện đại – bắt đầu từ lần ra khơi của William Carey đến Ấn Độ vào năm 1793 – là bước phát triển lịch sử quan trọng nhất trong vòng hai trăm năm qua. Stephen Neill, trong phần kết luận của quyển sách Lịch sử Truyền giáo Cơ Đốc, viết rằng: “Thế kỷ thứ mười tám điềm tĩnh và lý trí hầu như không phải là nơi gieo mầm hứa hẹn cho sự phát triển của Cơ Đốc giáo; nhưng từ đó đã bùng nổ hoạt động truyền giáo Cơ Đốc còn lớn hơn tất cả thế kỷ trước đó” (trang 571).

Vậy, làm thế nào thế kỷ 18 “điềm tĩnh và lý trí” lại sinh ra phong trào truyền giáo lớn nhất trong lịch sử thế giới – một phong trào vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, mà nếu sẵn lòng thì chúng ta có thể tham gia nữa đấy? Đường lối của Đức Chúa Trời cao hơn đường lối của chúng ta, còn sự phán xét của Ngài không thể dò và không hiểu được (Rô-ma 11:33).

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc ra đời phong trào vĩ đại này mà loài người làm sao hiểu nổi. Tôi chỉ muốn thuật lại một trong số đó mà thôi – chỉ là một trong mười ngàn điều Đức Chúa Trời đã làm để tạo nên phong trào truyền giáo vĩ đại, có sự tôn cao Đấng Christ, Phúc Âm được tấn tới, Hội thánh mở ra khắp nơi, chống trả sự gian ác, khuất phục Sa-tan, biến đổi văn hóa, cứu rỗi linh hồn, đoạt lại linh hồn từ địa ngục như thế này.

Ích lợi lớn và mất mát lớn

Andrew Fuller qua đời vào ngày 7 tháng 5 năm 1815 được 61 tuổi. Ông là mục sư của Hội thánh Báp-tít ở Kettering (với dân số khoảng 3,000 người) trong 32 năm. Trước đó, ông là mục sư tại Soham, trước đó nữa, ông là một cậu bé lớn lên trong trang trại của cha mẹ mình và được giáo dục đơn sơ. Ông không được đào tạo thần học chính thức nhưng đã trở thành tiếng nói thần học hàng đầu cho các nhà Báp-tít Đặc thù (tức là theo chủ nghĩa Calvin) vào thời của ông. Ông bắt đầu thỉnh thoảng rao giảng tại Hội thánh Soham là quê hương của mình vào lúc 17 tuổi, đến khi được 21 tuổi, họ mời ông làm mục sư.

Một năm sau khi trở thành mục sư tại Soham, ông kết hôn với Sarah Gardiner. Trong vòng mười sáu năm trước khi bà qua đời, cặp vợ chồng này có mười một người con, trong đó tám người chết khi còn thơ ấu hoặc còn rất nhỏ. Sarah qua đời đúng hai tháng trước khi Hội Truyền giáo Báp-tít được thành lập tại nhà Fuller vào tháng 10 năm 1792.

Thông thường trong một mục vụ như thế này: vừa được lợi lớn vừa tổn thất lớn trong vòng hai tháng. “Ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được” (Ma-thi-ơ 10:39). “Nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều” (Giăng 12:24). Ông đã tái hôn. Năm 1794, ông kết hôn với Ann Coles, bà sống lâu hơn ông mười năm.

Giữ chặt sợi dây thừng

Trong suốt 40 năm làm mục sư, Fuller đã cố gắng làm nhiều hơn khả năng của một người. Ông đã nuôi nấng gia đình, làm mục sư của một Hội thánh, tiếp cận các giáo lý sai trật nghiêm trọng vào lúc bấy giờ bằng cách viết lách không ngừng, giữ vai trò lãnh đạo Hội Truyền giáo Báp-tít.

Một nhóm nhỏ gồm các mục sư Báp-tít, trong đó có William Carey, đã thành lập Hội Truyền giáo Báp-tít vào ngày 2 tháng 10 năm 1792. Fuller, hơn bất kỳ ai khác, cảm thấy gánh nặng của William Carey và John Thomas (và những người khác sau này) đã bỏ lại mọi thứ để đi đến Ấn Độ với tâm thế hoàn toàn phụ thuộc, dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời, vào các anh em trong nhóm. Một trong số họ là John Ryland đã ký thuật lại câu chuyện về nguồn gốc hình ảnh người giữ dây thừng nổi tiếng. Ông đã viết rằng:

Ngay từ đầu, hành trình đi đến Ấn Độ đối với tôi thực sự giống như một vài người đàn ông đang cân nhắc về tầm quan trọng của việc xâm nhập vào một cái mỏ sâu hoắc chưa từng được khám phá bao giờ. Chẳng có người nào hướng dẫn chúng tôi; trong khi chúng tôi đang cân nhắc như vậy, thì Carey nói rằng: “Vậy, tôi sẽ đi xuống, nếu các anh giữ chặt sợi dây thừng”. Nhưng trước khi anh ta leo xuống . . . tôi nghĩ anh ấy đã tự mình giữ chặt lời hứa của mỗi người chúng tôi, là những kẻ đang đứng trên miệng hố, về một việc – đó là “hễ còn sống chừng nào, chúng tôi không được từ bỏ sợi dây thừng”. (Cho thế giới biết Đấng Christ, trang 136).

Fuller từng là người đi chia sẻ, nhà tư tưởng, người gây quỹ và người viết thư chính của hội truyền giáo trong hơn 21 năm. Ông đã giữ sợi dây thừng đó thật chắc và hết lòng tận tụy hơn bất kỳ ai khác. Ông đã di chuyển liên tục, chia sẻ để kêu gọi ủng hộ cho công tác truyền giáo. Ông đã thường xuyên viết các Báo cáo Định kỳ. Ông cung cấp tin tức cho Sổ tay Thường niên Báp-tít, Báo Tin Lành và Báo Báp-tít. Ông đã giữ vai trò chính trong việc lựa chọn các giáo sĩ mới. Ông thường xuyên viết thư cho các giáo sĩ ở trên cánh đồng và cho người thân của họ ở quê nhà.

Chịu khổ tột cùng

Đan xen vào tất cả công việc này, làm cho sự kiên trì của ông càng đáng kinh ngạc hơn, là sự chịu khổ phi thường, đặc biệt là trước những mất mát. Ông mất tám người con và người vợ đầu tiên. Vào ngày 10 tháng 7 năm 1792, ông viết rằng: “Những đau khổ trong gia đình gần như lấn át mình, tôi không biết điều gì sắp xảy ra phía trước nữa! Trong khoảng một tháng qua, nỗi đau khổ mất đi người đồng hành của tôi đã trở nên nặng nề hơn rất nhiều”. Sau đó, vào ngày 25 tháng 7, ông lại viết: “Ôi, Chúa ơi! Linh hồn tôi sờn ngã trong mình tôi! Chuyện buồn trong gia đình thật quá lớn đối với tôi. Ôi, Chúa ơi, tôi bị áp bức, xin nâng đỡ tôi! (Các Tác phẩm Hoàn chỉnh của Mục sư Andrew Fuller, 1:58–59). Khi vợ ông qua đời một tháng sau đó (23 tháng 8 năm 1792), mất thêm tám người con nữa, Fuller đã viết mấy dòng như sau:

Mẹ hiền không than mất con nữa,
Chẳng cần lo toan mấy chuyện đời;
Sợ lo, đau khổ cần chi tiếc,
Gặp Chúa, gặp con, ở nhà trời.
(Các tác phẩm, 1:59–61)

Fuller và chủ nghĩa Calvin cực đoan

Fuller phải đối diện với những sai trật thuộc linh và giáo lý bằng chính cá nhân, mục vụ và công tác truyền giáo trong thời của mình. Trong số hết thảy hoạt động tích cực của ông, chính khả năng viết lách về giáo lý và gây tranh cãi của ông đã phục vụ cho mục đích truyền giáo thế giới nhiều nhất.

Fuller lớn lên trong một Hội thánh theo chủ nghĩa Calvin Cấp cao – hay Chủ nghĩa Cực đoan. Sau đó, ông nói rằng mục sư Hội thánh tại Soham (John Eve) “có rất ít hoặc không biết nói gì với mấy người chưa được cải đạo” (Cho thế giới biết Đấng Christ, trang 27). Thành tựu thần học lớn nhất của Fuller là nhìn thấy, bênh vực và lan truyền sự thật về Chủ nghĩa Calvin trong lịch sử, còn Kinh Thánh đã hoàn toàn công nhận việc rao truyền Phúc Âm cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào cả.

Lập luận của Chủ nghĩa Calvin Cực đoạn nói, theo lời lẽ của Fuller:

Thật vô lý và tàn nhẫn khi yêu cầu người ta thực hiện điều gì đó vượt quá khả năng của mình; cũng như Kinh Thánh đã tuyên bố rằng: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” và “người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng”, người ta kết luận đây là những điều mà tội nhân, chưa được tái sinh, không cần phải làm gì cả. (Các tác phẩm, 2:376)

Fuller nói: “Đó là một loại châm ngôn dành cho những người như vậy, tức là ‘không ai bị ép buộc phải cư xử thuộc linh, mà phải là người thuộc linh kia'” (Các tác phẩm, 2:360). Kết luận thực tế mà họ rút ra là đức tin nơi Đấng Christ không phải là bổn phận của những kẻ không được chọn. Không phải là nghĩa vụ của một kẻ chưa tái sinh. Do đó, chúng ta đừng kêu gọi người ta tiếp nhận Chúa bằng đức tin một cách bừa bãi. Chúng ta không bao giờ đứng trước một nhóm người – dù ở Anh hay ở Ấn Độ – và nói rằng: “Hãy tin Đức Chúa Jêsus Christ đi!” Chúng ta không bao giờ khuyên lơn, nài nỉ, kêu gọi, truyền lịnh, thúc giục.

Hậu quả của lập luận méo mó về chủ nghĩa Calvin theo Kinh Thánh là các Hội thánh không còn sức sống, hệ phái Báp-tít Đặc thù đang chết dần và công tác truyền giáo mới bắt đầu ở Ấn Độ bị phản đối.

Không có khả năng tự nhiên và không có khả năng đạo đức

Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Fuller là quyển sách Phúc Âm cho mọi người, ông đưa ra hết bản văn này đến bản văn khác để chỉ ra người chưa tin Chúa có nghĩa vụ phải tiếp nhận Chúa (Thi thiên 2:11–12Ê-sai 55:1–7Giê-rê-mi 6:16Giăng 5:236:2912:36, xem Các tác phẩm, 2:343–66. Đây là tòa kháng cáo cuối cùng của ông chống lại những kẻ theo Chủ nghĩa Calvin Cực đoan, là những người sử dụng khả năng lô-gíc tài ba của mình để lèo lái từ các tiền đề trong Kinh Thánh cho đến những kết luận trái với Kinh Thánh.

Nhưng Fuller thấy Jonathan Edwards rất hay khi đáp trả sự phản đối của những kẻ theo Chủ nghĩa Calvin Cực đoan ở một cấp độ khác. Hãy nhớ, ý kiến ​​phản đối là “thật vô lý và tàn nhẫn khi đòi hỏi người ta thực hiện một việc quá sức của họ”. Nói vậy có nghĩa là một người không có khả năng tin nhận Chúa thì không có trách nhiệm tin Chúa (và chúng ta cũng không có nghĩa vụ làm cho người đó phải tin Ngài). Đáp lại sự phản đối này, Fuller đưa ra sự khác biệt giữa việc không có khả năng đạo đức và không có khả năng tự nhiên, đây là một hiểu biết sâu sắc quan trọng mà ông đã học được từ Edwards.

Sự khác biệt là đây: Không có khả năng tự nhiên là do thiếu “khả năng lý trí, sức mạnh cơ thể hoặc lợi thế bên ngoài”; nhưng không có khả năng đạo đức là do không có khuynh hướng vì ý chí ác cảm. Thực ra, không có khả năng tự nhiên tức là không có nghĩa vụ. Nhưng không có khả năng đạo đức thì không như vậy, đây là điều Kinh Thánh nói: “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (1 Cô-rinh-tô 2:14).

Nói cách khác, chúng ta không thể chọn làm những điều mà chúng ta không có khuynh hướng làm được cũng như làm những điều mà chúng ta không có khả năng thể chất để làm. Nhưng đó là sự bất lực do trở ngại về thể chất, còn sự bất lực do ý chí nổi loạn thì không như vậy (Các tác phẩm, 2:378).

Giảng luận, mời gọi, cảnh báo

Kết luận hết sức quan trọng từ tất cả nỗ lực và mâu thuẫn về sự giải Kinh, giáo lý và thần học này là ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với công tác truyền giáo và truyền giáo thế giới:

Tôi tin rằng nhiệm vụ của mỗi người hầu việc Chúa là phải rao giảng Phúc Âm cách rõ ràng và trung thành cho hết thảy người nào lắng nghe; như tôi tin rằng con người không có khả năng [làm] các việc thuộc linh hoàn toàn là do đạo đức, mà đó là tội lỗi — họ có nghĩa vụ yêu mến Đức Chúa Jêsus Christ và tin cậy Chúa để được cứu rỗi, mặc dù họ không làm vậy; vì thế, tôi tin rằng các bài giảng luận, lời kêu gọi và lời cảnh báo dầu được rao giảng cách tự do và trang trọng, không chỉ nhất quán mà còn là những công cụ trong tay của Thánh Linh Đức Chúa Trời, để dẫn họ đến với Đấng Christ. Tôi xem đó là bổn phận của mình, không thể nào phớt lờ bởi vì tôi không muốm mắc tội đổ huyết của các linh hồn. (Cho thế giới biết Đấng Christ, trang 106)

Cách tiếp cận của Fuller ở cấp độ nghiêm ngặt về trí tuệ như thế này, với tư cách là một mục sư và một người đàn ông của gia đình, có vẻ như không đúng chỗ. Giá trả thật quá đắt cho Hội thánh và gia đình của ông. Nhưng kết quả xảy ra trên thế giới thật là tuyệt vời không thể đếm hết được. Không gì có thể giáng đòn chí mạng vào Hội thánh, cản trở công tác truyền giáo, giết chết sứ mạng bằng giáo lý của Chủ nghĩa Calvin cực đoan. Fuller đã làm điều đó và nền tảng thần học đã được thiết lập để hình thành một phong trào truyền giáo lớn nhất trên thế giới.

Một kết nối quan trọng

Chúng ta học được gì từ điều này? Chúng ta cần tìm hiểu mối liên hệ quan trọng giữa sự trung thành với giáo lý của Hội thánh và công tác truyền giáo thế giới. Động lực chính trong thời đại ngày nay của chúng ta lại theo một hướng khác. Dù đi đâu chúng ta đều gặp phải áp lực tin rằng công tác truyền giáo lệ thuộc vào việc không tranh luận về giáo lý. Nhưng khi chúng ta gặp một Cơ Đốc nhân khác mâu thuẫn với một số vấn đề trong Kinh Thánh, thì lời kêu gọi vang lên mạnh mẽ hơn nữa rằng: “Đừng lãng phí thời gian, hãy tập trung vào công tác truyền giáo”. Chúng ta học được từ Fuller đó là những lời kêu gọi như thế ít nhất cho thấy sự thiếu hiểu biết về lịch sử và tệ nhất là làm cho sự sai lạc lây lan khắp nơi.

Một bài học quan trọng từ cuộc đời của Andrew Fuller đó là sự giải Kinh và bênh vực giáo lý trong công tác rao giảng Phúc Âm chân chính cuối cùng không phải là sự cản trở, mà còn thúc đẩy phong trào truyền giáo lớn nhất trong lịch sử thế giới. Khi Cơ Đốc nhân có được kinh nghiệm theo Kinh Thánh và rao giảng Phúc Âm theo Kinh Thánh một cách đúng đắn, thì đó là những điều thiết yếu để làm vững mạnh, thêm lên sự bền đỗ và mang lại nhiều kết quả cho công tác truyền giáo thế giới.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .