Câu chuyện về những mất mát của Adoniram Judson gần như quá sức chịu đựng. Ngay khi chúng ta nghĩ rằng điều cuối cùng là tồi tệ nhất rồi và ông không còn chịu đựng thêm được nữa, thì những điều khác lại xảy đến. Thực tế, chúng ta sẽ không chịu nổi nếu không thấy tất cả từ góc nhìn lịch sử trải từ các đời trước của Đức Chúa Trời. Hạt giống chết đi hàng ngàn lần đã cho Myanmar (trước đây gọi là Burma) sự sống trở thành một làn sóng lớn đến cùng Đấng Christ.
“Cuộc đời của Judson là một hạt giống rơi xuống đất đã chết đi ở Myanmar – hết lần này đến lần khác”.
Khi Adoniram Judson đến Burma vào tháng 7 năm 1813, đó là một nơi thù địch và hoàn toàn chưa được tiếp cận. William Carey đã nói với Judson ở Ấn Độ vài tháng trước đó là đừng có đi. Ngày hôm nay, đất nước này vẫn còn bị coi là một quốc gia khép kín — với chế độ chuyên quyền vô chính phủ, chiến tranh khốc liệt với người Siam, kẻ thù tấn công, nổi loạn liên tục và không có sự khoan dung về tôn giáo. Tất cả giáo sĩ trước đó đều qua đời hoặc bỏ đi.
Nhưng Judson đã cùng vợ 23 tuổi, vừa mới cưới được 17 tháng, đi đến đó. Lúc ấy, ông đã được 24 tuổi và làm việc trong 38 năm cho đến khi 61 tuổi mới qua đời, chỉ có một lần trở về Tân Anh sau 33 năm. Cái giá mà ông phải trả là vô cùng lớn. Ông là một hạt giống rơi xuống đất và chết đi hết lần này đến lần khác.
Lời cầu hôn khác thường
Judson bước vào Chủng viện Andover ở Newton, Massachusetts, vào tháng 10 năm 1808, đến ngày 2 tháng 12 đã nghiêm túc dâng mình cho Đức Chúa Trời. Ngọn lửa truyền giáo đang bùng cháy ở Andover. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1810, Judson và những người khác đăng ký trở thành giáo sĩ ở phương Đông. Ông gặp Ann Hasseltine cùng ngày hôm đó và yêu nhau. Sau khi biết Ann được một tháng, ông đã tuyên bố ý định trở thành người cầu hôn và đã viết cho cha của nàng lá thư như sau:
Bây giờ tôi phải hỏi, liệu ông có thể đồng ý chia tay con gái mình vào đầu mùa xuân tới, để không còn thấy cô ấy trên đời này nữa; ông có thể cho phép cô ấy ra đi, chịu đựng những khó khăn và đau khổ của đời sống giáo sĩ; ông có thể đồng ý để cô ấy đối diện với những nguy hiểm của đại dương, ảnh hưởng chết người của khí hậu phía nam Ấn Độ; cùng đủ loại hiểm nguy và đau khổ; chịu hèn hạ, chịu xúc phạm, chịu bắt bớ và có thể sẽ phải chết rất đau đớn. Ông có thể đồng ý tất cả những điều kể trên không, vì chính Chúa đã không màng đến nhà trên trời, chịu chết vì cô ấy và ông; vì ích lợi của rất nhiều linh hồn đang hư mất; vì lợi ích của Si-ôn và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không? Ông có thể đồng ý tất cả những điều kể trên không, chỉ hy vọng sẽ sớm gặp lại con gái của mình trong miền vinh hiển, đội mão miện của sự công bình, vui mừng trước lời ngợi khen của những kẻ ngoại đạo, là những người đã được cứu khỏi tuyệt vọng và sự khốn khổ đời đời, dành cho Chúa Cứu Thế của cô ấy không? (Đến Bờ Biển Vàng, trang 83)
Cha của nàng đã rất kinh ngạc nói rằng nàng có thể tự quyết định. Adoniram và Ann kết hôn vào ngày 5 tháng 2 năm 1812, rồi lên đường đến Ấn Độ đúng 14 ngày sau đó cùng hai cặp vợ chồng khác và hai người đàn ông độc thân, họ chia nhau ra đi trên hai con tàu phòng trường hợp một chiếc bị chìm. Sau một thời gian ngắn ở Ấn Độ, Adoniram và Ann quyết định mạo hiểm dấn thân vào một công trường mới. Họ đến Rangoon, Burma, vào ngày 13 tháng 7 năm 1813.
Một mùa gặt lâu dài và đau khổ
Ở Burma, một trận chiến kéo dài cả đời dưới cái nóng 108 độ cùng bệnh dịch tả, sốt rét, kiết lị và những nỗi khổ vô danh không chỉ cướp đi sinh mạng của Ann mà cả người vợ thứ hai, bảy trong số mười ba đứa con của ông, ngay cả từng người bạn đồng lao cũng qua đời.
Trải qua hết thảy những tranh chiến với bệnh tật và sự gián đoạn, Judson đã cố gắng học phương ngôn, dịch Kinh Thánh và truyền giáo trên đường phố. Sáu năm sau khi ông và Ann đến đó, họ làm báp-tem cho người được cải đạo đầu tiên tên là Maung Nau. Công tác gieo giống đã mất một thời gian dài và vất vả, mùa gặt còn vất vả hơn trong nhiều năm. Nhưng vào năm 1831, đúng 19 năm sau khi họ đến đây, vùng đất này đã có sức sống mới. Judson viết rằng:
Sự tò mò . . . lan tràn khắp nơi, khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước. [Chúng tôi đã phân phát] gần 10.000 truyền đạo đơn, chẳng đưa ai khác ngoài những người hỏi xin mới cho. Tôi đoán là phải có tới 6.000 đơn đăng ký ở nhà. Có vài đơn phải mất đến hai hoặc ba tháng mới đến nơi, từ biên giới của người Siam và Trung Hoa – “Thưa ngài, chúng tôi nghe nói về địa ngục đời đời. Chúng tôi sợ lắm! Xin hãy cho chúng tôi một quyển truyền đạo đơn chỉ cách thoát khỏi điều này được không?” Những người khác đến từ biên giới của Kathay, 100 dặm về phía bắc của Ava – “Thưa ngài, chúng tôi có thấy một quyển truyền đạo đơn nói về Đức Chúa Trời đời đời. Ông có phải là người phân phối các truyền đạo đơn đó không? Nếu vậy, xin hãy cho chúng tôi một cái, vì chúng tôi muốn biết sự thật trước khi nhắm mắt”. Nhiều người khác, từ các nơi ở trong nước chưa hề nghe đến danh Jêsus – “Ông có phải là người của Đức Chúa Jêsus Christ không? Hãy cho chúng tôi một quyển truyền đạo đơn nói về Đức Chúa Jêsus Christ được không?” (Đến Bờ Biển Vàng, trang 398–99)
Nhưng đã có một giá trả rất đắt sau khi người đầu tiên được cải đạo vào năm 1819 cho đến lúc quyền năng của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào năm 1831.
Bị ngồi tù và cô đơn
Năm 1823, Adoniram và Ann đã di chuyển từ Rangoon đến thủ đô Ava, cách đất liền khoảng 300 dặm và đi xa hơn về phía Sông Irrawaddy. Thật mạo hiểm khi ở gần vị hoàng đế chuyên chế. Một năm sau, vào tháng 5, một hạm đội Anh đến Rangoon và bắn phá bến cảng. Tất cả người phương Tây ngay lập tức bị xem là gián điệp, còn Adoniram bị lôi ra khỏi nhà. Ngày 8 tháng 6 năm 1824, ông bị tống vào tù. Chân của ông bị cùm, ban đêm có một cây sào bằng tre dài nằm ngang được hạ xuống và luồn qua giữa hai chân bị cùm và nhấc lên cho đến khi chỉ còn vai và đầu của tù nhân ở trên mặt đất.
“Những đau khổ đã khiến ông không còn hy vọng quá nhiều vào thế giới này nữa”.
Ann đang mang thai, nhưng nàng đi bộ hai dặm mỗi ngày đến cung điện để cầu xin cho Judson không phải là gián điệp nên hãy tha cho ông. Vào ngày 4 tháng 11 năm 1825, Judson bất ngờ được trả tự do. Chính phủ cần ông làm thông dịch viên cho các cuộc đàm phán với người Anh. Thử thách dài hạn đã kết thúc – mười bảy tháng trong tù và cận kề cái chết, cùng với việc vợ của ông phải hy sinh tấm thân và đứa con để chăm sóc ông hết mức có thể. Sức khỏe của Ann bị suy sụp. Mười một tháng sau bà qua đời vào ngày 24 tháng 10 năm 1826. Sáu tháng sau đó, con gái của họ cũng qua đời.
“Chẳng thấy Chúa đâu”
Ảnh hưởng tâm lý từ những mất mát này thật tàn khốc. Sự nghi ngờ bản thân xâm chiếm tâm trí của ông, ông tự dằn vặt mình đã trở thành giáo sĩ vì tham vọng và danh tiếng, chứ không hề có sự khiêm nhường và sự từ bỏ chính mình. Ông bắt đầu tìm đọc về các tăng lữ Công giáo như Madame Guyon, Fénelon và Thomas à Kempis, họ đã cho ông biết đến lối sống ẩn dật và rất nhiều hình thức từ bỏ bản ngã. Ông bỏ hẳn công trình chuyển ngữ Cựu Ước là tình yêu của đời mình, rồi co rút tránh mặt mọi người và “bất cứ điều gì tiếp thêm sự kiêu ngạo hoặc thôi thúc sự khoái lạc của ông” (Đến Bờ Biển Vàng, trang 387).
Ông cho đào một ngôi mộ bên cạnh túp lều của mình và ngồi ở đó để suy gẫm về trạng thái phân hủy của cơ thể. Ông ở riêng một mình bốn mươi ngày trong rừng đầy hổ dữ và viết trong một lá thư rằng ông cảm thấy tinh thần hoàn toàn trống vắng. “Đối với tôi, Đức Chúa Trời là Đấng Vô Danh Vĩ Đại. Tôi tin Ngài, nhưng chẳng thấy Ngài đâu” (Đến Bờ Biển Vàng, trang 391).
Anh trai của ông là Elnathan qua đời vào ngày 8 tháng 5 năm 1829 được 35 tuổi. Nghịch lý thay, đây chính là bước ngoặt giúp Judson quay trở lại, bởi vì ông có lý do để tin rằng người anh mà ông đã bỏ rơi trong sự vô tín 17 năm trước đó đã chết trong đức tin. Suốt năm 1830, Adoniram đã bước ra khỏi bóng tối của mình.
Hoàn tất Kinh Thánh và cưới vợ mới
Trọng tâm trong công tác truyền giáo của Judson ngay từ đầu và đặc biệt vào thời điểm này trong cuộc đời ông là bản dịch của Kinh Thánh. Trong nhiều năm lấy lại tinh thần, không vợ con ở bên cạnh, ông tự giam mình trong một gian phòng nhỏ được xây với mục đích có thể dành gần như toàn bộ sức lực để trau chuốt bản dịch Tân Ước và tiếp tục với Cựu Ước. Vào cuối năm 1832, ba nghìn bản Tân Ước hoàn chỉnh đã được in ra. Ông hoàn thành Cựu Ước vào ngày 31 tháng 1 năm 1834.
Bản thảo Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Burma được hoàn tất, dường như Đức Chúa Trời đã mỉm cười với công tác khó khăn này mà ban cho ông một người vợ mới. Ba năm trước đó, một nhà truyền giáo khác ở Burma tên là George Boardman đã qua đời. Người vợ góa của ông là Sarah ở lại Burma và trở thành một huyền thoại đúng nghĩa, nàng đã cùng đứa con tên là George tiến vào đất nước này. Vào tháng 2 năm 1834, Judson nhận được một lá thư từ Sarah. Vào ngày 1 tháng 4, ông rời Moulmein đến Tavoy, quyết tâm tỏ tình với nàng. Vào ngày 10 tháng 4, họ kết hôn.
Đây là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất của ông ở Burma, nhưng không có nghĩa là thiếu đau khổ và cũng không kéo dài quá một thập kỷ. Sau khi sinh 8 đứa con trong 11 năm, Sarah bị bệnh nặng đến nỗi gia đình quyết định trở về Hoa Kỳ với hy vọng gió biển sẽ giúp chữa lành bệnh. Judson đã không trở lại Hoa Kỳ 33 năm rồi và chỉ quay về vì vợ của mình. Khi họ đi vòng quanh mũi châu Phi vào tháng 9 năm 1845, Sarah qua đời. Con tàu thả neo tại Đảo St. Helena đủ lâu để đào một ngôi mộ, chôn cất một người vợ và người mẹ, sau đó lại ra khơi.
Lần này, Adoniram không rơi vào vực sâu trầm cảm như trước. Ông đã có con của mình. Nhưng hơn thế nữa, những đau khổ đã khiến ông không còn hy vọng quá nhiều vào thế giới này. Ông đang học cách ghét cuộc sống của mình trong thế giới này mà không cay đắng hay chán nản (Giăng 12:25). Lúc bấy giờ, ông có một đam mê, đó là: trở về và sống trọn đời vì Burma.
Hiếm ai chết cách đau đớn
Dự định ở lại Hoa Kỳ của Judson đã không diễn ra theo kế hoạch. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đã yêu lần thứ ba, lần này là với Emily Chubbuck, và kết hôn với nàng vào ngày 2 tháng 6 năm 1846. Nàng 29 tuổi; ông 57 tuổi. Nàng là một nhà văn nổi tiếng và đã từ bỏ danh tiếng lẫn sự nghiệp viết lách của mình để cùng Judson đến Burma. Họ đến đó vào tháng 11 năm 1846. Đức Chúa Trời đã ban cho họ bốn năm hạnh phúc nhất chưa từng có.
Adoniram và Emily có một đứa con. Mọi thứ có vẻ tươi sáng, nhưng mấy căn bệnh cũ tấn công Adoniram lần cuối. Hy vọng duy nhất là gửi Judson ốm yếu đi về bằng đường biển. Vào ngày 3 tháng 4 năm 1850, họ đưa Adoniram lên con tàu Aristide Marie đến Isle of France cùng với một người bạn là Thomas Ranney để chăm sóc cho ông. Trong cơn đau đớn, thỉnh thoảng ông bị đánh thức bởi cơn đau khủng khiếp chỉ để kết thúc bằng một trận nôn mửa. Một trong những câu cuối cùng mà ông đã nói là: “Hiếm có ai . . . chết đau đớn thế này! (Đến Bờ Biển Vàng, trang 504).
“Hạt giống chết đi hàng ngàn lần đã cho Myanmar sự sống trở thành một làn sóng lớn đến với Đấng Christ”.
Vào lúc 16:15 chiều thứ Sáu, ngày 12 tháng 4 năm 1850, Adoniram Judson qua đời trên biển, xa rời gia đình và Hội thánh người Burma. Tối hôm đó, con tàu nhấp nhô trên biển. “Các thủy thủ trên tàu lặng lẽ tập hợp lại. Mạn trái được mở ra. Không có lời cầu nguyện nào hết . . . Thuyền trưởng ra lịnh. Quan tài trượt xuống biển qua cửa tàu vào ban đêm” (Đến Bờ Biển Vàng, trang 505).
Mười ngày sau, Emily sinh đứa con thứ hai, đứa bé chết khi mới sinh. Bốn tháng sau, nàng mới biết tin chồng đã chết. Nàng trở lại Tân Anh vào tháng 1 năm sau và đã chết vì bệnh lao ba năm sau đó khi chỉ mới 37 tuổi.
Kết quả của hạt giống đã chết đi
Cuộc đời của Judson là một hạt giống rơi xuống đất Myanmar và chết đi – hết lần này đến lần khác (Giăng 12:24). Sự đau khổ thật quá lớn. Bông trái cũng vậy. Vào thiên niên kỷ thứ hai sang thiên niên kỷ thứ ba, Patrick Johnstone ước tính Giáo hội Báp-tít Myanmar (tên mới của Burma) có khoảng 3,700 Hội thánh với 617,781 tín hữu và 1,900,000 chi hội – đây là kết quả của hạt giống đã chết đi.
Tất nhiên, có những người khác nữa ngoài Judson – hàng trăm người khác theo dòng thời gian. Họ cũng đến và từ bỏ mạng sống mình. Nhiều người trong số họ còn qua đời sớm hơn Judson rất nhiều. Họ chỉ phục vụ vì một mục đích. Kết quả đáng kinh ngạc ở Myanmar ngày nay đã lớn lên trên mảnh đất của các giáo sĩ đã từng chịu khổ và chết đi, đặc biệt là Adoniram Judson.