Robert Murray McCheyne là một mục sư quản nhiệm tại Dundee, Scotland, ông qua đời lúc 29 tuổi vào năm 1843. Không có sự kiện gì nổi bật ở trong cuộc đời khiến người ta nhớ đến. Nhưng ông đã có một người bạn yêu dấu là Andrew Bonar, một mục sư ở gần đó. Trong vòng hai năm, Andrew đã xuất bản quyển sách Hồi tưởng và ký ức về Robert Murray McCheyne. Quyển sách này vẫn đang được xuất bản, còn chúng ta thì kỷ niệm sự chết của McCheyne đã được 176 năm, cuộc đời ông là sự khích lệ và đầy cảm hứng.
Cuộc đời ngắn ngủi và tầm thường của McCheyne như thế nào mà phải có một quyển sách (đến nay đã có nhiều sách hơn) thuật lại di sản của ông cho ngày nay?
Hoa Huệ và gai nhọn
Tôi nghĩ là có một chìa khóa kép đã khai phóng nguồn sức mạnh ở trong cuộc đời của McCheyne, đó là: Chúa Jêsus yêu dấu và cái dằm xóc.
Mô tả của McCheyne về thời niên thiếu được ông kể là: “Tôi đã hôn hoa hồng mà không nghĩ tới cái gai nhọn” — nghĩa là “Tôi đắm mình trong những thú vui tiêu khiển và đẹp đẽ của thế gian, mà không nghĩ tới bệnh tật, khổ sở và sự chết”. Nhưng sau khi cải đạo, ông thường nói Chúa Jêsus là Hoa Huệ trong trũng, chính ông đã sống dè chừng cái gai bệnh tật và chỉ còn sống rất ngắn ngủi. Ông đã chia sẻ trong một bài giảng rằng:
Chớ để lòng mình vương vấn những đóa hoa của thế gian; vì chúng đều có sự lở loét ở trong đó. Hãy yêu quý Hoa Huệ trong trũng . . . hơn mọi thứ; vì Ngài chẳng hề thay đổi. Hãy ở gần Đấng Christ hơn các thánh đồ, hầu cho khi họ không còn ở cùng chúng ta nữa, thì chúng ta vẫn có Chúa để nương cậy. (Những bài giảng của Robert Murray McCheyne)
McCheyne chỉ sống được tới buổi sáng hôm sau: ông qua đời trước khi được 30 tuổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông không vì thế mà biến mất, mà còn được thêm lên nhiều hơn nữa. Vì bệnh lao phổi, ông đã sống biết rằng mình sẽ chết sớm. Vì thế, chìa khóa kép trong cuộc đời ông là Chúa Jêsus yêu dấu, tức là Hoa Huệ, trở nên mật thiết hơn nhờ gai nhọn rất đau đớn, bệnh tật và một cuộc đời ngắn ngủi.
Bị dằm xóc để tỉnh thức
McCheyne sinh ra ở Edinburgh, Scotland, vào ngày 21 tháng 5 năm 1813. Ông lớn lên trong bầu không khí của những tiêu chuẩn đạo đức cao quý, nhưng chính ông làm chứng rằng mình “không có Đức Chúa Trời”. Khi ông vào trường Đại học Edinburgh lúc 14 tuổi, ông nghiên cứu những kinh điển. Ông đang hôn thắm thiết việc học kinh điển và phớt lờ gai nhọn khổ sở và sự chết.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 1831 khi ông được 18 tuổi. David, anh cả của Robert, không khoẻ về thuộc linh lẫn thuộc thể. Vào mùa hè năm ấy, anh đã tuyệt vọng và qua đời vào ngày 8 tháng 7. Đột nhiên, hoa hồng có gai đã ghim thấu vào trái tim của McCheyne. Tất cả sự đẹp đẽ của hoa hồng làm lẽ sống của đời ông đều tàn héo. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, ông đã thấy được Hoa Huệ qua những gì đã xảy ra với David.
Vào những ngày cuối đời, David đã tìm được sự bình an sâu sắc qua dòng huyết của Chúa Jêsus. Bonar đã nói rằng “niềm vui từ mặt của Cha trên trời chiếu sáng trên gương mặt [tiều tụy của David] (Hồi ký). McCheyne đã nhìn thấy điều này, còn mọi thứ bắt đầu thay đổi. Ông đã nhìn thấy một bông hoa mà không còn để ý đến việc học kinh điển nữa. Ông thấy bông hoa ấy rất đẹp, không phải vì không có gai nhọn, mà vì có gai nhọn. Cái gai nhọn ấy đã xóc vào khiến ông tỉnh ra.
Say mê sự thánh khiết và truyền giáo
Bốn tháng sau khi anh cả qua đời, McCheyne đã nộp đơn vào trường Đại học Edinburgh Divinity Hall vào tháng 11 năm 1831. Tại đó, ông gặp người đàn ông tên là Thomas Chalmers, người này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và chức vụ của ông.
Chalmers đã đem tất cả bài học lớn trong đời mình để nói về sự thánh khiết và truyền giáo. Ông cảnh báo McCheyne và các sinh viên khác về “quỷ trắng” và “quỷ đen” — quỷ đen dẫn dụ vào “tội lỗi xác thịt” của thế gian, còn quỷ trắng dẫn dụ vào “tội lỗi tâm linh” của sự công bình riêng. Ông làm cho Phúc Âm của Đấng Christ đã chịu chết thay cho tội nhân là trung tâm của sự thánh khiết này.
Chalmers cưu mang sâu nặng về sự nghèo khổ của các khu ổ chuột ở Edinburgh, và Phúc Âm không được rao giảng nhiều ở đó. Ông đã thành lập Hiệp hội Thămg viếng và tuyển mộ McCheyne lẫn bạn bè của ông gia nhập hội. Điều này khiến McCheyne rơi vào một thế giới mà ông chưa từng thấy khi còn là sinh viên đại học thuộc giới thượng lưu. Nó đã đánh thức ông bằng nhận thức cấp bách về những người không được nghe về Phúc Âm. Vào tháng 3 năm 1834, hai năm rưỡi ở trong trường thần học, ông đã viết rằng:
Những cảnh tượng tôi chưa bao giờ dám mơ . . . “Không ai quan tâm đến linh hồn tôi” được viết ở trên trán mỗi người. Hỡi linh hồn ta, hãy tỉnh thức! Tại sao mình phải lãng phí thời gian và ngày tháng cho những điều hư không này, trong khi có một thế giới khổ đau ở trước cửa nhà? Chúa ơi, xin thêm sức cho con; ban cho con lòng quyết tâm; xin tha thứ quãng đời vô dụng và rồ dại của con”. (Hồi ký)
Thế là, McCheyne dành hết thời gian ở trong trường thần học để sống đam mê sự thánh khiết và truyền giáo. Hai điều này không bao giờ lìa bỏ ông và đã trở thành động cơ cho cuộc đời ông — tất cả đều được thôi thúc bởi sự đẹp đẽ của Hoa Huệ, tất cả cũng được thêm lên bởi gai nhọn của sự chịu khổ.
Cuộc đời hữu ích, yên ổn
Những buổi học cuối cùng của McCheyne vào ngày 29 tháng 3 năm 1835. Ông mắc cỡ vì chỉ mới 22 tuổi. Mùa thu năm ấy, ông được mời làm mục sư phụ tá trong khu giáo xứ của Larbert và Dunipace. Ông đã giữ cương vị phụ tá cho đến khi tiếng gọi đến từ Hội thánh St. Peter ở Dundee vào tháng 8 năm 1836. Tại đó, McCheyne đã làm mục sư cho đến khi qua đời được vỏn vẹn sáu năm rưỡi.
Đó là một tóm lược đơn sơ về sự nghiệp của ông: làm sinh viên cho đến lúc 22 tuổi, làm mục sư phụ tá được một năm, rồi làm mục sư quản nhiệm được sáu năm. Khi tôi cố gắng suy gẫm về việc làm thế nào một cuộc đời yên ổn như thế lại vô cùng hữu ích thậm chí kể từ ngày ông qua đời cho đến 176 năm sau, không hề có một sự kiện trọng đại nào trong đời sống của ông. Nhưng chính đam mê rất lớn của ông dành cho Đấng Christ — tức là Hoa Huệ — và đam mê dành cho sự thánh khiết và những người hư mất, tất cả đều được thêm lên bởi một cuộc đời ngắn ngủi — tức là gai nhọn. Tất cả đam mê này được gói gọn trong những lời lẽ cao đẹp và mạnh mẽ. Ông vẫn còn ảnh hưởng chúng ta đến ngày hôm nay vì những lời lẽ ra từ miệng ông, chứ không phải từ những sự kiện trong đời ông.
Vậy, hãy lắng nghe ông nói về việc đeo đuổi sự thánh khiết và mối liên hệ của ông với Chúa qua Lời Chúa và sự cầu nguyện.
Hãy nhìn Đấng Christ mười lần
Đức Chúa Trời đã ban cho McCheyne chìa khóa Phúc Âm để đeo đuổi sự thánh khiết cá nhân. Ông nhận được điều này qua lời dạy dỗ của Chalmers. Chalmers là người quan tâm đến những diễn biến ở trong lòng khi đeo đuổi sự thánh khiết. Ông biết rằng một người tin Chúa không thể tăng trưởng trong sự nên thánh mà không có sự cứu rỗi chắc chắn, mà nỗ lực tập chú vào tấm lòng tội lỗi để tìm kiếm bằng chứng của sự cứu rỗi bởi ân điển thường gây phản tác dụng.
Chalmers nói rằng chỉ nhìn thoáng qua căn phòng tối tăm ở trong lòng không thôi chẳng mang lại lợi ích gì cả. Thay vì thế, ông nói rằng chúng ta nên
tìm sự giúp đỡ từ những cửa sổ. Hãy mở cửa chớp ra và đón ánh mặt trời. Nếu chúng ta muốn khoẻ mạnh bề trong thì hãy nhìn ra ngoài kia . . . Đây là cách hay để khởi động điều đó. Hãy mở toang các cửa đức tin và nhờ đó mà ánh sáng chiếu rọi vào các phòng. Con đường thực sự để trả xét bản thân là nhìn ra ngoài cửa sổ bằng đức tin. (Phần giới thiệu của quyển sách Sở thích lớn của Có Đốc nhân, 6)
McCheyne đã viết xuống trong một lớp học và gạch dưới câu cuối cùng. Vậy nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi nghe ông cố vấn một cách tương tự như vậy: “Hãy bắt chước Chúa Jêsus. Cứ mỗi lần nhìn vào bản thân, thì hãy nhìn Đấng Christ đến mười lần. Ngài là Đấng yêu thương . . . Hãy ở lâu trong nụ cười của Đức Chúa Trời. Tắm mình trong tia sáng của Ngài. Cảm nhận đôi mắt đầy yêu thương của Ngài đang chú nhìn chúng ta. Rồi yên nghỉ ở trong tay toàn năng của Chúa” (Hồi ký).
Đây là chiến lược căn bản để đeo đuổi sự thánh khiết. Vì thế, khi McCheyne nói ra mấy lời nổi tiếng của ông là: “Nhu cầu lớn nhất của hội chúng là sự thánh khiết của chính tôi”, ông không chỉ nói họ cần một mục sư ngay thẳng về đạo đức, mà họ còn cần một mục sư có mối liên hệ mật thiết với Đấng Christ, được trở nên giống như Đấng Christ qua mối thông công liên tục ấy. Điều này dẫn chúng ta đến cách ông đã làm để duy trì mối liên hệ với Đấng Christ.
Hãy nhìn mặt Chúa đầu tiên
McCheyne có nhiều điều muốn nói về thói quen suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện. Những thói quen kỷ luật của ông đều nhắm đến việc xây dựng thói quen thông công với Đấng Christ một cách liên tục ở trong lòng. Ông đã hình thành thói quen thức dậy vào buổi sáng để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, rồi cố gắng duy trì điều này đến cuối đời. Ông thích gặp Chúa Jêsus vào sáng sớm. Ông đã ghi lại rằng: “Thức dậy vào sáng sớm để tìm kiếm Chúa và gặp Ngài là Đấng mà linh hồn tôi yêu mến. Có ai muốn dậy sớm để gặp người như vậy chăng?” Ông đã viết cho một sinh viên rằng: “Đừng bao giờ gặp người nào cả cho đến khi đã thấy mặt Ngài là sự sống và là tất cả của chúng ta” (Hồi ký).
Khi ông nói đến việc gặp mặt Chúa, ông nghĩ đến việc nhìn thấy Chúa qua Lời của Đức Chúa Trời, tức là Kinh Thánh. Ông đã viết cho Horatius Bonar, là em của Andrew rằng: “Tôi yêu mến Lời Chúa, đó là đồ ăn ngon ngọt cho linh hồn của tôi” (Hồi ký). Lời Kinh Thánh đã trở thành khung cửa sổ để ông nhìn chăm vào sự vinh hiển của Đấng Christ — là vẻ đẹp của Hoa Huệ. Đây là chìa khóa cho mối liên hệ mật thiết với Chúa Jêsus, tức là chìa khóa cho sự thánh khiết và giảng luận của ông.
Nhưng mối thông công ấy đi cả hai đường, còn sự cầu nguyện tiếp thêm sức lực cho McCheyne. Cả hai việc đọc Lời Chúa và giảng Lời Chúa đều lệ thuộc vào sự cầu nguyện để có được năng quyền. Sự cầu nguyện là rất quan trọng để bài giảng của ông có năng quyền, đến nỗi ông luôn nhanh chóng phân biện xem có điều gì ngăn trở mình trong sự cầu nguyện chăng! Một trong những thước đo mà McCheyne đã dùng để phân biện nếu ông rơi vào tình trạng yêu mến thế gian đó là để ý đến tác động của lời cầu nguyện và việc đọc Kinh Thánh: “Thưa anh chị em, nếu chúng ta đang coi trọng điều gì đến nỗi không còn yêu mến sự cầu nguyện hoặc Kinh Thánh nữa . . . thì chúng ta đang yêu thế gian đó. Ôi! Hãy từ bỏ niềm vui của thế gian: ‘thì giờ là ngắn ngủi biết bao’ (Các bài giảng).
Chính nhờ Lời Chúa và sự cầu nguyện mà Hoa Huệ trong trũng càng ngày càng đẹp đẽ và quý báu đối với McCheyne. Trong khi đó, tất cả những thói quen thuộc linh này được trở nên sâu sắc hơn nhờ vào cái dằm chịu khổ của ông và cuộc đời ngắn ngủi. Trong tuần ông đã hoàn thành việc học đại học của mình thì viết rằng: “Cuộc đời phút chốc qua mau. Hãy nhanh chóng về cõi đời đời” (Hồi ký).
Vén màn của sự đời đời
Cũng không quá lâu trước khi những bằng chứng về bệnh lao phổi được xác nhận rõ ràng. Vào đầu năm 1839, ông đã viết rằng: “Tình trạng bệnh mỗi ngày khiến tôi cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều”. Đối với hội chúng của mình, ông nói vào đầu năm 1843 rằng: “Tôi không muốn sống lâu hơn. Tôi mong nhận được một cuộc gọi bất thình linh, vì vậy tôi sẽ nói thật đơn giản” (Hồi ký).
Tất cả đau khổ và mong mỏi được chết tạo ra một sự tập trung rất đơn giản và cao độ đã gia tăng sức mạnh ở trong mọi việc McCheyne làm. Ông thấy điều này là sự thương xót mà Đức Chúa Trời đã vén cái màn khỏi sự đời đời. Lúc ông còn sống và qua đời vào buổi sáng cuối cùng, McCheyne đã hôn Hoa Huệ và cảm nhận được gai nhọn. Niềm vui tột cùng của ông là nhận biết Đấng Christ. Ông đã sống trong mối liên hệ với Chúa Jêsus qua Lời Chúa và sự cầu nguyện. Còn gai nhọn đau khổ mà ông chịu đã tăng thêm và làm trong sạch mối liên hệ ấy, hầu cho chúng ta vẫn còn được truyền cảm hứng bởi điều này sau 176 năm.