Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu (Thi thiên 51:17).
Khoảnh khắc đó vẫn rất rõ ràng trong tâm trí tôi. Tại một hội nghị Cơ đốc, người bạn học Kinh Thánh cùng tôi đã chia sẻ trước cả nhóm rằng anh ấy sẵn sàng theo Chúa Jesus. Chúng tôi là cầu thủ bóng đá, chúng tôi không khóc, nhưng lần đó tôi đã thấy bạn tôi vỡ oà nước mắt. Điều này thật khó tin đối với tôi, anh ấy không chỉ nhận lời mời đến dự hội nghị, mà còn ăn năn tội lỗi và tin vào sự tha thứ của Đấng Christ. Tôi đã chứng kiến toàn bộ việc này xảy ra trong sự kinh ngạc.
Sau đó, tôi kể cho vị mục sư nghe về sự cải đạo tuyệt vời của bạn tôi. Mục sư là người đã lớn tuổi nói là ông đã chứng kiến rất nhiều người được cải đạo, không phải tất cả mọi người đều đứng vững đến cuối cùng. Lúc đó tôi đã không thật sự hiểu những điều ông nói.
Mục sư đã không có mặt ở đó? Bạn tôi đã nói là: “Tôi muốn theo Chúa Jêsus”, rất rõ ràng; anh ta đã cảm nhận lẽ thật một cách sâu sắc; anh ấy đã hát ngay mấy bài Thánh ca rất hay nữa, cả đám đông cũng hát theo. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng sự ăn năn không phải là lời ca thật nhất của anh dành cho Chúa. Những lời nói, những giọt nước mắt, những hạnh phúc mới chớm nở đã nhanh chóng dẫn đến ngã rẽ. Đối với anh chàng nầy thì mối quan hệ tội lỗi với một cô gái còn khó từ bỏ hơn là theo Chúa Jesus.
Kết quả của việc sống ăn năn cả đời
Nếu một người thực sự đã cải đạo, thì người đó sẽ sống ăn năn cả đời. Môi miệng của người chưa được tái sinh có thể nói những điều đúng đắn trong thời gian ngắn. Đôi mắt chưa được biến đổi có thể khóc. Lưỡi chết chóc vẫn có thể hát Thánh ca một cách chân thành. Rồi quay lưng lại với Chúa, ăn năn với Chúa, cho thấy rằng những điều ở trên chỉ là giả dối.
Đây là điều vị mục sư đã chứng kiến hết lần này đến lần khác. Ông nhìn thấy hạt giống rơi trên đất đá, là người khi nghe đạo thì liền “vui mừng” tiếp nhận, nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, nên cuối cùng cũng vấp ngã (Ma-thi-ơ 13:20-21). Mặc dù họ có vẻ đã kinh nghiệm được sự biến đổi của Đức Thánh Linh và mối thông công với những người đã tin Chúa, nhưng rốt cuộc họ “không thuộc về chúng ta. Vì nếu họ thuộc về chúng ta thì phải ở với chúng ta” (I Giăng 2:19). Còn nỗi đau khi chứng kiến họ vấp ngã khiến chúng ta không thể nào chịu đựng được.
Vậy, sự ăn năn thật là ăn năn cả đời. Martin Luther nói ngay trong phần mở đầu chín mươi lăm luận điểm của mình rằng: “Khi Chúa và Chủ của chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ phán rằng: “Hãy ăn năn”, thì Ngài muốn trọn cả cuộc đời của các tín hữu phải sống trong sự ăn năn”. Luther đang cho thấy những gì Kinh Thánh nói, cụ thể là khi Giăng Báp-tít dạy rằng: “Hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Ma-thi-ơ 3:8). Nếu sự cải đạo của chúng ta là thật, thì sự quặn thắt trong tấm lòng chúng ta về tội lỗi, những tiếng thở dài và rên rỉ về sự hư hoại còn sót lại, việc chúng ta quay lưng với tội lỗi và tìm kiếm Đấng Christ sẽ theo chúng ta cho đến khi qua đời.
Thánh đồ vẫn phạm tội
Bây giờ, đừng nhầm lẫn: Cơ đốc nhân vẫn phạm tội, đôi khi phạm tội rất đáng buồn thay. Nhưng họ không sống miệt mài trong tội lỗi. Đó là điều không thể xảy ra. “Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người ấy; người ấy không thể cứ phạm tội, vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra” (I Giăng 3:9). Ai có Đức Thánh Linh thì ăn năn và trừ bỏ tội lỗi, được nâng đỡ nhờ vào sự kỷ luật của Cha yêu thương.
Theo Kinh Thánh, thì sự ăn năn không phải là tìm bằng được mật khẩu để vào thiên đàng. Chúng ta không thể bắt đầu một mối quan hệ trái đạo đức, bị đối chất với tội lỗi của mình, mà vẫn tiếp tục mối quan hệ trái đạo đức đó. Chúng ta thừa nhận việc làm sai trật của mình ở trước mặt Đức Chúa Trời, nhận ra hành vi trái nghịch cùng Ngài, cầu nguyện quăng xa tội lỗi vào lửa, giống như Phao-lô đã vứt bỏ con rắn độc đang buộc chặt tay ông trên đảo Bát-mô (Công-vụ 28:3).
Chúng ta có đang tiếp tục sống ăn năn chăng? Chúng ta có đang hối hận và muốn từ bỏ tội lỗi không? Chúng ta có đang tự hỏi tại sao mình lại xúc phạm người Bạn thân nhất của mình, làm buồn Thánh Linh đang ngự trong lòng và sỉ nhục danh Cha ở trên trời không? Chúng ta có đang hỏi: Làm sao mình lại chiều theo tội lỗi mà Đấng Christ đã chịu chết thay để cứu chuộc chúng ta chăng?
Sự ăn năn giúp chúng ta gần Chúa
Nếu chúng ta đang sống trong sự ăn năn, đừng quên rằng Đức Chúa Trời không khinh dễ những tấm lòng đau thương thống hối bao giờ: “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi thiên 51:17). Ngài không đứng trên trời, khoanh tay, cau có. Sự ăn năn kéo chúng ta đến gần Ngài. Như người con trai hoang đàng, chúng ta không cần hứa là sẽ cố gắng sống tốt hơn; nhưng chúng ta có thể quỳ gối và hạ mình. Chúng ta cầu xin Ngài che đậy tội lỗi của chúng ta và thương xót chúng ta bằng sự thương xót tuôn tràn từ thập tự giá của Con yêu dấu Ngài, là Đấng đã chịu chết để gánh thế tội lỗi của chúng ta.
Điều bất biến trong lời ngợi khen của chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời là: đồng ý với Ngài về sự ghê gớm của tội lỗi, chúng ta đáng bị trừng phạt, nhưng Đấng Christ đã chịu chết để chúng ta được tha thứ và Chúa cũng đã ban Đức Thánh Linh của Ngài để trừ diệt tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thể hứa không phạm tội nữa, nhưng chỉ làm được lời hứa ấy nhờ vào sức lực, sự tha thứ và sự chấp nhận mà Chúa ban trong ân điển của Ngài.
Khi chứng kiến nhiều người vấp ngã sau khi phạm tội, những cảnh tượng đau buồn mà vị mục sư đã thấy, tôi nài xin hết thảy chúng ta: hãy tiếp tục dâng lên Chúa những lời ngợi khen chân thật nhất, sâu sắc nhất và ngọt ngào nhất. “Vậy, anh em hãy ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời để tội lỗi mình được xóa bôi, hầu cho các thời kỳ tươi mới mà Chúa ban cho sẽ đến” (Công-vụ 3:19–20).