Athanasius, là cha đẻ của giáo hội, đã được gọi là Athanasius contra mundum — “Athanasius đương đầu cả thế giới”.
Cái tên ấy ra từ cuộc chiến cả đời của Athanasius để giải thích và bênh vực thần tánh của Đấng Christ trong khi cả thế giới muốn chối bỏ tính chính thống nầy. Athanasius đã đứng vững như bàn thạch để đối đầu với sự bội đạo lan tràn, cho dù tia nắng bình minh của chiến thắng chỉ ló dạng vào lúc cuối đời của ông.
Dị giáo của Arius
Cuộc chiến được khơi màu vào năm 319. Một chấp sự ở Alexandria tên là Arius, sinh ra vào năm 256 ở Libya, đã gửi một lá thư cho Giám mục Alexander để luận rằng nếu Con Đức Chúa Trời thực sự là Con Trời, thì Ngài phải có sự khởi đầu. Vì thế mà Chúa phải có một thời điểm không tồn tại.
Athanasius,sinh ra vào năm 298 ở Ai-cập, mâu thuẫn xảy ra khi ông mới bước sang tuổi 20 — dù trẻ tuổi hơn Arius đến 40 năm (một bài học cho việc thế hệ trẻ có sự trung tín với Lời Chúa hơn thế hệ trước). Athanasius đang phục vụ Alexander làm giám mục ở thành Alexandria. Chẳng có gì đáng kể về tuổi trẻ của ông.
Vào năm 321, một hội nghị tôn giáo được tổ chức ở thành Alexandria, còn Arius bị phế truất khỏi vị trí của mình và quan điểm của ông bị coi là dị giáo. Athanasius được 23 tuổi đã viết thư phế truất thay cho Alexander. Đây là vai trò của ông trong vòng 52 năm sau đó — viết để tuyên bố về sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người. Sự phế truất của Arius đã mở ra một cuộc xung đột chính trị ở khắp đế quốc và giáo hội trong vòng 60 năm.
Eusebius ở thành Nicomedia (ngày nay gọi là thành phố Izmit ở Thổ Nhĩ Kỳ) đã tiếp nhận thần học của Arius và trở thành “người đứng đầu và tạo ra chiến dịch Arian” (Nicene và những tổ phụ Hậu-Nicene, Tập 4, xvi). Trong vòng 40 năm, phía đông của Đế quốc La-mã (được tính từ hướng đông của thành phố Istanbul ngày nay) đều theo Arian. Điều đó đã xảy ra cho dù Hội đồng Nicaea rất lớn đã nhất quyết về thần tánh trọn vẹn của Đấng Christ vào năm 325. Hàng trăm giám mục đã ký tên và rêu rao những điều về chủ nghĩa Arianism là phù hợp với lời dạy của Nicaea.
Điểm nóng của Đế quốc
Khi cố vấn của Athanasius là Alexander, vị giám mục của thành Alexandria, qua đời vào ngày 17 tháng 4 năm 328, đúng ba năm sau kỳ Hội đồng Nicacea, cái lò gạch của Ai-cập và nan đề của tính chính thống rơi vào tay của Athanasius. Ông được bổ nhiệm trở thành giám mục vào ngày 8 tháng 6 năm đó. Địa phận do giám mục cai quản lúc bấy giờ được xếp vào hàng thứ hai trong cả nước Cơ Đốc giáo sau thành Rô-ma. Người đó có quyền xét xử tất cả giám mục ở Ai-cập và Libya. Ở dưới quyền cai quản của Athanasius, tín lý theo Arian bị trừ diệt khỏi đất Ai-cập. Từ Ai-cập, Athanasius đã lan tỏa sức ảnh hưởng của ông ra khắp cả nước trong cuộc chiến bênh vực cho thần tánh của Đấng Christ.
Trong vòng hai năm sau khi được bổ nhiệm chức giám mục ở thành Alexandria, Athanasius đã trở thành điểm nóng của mọi cuộc tranh luận. Hầu hết các giám mục đã ký tên vào Tín điều Nicaea không thích gọi người khác là dị giáo, ngay cả khi họ không đồng ý với niềm tin căn bản về thần tánh của Đấng Christ. Họ muốn trừ khử Athanasius và lòng nhiệt thành của ông về vấn đề nầy. Thế là Athanasius bị buộc tội thâu thuế bất hợp pháp. Có những lời cáo buộc về tội lỗi của ông lúc còn trẻ trước khi được bổ nhiệm, nào là sử dụng yêu thuật, trợ cấp cho những kẻ phản nghịch, và nhiều điều khác nữa. Constantine cũng không thích sự cứng cỏi của Athanasius nên đã triệu hồi ông về thành Rô-ma vào năm 331 để đối chất trước những lời cáo buộc của các giám mục. Những bằng chứng đã không buộc tội được ông, nhưng sự bênh vực của ông dành cho tín điều Nicene về thần tánh của Đấng Christ ngày càng gia tăng trong giới thiểu số.
Cuối cùng, Athanasius bị định tội và phải bỏ trốn cùng với bốn giám mục khác đến thành Constantinople. Những kẻ buộc tội đã vứt bỏ cáo trạng lúc trước và tạo ra những bằng chứng giả nói rằng: Athanasius đã cố tình bỏ đói thủ phủ của Constantine bằng cách không cho các thuyền chở lúa mì nhập cảnh từ thành Alexandria. Điều đó làm cho Constantine rất tức giận, không cần bằng chứng để định tội, ông đã tuyên án Athanasius phải bị trục xuất khỏi Treveri (Trier gần Luxembourg ngày nay). Athanasius đã bị lưu đày vào ngày 8 tháng 2 năm 336.
Bảy năm vắng bóng
Constantine qua đời vào năm sau đó, đế quốc bị chia ra cho ba con trai của ông là Constantius (chiếm phía Đông), Constans (chiếm Italy và Illyricum), còn Constantine II (chiếm Gauls và châu Phi). Một trong những hành động đầu tiên của Constantine II là triệu hồi Athanasius quay trở về vị trí của mình ở thành Alexandria vào ngày 23 tháng 11 năm 337.
Hai năm sau đó, Eusebius là lãnh đạo của những kẻ theo tín lý của Arian đã thuyết phục Constantius trừ khử Athanasius. Ông đã tước quyền cai trị Giáo hội vào tay mình, rồi bổ nhiệm Gregory trở thành giám mục của thành Alexandria, thiết lập chính quyền thế tục của riêng mình để cai trị thành phố, dùng vũ lực đế lấy lại chỗ ở của giám mục và các Hội thánh. Athanasius bị ép buộc phải rời khỏi thành phố để giảm bớt tình trạng đổ máu.
Đây là lần lưu đày thứ hai của ông — cũng là giai đoạn xa cách bầy chiên lâu nhất. Ông rời khỏi đó vào ngày 16 tháng 4 năm 339 và không trở về cho đến ngày 21 tháng 10 năm 346. Hai người con trai khác của Constantine đã ủng hộ Athanasius và kêu gọi Hội đồng Sardica (bây giờ là thành phố Sophia ở Bulgaria), để minh oan cho ông vào tháng 8 năm 343. Nhưng phải mất đến 3 năm để các nhân tố chính trị đồng ý cho ông trở về. Cuối cùng, Athanasius đã trở về trong sự vui mừng sau 7 năm xa cách.
Ra khỏi miệng Quỷ dữ
Vào ngày 18 tháng 1 năm 350, Constans đã bị sát hại. Điều nầy đã giúp Constantius củng cố quyền lực của mình và tấn công Athanasius cũng như thần học vững chắc của Nicene. Người dân thành Alexandria đã đẩy lùi một đạo quân tấn công thành phố dưới sự chỉ huy của thư ký Diogenes theo lệnh vua vào năm 355, nhưng một năm sau đó Constantius đã sai Syrianus là người chỉ huy quân đội của ông đến thiết lập quyền cai trị của hoàng đế ở trên thành Alexandria.
Vào ngày 8 tháng 2 năm 356, quân lính xông vào nhà thờ lớn nhất của Alexandria trong khi Athanasius chuẩn bị lễ tiệc thánh vào sáng mai. Khi quân lính xông vào, Athanasius ngồi xuống và nói với chấp sự hướng dẫn hội chúng đọc Thi thiên 136. Mỗi lần hội chúng đọc đối đáp lại: “vì nhân từ Ngài còn đến đời đời”, thì quân lính tiến đến gần Athanasius, ông đã từ chối lời nài xin của các giám mục là hãy bỏ trốn cho đến khi mọi người được an toàn. Một nhóm các tu sĩ và các lãnh đạo khác đã bắt ép Athanasius và kéo ông ra khỏi tình cảnh rối loạn lúc đó. Ông phải xa cách hội chúng của mình trong vòng 6 năm sau đó.
Nhưng trong lúc tối tăm nhất của cuộc đời Athanasius và vì cớ sự chính thống, ánh bình minh đã ló dạng. Cuộc lưu đày thứ ba đã cho thấy kết quả tươi đẹp nhất. Ở dưới sự bảo vệ trung thành của một đội quân gồm các tu sĩ đã bỏ trốn, không ai tìm được ông, còn ông đã cho ra đời những tác phẩm quan trọng nhất của mình: Lịch sử tà giáo Arian, bốn bài Tiểu luận chống lại tà giáo Arian, bốn lá thư về giáo lý Gửi Serapion, và Về Hội đồng của Ariminum và Seleucia. Một trong những điều mỉa mai đó là dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời, sự chiến thắng tà giáo Arian lại xảy ra chủ yếu suốt quá trình sống và viết lách trong những lúc chạy trốn cái chết.
Athanasius đã quay trở lại thành Alexandria vào ngày 21 tháng 2 năm 362, lại là một sự mỉa mai nữa. Vị hoàng đế ngoại giáo mới lên ngôi là Julian đã làm trái lại tất cả những lệnh trục xuất của Constantius. Sự ưu ái nầy chỉ xảy ra vỏn vẹn trong tám tháng. Nhưng suốt giai đoạn ấy, Athanasius đã kêu gọi một hội nghị tôn giáo ở thành Alexandria và trình bày một sự thống nhất và hòa hợp cho hết thảy những gì ông đã nghiên cứu suốt sáu năm viết lách ròng rã. Điều nầy đã tác động lớn đến sự đồng lòng muốn tăng trưởng của Hội thánh về giáo lý chính thống của Nicene. Jerome nói hội nghị tôn giáo lần nầy “cứu cả thế giới ra khỏi miệng của Sa-tan”, còn Archibald Robertson gọi hội nghị ấy là “đỉnh cao sự nghiệp của Athanasius” (Nicene và những tổ phụ Hậu-Nicene, Tập 4, lviii).
Điểm chung tại kỳ hội nghị vào năm 362 đã cho phép mọi người theo đạo Chúa ở Đông phương cùng nhau chống lại tà giáo Arian dưới thời Hoàng đế Valens, là người đã cai trị từ năm 364 đến 378.
Kết thúc cuộc lưu đày
Nhưng vào tháng 10 năm 362, Athanasius lại bị cách chức khi hoàng đế Julian tức giận phát hiện ra Athanasius đã nghiêm túc với Cơ Đốc giáo đến nỗi tẩy chay các thần ngoại giáo. Ông lại dành 15 tháng tiếp theo ở cùng với các tu sĩ nơi hoang vu. Sau đó, ông được tự do quay trở về nhờ lời tiên tri của một vị tu sĩ nói rằng Julian đã ngã chết trong cuộc chiến với người Ba-tư. Điều đó xảy ra y như vậy, còn Athanasius được phục hồi trở về chức vụ của mình vào ngày 14 tháng 2 năm 364.
Một năm rưỡi sau đó, hoàng đế Valens đã truyền lệnh cho hết thảy giám mục bị trục xuất dưới thời Julian phải rời khỏi chức vụ một lần nữa theo sự điều động của chính quyền dân sự. Vào ngày 5 tháng 10 năm 365, Thái thú La-mã đã xông vào nhà thờ ở thành Alexandria và truy quét nơi ở của tu sĩ, nhưng Athanasius 67 tuổi đã được cảnh báo và trốn thoát một lần nữa — đây là lần lưu đày thứ năm của ông. Lần nầy ngắn hơn vì một cuộc nổi dậy rất dữ tợn được dẫn dắt bởi Procopius đã bị Valens dẹp yên, vì thế ông đã phán quyết rằng đây không phải là thời điểm tạo ra thêm sự bất mãn âm ĩ ở thành Alexandria yêu dấu của Athanasius. Athanasius được trở về vào ngày 1 tháng 2 năm 366.
Ông đã dành những năm tháng còn lại của đời mình để hoàn thành sự kêu gọi làm linh mục và quản lý các linh mục. Ông đã tiếp tục trao đổi thư từ, khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều cho sự dạy dỗ chính thống ở khắp đế quốc. Ông qua đời vào ngày 2 tháng 5 năm 373.
Hãy sống vui hơn kẻ thù của mình
Chúng ta học được gì về sự kêu gọi thiêng liêng đầy cam go qua cuộc đời của Athanasius?
Athanasius đã đối diện với những kẻ bắt nạt nguy hiểm trong giáo hội của mình. Ông đứng trước mặt các hoàng đế là những vị vua có thể lấy mạng ông dễ như việc sai ông đi lưu đày. Ông đã liều mạng sống của mình trước sự phẫn nộ của cha mẹ và các tu sĩ bằng cách đào tạo giới trẻ biết sống tận hiến cho Đấng Christ, bao gồm cả việc tuận đạo. Ông đã vui mừng trước kết quả của mục vụ khi nói rằng: “họ sống tiết độ khi còn trẻ, chống cự cám dỗ, kiên trì làm việc, kiên nhẫn khi bị sỉ nhục, không trả thù khi bị cướp: tuyệt vời hơn nữa là họ mặc kệ sự chết và trở thành những kẻ tuận đạo vì Đấng Christ” — người tuận đạo không phải là những kẻ chết vì bị giết, mà là những kẻ chết vì yêu martyrs not who kill as they die, but who love as they die (Nicene and Post-Nicene Fathers, Vol. 4, 65).
Athanasius contra mundun (đương đầu với cả thế giới) nên truyền cảm hứng cho đầy tớ Chúa đứng hiên ngang bằng sự nhu mì, khiêm nhường, dũng cảm mỗi khi lẽ thật Kinh Thánh bị đe dọa. Nhưng cũng phải chắc chắn rằng chúng ta là những người sống vui mừng hơn kẻ thù. Nếu có điều gì đáng để đấu tranh, thì đó là điều đáng để vui mừng. Niềm vui là điều cần thiết trong chiến trường, vì chẳng có gì đáng để đấu tranh nếu điều đó không mang lại niềm vui đời đời ở trong Đức Chúa Trời.
Dũng cảm trong xung đột phải hòa quyện với niềm vui ở trong Đức Chúa Trời. Đây chính là một trong những chiến lược đánh trận với kẻ thù của Athanasius:
Chúng ta hãy dũng cảm và vui mừng luôn luôn . . . Chúng ta hãy suy xét và nhớ trong lòng rằng Chúa ở cùng chúng ta, kẻ thù không làm hại chúng ta được . . . Nhưng nếu kẻ thù thấy chúng ta sống vui mừng ở trong Chúa, chờ đợi phước hạnh của tương lai, tập chú vào Chúa, biết chắc mọi thứ ở trong tay Ngài . . . — chúng sẽ bối rối và quay đầu. (Nicene và tổ phụ Hậu-Nicene, Tập 4, trang 207)
Athanasius chắc sẽ dạy chúng ta từ chính cuộc đời của ông và của những anh hùng mà ông yêu mến bài học nầy: ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình đang đương đầu với cả thế giới một mình, chúng ta hãy dũng cảm lên và cho thấy rằng chúng ta đang sống vui mừng hơn kẻ thù rất nhiều.