20 Th7, 2023

Những giai đoạn làm mẹ

Việc tập đọc định hình một đứa trẻ như thế nào
Những giai đoạn làm mẹ
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Một vài cột mốc trong đời sống của con cái gắn liền với chúng ta. Tôi không thể quên được lúc dạy các con tập đọc, đó là một niềm vui vẫn còn kéo dài ngay cả khi tôi đang giúp đứa con trai út của mình. 

Tôi còn nhớ lúc mình giúp trí não vẫn đang phát triển của các con làm quen với hoạt động tập viết rất là khó khăn! Kỹ năng này sẽ giúp chúng tự đọc lời Chúa. Điều gì sẽ tạo thêm động lực để tôi vừa làm mẹ vừa làm cô giáo của các con đây? Tuy nhiên, quá trình rèn luyện các con biết đọc đã sớm bắt đầu trước khi chúng được bốn, năm, sáu hoặc bảy tuổi. Giai đoạn này bắt đầu khi cha mẹ đọc sách cho con cái nghe. 

Cùng nhau tìm kiếm sở thích chung

Việc tập đọc không phải là hoạt động tự nhiên xảy ra với con cái của chúng ta đâu. Điều này xuất phát từ những người làm cha và làm mẹ. Điều này bắt đầu khi chúng ta đọc lớn tiếng. Chúng ta làm gia tăng sự ham thích của đứa trẻ bằng cách kể lại những quyển sách mà chúng hiểu và thích. Những quyển sách ấy không phải là sở thích của chúng ta khi ở một mình đâu, nhưng không vì thế mà chúng ta không thể đọc các sách ấy cùng các con. 

Đây là một ích lợi của việc làm mẹ, đó là tìm thấy niềm vui trong những điều con cái thấy vui thích. Chúng ta lại được trải qua từng giai đoạn của thời thơ ấu, nghĩa là chúng ta lại được kinh nghiệm từng giai đoạn của thời kỳ tập đọc. Có khi nào việc này là nghĩa vụ nhiều hơn là niềm vui không? Dĩ nhiên rồi! Nhưng không phải là thường xuyên nếu chúng ta đã cẩn trọng từ bỏ cái kiểu tội nhân không thích làm con trẻ để được vào thiên quốc của Đức Chúa Trời. 

Tôi đã thuộc lòng nhiều sách sau chừng ấy năm (thậm chí cả những quyển rất dài!) đơn giản chỉ vì các con của tôi muốn nghe đi nghe lại, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm nọ. Kiểu lặp lại này rất tốt cho chúng lẫn chúng ta. Chúng ta thường nhận được ích lợi nhiều hơn từ việc biết rõ một quyển sách từ trong ra ngoài hơn là biết sơ qua mười quyển sách nào đó, vì vậy hãy hoan nghênh sở thích lặp đi lặp lại của con mình.

Những độc giả có kỷ luật

Từ các quyển sách đầu tiên mà chúng ta đã đọc cho con cái, hãy nhớ rằng chúng ta đang trau dồi sở thích – sở thích về vần điệu, nhịp điệu và nhạc điệu; sở thích về tác phẩm nghệ thuật, màu sắc và tranh ảnh minh họa; sở thích về chủ đề, cốt truyện và đạo đức. 

Sách vở vốn không có đạo đức. Sách vở có thể mang nội dung tốt hoặc xấu. Nhịp điệu sẽ không còn. Chủ đề sẽ vô vị, còn tranh minh họa sẽ hoa mỹ. Đối với người làm mẹ, chúng ta có thể giúp loại bỏ những điều xấu và cung cấp những điều tốt. Thật không hay nếu gửi bé trai hoặc bé gái đến đọc sách trong khu vực dành cho trẻ em tại một thư viện công cộng nào đó hoặc hiệu sách mà không có sự dìu dắt của chúng ta. 

Sách vở có thể dạy dỗ và hướng đạo đủ loại ý thức hệ tội lỗi, nhưng may mắn thay đó là lý do vì sao con cái có một người mẹ – hầu cho người làm mẹ giúp con cái mình biết phân biệt sách giải trí, sách độc hại và sách lành mạnh. Đối với Cơ Đốc nhân, chúng ta hoàn toàn có thể tránh xa thư viện công cộng nếu không thấy hữu ích. Đây từng là cách tiếp cận của tôi. Thay vì thế, chúng ta mở ra một thư viện gia đình cho riêng mình – một quyết định mà tôi chưa bao giờ hối tiếc.

Điều thiện, điều đúng, điều tốt đẹp

Một trong những trò tiêu khiển mà chúng tôi rất thích làm đó là lắng nghe đọc sách cùng với nhau khi ngồi trong xe hơi – có thể là một quyển sách dài nhiều tập trong chuyến đi xa, hoặc là những quyển sách ngắn khi có những hoạt động hàng tuần. Chúng tôi đã quyết định không cho các con xem màn hình trong xe hơi, mà cho phép chúng nghe sách nói và nghe nhạc, rồi trò chuyện với nhau. 

Một ngày nọ, chúng tôi đi một chuyến mất đến 15 giờ đồng hồ leo núi từ Montana về tới Minnesota chỉ trong một ngày, chúng tôi đã lắng nghe Biên niên sử Narnia. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe hết một bộ sách cùng với nhau, cả năm đứa con của chúng tôi từ tuổi sơ sinh cho đến tiểu học. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà rất muộn, nhưng vẫn còn khoảng mười lăm phút nữa mới kết thúc câu chuyện trong quyển Trận chiến cuối cùng. Vì vậy, theo yêu cầu của mấy đứa lớn, chúng tôi đỗ xe trong ga-ra và ngồi thêm mười lăm phút nữa để nghe đọc hết truyện Narnia, trong khi nước mắt chảy dài xuống trên gương mặt của tôi trước sự kỳ diệu của khung cảnh ấy.

Nhưng tại sao chúng tôi lại khuyến khích con cái của mình đọc sách? Tôi nhận thấy có một niềm tự hào kỳ lạ mà những người làm mẹ như chúng ta cảm nhận về con cái của mình khi chúng là “độc giả”, cứ như một đứa trẻ vùi đầu vào mấy trang sách chắc hẳn là một đứa trẻ rất ngoan, hoặc ít nhất là một đứa rất thông minh. Nhưng mấy người làm mẹ như chúng ta cần phải hiểu biết rõ hơn thế nữa. Tập đọc là một phương tiện, không phải là mục đích tối hậu. Đó là phương tiện để trau dồi phẩm chất Cơ Đốc – tức là điều thiện, điều đúng, điều tốt đẹp – và để mài giũa hoặc thách thức cách tư duy, hình thành nên lòng can đảm và góp nhặt góc nhìn sâu sắc. Nếu việc tập đọc được yêu thích chỉ vì hoạt động này tốt hơn xem TV hoặc iPad, thì có lẽ chúng ta nên đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn.

Giống như chúng ta muốn phải trở thành những độc giả sáng suốt như thế nào thì hãy giúp con cái của mình cũng trở thành những độc giả sáng suốt thể ấy, chúng ta cũng phải là những người mẹ sáng suốt – nhìn thấu thói quen đọc sách của các con có đang trau dồi phẩm chất nào không hay chỉ là đàn áp chúng. Khi con cái của chúng tôi bắt đầu thích đọc sách vở, tôi thường xuyên mang về rất nhiều sách (tốt!), rồi nhắc các con nhớ rằng chúng cũng có một câu chuyện thực tế của riêng mình. Hãy đi ra ngoài, giải quyết vấn đề, nói chuyện với mọi người, làm việc nhà, kể chuyện cười, sáng tác nhạc. Tôi có muốn con cái trở thành “độc giả” không? Có chứ, vì đọc sách nuôi dưỡng phẩm chất, chứ không phải là một kiểu hướng nội sai lạc.

Chờ đợi giải pháp

Khi Eliza, con gái lớn của chúng tôi được mười tuổi, cháu ngồi ghế sau trong chiếc xe tải nhỏ của chúng tôi để đọc cho xong một quyển sách. Seth là đứa em trai tuy chưa đọc phần đầu nhưng cũng đang đọc chương cuối cùng với chị. Thằng bé đưa ra nhận xét rằng: “Có vẻ như kết thúc sẽ có hậu.” Con bé trả lời rằng: “Chị không thích kết thúc có hậu. Vì như thế có nghĩa là quyển sách cũng kết thúc luôn”. Sau đó, con bé đưa ra nhận định rằng: “Nhưng khi mọi thứ đáng sợ hoặc bi thảm ở đoạn cuối, thì chúng ta biết rằng sẽ có một chương hoặc quyển sách tiếp theo sắp ra mắt”. 

Chúng ta có bao giờ cảm thấy hụt hẫng khi một quyển sách mà mình rất thích phải kết thúc chăng? J.R.R. Tolkien nói rằng những câu chuyện hay nhất (mà ông gọi là truyện cổ tích) không có hồi kết. Những mấy truyện ấy đều có giải pháp, chính là điều mà Tolkien mô tả trong một bức thư của mình:

Tôi đã tạo ra từ giải pháp: là bước ngoặt tài tình của một câu chuyện cảm động tấm lòng của chúng ta đến nỗi mang lại cảm giác vui sướng đến chảy nước mắt (tôi cho rằng đó là chức năng cao nhất mà truyện cổ tích sẽ mang lại cho chúng ta). Vì thế, tôi hướng đến quan điểm cho rằng giải pháp tạo ra hiệu ứng đặc biệt, vì nó là một góc nhìn thoáng qua về Chân lý, toàn bộ bản chất con người của chúng ta bị buộc vào cái xiềng của nguyên nhân và kết quả trong thế giới vật chất, tức là bị buộc vào cái chết, liền cảm thấy nhẹ nhõm cách đột ngột giống như một bộ phận quan trọng nào đó đã bị tháo rời bất ngờ được gắn vào trở lại vậy. Đây là cách mọi thứ được vận hành ở trong Thế giới Vĩ đại mà bản chất con người của chúng ta được tạo thành. Tôi kết luận rằng Phục sinh là giải pháp vĩ đại nhất có thể xảy ra. (Những bức thư của J.R.R. Tolkien, trang 100)

Có lẽ phẩm chất lớn nhất mà chúng ta muốn truyền thụ cho con cái thông qua việc tập đọc là nhận biết về giải pháp và học cách mong đợi điều đó – một điều không thể thiếu trong đức tin và câu chuyện Cơ Đốc. Hiện thực này là lý do vì sao chúng ta muốn con cái làm quen với những câu chuyện, nhạc điệu, cốt truyện, nhịp điệu và chủ đề của Kinh Thánh thông qua việc tập đọc mỗi ngày. 

Những câu chuyện hay nhất

Giải pháp vĩ đại đã xảy ra –  Đức Chúa Con đã chịu đóng đinh và bị chôn, sau đó Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba. Nhưng còn nhiều giải pháp khác nữa sẽ xảy ra cho những ai ở trong Đấng Christ. 

Đó là lý do vì sao quyển sách hay nhất mà chúng ta muốn khuyến khích con cái đọc là Kinh Thánh. Chính Đức Chúa Trời đã đem dân sự của Ngài vượt qua Biển Đỏ khi họ bị đàn áp bởi đạo quân của Pha-ra-ôn, chính Đức Chúa Trời đã khiến tường thành Giê-ri-cô sụp đổ bằng tiếng kèn và tiếng la lớn, chính Đức Chúa Trời đã dùng một cậu bé chăn chiên để hạ gục Gô-li-át, chính Đức Chúa Trời đã giữ gìn Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô trong ngọn lửa hừng, chính Đức Chúa Trời đã dùng một người nữ trẻ tuổi xinh đẹp là Hoàng hậu Ê-xơ-tê để giải cứu dân sự của Ngài – Chúa biết phải cứu rỗi những người tin kính khi mọi thứ dường như vô vọng như thế nào. Chúa vốn biết cách viết ra những câu chuyện hay nhất. Chúng ta muốn con cái của mình đọc biết Ngài, tin cậy Ngài và vui hưởng Ngài mãi mãi.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .