7 Th11, 2021

Người vợ khác thường trong cơn phấn hưng

Niềm vui khó nhọc của Sarah Edwards (1710–1758)
Người vợ khác thường trong cơn phấn hưng
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

“Thánh Linh của Đức Chúa Trời bắt đầu hành động một cách lạ lùng. Cơn phấn hưng lớn dần lên, nhiều linh hồn tìm đến với Đấng Christ như cơn lũ” (Các tác phẩm, 1:348). Đó là cách Jonathan Edwards (1703–1758) mô tả tiến triển ngoạn mục của Phúc âm ở Northampton vào năm 1734, một sự kiện xảy ra tại địa phương mà sau nầy ai cũng biết là thời kỳ Đại tỉnh thức Đầu tiên.

Nhiều người quá đỗi vui mừng trước công tác đầy vinh hiển của Đức Chúa Trời. Những người khác lại sợ rằng sự cuồng tín sẽ leo thang. Sau đó, Edwards phải xuất hiện để phân tích điều gì là đúng và sai trong sự phấn hưng, chính kinh nghiệm của vợ ông, là Sarah, đã trở thành trường hợp đáng chú ý về công tác của Thánh Linh.

Mặc dù, quãng đời lúc đầu của Sarah rất yên bình, đời sống nội tâm của bà cũng có khi gặp bão tố. Tuy nhiên, bà đã trải qua nhiều biến cố sau nầy đến nỗi trở nên khá trầm lặng. Bước ngoặt quan trọng nhất xảy ra vào năm 1742, khi bà nhận được mặc khải tươi mới về “bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của tình yêu thương trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 3:18).

Khao khát Chúa

Từ lúc còn nhỏ, Sarah rất thích sự đẹp đẽ và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Lúc 13 tuổi, Jonathan (20 tuổi) đã viết tặng một lời khen rất thú vị dành cho tính cách đáng yêu và sùng đạo của bà. Lúc 16 tuổi, Sarah ý thức được tội lỗi của mình rất mạnh mẽ, bà đã tin cậy Chúa thương xót mình. Bà quý trọng một điều, đó là “ở gần với Đấng Christ là niềm vui lớn nhất của một tạo vật”, bà còn nói rằng: “Linh hồn tôi khao khát Chúa, đến nỗi sự chết chẳng có nghĩa gì cả, hầu cho tôi được ở với Ngài; vì Chúa thật đẹp đẽ thay” (Được trích từ quyển sách của Haykin, “Ở gần với Đấng Christ là niềm vui lớn nhất của một tạo vật“.

Lúc 17 tuổi, bà kết hôn với Jonathan vào năm 1727 rồi chuyển đến sống tại Northampton. Jonathan làm phụ tá cho ông của mình là Solomon Stoddard (từ năm 1643 đến năm 1729), ông đã phục vụ Hội thánh từ năm 1669. Khi Stoddard qua đời đúng hai năm sau đó, Jonathan đã kế nhiệm vai trò chăn bầy của ông mình.

Sarah và Jonathan đón một bé gái chào đời vào năm 1728, là đứa đầu tiên trong tổng số mười một đứa con. Khách khứa tới nhà đều làm chứng về sự ấm áp và yêu thương từ đời sống trong gia đình. Trong lúc ấy, Sarah tiếp tục nhận biết rằng Đức Chúa Trời đang mỉm cười trên hoàn cảnh của mình. Vào năm 1735, bà đã sanh thêm bốn đứa nữa (thật vô cùng nguy hiểm), nhưng bà viết như sau:

Trong thời khắc đau đớn nhất, tôi thường nói là: "Trên trời cao kia tôi có ai trừ ra Chúa? Dưới đất nầy tôi có ai ngoài Ngài. Linh hồn tôi khao khát Chúa, là Đức Chúa Trời hằng sống" ("Gần với Đấng Christ").

Đến lúc 31 tuổi, cuộc sống của Sarah diễn ra thật trôi chảy. Bà kinh nghiệm được nhiều cung bậc cảm xúc và sự trầm cảm, một phần nào đó cũng là do những lần đau đớn khi sinh son. Bà lệ thuộc nhiều vào sự công nhận của chồng. Có lúc bà đã bênh vực danh tiếng của chồng quá mức, rồi sợ mọi người trong thị trấn nghĩ xấu. Có khi bà mắc chứng lo lắng không yên. Dầu vậy, bà vẫn tiếp tục biết Chúa và vui mừng ở trong Ngài. Cũng giống như trước giả Thi thiên, bà muốn được thông công mật thiết hơn với Đức Chúa Trời (Thi thiên 27:4), và mong được trở nên thánh khiết hơn nữa (Thi thiên 139:23-24).

Vui mừng trong Chúa

Jonathan đã bắt đầu chức vụ của mình vào lúc hầu hết mọi người ở Northampton đều đi nhà thờ, nhưng rất nhiều người chỉ là Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa mà thôi. Đa số thanh thiếu niên đều chưa tin Chúa, có lối sống đạo đức kém.

Tuy nhiên, sự qua đời đột ngột của một chàng trai trẻ vào năm 1734 đã làm rúng động cả cộng đồng. Tại tang lễ, Jonathan đã giảng luận từ Thi thiên 90:5-6, ông thách thức tất cả hãy sẵn sàng đối diện với cái chết và sự đoán xét. Các nhóm nhỏ cầu nguyện được hình thành. Vào đầu năm 1735, nhiều người bị cáo trách bởi tội lỗi, họ đã ăn năn và tìm được sự tha thứ. Jonathan đã thuật lại là trung bình có khoảng ba mươi cuộc trò chuyện trong một tuần với chu kỳ từ năm đến sáu tuần liên tiếp (Jonathan Edwards: Một tiểu sử mới, trang 117). Sáu tháng sau, ba trăm người được cải đạo.

Trong suốt năm tiếp theo, cơn phấn hưng tiếp tục diễn ra tại Northampton và nhiều cộng đồng khác ở New England, cũng như ở Anh và xa hơn nữa. Khi George Whitefield (1714–1770) đến thăm New England vào năm 1740, ông đã giảng cho đám đông hàng ngàn người. Vào những thời điểm phấn hưng như thế, Đức Chúa Trời hiện diện một cách rất đặc biệt: nhiều người chưa tin Chúa bị cáo trách và được cải đạo, còn người nào đã tin Chúa được thức tỉnh thuộc linh một cách sâu sắc hơn.

Thiên đàng trên đất

Trong khi Jonathan đang chia sẻ ở xa nhà vào đầu năm 1742, có một cơn phấn hưng nữa xảy ra ở Northampton. Vào giữa ngày 19 tháng 1 và ngày 11 tháng 2, Sarah bị choáng ngộp trước tình yêu thương của Đức Chúa Trời đến nỗi vài người thắc mắc không biết bà có sống nỗi trước khi chồng quay trở lại chăng. Bà đã sống sót và thậm chí còn thuật lại cho ông nghe chính xác những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó nữa.

Vào lúc ấy, Sarah cảm biết được tội lỗi sâu kín ở trong lòng mình, nhưng lại rất đỗi vui mừng vì sự cứu rỗi. Bà vui mừng trước sự vùa giúp của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Những lẽ thật mà bà đã vui nhận nhiều năm nay đang khiến bà cảm thấy vui sướng đến vô cùng. Niềm vui của bà ở trong Đức Chúa Trời lớn đến nỗi giống như bà đang ở trong sự vui sướng của thiên đàng.

Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm biết được sự dễ chịu, sự yên nghỉ và sự ngọt ngào của thiên đàng ở trong tâm hồn mình . . . Tôi liên tục cảm biết được sự ngọt ngào từ thiên thượng qua tình yêu thương của Đấng Christ, sự hiện diện rất gần gũi của Ngài, và tình yêu của tôi dành cho Chúa rất rõ ràng và sống động (Các tác phẩm, 1:lxv)

‘Ý Cha được nên’

Bên cạnh cảm nhận cá nhân về tình yêu của Đức Chúa Trời, bà cũng có tình yêu và lòng thương xót rất mãnh liệt dành cho người khác nữa. Bà không còn sợ suy nghĩ của mọi người trong thị trấn hay sự không chấp thuận của chồng nữa. Bà cũng không màng đến việc chồng của bà hay nhà truyền đạo nào đó sẽ có mục vụ ảnh hưởng nhiều hơn ra sao.

“Sự ưu tiên là Đức Chúa Trời phải được vinh hiển. Nếu điều nầy bao gồm cả việc phải chịu khổ, thì phải như vậy thôi. Sự vinh hiển của Ngài là tất cả trong mọi sự”.

Bà đã tưởng tượng đến tình huống tệ nhất có thể xảy ra. Chuyện gì nếu mọi người trong thị trấn quay lưng lại với bà và kéo bà ra nơi lạnh cóng của mùa đông? Hoặc là nếu bà phải chết vì cớ Đấng Christ? (Còn nếu sống mỗi ngày không lằm bằm, đối diện với những nguy hiểm và tổn thương về mặt tinh thần vì tình trạng sinh đẻ không ngừng thì sao?) Đức Chúa Trời yêu bà, nên Sarah có thể tin cậy Ngài. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bà vẫn đáp rằng: “Xin ý Cha được nên” và “Lạy Chúa Jêsus, A-men!”

Sự ưu tiên là Đức Chúa Trời được vinh hiển. Nếu điều nầy bao gồm cả việc phải chịu khổ, thì phải như vậy thôi. Sự vinh hiển của Ngài là tất cả trong mọi sự.

Nhờ cậy Đức Chúa Trời

Đối với việc Sarah “phó thác hết cho Đức Chúa Trời” sớm muộn đã bị thử nghiệm khi bà đối diện với hàng loạt cơn khủng hoảng: chiến tranh, nghèo đói, khước từ và nhiều lần tử biệt.

Khi Anh và Pháp tuyên bố chiến tranh vào năm 1744, dân làng tại Northampton trở thành mục tiêu bị tấn công. (Người Ca-na-đa nói tiếng Pháp đã thuê đồng minh là người Anh-Điêng Bắc Mỹ sát hại người Anh). Cả thị trấn thường bị báo động liên tục. Vài người bị giết. Jonathan và Sarah vẫn giữ bình tĩnh, ở lại để hầu việc. Tuy nhiên, chiến tranh cũng làm cho nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giáo dân không có thức ăn, còn Edwards cũng không được trả lương thường xuyên nữa. Sarah phải trình các dự trù tài chính thật chi tiết của gia đình cho Hội thánh và tham gia vào từng lĩnh vực kinh tế mà mình có thể hiểu được.

Kết thúc nhục nhã

Trong khi đó, vào năm 1744, Jonathan đã nhất quyết về việc Lễ tiệc thánh chỉ dành cho người tin Chúa — một quan điểm đã gây ra sự ồn ào. Người nào đã làm báp-tem lúc còn sơ sinh cũng mong là sẽ được dự Lễ tiệc thánh, cho dù họ đã công khai niềm tin hay chưa. Đồng thời, có một trường hợp mâu thuẫn về sự kỷ luật trong Hội thánh đã tạo ra thêm sự xích mích. Những xung đột nội bộ trong Hội thánh, bao gồm cả những họ hàng của Jonathan, đã biến thành sự chống đối nghịch lại mục sư của họ. Cuối cùng, Hội thánh đã sa thải Jonathan vào tháng 6 năm 1750, ông phải lìa xa gia đình mà không nhận được sự hỗ trợ tài chính nữa. Nhưng Jonathan và Sarah không giữ lòng cay đắng trong mình, họ không tiếp nhận bất kỳ quan điểm nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Sau nầy, một người họ hàng đã thừa nhận rằng ông đã vu khống nhiều thông tin sai trật về họ, nhưng họ lại không đòi phải được minh oan cách công khai.

Vào năm 1751, Jonathan đã đồng ý làm mục sư cho một trụ sở truyền giáo biệt lập tại Stockbridge. Cả nhà đã tái định cư ở gần biên giới, là nơi có điều kiện sống khắc nghiệt hơn so với Northampton. Khu định cư có khoảng mười hai gia đình người Anh, còn có hai nhóm người bản địa Anh-Điêng Bắc Mỹ khác nữa. Tuy nhiên, những căng thẳng đã leo thang khiến mọi người phải sống trong sợ hãi vì cuộc chiến kéo dài giữa Anh và Pháp, cũng có người Anh-Điêng nữa. Mỗi ngày, tin tức đều có những hành động tàn bạo rất kinh khủng. Sarah phải đem thức ăn cứu trợ đến cho rất nhiều người tị nạn đang rời bỏ khu nội địa, cũng như cho các binh sĩ đi cùng họ. Bạn bè và gia đình đã nài xin gia đình Edwards nên rời khỏi nơi đó, nhưng Jonathan và Sarah cảm biết rằng họ được an toàn hơn khi đi trên con đường được kêu gọi, chứ không muốn đi chệch khỏi con đường đó.

Gia đình Edwards có một khải tượng lớn dành cho người Anh-Điêng Bắc Mỹ, thậm chí họ còn sai đứa con trai mới 9 tuổi đến một nơi hẻo lánh cùng với một người giáo sĩ để học tiếng bản địa của người Anh-Điêng khác. Jonathan đã nói trong một lá thư rằng: “Người Anh-Điêng dường như rất là niềm nở với gia đình của tôi, đặc biệt là vợ tôi” (Jonathan Edwards: Một đời, trang 391).

Tử biệt đến tử biệt

Tuy nhiên, điều tệ hại nhất đó là gia đình Edwards đã trải qua nhiều lần tử biệt kể từ năm những năm 1740 trở đi. Jerusha Edwards, là đứa con gái lớn thứ hai của Jonathan và Sarah đã qua đời vào năm 1748 khi mới chỉ được 17 tuổi. Jerusha đã tình nguyện chăm lo cho một giáo sĩ đến viếng thăm, là David Brainerd, người nầy đã qua đời vì bị lao phổi, nhưng nàng cũng mắc phải căng bệnh nầy. Chính vì lối sống tin kính ngoại lệ, nên Jerusha được coi là “bông hoa của gia đình”. Nhưng cha mẹ của nàng đã thuận phục dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời, biết chắc rằng con gái của mình đang ở cùng Chúa của nàng.

Vào năm 1752, Esther được 20 tuổi đã kết hôn với Aaron Burr, là chủ tịch 36 tuổi của trường Cao đẳng New Jersey ở Princeton. Họ có liền hai đứa con — đứa nhỏ là Aaron Jr. đã có thể giết chết Alexander Hamilton trong cuộc đọ súng tay đôi vào năm 1804, khi người nầy còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ — nhưng Aaron Sr. but Aaron Sr. đã qua đời lúc 41 tuổi vào năm 1757. Sau đó, Jonathan được mời giữ chức Chủ tịch của trường Cao đẳng New Jersey. Ông đã chuyển xuống Princeton trước khi gia đình chuyển tới ở.

Không bao lâu sau khi nhậm chức, vào tháng 3 năm 1758, Jonathan đã qua đời sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa. Lúc hấp hối, ông đã gửi lời đến Sarah, ông cảm tạ Đức Chúa Trời vì “cuộc hội ngộ bất thường” mà họ đã có với nhau, và hy vọng sẽ đương tương phùng ở trong Đấng Christ nơi cõi đời đời. Khi Sarah nhận được hung tin về cái chết bất ngờ của ông, bà đã phản ứng bằng đức tin mạnh mẽ như sau:

Chúa đã cho phép điều đó: Chúa đã khiến tôi ưa thích sự tốt lành của Ngài qua việc cho phép chúng tôi được sống với chàng cho đến bây giờ. Nhưng Đức Chúa Trời tôi là Đấng sống và Ngài đang ở trong lòng tôi. (Các tác phẩm, trang 1:clxxix)

Chẳng bao lâu sau, bà nhận thêm nhiều hung tin khác. Esther qua đời vài ngày sau cha của nàng. Sarah liền bỏ lại mấy đứa con và lên đường đến Princeton để nhận nuôi hai đứa cháu mồ côi của mình. Trên đường về nhà, chính bà cảm thấy mắc bệnh nặng và qua đời vào ngày 2 tháng 10 năm 1758, được 48 tuổi.

Trong suốt các sự kiện đau buồn, đến những thời khắc sau cùng mà Sarah vẫn còn nói được rằng:

Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta. (Rô-ma 8:38-39)

Khát khao vinh hiển của Đức Chúa Trời trong khắp đất

Từ lúc còn rất trẻ, Sarah Edwards đã vui thỏa trong Đức Chúa Trời. Chính niềm vui ấy đã được gia thêm trong suốt thời kỳ phấn hưng, nó tồn tại qua sự chịu khổ, còn bà qua đời biết rằng cái chết chính là lối vào để được vui thỏa trong Ngài. Sự vui sướng ở trong Đức Chúa Trời đã giúp bà có một đam mê, đó là: Đức Chúa Trời phải được tôn vinh hiển. Bà biết rằng Đức Chúa Trời đáng được mọi người ở khắp đất ca tụng (Thi thiên 148), còn bà không thể chịu nổi cái suy nghĩ Ngài không nhận được điều xứng đáng ấy:

Tôi thấy mình đang có niềm vui ở trong Đức Chúa Trời, mà tôi rất mong cả thế giới sẽ cùng tôi ngợi khen Ngài. Tôi đã tự nhủ rằng làm sao thế gian có thể nằm và ngủ yên được, trong khi có một Đức Chúa Trời đáng ngợi khen biết bao! (Các tác phẩm, trang 1:lxvii)

Sarah mong cơn phấn hưng xảy ra, không chỉ cho cá nhân, cho gia đình, hoặc là cho Northampton, mà còn cho khắp đất nữa. Những hoài bão và lời cầu nguyện của gia đình Edwards không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, gia đình, hoặc là những bận tâm trong giáo khu — chúng còn vì sự đắc thắng của Đấng Christ nữa. Vậy nên, Jonathan đã thúc giục hết thảy người tin Chúa hiệp một cầu thay cho công tác truyền giáo và phấn hưng toàn cầu.

“Sarah mong cơn phấn hưng xảy ra, không chỉ cho đời sống cá nhân, cho gia đình, hoặc là cho Northampton, mà còn cho khắp đất nữa”.

Khi chúng ta yêu Chúa nhiều hơn và vui thỏa trong tình thương của Ngài, thì chúng ta cũng mong Ngài được mọi người tôn quý và sự vinh hiển của Ngài đầy dẫy khắp đất. Chúng ta hãy cầu thay và hành động hướng tới sự phấn hưng — cho cá nhân, cho gia đình, cho Hội thánh, cho đất nước, và cho cả thế giới:

“Đáng ngợi khen danh vinh hiển Ngài đến đời đời! Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh hiển của Ngài! A-men! A-men!” (Thi thiên 72:19)

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .