10 Th8, 2023

Người mẹ nào cũng dạy thần học

Những cách thực tiễn để mật thiết với Đức Chúa Trời hơn
Người mẹ nào cũng dạy thần học
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

“Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện riêng, môn đồ nhóm lại xung quanh Ngài” (Lu-ca 9:18). Ban đầu, câu này có vẻ khó hiểu. Chúa Jêsus đang cầu nguyện riêng. Nhưng các môn đồ nhóm lại xung quanh Ngài. Vậy thì Chúa đang ở một mình? Hay là Ngài không ở một mình? Tôi không thể nào nhịn cười nổi.

Chỉ cần thay đổi đại từ là cả câu trở thành một tình huống quen thuộc đối với những người có con nhỏ. “Một ngày kia, cô ấy đang cầu nguyện riêng, môn đồ nhóm lại xung quanh nàng“. Chúng vỗ vai, níu tay, đòi ăn, hoặc có khi nàng đang cho con bú ngay lúc đó. Vậy, cô ấy ở một mình phải không? Hay là nàng không ở một mình?

Giống như Chúa Jêsus, những người làm mẹ hiếm khi không có các môn đồ ở bên cạnh mình. Dù vậy, họ không thể nói như cách Chúa Jêsus đã phán rằng: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9), những người làm mẹ vẫn không ngừng dạy con cái của mình về Cha trên trời, cho dù chúng có nhận ra hay không.

Các môn đồ với những môn đồ nhí

Khi quần áo dơ bẩn chất đống, tủ lạnh sắp hết thực phẩm, giường nệm chưa được dọn dẹp và không biết Kinh Thánh để ở đâu, những người làm mẹ có thể thấy mình là học viên kém cỏi nhất của lớp thần học, chứ chưa nói đến việc làm giáo viên. Nhưng sự thật là những người mẹ Cơ Đốc giữ cả hai vai trò.

Từ lúc thức dậy vào buổi sáng đến khi đi ngủ, một người mẹ Cơ Đốc sống dựa vào một ý tưởng về tôi là aitôi sống để làm gì. Nàng là một môn đồ của Chúa Jêsus và thuộc về Đức Chúa Trời. Cách nàng làm mọi việc – trò chuyện, phản ứng, yên ủi, kỷ luật, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi – đều đang dạy con cái biết về Cha trên trời. Cả ngày (có khi cả đêm), các môn đồ đều ở cùng với nàng.

Những người làm mẹ không chỉ  các môn đồ. Mà còn là những môn đồ. Một phần công tác môn đồ hóa là học cách chia sẻ thật tốt về Đức Chúa Trời trong hết thảy lời nói và việc làm. Người vô tín và nhà thông thái đều nói về Đức Chúa Trời. Các mục sư và nhiều phụ huynh cũng làm vậy. Có điều những người mẹ không nhận ra thần học không phải là một lựa chọn tùy tiện. Một điều không thể nào né tránh được. Chúng ta đã có thần học rồi. Do đó, câu hỏi đặt ra là thần học của chúng ta có lành mạnh hay không thôi.

Thần học lành mạnh là gì? Thần học lành mạnh nhận biết và chia sẻ chân lý về Đức Chúa Trời – Chúa là ai và Ngài đang làm gì trong thế gian này qua Đức Chúa Jêsus Christ. Trong quyển Biết Đức Chúa Trời, của J. I. Packer nói rằng thần học tốt giúp chúng ta biết Đức Chúa Trời, chứ không chỉ biết về Ngài. Thần học lành mạnh dẫn đến việc hát thánh ca – sự thờ phượng thật vui sướng này là kết quả tự nhiên từ đời sống mỗi ngày của chúng ta.

Thần học lành mạnh định hướng đời sống của chúng ta mỗi ngày. Điều này không hề xa lạ hay ngoài tầm với.

Nếu cảm thấy đây là một nhiệm vụ đáng sợ, thì chúng ta đang có những đồng đội rất tốt. Sau khi nói rất nhiều về Đức Chúa Trời, Gióp kết thúc bằng cách đặt tay lên che miệng mà nói rằng: “con đâu dám nói gì hơn nữa” (Gióp 39:37-38). Trong quyển Thú nhận của mình, Augustine nói rằng: “Sau khi nói ra hết tất cả, chúng ta còn nói gì nữa đây, lạy Đức Chúa Trời, sự sống của con, sự thỏa mãn của con? Người khác thường nói về chúng ta như thế nào?” (1.4.4). Tư thế của tất cả thần học lành mạnh là sự khiêm nhường, bởi vì nói bất kỳ điều gì về Đức Chúa Trời đều là nguy hiểm. Có thể mắc tội phạm thượng. Vậy thì làm sao một người mẹ dựa vào đâu để nói về Đức Chúa Trời cách đúng đắn đây?

Nhắm mắt làm mẹ

Chúng ta sẽ không thể nào nói về Đức Chúa Trời cách đúng đắn thông qua lời lẽ và hành động của mình, nếu Đức Chúa Trời không phán với chúng ta trước. Nhưng Chúa đã phán! Hê-bơ-rơ 1:1–2 chép rằng:

Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.

Đức Chúa Cha đã phán với chúng ta qua Con Ngài, qua Phúc Âm và Kinh Thánh. Đức Chúa Con đã sai Đức Thánh Linh đến để dẫn chúng ta “vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13). Hỡi người mẹ Cơ Đốc, chúng ta có biết ai đã dựng nên thế gian chăng? Chúng ta có biết tại sao thế gian đầy dẫy điều ác và đau khổ không? Chúng ta có biết nan đề lớn nhất của nhân loại là gì không? Chúng ta có biết Đấng duy nhất có thể cứu rỗi chúng ta là ai chăng? Chúng ta biết thần học nhiều hơn mình tưởng. Thần học của chúng ta cho thấy mức độ hiểu biết của chúng ta về mọi thứ xung quanh. Điều này thực tiễn như kịch bản và những mô tả nhân vật trong một vở kịch. Hoặc một tấm bản đồ chất lượng cho một cuộc leo núi. Hoặc là một tia sáng trong gian phòng tối om. Thần học lành mạnh định hướng đời sống của chúng ta mỗi ngày. Điều này không hề xa lạ hay ngoài tầm với.

Packer viết rằng: “Bỏ qua việc nghiên cứu về Đức Chúa Trời tức là tự khiến bản thân mình vấp ngã và mắc sai lầm trong đời sống mù lòa, mất phương hướng và thiếu hiểu biết về mọi thứ xung quanh. Đó là lãng phí cuộc đời và đánh mất linh hồn” (Biết Đức Chúa Trời, trang 19). Nhưng thần học lành mạnh mở mắt chúng ta để nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong mọi sự, kể cả thiên chức làm mẹ nữa.

Tổ chức lớp học trong nhà bếp

Đối với những người mẹ, chúng ta nói về Đức Chúa Trời khi cho con cái ăn hoài mà chúng vẫn thấy đói. Chúng ta phản ứng như thế nào khi con cái liên tục kêu đói bụng? Đôi khi chúng ta cảm thấy bổn phận của mình là cho con ăn! Chắc chắn chúng ta được tạo ra cho một điều nào đó vinh hiển hơn là làm đầu bếp ngắn hạn cho mấy đứa nhỏ mới biết đi và mấy đứa thiếu niên kén ăn?

Nhưng Chúa Jêsus phán rằng: “Bánh mà ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt ta” (Giăng 6:51). Chúa không chỉ bẻ bánh. Chúa  bánh. Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện rằng: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Khi cho con cái ăn mỗi ngày cách vui vẻ, chúng ta đang dạy chúng về Cha trên trời, Ngài quan tâm đến nhu cầu cơ bản nhất của chúng. Khi hy sinh bản thân để nuôi dưỡng con cái, chúng ta đang sống như các môn đồ của Chúa Jêsus, Ngài đã phó thân mình vì sự sống của thế gian.

Chúng ta nói về Đức Chúa Trời khi rèn luyện con cái. Một ngày bình thường của chúng ta có giống như truyện tranh Calvin và Hobbes không? Tội lỗi của các môn đồ nhí này có khiến chúng ta sửng sốt chăng? Điều đó có khiến chúng ta viết một trang mới về “tội nhân nhí trong tay thịnh nộ của người mẹ”, khi chúng ta thêm tội lỗi của mình vào tội lỗi của chúng không?

Trong thế giới sa ngã này, không có gì phải ngạc nhiên về tội lỗi. Nhưng ân điển thì khác. Trong giờ phút căng thẳng, ân điển thật lớn lao khi tấm lòng bình tịnh của một người mẹ vẫn dạy dỗ con cái những điều chân thật về Cha trên trời của chúng, Ngài “lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). Khi chúng ta xin con cái tha thứ cho mình, chúng học được cách thừa nhận tội lỗi ở trước mặt Chúa là Đấng “thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1 Giăng 1:9).

Đối với những người mẹ, chúng ta sẽ nói về Đức Chúa Trời cách đúng đắn cho con cái chỉ khi chúng ta biết Ngài cách đúng đắn.

Chúng ta cũng nói về Đức Chúa Trời trong sự chịu khổ của mình. Kinh Thánh dạy rằng sự đau khổ có thể gây dựng hoặc phá hủy đức tin của chúng ta. Giống như một chiếc thuyền đi trong bão tố, thì thần học lành mạnh giữ cho đức tin của chúng ta khỏi bị lung lay qua những thăng trầm của vai trò làm mẹ. Khi những đứa con bé nhỏ của mình bị sưng tấy và bầm tím, nhiều đêm bệnh hoạn hoặc chẩn đoán sai, sự yên ủi và chăm sóc của người mẹ dạy chúng biết về Chúa Jêsus, Ngài đã bước vào sự đau khổ của chúng ta để đem “nhiều con đến sự vinh hiển” (Hê-bơ-rơ 2:10).

Sự trông cậy của chúng ta vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dạy con cái của mình biết rằng Đức Chúa Trời là tốt lành. Chúa khiến đau khổ trở nên vinh hiển. “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho” (1 Phi-e-rơ 5:10). Sự bền đỗ của chúng ta qua những thử thách lớn và nhỏ sẽ cho con cái của mình biết rằng sự phục sinh là có thật.

Bốn công cụ cho những người mẹ bận rộn

Đối với những người mẹ, chúng ta sẽ nói về Đức Chúa Trời cách đúng đắn cho con cái chỉ khi chúng ta biết Ngài cách đúng đắn. Chúng ta cần phải biết Chúa thì mới có thể tôn vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách vui hưởng Ngài mãi mãi. Vậy, hãy nghe lời dạy dỗ của một tiên tri: “Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài” (Ô-sê 6:3). Nhưng rất nhiều người mẹ cảm thấy khó khăn khi vừa thay tã vừa chuẩn bị bữa tối. Bây giờ yêu cầu họ phải theo đuổi thần học lành mạnh sẽ khiến họ cảm thấy giống như vua Pha-ra-ôn yêu cầu dân Y-sơ-ra-ên đúc gạch mà không phát rơm vậy.

Nhưng hãy nhớ, thần học không phải là một lựa chọn tùy tiện. Nếu chúng ta không nói ra chân lý về Đức Chúa Trời cách chủ đích, thì chúng ta sẽ nói ra sự dối trá. Chúng ta sẽ tạo nên một Đức Chúa Trời theo ảnh tượng của mình và văn hóa xung quanh. Các môn đồ sẽ ở cùng chúng ta. Vậy, làm thế nào một người mẹ bận rộn, mệt mỏi có thể theo đuổi việc giúp con cái biết Đức Chúa Trời? Chúng ta chỉ cần đặt ra một câu hỏi và lặp lại câu trả lời.

Câu hỏi hay

“Con có thấy thế giới đang sụp đổ không?” “Dạ có!” Vậy, hãy trích ngay câu mở đầu bài hát “Chúa có xứng đáng không?” của Andrew Peterson liền. Hội thánh đã dạy dỗ thần học cho dân sự của Đức Chúa Trời bằng hình thức hỏi đáp này từ ngày đầu tiên. Giáo lý vấn đáp Heidelberg (1563) bắt đầu,

Hỏi: Sự yên ủi duy nhất trong sự sống và cái chết của bạn là gì?

Đáp: Tôi không thuộc về mình nữa, nhưng tội – thể chất và tâm hồn, trong sự sống và sự chết — thuộc về Cứu Chúa thành tín là Đức Chúa Jêsus Christ của tôi.

Chúa đã trả hết mọi tội lỗi của tôi bằng huyết báu của Ngài và cứu tôi khỏi quyền cai trị của ma quỷ. Chúa cũng chăm lo cho tôi đến nỗi chẳng một sợi tóc nào rơi xuống đất mà không phải là ý muốn của Cha trên trời; kỳ thực, mọi sự hiệp lại làm ích cho sự cứu rỗi của tôi.

Vì tôi thuộc về Đấng Christ, nhờ Đức Thánh Linh, nên tôi chắc chắn có sự sống đời đời và tôi nguyện ý sống vì Ngài từ giây phút này.

Hãy thường xuyên suy gẫm câu hỏi đó, vì một người mẹ Cơ Đốc sẽ trở thành một nhà thần học sâu sắc và hạnh phúc khi làm như vậy. Giáo lý vấn đáp Tin lành đã trở thành một dẫn nhập thần học cho Hội thánh hàng trăm năm qua. Nếu mỗi tuần trả lời một câu hỏi, thì thần học của chúng ta có thể đâm rễ và kết quả như thế nào?

Các sách hay

Đối với người nào sẵn sàng cam kết dành nhiều thời gian hơn, tôi khuyên chúng ta nên đặt mục tiêu đọc ít nhất một quyển sách thần học mỗi năm. Biết Đức Chúa Trời của J. I. Packer, Hiểu rõ Đức Thánh Linh của A. W. Tozer và Những điều sâu nhiệm về Đức Chúa Trời của Fred Sanders là những quyển sách tuyệt vời.

HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG

Một tài nguyên thậm chí còn cổ xưa hơn cả giáo lý vấn đáp là sự nhóm lại thờ phượng của Hội thánh địa phương. Trong Hê-bơ-rơ 10:23–25 khuyên  chúng ta rằng: “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay . . . chớ bỏ sự nhóm lại . . .” Thông qua việc nhóm lại hàng tuần với thân thể của Đấng Christ để ngợi khen Đức Chúa Trời, cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa được rao giảng, chúng ta không chỉ giúp bản thân giữ vững chân lý, mà còn dạy con cái của mình làm giống như vậy nữa.

LỜI CHÚA VÀ CẦU NGUYỆN

Nguồn tài nguyên cuối cùng đã có sẵn cho người làm mẹ có thể đang bị đánh giá thấp nhất, vì điều này có vẻ quen thuộc quá rồi: Lời Chúa và sự cầu nguyện. Nhà thần học Michael Allen nhận xét rằng: “Thần học không nên kéo người ta đi xa khỏi Kinh Thánh và sự cầu nguyện. Nhiệm vụ của thần học là giúp độc giả quay trở lại với ngôn ngữ nguyên thủy với khả năng tập trung và hiểu biết nhiều hơn”.

Cuộc sống “bình thường” của những người mẹ chứa đầy vinh hiển hơn cái nhìn thoáng qua, cho nên đọc Kinh Thánh và cầu nguyện thường xuyên là cách tốt nhất để biết Đức Chúa Trời. Trước khi làm bất kỳ việc gì, hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Hãy để con cái của mình thấy chúng ta thường xuyên tìm kiếm Lời của Đức Chúa Trời. Hãy để lời nói của chúng ta được dẫn dắt bởi tiếng phán của Chúa trong Kinh Thánh. Khi quỳ gối cầu nguyện riêng, hy vọng các môn đồ ở cùng chúng ta, nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, hy vọng con cái nhận biết Cha trên trời thật như chính Ngài.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .