Chúa Jêsus đã giảng vài điều đáng kinh ngạc trong suốt chức vụ của Ngài. Một trong những điều bất ngờ nhất Chúa từng giảng được chép trong sách Phúc âm Lu-ca, ngay sau khi nghe về cuộc tàn sát những người Ga-li-lê. Vài người cho rằng người Ga-li-lê chịu khổ dường ấy vì họ đầy tội lỗi (Lu-ca 13:2). Nếu những người Ga-li-lê đó thiêng liêng hơn một chút, biết đâu họ đã tránh được kết cục bi thảm ấy.
Nhưng Chúa Jêsus không nghĩ vậy, Ngài đáp rằng: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất” (Lu-ca 13:3). Ngài phán rằng mọi người đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời nên hết thảy sẽ bị đoán xét đời đời (đây là ý nghĩa của từ “hư mất” trong văn cảnh nầy, xem Lu-ca 9:24-25). Theo Chúa Jêsus, giải pháp để thoát khỏi sự đoán xét từ thiên thượng không phải là cải thiện lối sống của mình, mà là “ăn năn”.
Chúa Jêsus đã đến thế gian để kêu gọi mọi người ăn năn (Lu-ca 5:32) và Ngài cũng ủy thác cho các môn đồ rao giảng sứ điệp nầy (Lu-ca 24:47). Đó là con đường duy nhất để chúng ta tránh khỏi sự đoán xét của Đức Chúa Trời (Lu-ca 13:3). Trước hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của việc không ăn năn, chúng ta cần hiểu ăn năn là gì.
Ý nghĩa thật của sự ăn năn
Để hiểu được ý nghĩa thật của sự ăn năn, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc đau buồn về tội lỗi, xin lỗi Chúa và mọi người, thay đổi hành vi bên ngoài. Sự ăn năn chắc sẽ dẫn đến những biểu hiện trên, thực ra đó cũng là điều Chúa Jêsus kể trong Lu-ca 13:6-9, câu chuyện ngụ ngôn này xuất hiện ngay sau bài giảng về sự ăn năn. Điểm mấu chốt của câu chuyện đó là sự ăn năn thật phải có sự thay đổi về thái độ và hành vi. Trước đó, trong Phúc âm Lu-ca, Giăng Báp-tít kêu gọi mọi người “hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Lu-ca 3:8). Tương tự, điều nầy có nghĩa là sự vâng lời (“kết quả”) ra từ (chứ không tương tự như) sự ăn năn.
Vậy, ý nghĩa thật của sự ăn năn là gì? Ăn năn là thay đổi nhận thức và phương hướng. Như John Piper ghi chú rằng “ăn năn” trong tiếng Hy-lạp ám chỉ “sự thay đổi về nhận thức, khuynh hướng và mục tiêu của tâm trí . . . Ăn năn là kinh nghiệm sự thay đổi trong tâm trí để thấy rằng Đức Chúa Trời là chân thật, tốt đẹp và xứng đáng được ngợi khen và xứng đáng để chúng ta vâng lời Ngài.
Khi chúng ta biết rõ Chúa là Ai (vĩ đại, vinh hiển, đầy thu hút), chúng ta cũng biết rõ tội lỗi là gì (nhỏ bé, xấu xí, đầy gớm ghiếc). Đây là lý do vì sao sự ăn năn cũng là sự cam kết thay đổi phương hướng, thay đổi hẳn thái độ, tái định hướng cuộc đời chúng ta khỏi tội lỗi và hướng về Đức Chúa Trời. Sự thay đổi về nhận thức và phương hướng là mạng lịnh dành cho chúng ta (Công-vụ 2:38) và đòi hỏi phải có công tác siêu nhiên của Đức Thánh Linh vùa giúp chúng ta. Khi đó, chúng ta sống trong phép lạ.
Những người mà Chúa Jêsus phán dạy trong Lu-ca 13 nghĩ rằng vấn đề của mấy người Ga-li-lê bị thảm sát là vì họ thiếu sự thánh khiết. Nhưng Chúa Jêsus phán vấn đề thực sự là mọi người đều mù lòa trước sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và không tiếp nhận Ngài. Điều hệ trọng không phải là khiến vài người có thêm sự thánh khiết, mà là khiến mọi người biết tái định hướng cuộc đời của mình. Sự khác biệt quan trọng giữa người được cứu và chưa được cứu không phải là họ đang sống tốt thế nào, mà họ có thừa nhận mình không phải là người tốt chăng, biết rõ Đức Chúa Trời đáng được tôn vinh hiển và thay đổi toàn bộ định hướng cuộc đời của mình hay không.
Sống ăn năn trọn đời
Buổi tối trước ngày kết hôn của tôi ở Belfast, thuộc miền Bắc Ireland, tôi cùng với một vài người bạn lái xe vào trung tâm thành phố để ăn mừng. Bằng cách nào đó, chúng tôi đã đi nhầm vào đại lộ dẫn đến Dublin, không ai trong chúng tôi rành hệ thống đường xá ở Anh, nên chúng tôi không thể tìm ra cách quay đầu xe.
Càng lúc chúng tôi càng đi xa Belfast, tiến gần đến Dublin, thời gian cứ trôi qua khi chúng tôi cố gắng tìm đường để trở lại. Đâm đầu chạy theo hướng cũ chẳng giúp được gì cho chúng tôi trong hoàn cảnh nầy. Chúng tôi phải đi vòng lại. Giải pháp của Chúa Jêsus để thoát khỏi sự đoán xét của Đức Chúa Trời là vô cùng triệt để. Không phải là “cải thiện hành vi của chúng ta” mà là “nhìn biết Đức Chúa Trời là Ai và thay đổi toàn bộ định hướng của cuộc đời”. Sự vâng lời sẽ (và phải) xảy ra.
Dù đã cải đạo, tất cả những người theo Chúa Jêsus vẫn thường gặp khó khăn trong việc nhìn thấy Đức Chúa Trời là Đấng thật vinh hiển và hấp dẫn, cũng như định hướng đời sống mình hoàn toàn hướng về Ngài. Mỗi ngày, chúng ta bị cám dỗ theo hàng ngàn phương hướng khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải liên tục tái định hướng đời sống mình hướng về Đức Chúa Trời, nhìn thấy Ngài và đeo đuổi Ngài một cách tươi mới hơn nữa. Như Martin Luther đã viết rằng: “Khi Chúa và Chủ của chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ phán rằng: “Hãy ăn năn”, thì Ngài muốn trọn đời các tín hữu phải sống trong sự ăn năn”.
Ăn năn vì sự sống đời đời
Cố gắng làm việc thiện không thể cứu chúng ta thoát khỏi sự đoán xét đời đời của Đức Chúa Trời. Cũng như việc hối hận về tội lỗi, xin lỗi khi phạm tội, hay trở thành một người đạo đức hơn đều vậy. Đó là những điều quan trọng cần làm (và tất cả đều xuất phát từ sự ăn năn thật), nhưng chẳng có điều nào kể trên đủ sự sâu sắc cả. Chúng ta cần nghe Chúa Jêsus phán một lần nữa: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất” (Lu-ca 13:3). Chúng ta cần nhìn thấy sự đẹp đẽ, tình yêu và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nhận biết Ngài là Đấng quý hơn hết. Chúng ta cần từ bỏ những lời hứa hão huyền của tội lỗi và sống vì Chúa. Đó là sự ăn năn — đó mới là sự sống.