8 Th11, 2023

Lời Chúa là đầy đủ

Trích từ chương 3 trong quyển "Chúa thật như Lời" của Kevin DeYoung
Lời Chúa là đầy đủ
Image

Góc nhìn của Tiên Phong
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt này, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêuHê-bơ-rơ 1:1-4

Có bao giờ chúng ta nghĩ Kinh Thánh có thể giải quyết những vấn đề sâu kín nhất của mình chăng? Chúng ta có thường tìm kiếm điều gì đó trong đời và mong rằng Chúa sẽ phán với mình một điều thật đặc biệt chăng? Chúng ta có từng nghĩ Kinh Thánh cần phải cập nhật sự dạy dỗ về tính dục chăng? Chúng ta có muốn nhận được sự mặc khải cá nhân trực tiếp cho nhanh, còn hơn là tiếp nhận sự mặc khải chậm chạp qua việc đọc Kinh Thánh chăng? Chúng ta có từng muốn thêm vào Lời Chúa điều gì đó – để mọi thứ an toàn hơn không? Chúng ta có từng muốn lấy đi điều gì đó để Kinh Thánh xuôi tai hơn một chút không? Chúng ta có từng cho rằng Kinh Thánh không nói gì hết về cách thờ phượng Chúa hay là trật tự trong Hội thánh không? Chúng ta có từng cảm thấy Kinh Thánh vẫn chưa đủ để giúp chúng ta sống trung tín trong thế giới ngày nay chăng? Nếu chúng ta có thể trả lời có cho tất cả câu hỏi trên – hết thảy chúng ta đều sẽ trả lời như vậy ở một thời điểm nào đó trong đời – thì chúng ta đang đối diện với tính đầy đủ của Kinh Thánh.

Hầu hết Cơ Đốc nhân đều quen thuộc với những đặc tánh của Đức Chúa Trời. Ở một thời điểm và ở một mức độ nào đó, chúng ta đã học về sự thánh khiết, sự công chính, sự toàn tri, sự tể trị, sự tốt lành, sự thương xót, tình yêu thương, cùng hết thảy những đặc tánh khác được liệt kê là những đặc tánh thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Nhưng tôi nghi ngờ là chúng ta có thể kể tên, mà không thể giải thích được những đặc tính của Kinh Thánh. Theo thói cũ, các nhà thần học Tin Lành đã nêu bật lên bốn đặc tính cốt lõi của Kinh Thánh: đầy đủ, rõ ràng, thẩm quyền và cần thiết. Mỗi đặc tính – chúng ta có thể ghi nhớ bằng chữ viết tắt tiếng Anh là SCAN – là để bảo vệ một lẽ thật quan trọng về Kinh Thánh:

  • Đầy đủ: Kinh Thánh chứa đựng mọi sự mà chúng ta cần để hiểu biết sự cứu rỗi và sống tin kính. Chúng ta không cần sự mặc khải nào nữa từ trời.
  • Rõ ràng: Sứ điệp cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus Christ được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh và người nào có tai mà nghe đều có thể hiểu được. Chúng ta không cần trường lớp chính quy dạy chúng ta biết Kinh Thánh có nghĩa là gì.
  • Thẩm quyền: Lời quyết định luôn là Lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta không cho phép sự dạy dỗ của khoa học, kinh nghiệm của loài người, hay là ban trị sự của Hội thánh có quyền cao hơn Kinh Thánh.
  • Cần thiết: Sự mặc khải chung không đủ để cứu rỗi chúng ta. Chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời là Đấng cứu rỗi bằng kinh nghiệm cá nhân và lý luận của loài người. Chúng ta cần Lời Chúa dạy chúng ta biết cách sống, biết Đấng Christ là ai và làm thế nào để được cứu rỗi.

Hay là để thứ tự lại các đặc tính, chúng ta có thể nói là: Lời Chúa là phán quyết; Lời Chúa là rõ ràng; Lời Chúa là cần thiết; và Lời Chúa là đầy đủ. Mỗi đặc tính cần có một chương dành riêng để nói về đặc tính đó. Chúng ta sẽ bắt đầu nói về sự đầy đủ của Lời Chúa ở trong chương này.

Hơn cả đầy đủ

Giáo lý về tính đầy đủ của Kinh Thánh – đôi khi được gọi là sự toàn vẹn của Kinh Thánh – nghĩa là “Kinh Thánh rõ ràng đến nỗi khiến chúng ta phải biết chịu trách nhiệm ở trước mặt Đức Chúa Trời”.1 Đó là một giáo lý về đạo đức. Giáo lý này trừ bỏ những bào chữa về sự không vâng lời. Không ai có thể nói là Đức Chúa Trời không bày tỏ đầy đủ cho chúng ta biết phải được cứu thế nào hay là phải sống làm sao để Chúa vui lòng. Kinh Thánh khiến chúng ta trở nên thành thạo và “sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16-17). Chúng ta không cần phải thêm vào Kinh Thánh để đối diện với những thách thức ngày hôm nay, hay là lấy bớt khỏi Kinh Thánh để cho phù hợp với những quan niệm ngày nay. Lời của Đức Chúa Trời là toàn vẹn và hoàn chỉnh, là tất cả những gì chúng ta cần để biết Đấng Christ, sự cứu rỗi và sự tin kính. Hay là như tiền nhân Athanasius nói rằng: “Quyển Kinh Thánh thiêng liêng là đủ để giải nghĩa lẽ thật”.2

Trong bốn đặc tính của Kinh Thánh, thì đây là đặc tính mà các nhà Tin Lành thường hay quên nhất. Nếu thẩm quyền là vấn đề về tự do, sự rõ ràng là vấn đề về thời kỳ hậu hiện đại, và sự cần thiết là vấn đề cho người vô tín và không biết, thì sự đầy đủ là đặc tính mà Cơ Đốc nhân đi nhà thờ thường hay nghi ngờ nhiều nhất. Chúng ta có thể nói nhiều điều đúng về Kinh Thánh, ngay cả đọc Kinh Thánh thường xuyên, nhưng khi cuộc sống trở nên khó khăn, hay là nhàm chán một chút, thì chúng ta tìm kiếm tài liệu mới, sự mặc khải mới và kinh nghiệm mới để được ở gần Đức Chúa Trời hơn. Chúng ta tỏ ra chán ngắt về cách Tân Ước mô tả thiên đàng, nhưng lại bị cuốn vào câu chuyện một cậu bé còn tuổi đi học tuyên bố là đã lên trời và quay trở lại. Từ những bài viết trên báo về “Cuộc đối thoại của tôi với Chúa”, cho đến những quyển sách bán chạy nhất nói rằng Đức Chúa Trời đặc biệt phán riêng với ai đó, chúng ta có thể dễ dàng cho rằng Kinh Thánh vẫn chưa đủ. Nếu chúng ta có nguồn liệu nào hơn cả Kinh Thánh, thì chúng ta sẽ thực sự gần Chúa Jêsus và biết được tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

Tất nhiên là trừ khi công tác cứu chuộc của Đấng Christ dành cho chúng ta được ràng buộc cách mật thiết vào sự mặc khải của Ngài dành cho chúng ta.

Con một cao trọng của Đức Chúa Trời

Ý tưởng lớn trong những câu đầu tiên của sách Hê-bơ-rơ là ý tưởng lớn cho toàn bộ sách Hê-bơ-rơ. Đức Chúa Trời đã phán bởi Con Ngài, và Con Ngài là cao trọng hơn hết thảy mọi người, các vật trên trời, các thể chế, nghi thức và các phương tiện của sự mặc khải và sự cứu chuộc trước đây. Đó là vì sao câu 1 và 2 bắt đầu bằng một loạt ý đối lập.

Thời kỳ. Thời kỳ đã qua là “đời xưa”, nhưng còn chúng ta đang ở trong “những ngày sau rốt”. Chỗ này không nhất thiết có nghĩa là thời kỳ cuối cùng của thế gian đã đến gần. Nó có nghĩa là chúng ta đã bước vào thời đại mới, thời đại của Đức Thánh Linh, sự cứu rỗi rất lớn đã xảy ra đúng thời điểm này. Sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus đã mở ra một kỷ nguyên mới cho cả thế giới. Không còn sự cứu rỗi nào khác nữa trước ngày cuối cùng sẽ đến. Chính điều đó khiến chúng ta có mặt trong những ngày sau rốt.

Người nhận. Ngày xưa, từ rất lâu, Đức Chúa Trời đã phán dạy “tổ phụ chúng ta” – là các trưởng tộc, tổ tiên của người Do Thái. Nhưng ngày nay, Đức Chúa Trời đã phán dạy “chúng ta”. Đây là thời kỳ mới, Đức Chúa Trời đang phán với một nhóm dân tộc khác.

Người trung gian. Đức Chúa Trời cũng phán qua một “người trung gian” khác. Ngày xưa, Chúa phán qua “các tiên tri”, là những tiên tri ngày xưa, những người có chức năng của tiên tri giống như Môi-se, hay là những người viết ra lời tiên tri (tham khảo các phân đoạn Kinh Thánh Cựu Ước). Đức Chúa Trời đã từng dùng “các đấng tiên tri” để phán. Nhưng trong ngày sau rốt, Đức Chúa Trời đã phán “bởi Con Ngài”. Đức Chúa Jêsus Christ đã bày tỏ Đức Chúa Trời là ai, Ngài dạy chúng ta biết ý muốn của Đức Chúa Trời và bày tỏ với chúng ta con đường cứu rỗi.

Nhiều cách. Từ xưa Đức Chúa Trời đã phán nhiều lần (polymeros) và nhiều cách (polytropos). Đức Chúa Trời đã phán qua khải tượng, giấc mơ, tiếng phán, bụi gai cháy, trụ lửa, con lừa và viết lên tường. Đó là ngày xưa. Nhưng trong những ngày sau rốt này, Đức Chúa Trời đã phán bằng một cách, đó là qua Đức Chúa Jêsus Christ. Sự tương phản ngầm đó là cho dù ngày xưa Đức Chúa Trời phán với dân sự của Ngài bằng nhiều cách, thì bây giờ chỉ có một cách để bày tỏ sự mặc khải: đó là qua Con Ngài.

Tất cả bốn sự tương phản trên nhằm dẫn chúng ta đến cùng một kết luận, một kết luận đầy vinh hiển được nói ra trong Hê-bơ-rơ 1:2-4 – Đấng Christ là Đấng Trung Bảo cao trọng và cuối cùng trong sự cứu rỗi và sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Trước giả Hê-bơ-rơ, trích từ Thi thiên 2 và 110, đưa ra bảy lời khẳng định cho kết luận này là:

  1. Con là Đấng kế tự muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:2b). Mọi vật đều hướng về Đấng Christ. Công tác sứ mạng trong thời đại này là đem mọi vật vốn dĩ thuộc về Ngài trở lại cùng Đấng Christ.
  2. Con là Đấng Tạo Hóa của muôn vật (Hê-bơ-rơ 1:2c). Mặc dù thân vị thứ hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời không được nhắc đến trong sự sáng tạo, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã sáng tạo bằng tiếng phán của Ngài ở trong Sáng thế ký. Tiếng phán ấy chính là Ngôi Lời đã đến làm người.
  3. Con là Đấng nâng đỡ muôn vật (câu 3). Mỗi hạt proton, mỗi hạt electron, mỗi hợp chất, mỗi hạt phân tử và hành tinh, mỗi vì sao và dãy ngân hà đều được nâng đỡ bởi Lời quyền năng của Ngài.
  4. Con là sự mặc khải của Đức Chúa Trời (câu 3). Ngài chính là hình ảnh trung thực của Đức Chúa Trời, không chỉ đơn thuần là sự phản chiếu vinh hiển từ thiên thượng mà chính là sự chói sáng rực rỡ của vinh hiển Đức Chúa Trời. Ngài chính là hình ảnh chính xác của Đức Chúa Trời, về cốt lõi lẫn bản chất. Đấng Christ bày tỏ với chúng ta về Đức Chúa Trời thật như chính Ngài.
  5. Con là Đấng làm sạch tội của chúng ta (câu 3b). Ngài xóa đi sự nhơ nhuốc và mặc cảm tội lỗi, không chỉ là hình bóng của những điều lớn lao sắp đến (giống như của lễ ngày xưa) mà là của lễ thật đã được báo trước.
  6. Con đã ngồi (câu 3b). Giống như một người mẹ ngồi xuống vào cuối ngày sau khi con cái đã đi ngủ và bếp núc đã được dọn sạch sẽ, thì Đấng Christ đã ngồi bên hữu Đức Chúa Trời bởi vì công tác của Ngài đã được hoàn thành. Chúa được tôn làm vua (Thi thiên 110:1) và công tác của thầy tế lễ thượng phẩm được hoàn thành một lần đủ cả (Hê-bơ-rơ 9:25-26).
  7. Do đó, Con trở nên cao trọng hơn thiên sứ (câu 4). Ngài là Đấng cao trọng hơn các sứ giả của thiên đàng bởi vì Đức Chúa Trời phán những Lời cuối cùng qua Ngài. Chẳng có Lời nào nữa sau Ngài. Sự cứu rỗi rất lớn của chúng ta đã đến – được khẳng định bằng những dấu kỳ, phép lạ và các ân tứ của Đức Thánh Linh – và sẽ không bao giờ qua đi (2:1-4).

Đức Chúa Trời đã phán bởi Con Ngài, và Con là Đấng cao trọng hơn mọi người, các hữu thể trên trời, các thể thế, mọi lễ nghi và những phương tiện trước kia dùng để mặc khải và cứu rỗi. Đó là ý lớn trong Hê-bơ-rơ 1:1-4 và xuyên suốt cả sách. Đấng Christ cao trọng hơn thiên sứ (chương 1-2), hơn Môi-se (chương 3), hơn Giô-suê (chương 3-4), hơn A-rôn (chương 5), hơn Áp-ra-ham (chương 6), hơn Mên-chi-xê-đéc (chương 7), hơn Cựu Ước (chương 8), hơn đền tạm (chương 9), hơn thầy tế lễ thượng phẩm (chương 10), hơn mọi báu vật trong thế gian (chương 11), hơn Núi Si-nai (chương 12), và hơn cả thành phố ở trên đất này (chương 13). Con là Đấng tối cao rất lớn, vượt trên muôn vật bởi vì chúng ta có được sự trọn vẹn và sự cuối cùng trong sự cứu chuộc và sự mặc khải của Đức Chúa Trời ở trong Ngài.

Sự đầy đủ ở trong Con và trong Kinh Thánh

Vậy thì những điều này liên quan gì đến sự đầy đủ của Kinh Thánh? Hãy nhìn kỹ hơn vào phần kết luận ở trên: Con là Đấng cao trọng hơn mọi vật bởi vì ở trong Ngài, chúng ta có được sự toàn vẹn và sự cuối cùng của sự cứu rỗi và sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta hiểu rõ phần toàn vẹn. Mọi thứ của “đời xưa” đều chỉ về Đấng Christ và mọi thứ được trọn vẹn ở trong Đấng Christ. Chúa là sự ứng nghiệm của những lời tiên tri, những lời khẳng định và những kiểu mẫu. Đó là phần toàn vẹn của phương trình.

Nhưng hành động cuối cùng trong công tác của Đấng Christ cũng không kém phần quan trọng. Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài. Đấng Christ đã trả giá đắt vì tội lỗi của chúng ta một lần đủ cả. Chúa đã đến thế gian, sống ở giữa chúng ta, chịu chết trên thập tự giá, và kêu lên trước khi tắt hơi rằng: “Mọi sự đã được trọn!” Chúng ta không phải đợi vua nào khác để cai trị chúng ta nữa. Chúng ta không cần tiên tri như Muhammad. Không cần thầy tế lễ để làm lễ chuộc tội cho chúng ta nữa. Công tác cứu rỗi đã được làm xong rồi.

Chúng ta không được tách rời sự cứu chuộc khỏi sự mặc khải. Cả hai đã được làm trọn vẹn và được ứng nghiệm ở trong Con Trời. Lời của Đức Chúa Trời nghịch với Ngôi Lời của Đức Chúa Trời? Kinh Thánh nghịch với Chúa Jêsus? Kinh Thánh nghịch với Đức Chúa Con? Thư tín Hê-bơ-rơ không có chỗ cho sự đối lập quỷ quyệt như thế. Đúng là Kinh Thánh không phải Chúa Jêsus; Lời Kinh Thánh không phải là Đức Chúa Con. Những từ ngữ trong Kinh Thánh khác với Ngôi Lời trở nên xác thịt, nhưng cả hai không thể tách rời nhau được. Mỗi hành động cứu rỗi – từ thời xuất Ê-díp-tô, cho đến lúc trở về từ cuộc lưu đày, cho đến thập tự giá – là một sự mặc khải. Chúng nói với chúng ta về bản chất của tội lỗi, con đường cứu rỗi, và đặc tánh của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, mục tiêu của sự mặc khải vẫn luôn là để cứu chuộc. Những lời lẽ của các tiên tri và các sứ đồ không có ý khiến chúng ta trở nên thông minh, mà để chúng ta được cứu rỗi. Sự cứu rỗi được mặc khải. Sự mặc khải là để cứu rỗi.

Đấng Christ có cả hai. Ngài là hành động cứu chuộc cuối cùng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời, Ngài cũng là sự mặc khải về sự cuối cùng và trọn vẹn về Đức Chúa Trời. Thậm chí những lời dạy dỗ sau này của các sứ đồ đơn giản chỉ là nhắc lại những gì Chúa Jêsus đã phán (Giăng 15:26) và sự giải thích sâu xa hơn của Đức Thánh Linh về hết thảy mọi sự đã xảy ra và tất cả mọi sự mà Chúa đã làm (Giăng 16:13-15). Frame luận rằng: “Không gì có thể thêm vào công tác cứu chuộc của Ngài và không gì có thể thêm vào sự mặc khải về công tác cứu chuộc ấy”.3 Nếu chúng ta nói sự mặc khải chưa được trọn vẹn, thì chúng ta phải thừa nhận rằng công tác cứu chuộc cũng chưa được trọn.

Vậy, chúng ta còn nói là Đức Chúa Trời không phán nữa chăng? Không. Nhưng chúng ta phải suy xét cẩn thận về cách Ngài đang phán trong những ngày cuối cùng này. Đức Chúa Trời đang phán qua Con của Ngài. Hãy nghĩ đến ba chức vị của Đấng Christ – tiên tri, thầy tế lễ, vua. Thực chất, Đấng Christ đã hoàn thành công tác của Ngài qua từng chức vị đó. Nhưng Ngài vẫn còn đang hành động qua công tác đã hoàn thành này.

Là một vị Vua, Đấng Christ đã ngồi trên ngôi và trị vì từ trời, nhưng việc khai quốc của Ngài không giống như việc lập quốc. Vẫn còn đó những kẻ thù cần phải được khuất phục ở dưới bệ chân của Ngài (Hê-bơ-rơ 2:8).

Là một thầy tế lễ, Đấng Christ đã trả giá cho hết thảy tội lỗi của chúng ta bằng huyết báu của Ngài, một lần đủ cả, không bao giờ có lần thứ hai. Nhưng, sự cứu rỗi rất lớn này vẫn phải được ban cho miễn phí, còn Đấng Christ phải giữ chúng ta ở trong sự cứu chuộc này (Hê-bơ-rơ 2:3).

Cuối cùng, là một tiên tri, Đức Chúa Trời đã phán cách quyết đoán ở trong Con của Ngài. Chúa đã bày tỏ cho chúng ta hết thảy những gì chúng ta cần biết, tin và làm theo. Chẳng còn gì để nói thêm nữa. Nhưng, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục phán thông qua những gì Ngài đã phán. “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12); khi Kinh Thánh vẫn còn được loài người đọc, thì Đức Thánh Linh vẫn còn phán (3:7).

Vậy thì đúng là Đức Chúa Trời vẫn còn phán. Chúa không hề im lặng. Ngài phán với chúng ta một cách cá nhân và trực tiếp. Nhưng tiếng phán ấy không phải là sự mặc khải nữa. “Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (Giăng 16:14), Bavinck viết rằng: “Sự mặc khải của Đức Chúa Trời đã được hoàn tất ở trong Đấng Christ”.4 Vào những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời không phán với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau, mà chỉ một cách đó là qua Con Ngài. Chúa phán qua Con của Ngài bằng sự mặc khải của công tác cứu chuộc mà Con Ngài đã làm, là điều đã được báo trước ở trong Cựu Ước, được ký thuật lại trong các sách Phúc Âm, và cuối cùng được bày tỏ ra bởi Đức Thánh Linh thông qua các sứ đồ trong các phần còn lại của Tân Ước.

Kinh Thánh là đủ vì công tác của Đấng Christ là đủ. Cả hai sẽ đứng hay ngã cùng nhau. Sự cứu chuộc của Con Đức Chúa Trời và sự mặc khải của Con Đức Chúa Trời là đầy đủ. Như vậy, không còn phải làm gì thêm nữa và không còn phải biết gì thêm nữa về sự cứu rỗi và đời sống Cơ Đốc của chúng ta ngoài những gì chúng ta thấy và biết về Đấng Christ và bởi Đấng Christ ở trong sách của Thánh Linh. Frame đã nói đúng lắm: “Kinh Thánh là bằng chứng của Đức Chúa Trời cho sự cứu chuộc mà Ngài đã làm cho chúng ta. Một khi sự cứu chuộc ấy đã được hoàn thành, lời chứng của các sứ đồ cũng được hoàn thành, Kinh Thánh được hoàn thiện, thì chúng ta không nên mong chờ điều gì thêm nữa”.5 Hay là như Packer từng nói, ngắn gọn hơn nhưng đầy đủ sự thật, là: “Không có Lời Đức Chúa Trời phán với chúng ta ngày hôm nay ngoại trừ Kinh Thánh”.6

Tính đầy đủ thực tiễn

Tại sao phải nhắc đến những điều này? Tính đầy đủ của Kinh Thánh sẽ tác động đến đời sống Cơ Đốc của chúng ta như thế nào? Tôi sẽ kết thúc chương này bằng việc đưa ra bốn tác động lớn đối với chúng ta.

Đầu tiên, tính đầy đủ của Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta giữ vững sự chính thống ở đúng chỗ của nó. Sự chính thống chắc hẳn có một vị trí trong việc hiểu biết Lời Chúa và ảnh hưởng đến sự tin quyết về giáo lý trong Hội thánh. Sự khác biệt thường bị phớt lờ nhiều nhất ngày hôm nay đó là sự khác biệt về những người đã khuất. Chúng ta phải học hỏi từ các giáo sư vĩ đại là những người đã sống trước chúng ta. Chúng ta phải đứng thật vững trên những tín điều phổ thông của Hội thánh. Đối với ai thuộc dòng chính thống – như giáo hội Luther, Anh giáo, Trưởng lão, và Cải chánh – chúng ta phải thật nghiêm túc, cẩn thận và liêm chính giữ vững tiêu chuẩn niềm tin của mình. Nhưng ngay cả những tín điều và giáo lý vấn đáp này chỉ có giá trị khi chúng tóm tắt những gì được dạy dỗ trong Kinh Thánh. Không có bản văn thứ cấp nào từ loài người có thể thay thế hay được phép phá vỡ lòng trung thành và kiến thức của chúng ta đối với Kinh Thánh.

Tính đầy đủ của Kinh Thánh củng cố lời kêu gọi của phong trào Cải chánh về sola Scriptura, hay còn gọi là “duy Kinh Thánh”. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp cận Kinh Thánh mà không cần sự trợ giúp của các giáo sư, các nguồn tư liệu, và các giáo lý đã được thẩm định. Từ ngữ “duy” không có nghĩa là “tự thân” (solo Scriptura) không cần phải xét đến niềm tin hay điểm chung nào cả, nhưng duy Kinh Thánh có nghĩa là phán quyết cuối cùng. Mọi sự phải được kiểm chứng bởi Lời Chúa. Sự chính thống không có vai trò ngang bằng với Kinh Thánh trong việc nhận biết lẽ thật. Đúng hơn là, sự chính thống có vai trò xác nhận, làm sáng tỏ và ủng hộ. Chúng ta không chấp nhận những đổi mới về giáo lý như giáo hoàng luôn đúng, luyện ngục, đức mẹ vô nhiễm nguyên tội, hay là sự thờ lạy Ma-ri, bởi vì những tín điều này không được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời và chúng còn trái ngược với những gì được bày tỏ trong Kinh Thánh. Mặc dù chúng ta muốn bày tỏ sự tôn trọng dành cho các bạn Công Giáo và cũng thật biết ơn vì rất nhiều khía cạnh về niềm tin lẫn công tác xã hội của họ, nhưng chúng ta vẫn phải giữ lòng trung thành với sola Scriptura. Điều này được bày tỏ rất rõ ràng trong việc hiểu đúng tính đầy đủ của Kinh Thánh.

Thứ hai, tính đầy đủ của Kinh Thánh giúp chúng ta không thêm bớt vào Lời Đức Chúa Trời. Khi nói đến Kinh Thánh, chúng ta phải luôn nhớ rằng mình đang đọc một quyển sách về giao ước. Những tài liệu về giao ước thường kết thúc bằng một lời rủa sả. Chúng ta thấy sự rủa sả ở trong Phục truyền 4:212:32, đó là thời điểm dân Y-sơ-ra-ên được cảnh báo về việc không được thêm bớt vào luật pháp (xem Châm ngôn 30:5-6). Cũng vậy, chúng ta thấy một sự rủa sả tương tự được kết luận vào cuối Tân Ước trong sách Khải huyền 22:18-19 – “Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách này: Nếu ai thêm vào sách tiên tri này điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách này. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri này, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách này”. Lời cảnh cáo mạnh mẽ này, ở cuối sách Kinh Thánh, là một lời nhắc nhở cho chúng ta không được thêm vào Kinh Thánh – để làm cho Kinh Thánh tốt hơn, đáng tin cậy hơn, hoặc là phù hợp với những giả định của chúng ta – và chúng ta cũng không nên lấy bớt điều gì từ Kinh Thánh, ngay cả nếu kinh nghiệm, báo chí, hay là cảm xúc trồi sụt từ văn hóa nhất quyết về điều nào đi nữa.

Thứ ba, tính đầy đủ của Kinh Thánh giúp chúng ta có thể chắc chắn rằng Lời Đức Chúa Trời có tầm quan trọng ở trong mọi khía cạnh đời sống. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính (2 Phi-e-rơ 1:3); Kinh Thánh đủ khiến chúng ta khôn ngoan để được cứu rỗi và được nên thánh ở trong Đức Chúa Jêsus Christ (2 Ti-mô-thê 3:14-17). Nếu chúng ta học cách đọc Kinh Thánh cho tấm lòng của mình, hiểu đúng cốt truyện của Kinh Thánh, từ đầu cho đến hết câu chuyện, và hướng đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu sáng trên mặt của Đấng Christ, thì chúng ta sẽ thấy mọi thứ ở trong Kinh Thánh đều có ích cho chúng ta. Để quả quyết về tính đầy đủ của Kinh Thánh, chúng ta không thể nói rằng Kinh Thánh cho biết mọi điều mà chúng ta muốn biết, nhưng quan trọng nhất là Kinh Thánh cho biết mọi điều mà chúng ta cần phải biết. Kinh Thánh không cung cấp hết mọi thông tin cho từng đề tài, nhưng trong mỗi đề tài mà Kinh Thánh nói đến đều là sự thật. Trong lẽ thật của Kinh Thánh, chúng ta có đủ sự hiểu biết để tránh xa tội lỗi, tìm gặp Cứu Chúa, đưa ra những quyết định đúng, làm vui lòng Đức Chúa Trời, và tìm ra gốc rễ sâu xa của vấn đề.

Thứ tư, giáo lý về tính đầy đủ của Kinh Thánh mời gọi chúng ta mở Kinh Thánh ra để nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời. Cách đây không lâu, tôi còn ở trong ban cố vấn của một hệ phái, chúng tôi cần phải tìm ra “tiêu chuẩn chung” cho cộng đồng của mình. Khi tôi gợi ý tiêu chuẩn chung đầu tiên phải là tra xét mọi thứ dựa trên Lời Đức Chúa Trời, thì người ta nói với tôi – trích dẫn chính xác – là “chúng ta không ngồi đây để mở Kinh Thánh ra”. Rõ ràng là mục tiêu của ban cố vấn này là lắng nghe tấm lòng của mình và lắng nghe lẫn nhau, nhưng chúng ta không lắng nghe nhiều từ Đức Chúa Trời. Sau đó, trong một cuộc họp của hệ phái này, một mục sư đến từ Nam Mỹ đã chấn chỉnh cả thân thể. Khi thấy mặt sau của tờ quảng cáo một chương trình “khám phá” khải tượng của Đức Chúa Trời cho hệ phái của chúng tôi, ông ta đã nhận xét là: “Khám phá? Tôi hy vọng quý vị sẽ tìm thấy điều đang tìm kiếm. Đừng tìm kiếm lâu quá nhé!” Đó là một cú thúc chính xác vào khuynh hướng của Hội thánh ở Mỹ về cách lập kế hoạch, nuôi dưỡng mơ ước, chia sẻ khải tượng, và tổ chức thực hiện theo sự sáng suốt của nhau, trong khi tiếng phán rõ ràng của Đức Chúa Trời lại bị phớt lờ ngay trên đùi của chúng ta.

Lời Đức Chúa Trời là quá đủ cho dân sự của Đức Chúa Trời để họ biết sống vì sự vinh hiển của Ngài. Đức Chúa Cha sẽ phán bằng mọi cách mà Đức Thánh Linh đã phán qua Đức Chúa Con. Câu hỏi là chúng ta có chịu mở Kinh Thánh ra và lắng nghe hay không.


Chú thích

  1. John M. Frame, Giáo lý về Lời của Đức Chúa Trời (Philipsburg, NJ: Trưởng lão & Cải chánh, 2010), trang 226. ↩︎
  2. Được trích từ quyển sách Lời sự sống: Kinh Thánh là Lời sống và năng động của Đức Chúa Trời của Timothy Ward (Downers Grove: IL: IVP Acdemic, 2009), trang 107. ↩︎
  3. Frame, Giáo lý về Lời Đức Chúa Trời, 227. ↩︎
  4. Herman Bavinck, Giáo lý Cải chánh, Quyển 1: Lời giới thiệu, biên soạn bởi John Bolt, chuyển ngữ bởi John Vriend (Grand Rapids, MI: Baker Academic, 2003), trang 491. ↩︎
  5. Frame, Giáo lý về Lời Đức Chúa Trời, 227. ↩︎
  6. J. I. Packer, “Trào lưu Chính thống” và Lời Đức Chúa Trời (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1958), 119. Trong khi sự mặc khải “trực tiếp” không còn nữa, thì chúng ta nên cho phép sự mặc khải “gián tiếp” mà Đức Chúa Trời bày tỏ với chúng ta sự khôn ngoan và cách áp dụng mới – đôi khi xảy ra bất ngờ – nhưng luôn qua Kinh Thánh. Xem Garnet Milne, Giáo lý Vấn đáp Westminster về Đức tin và sự Chấm dứt của Mặc khải Đặc biệt: Quan điểm Chính yếu của Phong trào Thanh giáo về việc Lời tiên tri ngoại Kinh vẫn còn chăng (Bletchey, Milton Keynes, UK: Paternoster, 2007). ↩︎
Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Chia sẻ với mọi người . . .