17 Th12, 2021

Linh quyền cho mục sư không hoàn hảo

Linh quyền cho mục sư không hoàn hảo
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Mặc dù là mục sư, chúng ta thường coi trọng việc rao giảng Phúc âm, nhưng mỗi người chúng ta đều có sự thiếu xót. Hành vi của chúng ta có sự thất thường. Động cơ của chúng ta bị lẫn lộn. Thần học của chúng ta không hoàn hảo. Chúng ta chẳng phải là những kẻ hoàn hảo. Nhưng các mục sư bất toàn vẫn rao giảng những sứ điệp bất toàn, Đức Thánh Linh có thể gia thêm linh quyền cho sứ điệp của chúng ta. Đúng là ân điển lạ lùng, phải không?

Chúng ta chẳng muốn “thành công” nhờ vào mấy trò đổi chác — tức là dựa vào uy tín của chúng ta, bằng cấp của chúng ta, những điều khác nữa của chúng ta. Tệ hơn cả thất bại là sự phản bội. Chức vụ mà chúng ta nhận lãnh từ Chúa Jêsus là “để làm chứng về Tin lành của ơn Đức Chúa Trời” (Công-vụ 20:24). Chúng ta không có quyền đề xướng bản thân ở chỗ rất cần ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra phía trước và ở trung tâm.

Tôi đã phải dừng lại trước mấy lời của Giăng Báp-tít, khi ông nói về Chúa Jêsus là: “Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30). Chúng ta tưởng là: “Đúng là tôi muốn mọi người càng thêm tin quyết và trung tín với Chúa Jêsus. Mà tôi cũng được thêm lên nữa. Như vậy thì cả hai cùng thắng. Tôi rất vui khi đứng chung sân khấu với Chúa Jêsus. Nhưng tôi mắc nợ Ngài về mọi thứ”. Đây là một nhát dao đâm sau lưng Chúa! Kỳ thực, sau khi Giăng Báp-tít nói xong mấy lời nổi tiếng ấy, thì ông không còn xuất hiện trong Phúc âm Giăng nữa.

Chỉ bằng lời nói thôi sao?

Một bài giảng luận thành công mà các mục sư hằng mong mỏi thường nhờ vào hai điều sau đây: thứ nhất là trung thành với chân lý của Kinh Thánh; thứ hai là được đầy dẫy quyền phép của Đức Thánh Linh.

Trong hàng chục thập kỷ gần đây, nhiều người trong chúng ta nhận được sự soi sáng tươi mới một cách sâu sắc và phong phú hơn về Phúc âm của Kinh Thánh. Tôi vô cùng biết ơn vì điều nầy. Nhưng chúng ta có kinh nghiệm được một cơn sóng thuộc linh cồn cào chưa? Tôi tự nhủ không biết có ai trong chúng ta đã kinh nghiệm được giảng luận “không chỉ bằng lời nói” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5) chưa. Tôi cũng thắc mắc là nếu chúng ta cứ tiếp tục chia rẻ và quay lưng nghịch cùng nhau hoài như vậy, thì hẳn là chúng ta chỉ muốn có kiến thức ở trong đầu mà thôi.

Kiêu ngạo về việc am tường giáo lý là thái độ rất nhạy cảm và mong manh. Làm thế nào Đức Thánh Linh gia thêm linh quyền cho hạng người như thế? Nhưng mục sư nào hiểu cách thấu đáo và được ơn dư dật sẽ rao giảng Phúc âm theo Kinh Thánh bằng sức thuyết phục.

Đã quyết định

Có hai trong số các phân đoạn Kinh Thánh khác của Tân Ước mời gọi chúng ta ở trong quyền phép dẫy đầy của Đức Chúa Trời khi rao giảng. Thứ nhất là 1 Cô-rinh-tô 2:1–5:

Thưa anh em, khi đến với anh em, tôi không dùng những lời cao siêu hay khôn ngoan để công bố sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh em. Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá. Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy. Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh; để đức tin của anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người, mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời không ban ơn cho diễn giả nào có sự kiêu căng. Làm thế nào người đó có thể rao giảng trong khi sứ điệp về Đấng Christ là sự yếu đuối, bị khinh chê, bị đóng đinh?

Sứ đồ Phao-lô vốn là người có tài hùng biện và không bao giờ tùy tiện. Ông đã cống hiến hết sức mình cho công tác của Phúc âm. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã trừ bỏ hết thảy các việc làm phô trương của xác thịt một cách khôn ngoan. Nếu ông chinh phục được người nào về với Đấng Christ bằng cách tỏ ra thật ấn tượng, thì người khác sẽ lùa họ đi xa khỏi Đấng Christ bằng các việc làm ấn tượng hơn.

Sứ đồ Phao-lô đã quyết định là: “Tôi đã quyết định”. Cái tôi không bị đóng đinh vào thập tự giá sẽ phô trương trước mặt mọi người — qua việc làm quảng cáo, chính trị, giải trí và nhiều điều khác. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã trừ bỏ hết các việc làm tự tôn của mình. Ông chấp nhận những giới hạn của bản thân. Chính thái độ hạ mình rất cẩn trọng từ trong suy nghĩ đã tạo cơ hội cho Đức Thánh Linh.

“Sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh” có nghĩa là Đức Thánh Linh đã làm chứng và khẳng định cách mạnh mẽ trong lòng mọi người rằng sứ điệp Phúc âm của sứ đồ Phao-lô là thật, tuyệt đối, chung cuộc. Đức Thánh Linh khiến mọi người tự do phó thác số phận đời đời của họ chỉ nơi Đấng Christ mà thôi. Chỉ có Đức Thánh Linh mới tạo ra được sự chắc chắn dường ấy. Khi Ngài hành động, sự giảng luận sẽ kết quả bông trái ở trong người nào tin Chúa thật.

Chúng ta đã quyết định sống với Chúa Jêsus không chỉ bằng việc rao truyền sứ điệp mà còn bằng cả lối sống của mình chăng? Nếu vậy thì Đức Thánh Linh sẽ cặp theo chức vụ của chúng ta bằng sự thuyết phục của Ngài.

Yêu họ hết lòng

Thứ hai là 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5 chép rằng:

Vả, đạo Tin lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em và lòng yêu thương đối với anh em là thế nào.

Có hai thực trạng rất hiển nhiên. Một là, Phúc âm được rao giảng cho mọi người không đơn thuần chỉ là thông tin, mà còn có quyền phép từ trên cao nữa. Hai là, sứ đồ Phao-lô và những cộng sự của ông đã chứng tỏ: họ là những người có phẩm chất tốt ở giữa mọi người. Chìa khóa là: hai thực trạng nầy không hề xuất hiện trong cùng một câu Kinh Thánh tình cờ như vậy. Nhưng chúng phải đi với nhau. Chân lý của Phúc âm đến với mọi người cách năng quyền thế nào thì sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng lao của ông cũng yêu thương họ hết lòng thể ấy.

Sứ đồ Phao-lô mô tả mối liên hệ đẹp đẽ của vai trò chăn bầy như sau:

Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7–8)

Chính vì vẻ đẹp trong mối liên hệ nầy mà sứ đồ Phao-lô đã phác họa một bức tranh bằng những cụm từ đầy xúc động như: “như cha đối với con” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:11); “đã xa cách anh em ít lâu nay” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17); “anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:20). Tôi có thể kể tiếp nữa.

Điểm mấu chốt là, người Tê-sa-lô-ni-ca “tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Mục sư nào yêu người khác bằng tấm lòng của Đức Chúa Trời là người của Đức Chúa Trời hầu việc trong quyền phép của Đức Chúa Trời. Đó là các vị mục sư có lòng thành thật và dễ bày tỏ cảm xúc: không đè nén, không dè dặt, mà hết lòng phục vụ.

Có lẽ chúng ta tưởng giảng luận trong Linh quyền có liên quan đến việc vặn to âm thanh, nói lớn tiếng. Không, không, không. Chính sứ đồ Phao-lô liên kết Linh quyền trong việc giảng luận của ông với tấm lòng chăm sóc người khác của ông: “cách”. Đức Thánh Linh hành động khi sứ đồ Phao-lô bày tỏ tình yêu thương.

Mặc lấy quyền phép từ trên cao

Chức vụ rao truyền Phúc âm không phải là vai diễn một lần, không phải là một buổi trình diễn, không phải là một sân khấu. Chức vụ nầy sẽ dẫn chúng ta đến trước thập tự giá của Đấng Christ, là Cứu Chúa đã bị người ta khinh chê. Chúng ta nên sẵn sàng chịu đóng đinh với Ngài. Nhưng các vết sẹo sẽ khiến chúng ta trở thành người truyền đạo mạnh mẽ hơn.

Chức vụ rao truyền Phúc âm cũng không phải là lý do để sống tách biệt, giữ khoảng cách, thận trọng trước mọi người. Chức vụ nầy sẽ đưa chúng ta vào trong tình yêu của Đấng Christ, là Bạn của tội nhân. Chúng ta nên sẵn sàng mở lòng mình ra. Những giọt nước mắt đổ ra sẽ khiến chúng ta trở thành người truyền đạo mạnh mẽ hơn.

Đừng thối lui, dù chỉ một phân, khỏi những ích lợi mà chúng ta có được trong việc rao truyền tín lý của Kinh Thánh một cách mạnh mẽ, cương quyết và đầy vui mừng. Còn bây giờ thì hãy tiến thêm một bước nữa. Hãy hết lòng tin vào giáo lý của chúng ta đến nỗi chúng ta muốn được trải nghiệm cách dạn dĩ, nhiều lần hơn nữa, ý nghĩa thực sự của việc “mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:49).

Sau đây là kết luận thẳng thừng của tôi. Dường như, đứng trước áp lực của giây phút lịch sử như thế nầy, chúng ta phải quyết định hướng đi trong cương vị làm mục sư. Nếu tất cả những gì chúng ta muốn rao truyền là tín lý, mà không có quyền phép của Đức Thánh Linh như hai cách đã được nói rõ trong Tân Ước, thì chúng ta phải thừa nhận rằng mình không thực sự tin vào giáo lý. Thật ra như vậy có nghĩa là chúng ta không chỉ đang bỏ mặc chức vụ mà còn mặc kệ Đấng Christ nữa, bởi vì chúng ta không yêu Ngài.

Nhưng nếu việc bỏ đạo là chuyện không lường trước — hy vọng là không lường trước — thì hãy nhanh chóng đổi hướng bằng cách sử dụng chân lý của Phúc âm và quyền phép của Đức Thánh Linh, cứ thế mà tấn tới phía trước.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .