27 Th10, 2022

Làm sao Chúa quên được tội lỗi tôi

Chúng ta nhớ gì khi dự lễ
Làm sao Chúa quên tội lỗi tôi
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Thật tuyệt vời và phù hợp làm sao khi giao ước mới được đề cập lần đầu tiên trong Tân Ước ra từ miệng của Chúa Jêsus. Chúa đề cập giao ước mới vào thời điểm thích hợp nhất. Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra (Lu-ca 22:20). 

Có một thế giới của ý nghĩa được gói gọn trong mấy lời này đã thay đổi thế giới.

Thời khắc then chốt nhất

Nằm nghiêng quanh bàn vào buổi tối hôm đó, các môn đồ đang quan sát từ hàng ghế đầu một thời điểm then chốt trong lịch sử cứu rỗi. Lễ vượt qua của “Chiên Con của Đức Chúa Trời” vĩ đại, Ngài đã đến để “cất tội lỗi của thế gian” (Giăng 1:29), đã bắt đầu bữa tiệc vượt qua trong giao ước mới cùng với việc bắt đầu giao ước mới đã được tiên tri Giê-rê-mi báo trước từ rất lâu (Giê-rê-mi 31:31-34). Trước giả thư tín Hê-bơ-rơ đã nói đầy đủ rằng:

Kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới, không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó, trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vì họ không bền giữ lời ước ta, nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán. Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Ðức Chúa Trời họ, họ sẽ làm dân ta. Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; vì hết thảy trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta, Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ, và không nhớ đến tội lỗi họ nữa. (Hê-bơ-rơ 8:8-12)

Không rõ lúc đó các môn đồ hiểu được bao nhiêu. Nhưng khi Đức Chúa Jêsus phán cái chén là “giao ước mới trong huyết ta”, tức là Chúa không chỉ là một con chiên của Lễ vượt qua sẽ đổ huyết ra để che chở dân giao ước của Đức Chúa Trời khỏi sự phán xét.

Chúa muốn phán rằng Ngài “đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi” (Hê-bơ-rơ 9:26). Chúa muốn phán rằng nhờ huyết Ngài đổ ra, mà Chúa sẽ làm ứng nghiệm hoàn toàn nghi thức làm đổ “huyết của bò đực và dê đực” không bao giờ làm được suốt hàng thế kỷ qua (Hê-bơ-rơ 10:4). Chúa muốn phán rằng sự chết hy sinh của Ngài sẽ khiến Đức Chúa Trời “tỏ lòng thương xót đối với sự gian ác” của tất cả các dân giao ước của Ngài thuộc trong mọi thời đại và “không còn ghi nhớ tội lỗi họ nữa”.

Tại sao giao ước cũ không còn nữa

Theo thống kê, Cơ Đốc giáo hiện nay là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, khác với Do Thái giáo. Nhưng đối với Đấng sáng lập Cơ Đốc giáo và thế hệ môn đồ đầu tiên hoặc là thứ hai của Ngài, thì “Cơ Đốc giáo” ngày nay đã từng là Do Thái giáo. Hy vọng về Đấng Mê-si vĩ đại của Do Thái giáo ngày xưa đã được ứng nghiệm và không cần các thầy tế lễ của giao ước cũ làm sinh tế nữa. Đó là (và hiện là) Do Thái giáo trong giao ước mới.

Thư tín Hê-bơ-rơ cung cấp lời giải thích sâu sắc nhất về lý do tại sao giao ước cũ phải được thay thế bằng giao ước mới. “Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai” (Hê-bơ-rơ 8:7). Vậy, giao ước đầu tiên thiếu gì? Chúng ta cần phải nghiên cứu thư tín Hê-bơ-rơ một cách đầy đủ và cẩn thận thì mới hiểu được toàn bộ bức tranh. Nhưng tôi sẽ đề cập hai lý do chính.

Không có sức mạnh để đánh bại tội lỗi

Đầu tiên, chúng ta thấy qua lời tiên tri của Giê-rê-mi: “Vì họ [dân Y-sơ-ra-ên] không bền giữ lời ước ta, nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán” (Hê-bơ-rơ 8:9). Tức là Đức Chúa Trời “có ý trách” họ (Hê-bơ-rơ 8:8), không phải trách giao ước cũ đâu. Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, từ khi ra khỏi Ê-díp-tô cho đến sự xuất hiện của Đấng Christ, nhiều sử ký ghi lại rằng họ đã không làm đúng giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với họ tại núi Si-nai. Giao ước này đã được ghi trong luật pháp của Môi-se chứng minh rằng dân sự không thể giữ luật pháp bởi vì một vấn đề rất hiểu nhiên và phổ biến đó là bản chất tội lỗi của con người. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng:

Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành . . . [Nhưng] ấy là tội lỗi [nổi loạn chống nghịch luật pháp của Đức Chúa Trời] đã làm cho tôi chết, hầu khi nó nhân điều lành làm chết tôi, tự bày ra nó là tội lỗi; đến nỗi tội lỗi nhân điều răn trở nên cực ác. (Rô-ma 7:12-13)

Nói cách khác, giao ước đầu tiên có sức mạnh để phơi bày tội lỗi, nhưng không có sức mạnh để giải phóng con người khỏi tội lỗi. Điều này đã tạo ra thậm chí đối với những người tuân giữ luật pháp cũng phải cất tiếng kêu lên rằng: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7:24).

Không có huyết chuộc tội

Lý do thứ hai giao ước cũ chưa trọn vẹn là vì những của lễ hy sinh, được dâng lên mỗi năm, không thể làm cho dân sự được trọn lành. “Nếu được thì họ đã ngưng dâng sinh tế rồi” trước giả thư Hê-bơ-rơ lý luân. “Nhưng các sinh tế đó chẳng qua là để nhắc nhở hằng năm về tội lỗi. Vì máu của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được” (Hê-bơ-rơ 10:1-4).

Giao ước cũ đã nói rõ là “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). Nhưng khi giao ước cũ thiếu sức mạnh để giải phóng con người khỏi tội lỗi, thì huyết của động vật trong giao ước cũ cũng thiếu sức mạnh để chuộc hết tội lỗi của con người. Tất cả sinh tế có công dụng nhắc nhở tội nhân về sự “khốn nạn”, là bản chất tội lỗi của họ — rồi chỉ họ hướng tới một sinh tế cuối cùng, đang đến, hiệu quả, một lần đủ cả.

Lời hứa trong giao ước mới

Những gì chúng ta thấy đã được tiên đoán trong lời tiên tri của Giê-rê-mi là Phúc Âm của Đấng Mê-si sẽ bày tỏ: Ý muốn của Đức Chúa Trời để giải quyết hai vấn đề lớn này “một lần đủ cả” (Hê-bơ-rơ 10:10).

Trong giao ước mới, Đức Chúa Trời đã hứa với dân sự rằng Ngài sẽ “để luật pháp trong trí họ và ghi tạc vào lòng họ” (Hê-bơ-rơ 8:10). Đây là lời chỉ điểm cho một luật pháp tốt hơn, “luật pháp của Thánh Linh sự sống” (Rô-ma 8:2) là Đấng có quyền giải phóng họ ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, tức là “thân thể hay chết” của họ. Đó là một con đường dẫn đến sự tái sinh, là quá trình để dân giao ước của Đức Chúa Trời được “lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống” (1 Phi-e-rơ 1:3). Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ trở thành tạo vật mới để gìn giữ luật pháp công bình của Đức Chúa Trời, giờ đây đã được viết trên tấm lòng mới của họ và biến đổi tâm trí của họ nên mới (Rô-ma 12:2).

Trong giao ước mới, Đức Chúa Trời sẽ “Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ [dân giao ước của Ngài], và [Ngài] không nhớ đến tội lỗi họ nữa” (Hê-bơ-rơ 8:12). Đây là lời chỉ điểm cho một sinh tế tốt hơn, mà huyết của Ngài đã đổ ra có sức mạnh để chuộc hết thảy tội lỗi của họ. Đó là lời chỉ điểm cho “một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời” (Hê-bơ-rơ 10:14). Nếu Đức Chúa Trời không còn nhớ tội lỗi mà dân giao ước của Ngài đã vi phạm, thì họ không còn ở trong tình trạng phải được nhắc nhở về sự “khốn nạn” của tội lỗi mình nữa.

Hãy làm điều này để nhớ ta

Đây là thế giới của ý nghĩa ở trong mấy lời Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ khi Ngài cầm cái chén. Nhưng lần này, tôi sẽ trích dẫn từ sứ đồ Phao-lô để áp dụng mấy lời của Chúa Jêsus:

“Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta”. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. (1 Cô-rinh-tô 11:25-26)

Bữa tiệc vượt qua trong giao ước mới mà chúng ta gọi là “Lễ tiệc thánh” không phải như vài người tin rằng Chúa Jêsus đổ huyết ra một lần nữa để tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cũng không phải là sự nhắc nhở về tình trạng tội lỗi của chúng ta đâu. Mà để nhớ lại sự hy sinh một lần đủ cả trong giao ước mới mà Chúa Jêsus đã làm vì chúng ta. Khi chúng ta dự tiệc này, hãy lắng nghe Đức Chúa Cha phán rằng: “Con đã đổ huyết ra để tha thứ tội lỗi của ngươi, nên Ta sẽ không nhớ tội lỗi ngươi nữa”.

“Lễ tiệc thánh là để nhớ lại sự hy sinh trong giao ước mới một lần đủ cả mà Chúa Jêsus đã làm vì chúng ta”.

Hơn nữa, chúng ta nghe Đức Chúa Cha phán rằng: “Ta sẽ làm Ðức Chúa Trời của các ngươi, các ngươi sẽ làm dân ta. . . . ngươi sẽ nhìn biết Ta” (Hê-bơ-rơ 8:10-11). Vì đó là trọng tâm của giao ước mới. “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 3:18).

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .