Gần đây, tôi đang chia sẻ ở nơi nổi tiếng là thù nghịch với Phúc Âm. Công tác mở mang Hội thánh ở đó thật khó khăn. Một phần nhỏ các Hội thánh mạnh mẽ đang phát triển, nhưng chậm rãi. Tôi ngưỡng mộ các mục sư, các nhà truyền giáo và những người đi mở mang Hội thánh nhiều hơn mấy lời tôi nói ra ở đây; thật là vui và vinh dự khi dành thời gian với họ.
Trong một bữa ăn với nhiều người trong số họ, một mục sư đã nói rằng: “Tôi biết rất rõ mình sẽ dành phần đời còn lại để phục vụ ở giữa sự chống đối rất gay gắt có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi mọi việc trở nên tốt hơn. Nhưng giả dụ sự phục hưng thật bùng nổ, dù ở trong một Hội thánh hay ở một nơi lớn hơn. Tôi phải ưu tiên điều gì đây?”
‘Giả dụ sự phục hưng thật bùng nổ.
Tôi phải ưu tiên điều gì đây?’
Hỏi rất hay – ít nhất là vì người này không bị lạc trôi vào chủ nghĩa bi quan. Trong lúc vẫn trung tín làm những việc nhỏ, người này tin rằng tay của Chúa không ngắn đến nỗi không thể làm sự cứu rỗi. Mục sư có một ý tưởng cực hay về sự tin kính ở trong chức vụ phải như thế nào khi sự chống đối vẫn còn rất gay gắt, nhưng ông không biết làm sao để sắp xếp những ưu tiên ở trong cuộc sống của mình lỡ như Chúa rủ lòng thương xót mà thăm viếng ông và làm ra sự cải cách cũng như phục hưng.
Tôi đã từng sống trong thời điểm như vậy một vài lần. Vào năm 1970–71, khi Cuộc phục hưng của người Canada xảy ra khắp các nơi ở phía Tây Canada – bắt đầu từ mục vụ của đôi song sinh Sutera – tôi đang làm mục sư cho một Hội thánh ở British Columbia. Tôi đã chứng kiến sự nhân bội chưa hề có (cho Quebec) xảy ra với khoảng 35 Hội thánh nói tiếng Pháp chỉ có chừng 500 tín hữu, trong tám năm liền (1972–80).
Quan trọng hơn nữa, tôi đã cố gắng tìm đọc về các cuộc phục hưng ở trong lịch sử xảy ra khắp các góc đất, một phần là để tư tưởng lại điều gì thực sự là của Đức Chúa Trời và điều gì không phải thuộc về Ngài. Dựa vào những trải nghiệm, sách vở và sự hiểu biết Kinh Thánh, dưới đây là danh sách những điều nên làm và không làm khi phục hưng xảy ra.
1. Hãy nghiêm túc tìm đọc tài liệu về sự phục hưng thật và giả.
Chúng ta không thể làm được gì hay hơn ngoài việc bắt đầu với Câu chuyện Trung tín về Công tác Kinh ngạc của Đức Chúa Trời và Suy luận về Tình cảm Tôn giáo, cả hai đều là của Jonathan Edwards. Trong khi Edwards rất cởi mở về nhiều hiện tượng khác nhau, nhưng bài kiểm tra thực sự không phải là hiện tượng mà là sự công bình của Đức Chúa Trời và sự ngay thật của Phúc Âm.
Khoảng một thế kỷ sau thời của Edwards, vài “cuộc phục hưng” ở Kentucky và những nơi khác đã tạo ra một số lượng trẻ em ra đời bất hợp pháp trong vòng chính tháng sau đó. Ai cũng đoán được lý do: cảm xúc mãnh liệt thường đi kèm với sự thân mật, nếu phục hưng không đến từ Đức Chúa Trời, thường tạo ra nhiều em bé hơn là sự công bình. Sự hiểu biết về lợi dụng dễ dàng tạo ra một kiểu hoài nghi, trong khi say mê với sự phục hưng dễ dàng tạo ra sự ngây thơ. Đừng hoài nghi; đừng cả tin; hãy sáng suốt.
2. Tra xét lòng của chúng ta.
Hãy coi chừng tấm lòng của chúng ta và thổi bùng ngọn lửa sốt sắng về Đấng Christ của mỗi cá nhân. Hãy tận dụng những công cụ thiết yếu của ân điển. Thay vì để cho dư âm của sự phục hưng tác động mình, hãy liên tục quay lại với việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, tự tra xét mình và thừa nhận tội lỗi, từ bỏ thú vui của cái tôi, lấy làm vui về thập tự giá, trung tín truyền giảng, phục vụ và trông đợi sự vinh hiển hầu đến.
Nếu chúng ta dựa dẫm vào thứ đồ ăn đến từ phong trào phục hưng, không dùng đến những công cụ thiết yếu của ân điển, chúng ta sẽ dễ dàng bị kiệt sức khi theo đuổi sự thỏa mãn tức thì mà chẳng có chút dinh dưỡng nào cả.
3. Hướng mọi người đến với Chúa Jêsus.
Khi phục hưng xảy ra, đám đông sẽ bộc lộ sẽ có nguồn năng lượng dồi dào về những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Đối với người nào hầu việc Chúa, hãy định hướng cho nguồn năng lượng đó về với việc đọc Kinh Thánh và sự cầu nguyện, sự thờ phượng chung đầy dẫy Lời Chúa – đừng mong chờ những trải nghiệm phục hưng mà hãy hướng lòng về Chúa Jêsus. Phục hưng xảy ra là để thôi thúc và kêu gọi chúng ta phải càng trung thành với sự giảng giải Kinh, chứ không phải rải rác những chuyện phiếm ở trước mặt mọi người để làm xong thủ tục mà chẳng có ý nghĩa gì cả.
Đừng hoài nghi; đừng cả tin;
hãy sáng suốt.
Một trong những điều đã xảy ra liên quan đến phong trào Quebec đó là tầm nhìn thiết lập SEMBEQ (Chủng viện Tin Lành Báp-tít Quebec), đã trở thành ống dẫn cho việc đào tạo thế hệ lúc bấy giờ và trong tương lai về thần học và người chăn bầy. Có rất nhiều phong trào thuần túy đến từ Đức Chúa Trời nhưng lại kết thúc bằng sự ngớ ngẩn và kỷ niệm, vì nguồn năng lượng xảy ra trong lúc phục hưng không được hướng tới sự đào tạo thêm.
4. Tránh xa báo chí.
Thật dễ hiểu vì đó là điều không khả thi và không đáng cân nhắc – nhưng hãy nỗ lực để đạt được điều đó. Nếu chúng ta đang phục vụ ở trong thời kỳ phước hạnh lớn lao mà Chúa thương xót, thì đừng đăng tải tin tức, “thổi phồng” mọi thứ, hoặc quảng bá rầm rộ. Hãy làm việc để mở rộng mục vụ bằng mọi cách, nhưng phải làm bằng sự phục vụ, sự dạy dỗ, sự giảng luận hơn là quảng cáo rầm ren.
Tất nhiên, rốt cuộc báo chí cũng tìm đến chúng ta. Vậy thì, chúng ta phải trả lời nhưng câu hỏi bằng sự khiêm nhường, nhấn mạnh thật nhiều vào ân điển vô hạn của Đức Chúa Trời, từ chối hết mực để ca ngợi “ngôi sao” và “người nổi tiếng”. Đừng rơi vào hàng ngũ “các chuyên gia”, cố gắng phân tích cơn phục hưng rồi “lèo lái” phục hưng sang đủ mọi hướng.
Một trong những lợi ích mà người ta nhận được từ sự kiện Quebec vào giữa năm 1972 và 1980 đó là rào cản ngôn ngữ: hầu hết phóng viên Hoa Kỳ đổ dồn vào những người không giỏi tiếng Pháp để tìm hiểu câu chuyện. Tất nhiên, hình thức loan tin nhanh nhất của ngày hôm nay (kể cả tin xấu nữa) không còn đến từ các cơ quan ngôn luận gọi là “báo chí” nữa, mà là từ mạng xã hội – đó mới là vấn đề gây đau đầu.
Nhưng giữa vòng các lãnh đạo mà chúng ta đang có ảnh hưởng, hãy khuyến khích mọi người tập chú vào điều đúng: giữ mình, không xuất hiện trong các bài viết lăng mạ, im lặng kiên trì với mục vụ một cách trung tín đồng thời cảnh giác với cơ hội nổi tiếng, đặc biệt là từ chính việc mình làm.
5. Không mánh khóe.
Trong cuộc phục hưng của người Canada, tôi nhớ tới lời chứng ngẫu nhiên của một người đang lo việc của mình, một người đi làm sống rất hạnh phúc không để ý tới phong trào đang xảy ra, đột nhiên anh ta bị thôi thúc phải đi tới nhà thờ ở Saskatchewan là nơi đang có cơn phục hưng. Lúc đó, Đức Thánh Linh cáo trách lúc anh ta lắng nghe Phúc Âm rồi được cứu và biến đổi một cách ngoạn mục. Lời chứng của anh ta rất cuốn hút, đầy thuyết phục và mạnh mẽ vô cùng – một công cụ mà Đức Chúa Trời đã dùng để kéo người khác đến ăn năn và tiếp nhận Chúa.
Nếu chúng ta dựa dẫm vào thứ đồ ăn đến từ phong trào phục hưng, không dùng đến những công cụ thiết yếu của ân điển, chúng ta sẽ dễ dàng bị kiệt sức
Đáng buồn thay, một mục sư (không phải từ Hội thánh đó) gặp người đàn ông này và thuyết phục anh ta đi truyền đạo lưu động để có thể “chia sẻ lời chứng” tại các sân vận động lớn khắp Canada. Tôi nghe nói là ở Vancouver. Cũng mấy lời đơn sơ ấy, cũng câu chuyện quen thuộc, nhưng mọi thứ đã bị rập khuôn.
Từ lời chứng về công tác siêu nhiên của Đức Thánh Linh đã trở thành một trò lôi kéo để đem phục hưng đến khắp mọi nơi. Các lãnh đạo Cơ Đốc đáng lý ra phải hiểu biết nhiều hơn lại dựa dẫm vào những lời làm chứng cảm động đã không còn ân điển lai láng và năng quyền của Đức Chúa Trời nữa, mà trở thành bài giảng thay cho việc rao giảng Đấng Christ và thập tự giá. Có rất nhiều thí dụ cho thấy lằn ranh giữa sự nhiệt thành và mánh khóe là rất mỏng manh.
6. Đừng tưởng rằng phong trào đến từ Đức Thánh Linh phụ thuộc vào chúng ta.
Tại sao trong suốt thế kỷ 20, Hàn Quốc đã chứng kiến số người cải đạo và sự trưởng thành về thần học tăng vọt một cách đáng kể trong khi Nhật Bản vẫn lục đục với số lượng ít ỏi như vậy? Chúng ta có nên kết luận rằng các lãnh đạo Hàn Quốc có khả năng hoặc được ơn nhiều hơn người Nhật Bản chăng? Tại sao vua Giô-si-a khơi dậy cơn phục hưng toàn quốc, còn tiên tri Giê-rê-mi sống cả đời trong nước mắt, buồn chán và đoán xét như vậy?
Nếu Đức Chúa Trời cho chúng ta vinh dự được dự phần trong giai đoạn phục hưng lớn, thì hãy cảm tạ Chúa vì cơ hội đó, hãy dâng đời sống mình làm ống dẫn phước hạnh trung tín của Đức Chúa Trời, nhưng đừng giả định – dù chỉ một giây phút nào – rằng Đức Chúa Trời thật hay khi dùng mình. Hãy miệt mài trong sự khiêm nhường.
7. Coi chừng nguy hiểm len lõi vào sự phổ biến của phong trào.
Rất nhiều học giả đã quan sát thấy ngày nay có những khu vực ở Bắc Mỹ, số lượng Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa đang rơi rụng một cách chóng mặt. Điều này là do các thế lực xã hội và văn hóa đang cách ly và nghịch lại Cơ Đốc nhân lẫn Cơ Đốc giáo. Hễ nơi nào có sự thù địch, số lượng Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa sẽ rơi rụng. Thế giới sẽ càng dễ nhận ra ai là người tin Chúa thật.
Tuy nhiên, ngược lại, một phong trào được phổ biến thì sẽ đối diện với một loạt nguy hiểm. Thường thì một phong trào cải cách và phục hưng bị chống đối từ lúc bắt đầu, nhưng một khi đã phổ biến thì rất nhiều người muốn tham gia. Điều này có nghĩa là các lãnh đạo cần phải cầu hỏi Đức Chúa Trời để biết phân biện.
8. Hạn chế đưa ra những giải thích hoàn toàn theo chủ nghĩa tự nhiên.
Khi một phong trào phục hưng xảy ra, dĩ nhiên là sau khi kết thúc, nhiều người sẽ hỏi sự kiện này xảy ra như thế nào. Thông thường, danh sách sẽ là: một nhóm anh chị em cầu nguyện, một giai đoạn sa sút thuộc linh làm cho vài người muốn thay đổi, xung đột văn hóa (ở Quebec, từng là “Cách mạng Thầm lặng”) và nhiều lý do khác nữa. Chúng ta cần phải nhìn vào một hiện tượng như thế ở trong ơn thần hựu của Đức Chúa Trời.
Một phong trào được phổ biến thì sẽ đối diện với một loạt nguy hiểm.
Tuy nhiên, có một cách tường thuật không hay về những hiện tượng này – đó là nói rằng những điều này tự động tạo ra cơn phục hưng, nói như vậy là ngụ ý rằng tự mình chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều hiện tượng như vậy nữa.
Tuy nhiên, một chút suy gẫm cho biết rằng hết thảy những điều đi kèm với hiện tượng văn hóa nào đó có thể xảy ra mà không cần sự phục hưng. Không ai dự đoán được cơn phục hưng sẽ xảy ra dựa vào mấy hiện tượng cơ bản như thế đâu. Ai biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì. Các phân tích chi tiết chẳng làm được gì ngoài việc quảng bá cho cái tôi của chúng ta. Các thống kê nhằm để gây ấn tượng với ngụ ý cho rằng chúng ta mới là những kẻ điều khiển phong trào, mặc dù chúng ta chẳng dám nói ra đâu.
Hãy suy gẫm về sự phức tạp đồ sộ ở trong lịch sử và văn hóa. Hãy sáng suốt nhận ra bàn tay thần hựu của Đức Chúa Trời ở trong mọi việc. Nhưng hãy chừa thật nhiều chỗ cho sự công nhận rất đơn sơ rằng: “Đây là việc Chúa làm, thật kỳ diệu làm sao”.