7 Th10, 2022

Kinh Thánh không bỏ được của Đấng Christ

Chúa Jêsus tin gì về Kinh Thánh?
Kinh Thánh không bỏ được của Đấng Christ
Image

Góc nhìn của Tiên Phong
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh thánh không thể bỏ được, thì ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo ta là nói lộng ngôn? (Giăng 10:35-36)

Nếu chúng ta là Cơ Đốc nhân, về mặt định nghĩa thì chúng ta phải là những người tin vào những gì Chúa Jêsus dạy. Chúa là Con Đức Chúa Trời. Chúa là Cứu Chúa và là Chủ. Chúng ta phải bắt chước theo tấm gương của Ngài, làm theo mạng lịnh của Ngài, và đón nhận sự hiểu biết Kinh Thánh mà Chúa đã dạy và nghĩ. Chắc chắn, khi làm vậy chúng ta là những kẻ khôn ngoan tin vào Lời Chúa giống như những gì Chúa Jêsus tin về Lời Chúa.

Nếu chúng ta chưa tin Chúa, tôi nghĩ chúng ta vẫn sẽ quý trọng những gì Chúa Jêsus phán. Hầu như hết thảy mọi người, ngay cả những người thuộc về các tôn giáo khác, họ tin rằng Ngài là một người tử tế và là một tiên tri lớn. Vì thế, nếu chúng ta nghiên cứu về Cơ Đốc giáo, hoặc là cố gắng tìm hiểu không chỉ những gì Cơ Đốc nhân tin, mà còn cơ sở cho niềm tin của họ nữa, thì đây là một trong những chỗ tốt nhất để bắt đầu: hãy tìm hiểu những gì Chúa Jêsus tin về Kinh Thánh.

Có lẽ chúng ta không nghĩ Chúa Jêsus có Kinh Thánh. Giả như Chúa Jêsus không có quyển Kinh Thánh King James ở nhà. James không phải là vua lúc bấy giờ, còn người ta không có sách đọc vào thời ấy. Nhưng họ có những cuộn giấy da, không phải ở nhà của họ mà ở trong các nhà hội. Những cuộn giấy da ấy là vật sở hữu quý giá nhất trong cộng đồng. Buổi nhóm của người Do Thái tập trung vào việc đọc và giải thích những bản viết tay ấy. Chúa Jêsus, giống như người Do Thái vào thế kỷ đầu tiên, cũng quen dùng Kinh Thánh tiếng Hy-bá-lai, còn chúng ta gọi là Cựu Ước.

Vậy là thêm một lần nữa, tôi muốn hỏi là: giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus là gì? Trong chương này, tôi không hỏi Chúa Jêsus đã giải nghĩa Kinh Thánh hay đã làm ứng nghiệm Kinh Thánh như thế nào, hay là Chúa đã dạy gì từ Kinh Thánh. Tôi chỉ nhắm đến một câu hỏi đơn giản mà quan trọng là: Chúa Jêsus tin gì về Kinh Thánh? Trừ khi chúng ta dám nói Chúa Jêsus có sự sai sót, hoặc là Ngài không dám nói hết những gì muốn nói về Kinh Thánh, thì chúng ta phải kết luận rằng: những gì Con Đức Chúa Trời toàn hảo tin về những bản viết tay năm xưa, thì chúng ta cũng tin như vậy. Không được có sự mâu thuẫn trong việc khẳng định rằng: giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus cũng phải là giáo lý về Kinh Thánh của chúng ta.

Vậy thì, giáo lý về Kinh Thánh của Ngài là gì? Để tìm hiểu điều này, hãy bắt đầu từ sách Phúc Âm của sứ đồ Giăng rồi sau đó tìm hiểu vài phân đoạn Kinh Thánh ở trong sách Ma-thi-ơ.

Không bó buộc và không sứt mẻ

Phản ứng của Chúa Jêsus ở trong Giăng 10:35-36 là một trong những điều quan trọng nhất mà Ngài từng phán. Ấy cũng là một trong những điều rối ren nhất nữa. Khi biết rõ bối cảnh thì sẽ dễ hiểu hơn nhiều.

Người Do Thái muốn ném đá Chúa Jêsus (câu 31) bởi vì Ngài, là con người, dám tôn mình lên bằng với Đức Chúa Trời (câu 33). Chúa Jêsus đã đáp lại lời buộc tội này bằng cách trích dẫn Thi thiên 82. Chúa đã dựa vào Kinh Thánh (“luật pháp” [Giăng 10:34] ở trong tình huống này có thể hiểu là “Kinh Thánh” [câu 35]) để kháng cáo lại lời buộc tội nói Ngài đã phạm thượng. Người Do Thái nổi giận vì Chúa ám chỉ chính Ngài là “Con Đức Chúa Trời”, cho nên Chúa Jêsus nhắc họ nhớ lại trong Kinh Thánh của họ có từ ngữ “các thần” (elohim) dùng để ám chỉ các vua gian ác (hay là các quan xét, hay là thẩm phán, hay là một số kẻ có thẩm quyền). Từ ngữ “thần” ở trong Thi thiên 82:6 làm cho chúng ta bị bối rối, nhưng trước giả Thi thiên là kẻ nói thay Đức Chúa Trời ở chỗ này đang sử dụng lời lẽ mỉa mai: “Kìa, ta biết các ngươi quan trọng đến nỗi trở thành các thần ở giữa loài người, nhưng các ngươi cũng sẽ chết như ai mà thôi”. Chúa Jêsus không cố chứng tỏ thần tánh của Ngài khi trích dẫn từ ngữ gây tò mò trong Thi thiên 82. Chúa đang muốn đập tan sự giả hình của kẻ thù: “Các ngươi tức tối về từ ngữ “Đức Chúa Trời”, nhưng Kinh Thánh nói mấy kẻ như thế là “các thần”. Các ngươi phải làm tốt hơn thế chứ, sao lại kiện cáo Ta chỉ vì một danh xưng”.

Phần quan trọng ở trong lập luận của Chúa Jêsus (để chúng ta suy xét) là lời ứng khẩu của Ngài: “Kinh Thánh không thể bỏ được” (Giăng 10:35). Chúa Jêsus bênh vực cho mình ở chỗ này, Ngài không làm rõ quan điểm của mình từ Ngũ Kinh hay là từ một phân đoạn quá cao siêu trong Ê-sai. Chúa đang làm rõ vấn đề của Ngài từ một từ ngữ trong một Thi thiên ít ai biết. Nhưng Ngài không cần chứng minh rằng Thi thiên 82 có thẩm quyền. Chúa Jêsus cố thuyết phục kẻ thù của Ngài rằng: “Kinh Thánh không thể bỏ được”. Ngài chỉ khẳng định rằng lẽ thật là cơ sở chung mà họ có thể nhất trí với nhau. Đối với Chúa Jêsus, bất kỳ điều gì từ Kinh Thánh, từ lời lẽ của một cá nhân nào đó cho đến các phân đoạn ít được nói tới, đều sở hữu thẩm quyền tuyệt đối. Robert Watts đã từng nói về Chúa Jêsus rằng: “Theo đánh giá chính xác của Ngài, thì tính không sai lạc của một câu, hay một mệnh đề trong câu, hay một cụm từ trong mệnh đề, là đủ chứng cớ để hình thành nên một đoạn mà người Do Thái gọi là . . . ‘Kinh Thánh’”.1 Từ “bỏ” (luo) có nghĩa là buông, thả, gạt bỏ, hay hủy bỏ. Trong Giăng 10:35, từ luo mang ý nghĩa phá vỡ, hủy bỏ, hay mất hiệu lực. Đó là cách Chúa Jêsus khẳng định rằng không có từ ngữ nào trong Kinh Thánh có thể bị bóp méo. Không có lời hứa hoặc lời đe họa nào mà không được ứng nghiệm. Không có lời tuyên bố nào là sai lầm. Giống như người Do Thái đang lắng nghe Ngài, Chúa Jêsus tin Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, mà như vậy sẽ là bất kính khi cho rằng Lời Chúa phán, hay Lời Chúa được viết ra, là thiếu sót, sai trật, hay bỏ đi.

Không có một chấm, một nét

Phân đoạn thứ hai mà chúng ta sẽ tìm hiểu để thấy được giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus là Ma-thi-ơ 5:17-19 chép rằng:

Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.

Cũng từ ngữ dùng trong Giăng 10:35 (luo) được dịch là “hủy” ở trong Ma-thi-ơ 5:19. Ý muốn nói chủ yếu cũng tương tự. Chúa Jêsus quở trách kẻ nào gạt bỏ hay làm suy yếu thậm chí “điều cực nhỏ” ở trong điều răn của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus dùng vài phạm trù có tính hoán đổi – “luật pháp hay lời tiên tri”, “luật pháp”, “những điều răn” – cho thấy rằng Ngài không chỉ nghĩ đến những mạng lịnh ở trong Ngũ Kinh, mà còn  toàn bộ Lời của Đức Chúa Trời nữa. Chúa nói đến “một nét” (chữ cái nhỏ nhất ở trong bản chữ cái của tiếng Hy Lạp) và “một chấm” (những cái móc hay dấu để phân biệt những chữ cái tương tự trong tiếng Hy-bá-lai), chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Jêsus đang nghĩ đến Lời của Đức Chúa Trời đã được viết ra. Không có dấu chấm cực nhỏ nào ở trong Kinh Thánh bị hủy bỏ khi Đấng Christ đến. Nhưng phải được ứng nghiệm và được hiểu rõ hơn khi Chúa đến, không được hủy bỏ. Người nào hủy điều cực nhỏ trong Kinh Thánh đáng bị gọi là cực nhỏ trong nước thiên đàng. Chúng ta không thể tìm được ở đâu cho thấy lòng tin quyết vào Kinh Thánh ngoài những gì Chúa Jêsus đang bày tỏ rất dễ hiểu ở trong phân đoạn này.

Nhưng ai đó sẽ hỏi rằng: không phải Chúa Jêsus có lần tranh luận Cựu Ước cũng có chỗ sai hay sao? Có phải Chúa sửa lại Kinh Thánh trong vài trường hợp đó chăng? Trông có vẻ như vậy, nhưng xét kỹ hơn thì chúng ta thấy Đấng Christ không hề sửa một câu Kinh Thánh nào khi đã được giải nghĩa và áp dụng thật đúng đắn. Thí dụ, một cáo buộc cho rằng Chúa Jêsus hủy bỏ những đòi hỏi về ngày Sa-bát, như vậy là vi phạm chính nguyên tắc của Ngài và vặn vẹo Kinh Thánh. Nhưng thật ra, Chúa Jêsus đã dựa vào Kinh Thánh – khi đề cập câu chuyện Đa-vít và những kẻ theo ông đã ăn bánh trong đền thờ – cho thấy rằng người Pha-ri-si đang áp đặt những tiêu chuẩn trái với lời dạy của Kinh Thánh (Mác 2:23-28).

Cũng có lời cáo buộc rằng Chúa Jêsus đã bỏ luật pháp khi tuyên bố hết thảy đồ ăn là tinh sạch (Mác 7:19). Nhưng đây là một thí dụ hoàn hảo để cho thấy điều Chúa Jêsus muốn nói là Ngài đã đến để làm trọn luật pháp. Chúa Jêsus không hề nghi ngờ ý định ban đầu của luật pháp về sự tinh sạch hay là mạng lịnh chân thật của luật pháp. Tuy nhiên, Ngài cho thấy một sự hiểu biết sâu xa hơn về mạnh lịnh này, họ phải quy phục Đấng Christ thì mới có được sự tinh sạch và sự thanh tẩy mà họ cần (câu 18-23).

Cũng vậy, một vài Cơ Đốc nhân vẫn còn cho rằng Chúa Jêsus không nhất quán với Ngũ Kinh về sự ly dị và Kinh Thánh mắc sai lầm ở chỗ quan trọng này. Nhưng thực tế mà nói, Chúa Jêsus không bát bỏ điều răn của Môi-se; Chúa đã cung ứng một giải nghĩa tốt hơn cho điều răn ấy. Trong khi người Do Thái trọng sự tự do hơn đã áp dụng luật pháp của Môi-se để cổ xúy cho sự ly dị bất chấp mọi lý lẽ, thì Chúa Jêsus đã chỉ họ thấy ý nghĩa thật của bản văn. Sự ly dị được coi là sự nhượng bộ cho những trường hợp quan hệ tình dục trái đạo đức xảy ra (Ma-thi-ơ 19:3-9).

Thí dụ khó nhất là lời phê bình của Chúa Jêsus ở trong Ma-thi-ơ 5:38 về luật “mắt đền mắt” ở trong giao ước của Môi-se. Đối với phần còn lại của “các ngươi có nghe lời phán rằng” ở trong Ma-thi-ơ 5, Chúa Jêsus ám chỉ vài điều của người Pha-ri-si giả hình hay là lời truyền khẩu được chép lại, mà Ngài đã trích lại từ Cựu Ước. Nhưng một lần nữa, chúng ta thấy Chúa Jêsus không hề sửa Kinh Thánh, mà sửa hướng áp dụng của bản văn ấy. Cái gọi là lex talionis (luật trả thù) được đề cập vài lần trong Ngũ Kinh (Xuất 21:24; Lê-vi-ký 24:20; Phục truyền 19:21). Luật pháp, là cơ sở để thi hành công lý, dùng để trừng phạt những kẻ sai trái bảo vệ cộng đồng. Còn chúng ta lại muốn luật pháp trở thành công cụ để làm điều ác và trả thù. Nhưng luật pháp vốn dĩ ngăn cấm những hành vi xấu xa như vậy đối với hành vi phạm tội. Nguyên tắc “mắt đền mắt” cấm đoán những bản án không công bằng. Trong khi nguyên tắc này miêu tả một sự trừng phạt công bằng thì nó cũng bài trừ bất kỳ việc làm nào khác, chứ không chỉ mắt đền mắt. Nguyên tắc ấy không cho phép trả thù cá nhân hay là theo dõi, ngay cả khi đó là cách nhiều người trong thời Chúa Jêsus hiểu về mạng lịnh. Các lãnh đạo Do Thái đang làm sai khi đặt ra luật pháp và biến nó thành công cụ trả thù cá nhân của họ. Chúa Jêsus đã sử dụng đúng – và chính xác bản văn Kinh Thánh – để sửa lại sự lạm dụng bản văn.

Trong bài giảng trên núi, đặc biệt là Ma-thi-ơ 5, Chúa Jêsus muốn dân sự của Ngài biết ý nghĩa thật của Kinh Thánh. Chúa không muốn sửa lại Kinh Thánh. Ngài muốn chỉ ra tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với tấm lòng của loài người. Chúa không muốn Lời của Đức Chúa Trời bị hủy hoại bởi lời truyền khẩu của loài người hay lập luận thiếu suy xét của họ. Thay vì thế, mỗi chấm trong Kinh Thánh phải được áp dụng vào trong mỗi khía cạnh môn đồ hóa của Cơ Đốc nhân. Donald Macleod viết rằng: “Đối với Chúa Jêsus, sự trung thành với một nét một chấm ở trong Kinh Thánh không phải là chủ nghĩa luật pháp hay thoái thác một vấn đề nào đó . . . Giữ trọn một chấm một nét trong luật pháp nghĩa là tránh nổi giận cũng như giết người; ham muốn cũng như gian dâm; thề thốt cũng như bội ước. Điều ấy cũng có nghĩa là đưa luôn má bên kia, đi thêm một dặm, và không khoe khoang khi ban cho”.2 Chúa Jêsus muốn chúng ta có Lời Chúa nhiều hơn trong đời sống của chúng ta, chứ không phải ít đi.

Đây chính xác là điều Chúa Jêsus muốn tóm tắt trong Ma-thi-ơ 23:23, Chúa khuyên dân sự ghi nhớ “những vấn đề trọng tâm của luật pháp: công lý, thương xót và trung tín”, mà cũng không bỏ qua trách nhiệm dâng phần mười bạc hà, hồi hương và rau cần. Rõ ràng, Chúa Jêsus không muốn chúng ta giữ những điều răn nhỏ mà bỏ qua điều răn lớn ở trong Kinh Thánh, nhưng Ngài cũng không cho phép chúng ta phớt lờ những chi tiết rất nhỏ hầu cho chúng ta hiểu đúng bức tranh lớn. Chúa muốn chúng ta làm theo tinh thần của luật pháp và thư tín. Đấng Mê-si của chúng ta là người giảng Kinh, chứ không bao giờ là người sửa lại Kinh Thánh. Ngài làm ứng nghiệm Kinh Thánh, chứ không bóp méo Lời Chúa. Ngài dẹp bỏ những giải nghĩa sai về Kinh Thánh, nhưng khẳng định Kinh Thánh không sai lạc, ngay cả đến một chấm và một nét.

Sự có thật của lịch sử

Bản văn thứ ba để biết quan điểm của Chúa Jêsus về Kinh Thánh là Ma-thi-ơ 12:38-42 chép rằng:

Bấy giờ có mấy thầy thông giáo và người Pha-ri-si thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Bẩm thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ. Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi này mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây này, có một người tôn trọng hơn Giô-na! Đến ngày phán xét, nữ hoàng nam phương sẽ đứng dậy với dòng dõi này mà lên án nó, vì người từ nơi cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan vua Sa-lô-môn; mà đây này, có một người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn!

Câu chuyện này là một thí dụ về cách Chúa Jêsus tiếp cận lịch sử Kinh Thánh như là một bản ký thuật lại những dữ kiện có thật. Nếu bất kỳ chỗ nào trong Cựu Ước bị thách thức, thì phải là câu chuyện về Giô-na. Nhưng, Chúa Jêsus phán quả quyết về Giô-na ở trong bụng của một con cá lớn, giống như chính Ngài và hết thảy những ai lắng nghe Ngài không hề do dự về mức độ chính xác của câu chuyện trong lịch sử vậy.

Rõ ràng là có vài học giả, dù có được tầm nhìn sâu rộng về Kinh Thánh, cũng phải thắc mắc có nên hiểu câu chuyện về Giô-na theo nghĩa đen hay không. Rốt cuộc, câu chuyện không được trích từ sách lịch sử hiển nhiên như Các-vua hoặc Sử-ký, hay là Xuất Ê-díp-tô-ký. Chúa Jêsus có thể nhắc đến câu chuyện về Giô-na giống như chúng ta đề cập một mẫu chuyện từ văn học vậy. Có lẽ Chúa Jêsus chẳng có ý gì khác hơn là “Giô-na” giống như chúng ta nói về “những người từ Gondor” hoặc là “Luke và Obi-Wan” vậy. Có thể Giô-na là một truyền thuyết, còn chúng ta không hề đọc câu chuyện này như là lịch sử.

Sự giải thích trên nghe thật hợp lý, ngoại trừ lời giải thích như vậy chẳng thể làm rõ phần còn lại trong bài giảng của Chúa Jêsus. Nếu Giô-na chỉ là một thí dụ văn học để tham khảo, thì tò mò làm sao khi Chúa Jêsus cũng đề cập về Nữ hoàng Sê-ba rõ ràng là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Trầm trọng hơn nữa, thật khó để giải thích ngôn từ của Chúa Jêsus về những người ở thành Ni-ni-ve đứng dậy để lên án thành Ca-bê-na-um trong ngày cuối cùng nếu tất cả hay gần như toàn bộ câu chuyện Giô-na không được coi là có thật. Giống như nói bóng gió với những người ở Gondor rồi đưa ra một lời cảnh báo nghiêm trọng cho độc giả của chúng ta rằng lũ quái vật của Mordor sẽ đứng dậy lên án và phán xét họ. Thật chẳng có lý gì cả. Cũng như T. T. Perowne nói về nguy hiểm thực sự mà Chúa Jêsus muốn những kẻ nghe Ngài phải suy xét cẩn thận như sau: “Còn như chúng ta nghĩ rằng Chúa phán về những kẻ trong tưởng tượng, lắng nghe bài giảng trong tưởng tượng của một tiên tri trong tưởng tượng, đã ăn năn trong tưởng tượng, sẽ đứng dậy trong ngày đó và phán xét tội lỗi thực sự của những kẻ có thật đang lắng nghe Ngài thì sao?”3 Thật trái ngược làm sao. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Jêsus phán về A-bên, Nô-ê, Áp-ra-ham, Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Y-sác và Gia-cốp, bánh ma-na trong đồng vắng, con rắn trong đồng vắng, Môi-se là người ban luật pháp, Đa-vít và Sa-lô-môn, Nữ hoàng Sê-ba, Ê-li và Ê-li-sê, người đàn bà góa ở Sa-rép-ta, Na-a-man, Xa-cha-ri, và ngay cả Giô-na, không hề nghi ngờ một sự kiện nào, một phép lạ nào, hay là một lời tuyên bố trong lịch sử. Rõ ràng là Chúa Jêsus tin vào sự thật của lịch sử Kinh Thánh.

Thay vì tìm cách “giải cứu” Chúa Jêsus khỏi sự tin quyết của Ngài về lịch sử ở trong Kinh Thánh, chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận rằng: nếu Chúa Jêsus đúng trong cách tiếp cận Kinh Thánh, thì những chú giải cao siêu về Kinh Thánh là sai. Vì trong vòng 150 năm qua, nhiều học giả hiện đại tranh cãi rằng: Cựu Ước nói không đúng sự thật. Năm sách đầu tiên của Kinh Thánh không phải do Môi-se viết (rồi được soạn lại một vài chỗ), nhưng là sản phẩm được dàn dựng công phu từ rất nhiều nguồn khác nhau, vài tư liệu đó có độ tuổi ngàn năm sau thời của Môi-se. Sách Ê-sai cũng không do Ê-sai viết, nhưng do hai hoặc ba “Ê-sai” khác nhau đã tiên đoán những điều sẽ xảy ra trước khi họ viết lại những câu chuyện này. Bất ngờ hơn nữa, nếu các học giả tự do nói đúng, thì Hội thánh đã đọc sai lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên gần hai thiên niên kỷ. Câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên không phải là nỗ lực trung tín với Đức Chúa Trời chân thật và làm theo luật pháp của Ngài trong nhiều thế kỷ. Điều thực sự đã xảy ra là sự phát triển của dân Y-sơ-ra-ên từ thuyết duy linh sang thuyết đa thần đến thuyết độc thần tối cao (chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất; mặc dù vẫn công nhận sự tồn tại của các thần khác) rồi thuyết độc thần cho đến sự thống trị của chủ nghĩa luật pháp dưới thời thầy tế lễ. Các sách cho là có niên đại từ Xuất Ê-díp-tô-ký lại xuất hiện còn muộn hơn thời Ê-xê-chi-ên. Sách 1 Sa-mu-ên tưởng là được viết sau khi có luật pháp, nhưng lại miêu tả cuộc sống của dân Y-sơ-ra-ên trước khi có luật pháp. Còn Ngũ Kinh, thay vì là nền tảng cho đời sống và tín ngưỡng của dân Y-sơ-ra-ên, lại xuất hiện rất lâu sau thời kỳ huy hoàng của dân Y-sơ-ra-ên.4

Đây là phần nào những gì được coi là rất rõ ràng đối với sự uyên bác của ngày nay, nhưng thậm chí chẳng liên quan gì đến những cách mà chúng ta thấy Chúa Jêsus vận dụng Cựu Ước. Chúa Jêsus tin rằng dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự dạy dỗ của Yahweh (Đức Giê-hô-va) trong suốt chiều dài lịch sử của họ; Môi-se ban cho dân tộc mình một giao ước; Ngũ Kinh xuất hiện từ lúc bắt đầu lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, chứ không phải vào cuối lịch sử; còn các tiên tri đã quở trách và dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên vì họ đã không làm theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời đã ban cho tại núi Si-nai. Nhưng nếu những phê bình ngày nay về lịch sử là đúng, thì Chúa Jêsus đã hoàn toàn sai lầm khi đặt niềm tin vào chuyện này. Macleod viết rằng: “Ngài không dò tìm những đầu mối của thuyết duy linh trong thời kỳ sơ khai của dân Y-sơ-ra-ên. Chúa cũng không nhận ra sách Lê-vi-ký là sự phản bội lại thuyết độc thần. Ngài không thấy những câu chuyện giả dối đang cho thấy tác giả là một tập hợp lộn xộn. Chúa hoàn toàn không biết những mâu thuẫn cho thấy Môi-se không hề viết sách Phục truyền Luật lệ ký”. Nói cách khác, Chúa Jêsus “đã đón nhận câu chuyện thần thoại của dân tộc cho nên chẳng đáng được tán thưởng hơn Romulus và Remus”.5

Không phải Chúa Jêsus đáng được tán thưởng nhiều hơn khi Ngài biết rõ lịch sử Do Thái hơn các nhà phê bình người Đức gần hai ngàn năm sau đó sao? Không phải đứng về phía Chúa Jêsus và tiếp nhận quan điểm tối thượng của Ngài về sự thần cảm, cũng như sự hiểu biết hợp lý của Ngài về lịch sử và sử ký trong Kinh Thánh, là an toàn hơn sao? Đôi khi người ta nói với chúng ta rằng: đối với Cơ Đốc nhân, quyền phán quyết cuối cùng thuộc về Đấng Christ, chứ không phải Kinh Thánh. Điều này nói lên rằng Đấng Christ chỉ muốn chúng ta tiếp nhận các phần Kinh Thánh nào tương ứng với đời sống và sự dạy dỗ của Ngài; còn những khía cạnh nào trong Kinh Thánh nói về lịch sử, sử ký và vũ trụ thì không cần chúng ta phải quan tâm, bởi vì Đấng Christ cũng không muốn chúng ta bị những điều đó làm phiền đâu. Một ý niệm được rất nhiều Cơ Đốc nhân tự do và một số người tự xưng là người Tin Lành đưa ra rằng: chúng ta thờ phượng Đấng Christ chứ không phải Kinh Thánh; chúng ta phải để Đấng Christ ra ngoài Kinh Thánh và đặt Ngài là trên hết. Packer hỏi: “Nhưng Đấng Christ này là ai, là Thẩm phán của Kinh Thánh ư? Không phải là Đấng Christ của Tân Ước và lịch sử. Đấng Christ ấy không thể phán xét Kinh Thánh được; nhưng Chúa làm theo và làm ứng nghiệm Kinh Thánh. Ngài xác nhận thẩm quyền của cả Kinh Thánh bằng chính lời nói và việc làm của mình”.6

Người nào có quan điểm đề cao Kinh Thánh thường bị cáo buộc là thờ hình tượng bởi vì quá tôn sùng Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng lời buộc tội này không đúng đối với người nào như thế. “Một Đấng Christ cho phép các môn đồ tôn Ngài làm Thẩm phán của Kinh Thánh, thẩm quyền của Kinh Thánh phải được Ngài xác nhận trước khi được hình thành và những chỗ nào gây bất lợi cho Ngài phải bị bỏ đi, là một Đấng Christ do con người tưởng tượng ra, được ra đời từ trí tưởng tượng của nhà thần học, thái độ của Ngài ấy đối với Kinh Thánh ngược lại với thái độ của Đấng Christ trong lịch sử. Nếu việc xây dựng một Đấng Christ như thế còn chưa vi phạm điều răn thứ hai, thì không biết phải đánh giá như thế nào nữa”.7 Chúa Jêsus có lẽ đã tự nhận chính mình là điểm trọng tâm của Kinh Thánh, nhưng Ngài chưa bao giờ coi mình là Thẩm phán của Kinh Thánh. Chỉ có Chúa Jêsus vượt trên cả Kinh Thánh mới là Chúa Jêsus do chúng ta phát minh ra.

Đấng Tạo Hoá có phán rằng

Phân đoạn cuối cùng của chúng ta để tìm hiểu giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus là Ma-thi-ơ 19. Khi đáp lại câu hỏi của người Pha-ri-si về sự ly dị, Chúa Jêsus lái cuộc đối thoại về Sáng thế ký:

Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? (Ma-thi-ơ 19:4-5).

Các câu Kinh Thánh này quá quen thuộc đến nỗi nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua một lời tuyên bố tuyệt vời của Chúa Jêsus về tác giả của Kinh Thánh. Nếu chúng ta mở ra Sáng thế ký 2:24, chúng ta sẽ thấy dòng trích dẫn của Chúa Jêsus về người nam phải lìa cha mẹ, dính díu cùng vợ mình và trở nên một thịt. Nhưng mấy lời này không đến từ bất kỳ người phát ngôn nào cả. Chúng chỉ là một phần của câu chuyện ở trong bản văn Kinh Thánh. Nhưng bây giờ, hãy nhìn những gì Chúa Jêsus phán mà xem. Sáng thế ký 2:24 không chỉ là một dòng ở trong Kinh Thánh; mà là một lời tuyên bố bởi “Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ”. Ý nghĩa ở chỗ này đã quá rõ ràng: đối với Chúa Jêsus, Kinh Thánh nói gì, tức là Đức Chúa Trời phán. Đây là bản chất trong giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus và là nền tảng để hiểu đúng Kinh Thánh.

Điều này không thể dùng để cãi rằng: Chúa Jêsus chỉ đang mượn lời của thính giả để chinh phục họ mà thôi. Ở nhiều chỗ khác – mọi thứ từ những khái niệm của cả dân tộc về Đấng Mê-si, đến những lời truyền khẩu của người Pha-ri-si, rồi cách họ đối xử với Dân ngoại và phụ nữ – Chúa Jêsus đã tỏ ra không quan tâm đến việc phải nói đến những chỗ khó chịu của thính giả. Nhưng khi Ngài không ngại sửa lại những giải nghĩa Kinh Thánh sai trật của họ, thì cũng không có gì cho thấy Chúa Jêsus nghĩ những người Do Thái này đã quá tôn sùng Kinh Thánh. Nếu họ sai về một vấn đề như thế, thì Ngài cũng không để yên điều này quá lâu. Chúa đã sửa lại những niềm tin của họ về Kinh Thánh cũng giống như Ngài đã sửa phạt họ vì “những giáo lý khác của loài người”.

Chúa Jêsus không gặp vấn đề trong việc nhắc đến các trước giả Kinh Thánh như Môi-se, Ê-sai, Đa-vít và Đa-ni-ên. Nhưng họ ở hậu cảnh rồi. Họ là những trước giả phụ làm việc dưới sự chỉ đạo từ Tác Giả chính của Kinh Thánh, tức là Đức Chúa Trời. Vậy, Chúa Jêsus có thể trích dẫn từ Thi thiên 110 chép rằng: “Chính Đa-vít đã cảm Đức Thánh Linh mà nói rằng” (Mác 12:36), cũng như sứ đồ Phao-lô có thể dùng “Kinh Thánh” ở trong Rô-ma 9:17Ga-la-ti 3:8 để nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng phán trong Cựu Ước. Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời, Kinh Thánh – không phải là ba tiếng nói khác nhau với ba đẳng cấp khác nhau. Cả ba đều chỉ đến một Tác giả có uy quyền. Đó cũng là lý do vì sao Chúa Jêsus có thể phán với Ma quỷ rằng “có lời chép rằng” và cũng chính vì thế mà Ngài có thể tuyên bố, không hề có ý mâu thuẫn hoặc cường điệu, rằng Đấng Tạo Hóa cả cõi vũ trụ đã viết Sáng thế ký. Đối với Chúa Jêsus, Kinh Thánh có năng quyền, có sự dứt khoát và có thẩm quyền bởi vì Kinh Thánh chẳng khác gì tiếng phán của Đức Chúa Trời.

Đường lối của Chủ là đường lối của Lời

Chúa Jêsus quý trọng Kinh Thánh một cách tối đa. Chúa biết tường tận Kinh Thánh của Ngài và yêu mến Kinh Thánh một cách sâu đậm. Chúa thường phán bằng ngôn ngữ của Kinh Thánh. Ngài cũng thường phán bóng gió về Kinh Thánh. Trong những giây phút bị thử thách và yếu đuối – như là bị Ma quỷ cám dỗ hay bị xử tử trên thập tự giá – Ngài đã trích dẫn Kinh Thánh.

Sứ mạng của Ngài là làm ứng nghiệm Kinh Thánh, sự dạy dỗ của Ngài luôn đề cao Kinh Thánh. Chúa không hề tỏ ra bất kính, không bao giờ phớt lờ, chưa hề bất đồng với bản văn Kinh Thánh. Ngài khẳng định từng điều có trong luật pháp, lời tiên tri, câu chuyện và thơ ca. Chúa chưa bao giờ chấp nhận tính hợp lý của bất kỳ sự phá rối, phớt lờ, cải thiện, hay chối bỏ Kinh Thánh.

Chúa Jêsus tin vào sự thần cảm của Kinh Thánh – tất cả mọi điều trong đó. Ngài đã tiếp nhận sử ký, các phép lạ và quyền tác giả là dữ kiện dễ hiểu trong lịch sử. Chúa tin vào việc gìn giữ tinh thần của luật pháp mà không đánh giá thấp chữ nghĩa trong luật pháp. Ngài khẳng định vai trò trước giả của loài người ở trong Kinh Thánh đồng thời cũng chứng tỏ vai trò Tác giả tối thượng của Kinh Thánh. Chúa coi Kinh Thánh là lời lẽ cần thiết, đầy đủ, rõ ràng và là lời phán quyết. Ngài không bao giờ nghĩ đến việc mâu thuẫn với Kinh Thánh hoặc vượt trên Kinh Thánh.

Chúa tin Kinh Thánh là thật, sáng tỏ, quan trọng và tất cả đều nói về Ngài. Chúa tuyệt đối tin rằng Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời và hoàn toàn không có sai sót. Kinh Thánh nói gì, Đức Chúa Trời phán như thế; còn tiếng phán của Đức Chúa Trời đã được ký thuật lại trong Kinh Thánh một cách tuyệt đối.

Vậy nên, đây có thể là câu trả lời thỏa đáng duy nhất cho câu hỏi giáo lý về Kinh Thánh của Chúa Jêsus đã đề cập từ đầu chương: chúng ta không thể tôn trọng Kinh Thánh quá mức hoặc là quả quyết về Kinh Thánh một cách tuyệt đối như Chúa Jêsus được. Chúa Jêsus đã đầu phục ý muốn của Ngài đối với Kinh Thánh, đầu óc của Ngài đã cam kết học biết Kinh Thánh, và tấm lòng của Ngài cũng hạ mình để làm theo Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của chúng ta, đã tin Kinh Thánh của Ngài là Lời của Đức Chúa Trời đến từng câu, từng cụm từ, từng từ ngữ, từng chữ cái nhỏ nhất, từng nét tỉ mỉ nhất – tất cả những dấu chấm và tất cả các sách ở trong Kinh Thánh không thể bỏ được.

Bài viết trích từ chương 7 trong quyển Chúa thật như Lời của tác giả Kevin DeYoung.

Chú thích:
1 Robert Watts, Nguyên tắc của Đức tin và Giáo lý về sự thần cảm: Những bài học của Carey vào năm 1884 (Luân Đôn: Hodder & Stoughton, 1885), trang 139.
2 Donald Macleod, “Chúa Jêsus và Kinh Thánh”, trong quyển Sự đáng tin cậy của Đức Chúa Trời: Những quan điểm về bản chất của Kinh Thánh, biên soạn bởi Paul Helm và Carl Trueman (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 2002), trang 73.
3 Trích từ quyển, Đấng Christ và Kinh Thánh, của John Wenham, tái bản lần thứ 3 (Eugene, OR: Wipf & Stock, 2009), trang 20.
4 Đoạn này tóm tắt rất nhiều ý của Donald Macleod trong quyển sách “Chúa Jêsus và Kinh Thánh”, trang 91.
5 Ibid., trang 92.
6 J. I. Packer, “Trào lưu Chính thống” và Lời Đức Chúa Trời (Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1958), trang 61.
7 Ibid., trang 61-62.

Tiên Phong chuyển ngữ và xuất bản tài liệu Cơ Đốc để rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời vì sự vui mừng của người Việt, đặc biệt là qua sự chịu khổ, trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Chia sẻ với mọi người . . .