Sứ đồ Phao-lô nói rằng chúng ta là ống dẫn mang đến sự yên ủi của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời của mọi sự yên ủi đã chọn yên ủi con dân của Ngài trong sự khốn khó của họ qua các thánh đồ của Ngài (2 Cô-rinh-tô 1:3-7). Chúng ta đều chia sẻ sự chịu khổ của Đấng Christ; do đó, chúng ta cũng sẽ chia sẻ sự yên ủi của Đức Chúa Trời và sang sẻ sự yên ủi ấy cho người khác ở trong Đấng Christ nữa.
Nhưng sự yên ủi thường có dáng dấp khó hiểu. Chúng ta yên ủi người khác trong sự khốn nạn của họ bằng sự yên ủi mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời như thế nào đây? Khi tôi đang dạy về tiểu thuyết của Fyodor Dostoevsky có tựa đề là The Brothers Karamazov tại Trường Cao đẳng & Chủng viện Bethlehem, tôi bị ấn tượng bởi một loại yên ủi. Sau khi ngẫm nghĩ về vấn đề nầy qua ba trang giấy, Đức Chúa Trời đã giúp tôi thấy rõ sự khôn ngoan và lòng thương xót có thể dùng để yên ủi những ai đang gặp chuyện đau buồn.
Ông lão và người mẹ đau buồn
Cha Zosima là một tu sĩ người Nga và cũng là người tâm vấn cho Alyosha Karamazov, người hùng trong cuốn tiểu thuyết ấy. Trước đó, chúng ta được giới thiệu về Cha Zosima đang chăm sóc và yên ủi một nhóm phụ nữ đã tìm gặp ông vì họ có sự nặng lòng trước những chuyện đau buồn, thử thách và bi kịch. Họ đã mang theo mình một nỗi buồn dai dẳng, là thứ đã biến sự im lặng trở thành những giọt nước mắt và than vãn. Những lời than vãn ấy “chỉ có thể được xoa dịu bằng sự căng thẳng và điên tiết càng hơn. Nỗi buồn như thế không gì có thể yên ủi được; nó được nuôi bằng sự không thỏa mãn. Còn mấy lời than vãn chỉ đơn giản là sự khó chịu vì có một vết thương không lành lặn” (trang 48).
Người phụ nữ ấy là người mẹ đang thương tiếc bốn đứa con được chính tay mình chôn cất. Cái chết của đứa con trai cuối cùng lúc nó mới được hai tuổi đã quật ngã bà. Linh hồn của bà đã kiệt sức vì đứa con út ấy. Mọi thứ ở trong nhà đều gợi lại ký ức về nó và cuốn bà vào trong nỗi tuyệt vọng.
Trong cơn đau buồn, bà đã bỏ nhà ra đi, bỏ chồng của mình, và chôn thân trong sự sầu thảm. Bà đã đến gặp Zosima để tìm kiếm thứ gì đó mà chính mình cũng chẳng biết nữa. Nhưng Zosima sẵn sàng gặp người phụ nữ đau khổ nầy bằng sự khôn ngoan và lòng thương xót mà chúng ta cũng phải học đòi nếu gặp trường hợp tương tự.
Khóc, nhưng vui lên
Vậy thì Zosima đã làm gì? Đầu tiên, ông kể với bà ta câu chuyện về một người phụ nữ có sự đau buồn đã được yên ủi bởi một thánh đồ. Vị thánh đồ ấy đã khích lệ người mẹ trong câu chuyện đó bằng cách nhắc cho bà nhớ lại những đứa trẻ sơ sinh đã chết rồi hiện đang vui mừng cùng với thiên sứ ở trong sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Bây giờ, một câu chuyện như thế tạo ra khoảng trống ở trong lòng người mẹ đang đau buồn kia. Để lắng nghe câu chuyện ấy, bà phải bước ra khỏi nỗi đau của mình và xem xét mấy lời dành cho người mẹ trong câu chuyện. Tất nhiên, Zosima kể cho bà nghe câu chuyện để bà nhận ra chính mình. Ông bắt chước lời tư vấn của vị thánh đồ trong lịch sử, mặc dù phải sửa lại một chút. Trong khi vị thánh đồ ở trong câu chuyện đã nói với người mẽ đang đau khổ rằng: “Hãy vui lên, đừng khóc nữa”, thì Zosima đã đưa ra lời khuyên dành cho người phụ nữ đang ngồi trước mặt mình rằng: “Hãy khóc đi, nhưng cũng vui lên” (trang 49).
Vậy là, trước hết Zosima đã giúp người mẹ ấy bước ra khỏi nỗi buồn của mình để bước vào câu chuyện với hy vọng bà sẽ tìm lại chính mình và biết cách khóc, nhưng cũng vui lên.
Người mẹ đang đau buồn ấy đem bài học về nhà; mấy lời của Zosima làm cho bà nhớ lại những gì người chồng Nikitushka đã nói cùng bà. Ông cũng đã tìm cách khích lệ bà về sự hiện diện của đứa con ở trước ngôi của Đức Chúa Trời. Nhưng nỗi đau buồn đã lấn lướt lẽ thật. Cho dù đứa con ấy đang ở đâu đi nữa, thì nó không đang ở với bà. Sự thật về đứa con không còn sống nữa đã làm cho cảm xúc của bà lấn át lẽ thật về sự hiện diện của đứa con ở trước mặt Đức Chúa Trời. Tất cả những gì bà nghĩ tới lúc bấy giờ là tiếng nói nhỏ nhẹ: “Mẹ ơi, mẹ ở đâu?” và đôi chân nhỏ bé của nó đang lộp độp trên sàn nhà, ngay cả tiếng cười vui vẻ của nó nữa. Bây giờ thì nó đã đi rồi, còn bà sẽ không bao giờ được nghe hay gặp lại nó nữa (trang 49–50).
Khóc, nhưng phải nhớ
Khi người phụ nữ ấy suy sụp trong nước mắt, Zosima lại cất tiếng nói lần thứ hai, lần nầy ông dẫn bà bước vào câu chuyện Kinh Thánh: “Tại Ra-ma nghe có tiếng than thở, khóc lóc đắng cay. Ra-chên khóc con cái mình, mà không chịu yên ủi về con cái mình, vì chúng nó không còn nữa! [xem Giê-rê-mi 31:15]” (trang 50). Zosima làm cho lẽ thật Kinh Thánh vang lên. Có một người từ chối được yên ủi, đó là Ra-chên. Kỳ thực, Zosima đang cho phép người phụ nữ nầy từ chối được yên ủi. Ông nói rằng: “Đừng chịu yên ủi”. “Đừng chịu yên ủi, hãy khóc đi”. Nhưng sau đó ông nói thêm rằng: “Mỗi lần khóc, đừng quên”. Đừng quên rằng con của mình đang ở đâu và ở với Ai.
Bằng mấy lời lẽ ấy, Zosima chỉ về phía trước. Bây giờ, đừng chịu yên ủi. Giống như Ra-chên, hãy ở trong sự đau khổ. Nhưng khi làm vậy, hãy nhớ đến sự tốt lành và nhân từ của Đức Chúa Trời. Đến đúng kỳ, sự khóc lóc khi nhớ nhung sẽ biến sự than vãn thành “vui mừng”, những giọt nước mắt đắng cay sẽ trở thành “giọt nước mắt dịu hiền” (trang 50). Sự khóc lóc đến trọ ban đêm (buổi tối ấy có thể rất dài), nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.
Tên nó là gì?
Zosima vẫn chưa xong việc. Sau khi chỉ về phía trước, chính ông phải rơi vào sự đau khổ. Ông hứa là sẽ cầu thay cho bà và đứa con của bà, ông còn hỏi tên nó là gì nữa.
“Thưa cha, nó tên là Alexei”.
“Tên đẹp quá! Alexei, người Đức Chúa Trời phải không?”
“Đúng rồi thưa cha, người của Đức Chúa Trời. Alexei, người của Đức Chúa Trời”.
“Một thánh đồ vĩ đại! Thưa bà, tôi sẽ cầu thay cho bà”. (trang 50)
Một thay đổi nhỏ, nhưng tôi nghĩ cũng là điều quan trọng. Khi hỏi tên của đứa con, Zosima đang muốn nói rằng ông hiểu sự đau khổ của bà. Ông đang bày tỏ ý định muốn được ở trong sự đau khổ nầy với bà. Trong khi bà dốc lòng thương tiếc và ghi nhớ sự thương xót của Đức Chúa Trời, Zosima sẽ dốc đổ tấm lòng để nhớ đến sự đau khổ và đứa con của bà. Còn gì bằng khi, ông hỏi tên của đứa con, được kết nối với một thánh đồ đã khuất. Ông đề cao người mẹ và đứa con, làm như vậy để tạo ra một sự kết nối sâu sắc hơn.
Khóc, nhưng phải về
Nhưng Zosima còn một bước nữa, một lời kêu gọi. Ông không chỉ hứa sẽ cầu thay cho Alexei và người mẹ đang chịu đau khổ ấy, mà ông còn nói tiếp rằng: “Tôi sẽ cầu thay cho bà, tôi cũng sẽ cầu thay cho chồng của bà nữa”. Người mẹ nầy không phải là người duy nhất đang đau khổ. Chồng của bà không chỉ mất đứa con trai, mà còn mất cả vợ mình nữa. Khi nhắc đến chồng của bà, Zosima đang yên ủi người mẹ nầy và đưa bà trở lại chặng đường chữa lành.
Zosima nói rằng: “Bỏ chồng là tội lỗi. Hãy trở về cùng chồng của bà và chăm sóc ông ta” (trang 50). Đây cũng là tình yêu thương và sự yên ủi. Zosima đang nhắc cho bà nhớ rằng: “Phải, hãy khóc đi. Phải, đừng chịu yên ủi một thời gian (có thể lâu hơn). Nhưng khi bà khóc, đừng phạm tội. Trong khi thương tiếc người đã khuất, đừng từ bỏ sự kêu gọi của Đức Chúa Trời dành cho bà ngay trong hiện tại”.
Lời lẽ của Zosima đã có sự tác động. Người mẹ đang đau khổ ấy la lên rằng: “Tôi sẽ làm như lời ông nói, tôi sẽ quay về. Ông đã đụng chạm tấm lòng của tôi. Nikitushka ơi, anh đang đợi em phải không!” Thế là, bà lên đường trở về nhà.
Những câu chuyện chỉ về Một Câu Chuyện
Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện nhỏ được minh họa trong quyển tiểu thuyết. Nhưng qua cuộc đối thoại súc tích nầy, những câu chuyện có sức mạnh. Một tác giả đã từng nói rằng: những câu chuyện là thức ăn cho linh hồn. Chúng có thể giúp chúng ta chăm sóc linh hồn.
Những câu chuyện có thể giúp chúng ta có được góc nhìn, để bước ra khỏi đời thực của mình và đánh giá lại thực tế. Những câu chuyện có thể chỉ chúng ta trở lại với một câu chuyện, hầu cho chúng ta tìm thấy mình ở trong câu chuyện của Đức Chúa Trời khi chúng ta đi lạc và trượt dốc. Những câu chuyện có thể hướng chúng ta đến với lẽ thật, giúp chúng ta nhớ lại và kết nối với Đức Chúa Trời và với người khác. Những câu chuyện có thể hướng chúng ta đến hành động, để nhắc nhở chúng ta về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời ở trên đời sống của mình, hầu cho chúng ta bước đi trong sự sáng giống như Ngài đang ở trong sự sáng.