7 Th10, 2021

Khi Đức Chúa Trời là thiên đàng của tôi

khi Đức Chúa Trời là thiên đàng của tôi
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Phúc âm không phải là cách để mọi người vào thiên đàng; mà là cách để mọi người đến cùng Đức Chúa Trời. (Đức Chúa Trời là Phúc âm)

Mọi người thường tả về những bước ngoặc trong đời mình là “đó là thời điểm Chúa làm đảo lộn cuộc sống của tôi”. Một kinh nghiệm, một cuộc đối thoại, một thử thách đã định hình lại góc nhìn, cuộc sống, mối quan hệ và thế giới xung quanh họ. Còn tôi thì vào năm cao đẳng thứ hai, Đức Chúa Trời đã đảo lộn cả bầu trời của tôi.

Tôi lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc có cha mẹ là những người tin Chúa hết mực yêu thương, tôi cũng đã tin Chúa được vài năm ở trong trường cao đẳng lúc bấy giờ. Tôi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện gần như mỗi ngày. Tôi thường nhóm lại tại một Hội thánh trung tín giảng Lời Chúa và được lớn lên cùng với những người bạn Cơ Đốc trưởng thành và sống có chủ đích. Tôi còn giúp đỡ các bạn sinh viên trung học phổ thông, chia sẻ Phúc âm và giúp các bạn ấy lớn lên trong niềm tin. Sau đó, chỉ trong chốc lát – qua một câu đơn giản – Đức Chúa Trời đột nhiên làm cho Phúc âm tràn ngập một màu sắc mới, ý nghĩa mới, cảm xúc mới và niềm vui mới.

Để kéo tôi đi sâu hơn vào Phúc âm, Đức Chúa Trời trước hết phải đối chất tôi, nhưng đó là lần đối chất rất ngọt ngào, một sự quở trách vô cùng tử tế. Một câu đơn giản đã không buông tha tôi và khiến tôi phải ngồi đờ ra suy nghĩ.

Đấng Christ không chết thay cho những tội nhân sẽ tiếp tục yêu quý mọi điều khác hơn là nhìn thấy và say mê Đức Chúa Trời. Đó là những kẻ sẽ vui mừng trong thiên đàng nếu Đấng Christ không ở đó, sẽ không có ở đó. Phúc âm không phải là cách để mọi người vào thiên đàng; mà là cách để mọi người đến gần Đức Chúa Trời. (Đức Chúa Trời là Phúc âm, trang 47)

Câu hỏi cho thế hệ ngày nay

Phúc âm là cách để mọi người đến gần Đức Chúa Trời. Phúc âm là cách để tôi đến gần Đức Chúa Trời. Cảm giác hiếm hoi lúc ấy sẽ vừa thất vọng vừa xúc động. Thất vọng là vì chúng ta nhận ra mình đã sai bấy lâu nay. Xúc động là vì chúng ta bị rơi vào một khung cảnh chưa từng thấy trước đây, một đại dương bao la chưa từng đi qua, một bữa tiệc hoành tráng chưa từng thử bao giờ.

Đức Chúa Trời không chỉ là cách duy nhất để vào thiên đàng; Ngài là Đấng làm cho thiên đàng trở nên có giá trị. Chúa mới là bữa tiệc hoành tráng. Chúa mới là đại dương bao la và dữ dội. Chúa mới là của báu được chôn ở trong ruộng và hột châu quý giá (Ma-thi-ơ 13:44-46). John Piper đưa ra một câu hỏi dai dẳng để đưa khái niệm chính Chúa là món quà vô giá đi vào vấn đề:

Câu hỏi quan trọng dành cho thế hệ của chúng ta — và cho mọi thế hệ — đó là: Nếu chúng ta có thiên đàng, không bệnh tật, gặp lại bạn bè cũ, thưởng thức các món ăn, các hoạt động giải trí, tất cả vẻ đẹp thiên nhiên, tất cả cảm giác khoái lạc của cơ thể, không có xung đột hoặc thiên tai, thì chúng ta có thích ở thiên đàng nếu Đấng Christ không ở đó chăng? (Đức Chúa Trời là Phúc âm, trang 15)

“Đức Chúa Trời không chỉ là con đường để vào thiên đàng; Chúa chính là Đấng làm cho thiên đàng có giá trị”.

Chúng ta có muốn không?

Tôi có muốn không? Đó là câu hỏi đã làm đảo lộn cả bầu trời ở trên đầu tôi. Tôi có thỏa lòng với thiên đàng không có Đấng Christ chăng? Nếu không, tức là nếu Đấng Christ thực sự là Đấng làm cho thiên đàng có giá trị đời đời, thì tại sao tôi không làm gì đó để biết và vui hưởng Ngài khi còn ở trên đất nầy?

Thiên đàng là ai?

“Phúc âm không phải là cách để mọi người vào thiên đàng; mà là cách để mọi người đến gần Đức Chúa Trời”. Nhưng Đức Chúa Trời phán gì? Chúa có phàn về chính Ngài, về Phúc âm và thiên đàng như vậy chăng?

Sứ đồ Phao-lô vốn biết rằng Đức Chúa Trời là món quà lớn nhất của Phúc âm. “Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin” (Phi-líp 3:7-9). Của báu thật, vượt xa mọi sự, đó là biết Ngài, có Ngài, ở trong Ngài.

Tại sao Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá? Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: “Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 3:18). Chúa đã chịu khổ, tuôn huyết và chịu chết không chỉ để chúng ta được tha thứ tội và thoát khỏi địa ngục, nhưng còn để chúng ta có Đức Chúa Trời nữa. Hậu quả kinh khủng nhất của tội lỗi không phải là hồ lửa, mà là sự xa cách (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Địa ngục sẽ là nơi đau đớn và khốn khổ vì nhiều lý do, nhưng chẳng có gì kinh khiếp bằng việc bị xa cách Đức Chúa Trời. Kẻ nào ở trong địa ngục vẫn kinh nghiệm được sự hiện diện của Đức Chúa Trời (Khải huyền 14:10), nhưng ấy sẽ là cơn thịnh nộ, chứ không phải là ân điển và niềm vui. Họ sẽ không bao giờ có được Đức Chúa Trời.

“Của báu thật, vượt xa mọi sự, đó là biết Ngài, có Ngài, ở trong Ngài”.

Tuy nhiên, kẻ nào được cứu chuộc sẽ cất tiếng hát “tôi sẽ đi đến bàn thờ Đức Chúa Trời, tức đến cùng Đức Chúa Trời, là sự rất vui mừng của tôi” (Thi thiên 43:3). “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng” (Thi thiên 16:11) — sự khoái lạc và vui sướng ấy không chỉ có ở trước mặt Chúa hay ở bên hữu Ngài, mà hơn hết, niềm vui ấy còn ở trong Chúa nữa. Chúa là sự vui mừng. Chúa là sự khoái lạc. Sự hiện diện của Ngài là thiên đàng — tất cả sẽ rất tuyệt vời ngay cả khi mọi thứ mà chúng ta yêu mến và mong muốn đều được cất đi.

Khi ở trong Đấng Christ, chúng ta kinh nghiệm được sự hiện diện ấy một phần nào đó ngay bây giờ. Đúng vậy, tội lỗi của chúng ta và hậu quả của tội lỗi thường cản trở kinh nghiệm nầy, nhưng khi Đức Chúa Trời là sự vui mừng của chúng ta, thì chúng ta có thể nếm thử niềm vui ấy ngay bây giờ. Chúng ta có thể say mê những khoái lạc ấy mỗi ngày ngay bây giờ, đó là những sự khoái lạc còn đến đời đời. Thế là chúng ta cầu xin những lời cầu nguyện như trong Thi thiên 42 chép rằng: “Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống” — không phải để được giải cứu, hay được tha thứ, hay được chữa lành, hay được tiếp trợ, hay được vùa giúp, hay được phục hòa, nhưng khát khao Đức Chúa Trời — “Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống” (Thi thiên 42:1-2). Không phải khát khao những món quà tốt lành và hoàn hảo Đức Chúa Trời ban cho, mà khát khao một món quà tốt hơn thế nữa đó là chính Đức Chúa Trời.

Thiên đàng của trời mới

Khi chúng ta mong chờ thiên đàng, nhiều người trong chúng ta bám chặt vào những lời hứa như Khải huyền 21:4 chép rằng: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”. Không còn nước mắt, không còn sự chết, không còn than khóc hay đau đớn nữa. Thật khó để chúng ta tưởng tượng ra sự ngọt ngào của khung cảnh lúc ấy không còn những điều kể trên nữa — một thế giới không còn sự tối tăm nữa.

Tuy nhiên, thiên đàng sẽ không hề có sự trống không; thiên đàng sẽ có một sự hiện diện đầy thỏa mãn. Khi Đức Chúa Trời trở nên thiên đàng của chúng ta, thì câu 3 xuất hiện và thậm chí làm mơ đi cả những lời hứa quý báu ở trong câu 4 nữa:

Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa . . . Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng"

Còn gì tốt hơn nữa khi thế giới không còn tội lỗi, buồn phiền và chết chóc? Một thế giới ở cùng với Đức Chúa Trời. Đúng vậy, Chúa sẽ lau ráo hết nước mắt của chúng ta. Đúng vậy, Chúa sẽ chữa lành mọi vết thương và bệnh tật của chúng ta. Đúng vậy, Chúa sẽ cất đi kẻ thù kinh khiếp của chúng ta, là sự chết. Nhưng các phước hạnh ấy, tuy lớn lao đến vô cùng, sẽ là những giọt nước lăng tăng khi so với đại dương mênh mông của việc có Ngài và được thuộc về Ngài. Một Đức Chúa Trời có thể lau ráo nước mắt cho từng người sẽ là Đức Chúa Trời của chúng ta. Một Đức Chúa Trời có thể chữa lành mọi căn bệnh ung thư sẽ phó chính Ngài vì chúng ta. Một Đức Chúa Trời có thể làm cho các hâm mộ trống không và đắc thắng sự chết sẽ ở với chúng ta và vì chúng ta đến đời đời.

Chớ để hết thảy những gì Đức Chúa Trời có thể làm khiến bạn không còn thấy được chính Ngài có thể là mọi sự của bạn. Đừng dành quá nhiều thì giờ chơi đùa tung tăng trong nước mà không đắm mình trong đại dương bao la ngoài kia. Đừng thỏa mãn với bất kỳ điều gì của thiên đàng mà không có Chúa là trọng tâm.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .