27 Th6, 2023

Khi Đức Chúa Trời đánh thức xứ Wales

Ba bài học từ cuộc phục hưng
Khi Đức Chúa Trời đánh thức xứ Wales
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Chỉ có những người đang ngủ mới cần được đánh thức. Những người đã trở nên lơ đãng và ngủ lịm cần phải được khuấy động để tỉnh táo và làm việc.

Chúa đã vui lòng làm điều này bằng nhiều cách tuyệt vời suốt thế kỷ 18 ở nhiều nơi trên thế giới và thông qua nhiều người khác nhau là công cụ của Ngài. Ở Anh, trong số nhiều người khác, Chúa đã dấy lên George Whitefield (1714 – 1770) và anh em nhà Wesley. Ở Mỹ, cái tên Jonathan Edwards (1703 – 1758) đã trở nên nổi tiếng, vừa là một truyền đạo vừa là nhà thần học, và đồng thời với công tác xuyên Đại Tây Dương của Whitefield.

Sau đó, ở xứ Wales, Đức Chúa Trời đã dùng một số người để làm vinh hiển danh Ngài. Một lần nữa, Whitefield cũng có mặt, nhưng trong số những cái tên nổi bật khác đáng để chúng ta học hỏi ngày nay, có một người tên là Daniel Rowland (khoảng 1711 – 1790).

Vùng đất tăm tối thuộc linh

Công cuộc ở xứ Wales rõ ràng là một công tác thương xót và ân điển. Ít người trong nước vào thời điểm đó có lời khen ngợi. Xứ Wales nghèo nàn và thiếu thốn, cả về thuộc thể lẫn thuộc linh. Một số người đã nhận ra nhu cầu cần phải rao truyền Phúc Âm vào thời kỳ đầu và, đến năm 1649, một nhà thờ Báp-tít ở Đại sảnh Glaziers của Luân Đôn đã tổ chức một ngày cầu nguyện “để cầu xin Chúa sai con gặt đến những góc tối và nhiều nơi khác trên mảnh đất này”.[1] Có hai người đã tình nguyện phục vụ và được sai đến xứ Wales.

Đức Chúa Trời đã ban phước cho công việc của họ cách mạnh mẽ. Sự cải đạo và làm phép báp têm cũng xảy ra, một Hội thánh được thành lập tại Ilston có 43 tín hữu vào tháng 10 năm 1650. Tuy nhiên, vào đầu cho đến giữa những năm 1700, ngay cả sự phát triển của Phúc Âm cách khoảng một thế kỷ trước cũng ngập ngừng và đình trệ. Một tuyên bố nổi tiếng cho rằng Cơ Đốc giáo ở xứ Wales là một đề tài không đáng để tìm hiểu và chỉ là sự nhạo báng và chê cười.[2] Các mục sư trung tín thì rất ít, mặc dù vài người có được ảnh hưởng thuộc linh nhất định. Hội thánh khắp nơi rơi vào trạng thái im lìm và tối tăm, nếu không nói là hoàn toàn tê liệt. Nghe có vẻ quen thuộc với chúng ta ngày nay không?

Daniel Rowland được sinh ra trong tình cảnh này. Ông lớn lên tỏ ra mình là người có tài, điển hình là sự sốt sắng, và cũng là người sống trái đạo lý, trong một gia đình vốn biết đạo thật nhưng không còn hăng hái nữa. Học vấn đã đùa ông đến con đường trở thành mục sư, ông được thụ phong giữ chức chấp sự vào ngày 10 tháng 3 năm 1734. Ông cũng thỉnh thoảng đi bộ từ ngôi làng nhỏ Llangeitho của xứ Wales đến Luân Đôn và quay lại. Cho đến thời điểm này, điều đáng buồn là chức vụ của Rowland không hề có sự nhiệt thành và sức mạnh của Phúc Âm. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian này, Rowland đã nghe thấy chân lý được một truyền đạo tin kính rao giảng là Griffith Jones (khoảng 1684 –1761), rồi trở thành một người mới ở trong Đấng Christ. Rowland được thụ phong làm mục sư của giáo hội vào ngày 31 tháng 8 năm 1735. Bài giảng của ông bắt đầu cho thấy có sự thay đổi thật ở trong lòng mình.

Mục sư nóng tính’

Một linh hồn tha thiết đã từng bước đi trong tội lỗi giờ đây tỏ ra sốt sắng với công tác rao giảng chân lý. Một tấm lòng đã từng nuông chiều điều ác đã bị khuấy động bởi ý thức về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và bị tác động mạnh bởi luật pháp sắc bén của sự công bình. Giống như John Bunyan trước đó, Rowland đã rao giảng theo cảm nhận của mình, là cảm nhận mạnh mẽ (sâu sắc) ở trong lòng.[3]

Bị ràng buộc bởi gánh nặng tội lỗi của cá nhân mình ở trước mặt Đức Chúa Trời, Rowland đã nghiêng về phía Kinh Thánh nhấn mạnh vào cơn giận thánh của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và hình phạt đáng sợ đang treo trên đầu những kẻ không ăn năn. Đây là sự khác biệt hoàn toàn với những bài giảng vô vị, nhạt nhẽo và không hiệu quả của chức vụ trước đây. Ông rao giảng như một đứa con của sấm sét, một Bô-a-nẹt đích thực (Mác 3:17), bị ràng buộc vào thân vị uy nghiêm của Đức Chúa Trời và giá trị linh hồn của loài người. Dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, công tác giảng luận nhấn mạnh vào luật pháp thiêng liêng của Đức Chúa Trời đã thu hút và cáo trách nhiều người, khiến Rowland có biệt danh là “mục sư nóng tính”.

Một chức vụ mạnh mẽ và hiệu quả như thế, nhưng sức mạnh tàn nhẫn kéo dài vài năm từ chức vụ này có nguy cơ đẩy tội nhân đến chỗ tuyệt vọng không theo Kinh Thánh. Chức vụ phán xét của Rowland không được tôi luyện nhiều với lòng thương xót; người nghe bị ấn tượng bởi sự khốn khổ trong tâm hồn hơn bất cứ điều gì khác.

Giê-ru-sa-lem của xứ Wales

Lúc này, một mục sư tin kính không theo dòng chính thống là Philip Pugh (1679 – 1760) đã xuất hiện để giúp đỡ chàng trai trẻ này. Ông khuyên Rowland nên áp dụng dòng huyết của Đấng Christ để rịt lành những vết thương thuộc linh mà ông đang gây ra. Người nghe ông không chỉ biết rằng họ cần một Cứu Chúa, mà cũng phải biết Cứu Chúa là ai nữa!

Rowland, vẫn còn non nớt về mặt thuộc linh, cảm thấy mình chưa nhận biết đủ về thực tế ấy – đức tin của ông nơi Chúa Jêsus còn thiếu một điều mà ông biết là nguồn sự sống cần thiết. Pugh đã ép nài ông phải để cho các chùm ánh sáng xuyên qua cơn bão trước khi ông giết chết hội chúng của mình. Ông nói Rowland hãy tiếp tục rao giảng cho đến khi ông cảm thấy điều mình khao khát được tỏ tường. Bấy giờ, giọng điệu êm dịu của Ba-na-ba bắt đầu hòa quyện với tiếng gọi thảm thiết của một Bô-a-nẹt, dầu thơm của Phúc Âm ngọt lịm dễ dàng xức lên những vết thương mà luật pháp thiêng liêng của Đức Chúa Trời đã làm ra cách công bình.

Bên cạnh chức vụ năng động về lời của Đức Chúa Trời, Rowland đã trở thành người cầu nguyện tha thiết. Ông thường leo lên những ngọn đồi xung quanh nhà. Một góc nhìn toàn cảnh về khu vực ở trước mặt đã cảm động tấm lòng của ông cầu xin Chúa ban phước cho mọi người. Nhờ hiểu thấu Phúc Âm của Đấng Christ và được nâng đỡ trong sự tương giao với Đức Chúa Trời, công tác giảng luận của Rowland bắt đầu lan rộng hơn và hiệu quả hơn. Đám đông đổ xô đến nghe mục sư Tin Lành của Llangeitho, mọi người đều được biến đổi bởi người đàn ông đã được biến đổi và bài giảng đã được biến đổi của ông.

Trước đây, hội chúng rên xiết trong lầm than vì bị cáo trách bởi tội lỗi; còn bấy giờ, tiếng kêu “Vinh hiển!” bắt đầu hòa lẫn với lời rên xiết đó, khi tội nhân bị cáo trách đã nhìn thấy Đấng Christ, sự tốt đẹp và uy nghiêm của Cứu Chúa. Chẳng mấy chốc, Rowland đã rao giảng cho hàng trăm người, nếu không nói là hàng ngàn người. Ông rao giảng như “một sê-ra-phim đẫm lệ”.[4] Đức Chúa Trời đã đến gần người truyền đạo cũng như hội chúng, một số lời mô tả về bài giảng của ông khiến chúng ta nhức nhối vì cảnh tượng thiên quốc đồng công với nỗ lực của ông.

Cuối cùng, sau khi bị đuổi khỏi Giáo hội Anh quốc, Rowland tiếp tục rao giảng bằng sức mạnh thuộc linh, nhận được sự mến mộ từ nhiều người yêu thích lời Chúa. Howell Harris (1714-1773) đã tính toán rằng vào năm 1763 có khoảng mười ngàn người đã đến nghe ông giảng ở Llangeitho. Một ngôi làng nhỏ được gọi là Giê-ru-sa-lem của xứ Wales.

Những bài học từ cuộc phục hưng

Đây chỉ là một khung cảnh rất nhỏ về khởi đầu nhọc nhằn của một người đàn ông từ một nơi xa xôi. Để kết luận phần này, tôi sẽ đưa ra ba nhận xét dành cho các mục sư ngày nay.

Nỗ lực chung

Trước hết, hãy xem xét việc Rowland là một người trong số nhiều người, mỗi người được Đức Chúa Trời ban phước bằng nhiều cách tương tự. Ông không hề đứng một mình. Ở xứ Wales, có vài người tin kính đã trung tín làm việc trong nhiều năm và đã thấy một kết quả nhất định, bằng chứng là qua sự cải đạo của Rowland và sự cứu rỗi của những người khác trong thế hệ của ông ở xứ Wales – chẳng hạn như Howell Harris và William Williams, Pantycelyn (1717 – 1791).

Cũng nhớ là Whitefield đã được cải đạo cùng lúc với Rowland, trở thành một người bạn trung kiên và cộng sự với những người Giám lý theo thuyết Calvin ở xứ Wales. Thật quá dễ để tách biệt, thuật lại và thậm chí tôn sùng một cá nhân nào đó. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải trở thành những kẻ hoài nghi về tâm linh hay lịch sử. Nhưng đúng hơn là công nhận khả năng và đóng góp riêng biệt của những người được Đức Chúa Trời tôn lên, để nhìn thấy và đánh giá cao trong bối cảnh rộng lớn hơn của họ.

Người thuộc linh, mục vụ thuộc linh

Hơn nữa, hãy nhớ rằng các mục vụ thuộc linh ra từ những người thuộc linh. Đừng tưởng rằng những bài giảng mạnh mẽ sẽ ra từ những tấm lòng tăm tối. Khao khát những bài giảng nổi bật hoặc một chức vụ mạnh mẽ của chúng ta không được vì lợi ích riêng, mà phải vì vinh hiển của Đức Chúa Trời và là kết quả của sự tương giao với Ngài. Ân điển đã bắt lấy một Rowland sống trái đạo lý, kéo ông từ trong tối tăm ra nơi sáng láng của Đức Chúa Trời, khiến ông trở thành một Cơ Đốc nhân trung tín và một truyền đạo hữu ích. Điều nổi bật về ông đó là sự suy gẫm sâu sắc về chân lý và tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện. Từ cuộc đời của ông, chúng ta học biết cách khao khát ơn phước của Đức Chúa Trời vì sự vinh hiển của Ngài và cũng vì ích lợi của mọi người, không được vì sự tự tôn của chính chúng ta.

Truyền đạo dưới con mắt của Đức Chúa Trời

Cuối cùng, công tác giảng luận mạnh mẽ của Rowland bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về con mắt của Đức Chúa Trời dõi theo ông. Giống như sứ đồ Phao-lô, ông nói rằng “không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Ông rõ ràng là một người có tài, có khả năng hùng biện rất cao, sự nhiệt thành của ông tác động đến người nghe. Tuy nhiên, năng lực của ông ít ra cũng là sự ban cho từ trên trời cũng như cách thức từ thiên quốc.

Rowland đã rao giảng một Phúc Âm trọn vẹn, ngày càng có dấu vết của uy quyền tối thượng và sự tôn cao Đấng Christ. Ông đã rao giảng lẽ thật, cả luật pháp lẫn Phúc Âm. Ông đã bắt đầu cho tội nhân biết họ cần một Cứu Chúa và cho họ thấy rõ Cứu Chúa mà họ cần. Một mục sư nổi tiếng khác của xứ Wales là Thomas Charles của Bala (1755 – 1814) đã được cải đạo thông qua chức vụ của Rowland mô tả như sau: “Rowland đã giảng về sự ăn năn, cho đến khi mọi người ăn năn; ông đã giảng về đức tin cho đến khi mọi người tin Chúa. Ông đã giãi bày về tội lỗi ghê tởm đến nỗi tất cả mọi người đều ghét tội lỗi; còn Đấng Christ được vinh hiển khi Chúa khiến hết thảy chọn Ngài”.[5] Thưa anh em, chúng ta có đang giảng về sự ăn năn và đức tin, luật pháp và Phúc Âm, gớm ghiếc tội lỗi và Đấng Christ vinh hiển, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và phước hạnh của tội nhân chăng? Đây là chức vụ mà Đức Chúa Trời ban phước và cũng là chức vụ đáng để theo đuổi.


Chú thích:
[1] Trích từ Sách Hội thánh Ilston, ký thuật lại hội chúng đầu tiên được các giáo sĩ thành lập.
[2] Trích dẫn trong quyển Daniel Rowland và cuộc Đại Tỉnh Thức ở xứ Wales, Eifion Evans(Edinburgh: Banner of Truth, 1985), trang 13.
[3] John Bunyan, Ân điển Dư dật cho Tội nhân đáng chết (Luân Đôn: Penguin, 1987), 9 (§276).
[4] Owen Jones, Các truyền đạo vĩ đại của xứ Wales (Stoke-on-Trent: Tentmaker Publications, 1995), trang 68.
[5] John Morgan Jones và William Morgan, Cha đẻ của Giám lý theo thuyết Calvin ở xứ, dịch bởi John Aaron (Edinburgh: Banner of Truth, 2008), 1:94.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .