Mặc dù sự qua đời của Bá tước Zinzendor là một cú sốc cho Giáo hội Moravia, nhưng lại trở thành một trang sử mới chứ không phải là kết cuộc của Giáo hội. Ludwig đã từng nắm vai trò lãnh đạo toàn bộ Giáo hội, thiết lập các quy tắc cho rất nhiều cộng đồng và hội chúng khác nhau, đưa ra rất nhiều quyết định quan trọng. Giờ đây, ông đã qua đời, Giáo hội đã quyết định đến lúc nhìn nhận lại những gì đã được hình thành. Vài năm sau đó, các lãnh đạo quan trọng của người Moravia đã gặp nhau để phác thảo một hiến pháp dành cho Giáo hội và thiết lập một mô hình lãnh đạo và quản trị để dẫn dắt họ trong tương lai.
Sự qua đời của Bá tước Zinzendorf không hề khiến người Moravia từ bỏ nỗ lực sai phái các giáo sĩ, là điều cốt lõi mà Ludwig đã ra sức thiết lập. Cho đến lúc vị bá tước qua đời, người Moravia đã sai đi 226 người giáo sĩ và làm báp-tem cho hơn 3000 người mới tin Chúa. Giáo hội tiếp tục sai các giáo sĩ đến cánh đồng truyền giáo, mở rộng các trụ sở và thiết lập nhiều cơ sở truyền giáo mới.
Công tác truyền giáo của người Moravia đang làm ở đảo Saint Thomas, Saint Croix và Saint John tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Trong vòng năm mươi năm đầu tiên ở đó, các giáo sĩ đã làm báp-tem cho 8,833 người lớn và 2,974 em thiếu nhi mới tin Chúa.
Công tác của Giáo hội Moravia cũng lan rộng đến các hòn đảo khác trong vùng biển Caribbean, trong đó có Antigua, từ năm 1769 đến năm 1792, số người Moravia mới tin Chúa ở trên đảo tăng từ 14 đến 7,400.
Ở Surinam, các giáo sĩ phải sống trong cuộc chiến giữa người thổ dân và nô lệ. Vì không thể chấm dứt cuộc nổi dậy liên tục diễn ra, chính phủ đã phải trả tự do cho người nô lệ và cuộc chiến giảm dần. Người Moravia xây dựng các cơ sở truyền giáo nhiều hơn và quay trở lại làm việc giữa vòng người thổ dân và những nô lệ khác. Nhưng công tác truyền giáo của người Moravia vẫn còn gặp khó khăn vì dịch bệnh và vấn đề thiếu lương thực. Các giáo sĩ buộc phải đóng cửa một vài cơ sở của họ. Dù có những khó khăn, họ vẫn không rời bỏ công tác truyền giáo ở Surinam. Thời gian trôi qua, sự kiên trì của các giáo sĩ được đền đáp, hàng nghìn người mới tin Chúa được thêm vào Hội thánh ở đó.
Ba cộng đồng truyền giáo nữa được thành lập giữa vòng người Eskimos ở đảo quốc Greenland khi công tác tiếp tục tăng trưởng. Mười năm sau khi bá tước Zinzendorf qua đời, người Moravia ở Anh đã thành công trong việc thành lập bốn cơ sở truyền giáo dọc bờ biển Labrador của đất nước Canada. Tuy nhiên, các giáo sĩ phải mất rất nhiều năm kiên nhẫn làm việc trước khi có người bản địa đáp ứng lại với Phúc Âm.
Công tác truyền giáo giữa vòng người thổ dân ở Bắc Mỹ cũng được tiếp tục. Cuộc chiến giữa người Pháp và người thổ dân đã khiến khoảng thời gian ấy rất khó khăn đối với cuộc sống của người Moravia và công tác của họ giữa vòng người thổ dân. Người Pháp đã cố gắng chinh phục rất nhiều bộ lạc da đỏ rồi chiêu mộ họ chiến đấu chống lại nước Anh. Người Moravia thấy mình bị kẹt trong cuộc chiến này, họ cố gắng giữ mình và người thổ dân trong cộng đồng truyền giáo khỏi những mâu thuẫn. Không phải lúc nào cũng làm được, các giáo sĩ người Moravia đã bị sát hại như đã thuật lại trong câu chuyện tại Gnadenhutten, Pennsylvania, vào ngày 24 tháng 11 năm 1754.
Cuối cùng, cuộc chiến cũng kết thúc, mọi sự thù địch không còn nữa. Người Moravia quay trở lại làm việc giữa vòng người thổ dân, một trong những nỗ lực đáng nể của họ đó là kiên trì học tiếng bản địa và sử dụng tiếng địa phương để dạy dỗ và chia sẻ. Kết quả là sự tin cậy và mối liên hệ được thiết lập giữa người Moravia và người thổ dân da đỏ.
David Zeisberger là một giáo sĩ người Moravia rất yêu thích làm một chức vụ giữa vòng người thổ dân. Sau cuộc chiến giữa Pháp và người thổ dân kết thúc, ông đã thành lập một cơ sở truyền giáo giữa vòng người thổ dân ở bờ Tây gọi là Schonbrunn (nghĩa là dòng suối tươi đẹp) ở gần sông Tuscarawas về phía Đông Nam của Ohio. Một thời gian ngắn sau, Gnadenhutten, được đặt theo tên của một cơ sở truyền giáo không được may mắn ở Pennsylvania, được thành lập về phía Nam mười dặm. Rất nhiều người thổ dân Delaware, cũng như người thổ dân đến từ những cộng đồng của người Moravia, đều di cư đến sống. Schonbrunn và Gnadenhutten là những cộng đồng đang phát triển mạnh, có nhiều người mới tin Chúa đã từ bỏ tập tục của mình và thề không bao giờ tham gia chiến tranh nữa.
Sau này, một cuộc chiến khác – Chiến tranh Cách mạng – đã nhận chìm nhiều nơi. Schonbrunn và Gnadenhutten nằm giữa căn cứ quân đội của người Anh tại Detroit và người Mỹ tại Pittsburgh. David và các giáo sĩ người Moravia đều bị hai bên nghi ngờ. Mỗi bên cho rằng họ là gián điệp của kẻ thù và đang xúi giục người thổ dân ủng hộ kè thù trong chiến tranh. Tất nhiên, chẳng có điều gì khác ngoài sự thật. Người Moravia và những người còn lại trong cộng đồng đều đeo đuổi sự hòa bình và đã chọn vị trí trung lập trong cuộc chiến này.
Cuối cùng, quân lính nước Anh đến ép buộc cư dân tại Schonbrunn và Gnadenhutten rời khỏi địa phận và mùa màng của họ. Người dân phải di chuyển lên phía bắc đến Sandusky, họ phải chịu đựng mùa đông lạnh buốt đến nỗi không còn gì ăn ngoài việc chờ chết. Từ Sadusky, David và các giáo sĩ người Moravia bị đưa tới Detroit để người Anh xét xử vì tội làm gián điệp cho người Mỹ. Khi mùa xuân đến, các giáo sĩ không còn ở đó nữa, có khoảng một trăm năm mươi người thổ dân đã tin Chúa không có thức ăn, đã xin phép quay trở lại tạm trú ở Gnadenhutten để lượm mót những gì còn sót lại từ mùa màng.
Trong khi những người thổ dân đang lượm thức ăn ở ngoài đồng, chín mươi tình nguyện viên người Mỹ được lệnh của Đại tá David Williamson đã bất ngờ tấn công họ. Những quân lính người Mỹ này đã được sai đi từ Pittsburgh để trả thù cho cái chết của một nông dân người da trắng và gia đình của anh ta đã bị người thổ dân nói tiếng Đức giết hại. Những người thổ dân đã đối xử tốt với mấy người lính khi họ tới nơi và cho họ ăn, nhưng bọn lính đền đáp lòng hiếu khách bằng việc giết hại tất cả mọi người một cách tàn nhẫn vào buổi sáng ngày 8 tháng 3 năm 1782. Khoảng một trăm năm mươi người thổ dân đã bị giết, chỉ còn lại hai đứa bé trai còn nhỏ thoát chết và báo cáo lại cảnh tượng giết chóc kinh hoàng.
Hơn một trăm năm sau cuộc tàn sát tại Gnadenhutten, Tổng thống Theodore Roosevelt đã gọi cuộc tàn sát đó là một “hành động vô cùng tàn ác” và ông đã nói rằng: “cho đến bây giờ máu của họ vẫn sôi lên trong huyết quản của ông mỗi khi nhắc lại sự việc đó”.
Cuộc tàn sát ở Gnadenhutten đã ảnh hưởng sâu đậm đến công tác của các giáo sĩ đang làm việc giữa vòng người thổ dân. Người Moravia đã cố gắng vực dậy sau Chiến tranh Cách mạng, nhưng cuộc tàn sát đã thay đổi thái độ của rất nhiều người thổ dân. Có nhiều người tin Chúa quay trở về cộng đồng của người Moravia, nhiều người thổ dân hỏi tại sao lại đón nhận tín ngưỡng của người da trắng như vậy. Dù sao, khi nhìn lại những gì đã qua – sự đổ máu và đau khổ. Từ đó, công tác giáo sĩ giữa vòng người thổ dân ở Bắc Mỹ trở nên vô cùng khó khăn, vì bây giờ các giáo sĩ phải vượt qua sự nghi ngờ và oán hận sâu sắc đã bén rễ trong lòng các thổ dân.
David Zeisberger tiếp tục công tác của ông giữa vòng người thổ dân hơn hai mươi lăm năm tiếp theo, nhưng công việc của ông không thể nào có lại được nhịp điệu và sự thay đổi vốn có trước khi sự việc xảy ra tại Gnadenhutten.
Cho dù phải lội ngược dòng, công tác của David và các giáo sĩ người Moravia khác đang sinh sống giữa vòng người thổ dân ở Bắc Mỹ vẫn có ảnh hưởng, không chỉ đối với người thổ dân mà còn đối với người da trắng nữa. Tác giả James Fenimore Cooper, một tiểu thuyết gia người Mỹ đầu tiên nổi tiếng khắp thế giới, đã dành những ngày tháng còn trẻ tuổi sống giữa vòng người thổ dân ở New York. Tại đó, ông cũng gặp rất nhiều giáo sĩ người Moravia đang làm việc, chính ông đã bị thách thức rất lớn với những gì mình chứng kiến. Quyển nhật ký của David Zeisberger và một vài người Moravia khác đã truyền cảm hứng, và là nguồn tư liệu chứa đựng rất nhiều câu chuyện trong Bộ truyện Leatherstocking. Người thổ dân sớm cải đạo tên là Tschoop chính là hiện thân của nhân vật Chingachgook trong cuốn tiểu thuyết Người Cuối Cùng Của Bộ Tộc Mohicans được xuất bản vào năm 1826 của Cooper.
Lòng sốt sắng của Bá tước Zinzendorf trong công tác giáo sĩ không chỉ dừng lại ở cộng đồng người Moravia. Cuộc đời của Ludwig đã ảnh hưởng tới rất nhiều Cơ Đốc nhân không thuộc Giáo hội Moravia, hơn là những người ở trong Giáo hội này, bằng nhiều cách. John Wesley đã đích thân tới thăm Herrnhut để chiêm ngưỡng cộng đồng đầy nghị lực này. Mặc dù ông có nhiều sự khác biệt về giáo lý đối với người Moravia, nhưng ông đã áp dụng rất nhiều điều từ người Moravia trong Giáo hội Giám lý mà ông đã thành lập. Năm 1792, tại một buổi nhóm nhỏ của các mục sư Báp-tít ở Kettering của nước Anh, William Carey được chọn làm giáo sĩ Báp-tít đầu tiên đã đưa ra rất nhiều bài viết về người Moravia gọi là Nhật Ký trên bàn và tuyên bố rằng: “Hãy xem người Moravia đã làm như thế nào! Giáo hội Báp-tít chúng ta ít ra cũng nên trung tín với Chúa giống như thế chứ?”
Người Moravia ở Herrnhut tiếp tục cầu thay cho các giáo sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Kỳ thực, các buổi cầu nguyện liên tục hai mươi bốn giờ đã bắt đầu từ 1727 được tiếp tục không ngừng trong hơn một trăm năm.
Ngày nay, hơn hai trăm năm sau khi Ludwig qua đời, tinh thần của Bá tước Nicolaus Ludwig von Zinzendorf vẫn còn sống mãi, không chỉ trong Giáo hội Moravia mà còn vang dội trong rất nhiều tổ chức sai phái giáo sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Bá tước Zinzendorf đã tìm kiếm những trái đầu mùa, nhưng khải tượng và sự tận hiến của ông đã đạt được kết quả rất lớn ngày hôm nay, hàng triệu người đã được thêm vào sự hiệp một của các tín đồ.