4 Th6, 2021

Hy vọng chắc nhất trên đất

Hy vọng chắc nhất trên đất
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

“Hy vọng là thứ giết người”, một câu mà các cổ động viên hâm mộ bóng đá Anh thường nói. Có phải càng đặt hy vọng thấp vào đội bóng của mình chừng nào thì càng tốt chừng nấy, nhưng làm vậy chỉ để chuốc thêm nỗi phiền hà còn thậm tệ hơn nữa có phải không?

Thế gian có một ý tưởng về hy vọng đó là trông chờ điều tích cực sẽ xảy ra trong đời nầy, hoặc là trong kiếp sau đối với người nào có tín ngưỡng.

Người ta không thể làm gì được khác ngoài việc đặt cược vào hy vọng; đó là gen di truyền đã có sẵn trong con người. Chúng ta hy vọng sẽ có sức khoẻ tốt, hôn nhân hạnh phúc, thời tiết đẹp, hoặc là một kỳ nghỉ dưỡng thật thoải mái. Rất nhiều người còn hy vọng sẽ có kiếp sau tốt hơn sau khi qua đời, điều nầy giải thích tại sao có lắm người cho rằng người thân (bao gồm cả động vật) đang “mỉm cười” ở nơi vĩnh hằng nào đó. Rất nhiều hy vọng trong thế giới nầy không giữ được lời hứa và sự đảm bảo, thế thì giống như cất nhà trên cát mà thôi.

Niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo khác với của thế gian. Hy vọng của Cơ Đốc giáo là một đức tính được Thánh Linh ban cho để giúp chúng ta vui mừng trông đợi vào điều Chúa đã hứa qua Đức Chúa Jêsus Christ. Do đó, hy vọng có liên qua đến Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Đỉnh điểm của hy vọng

Niềm hy vọng của Cơ Đốc giao tập chú vào Đức Chúa Trời vì Ngài là “Ðức Chúa Trời của hy vọng” (Rô-ma 15:13 BD2016). Vì Đấng Christ đã sống lại, nên sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng “đức tin và hi vọng của anh em được đặt nơi Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 1:21 BDHĐ). Hễ chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng đáng được tôn cao và yêu mến chừng nào, thì niềm hy vọng sẽ tác động đến đời sống của chúng ta chừng nấy. Góc nhìn của chúng ta về Đức Chúa Trời sẽ ảnh hưởng đến niềm hy vọng của chúng ta.

Một vị thần nhỏ bé chỉ tạo ra hy vọng nhỏ nhoi; nhưng còn sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đấng Christ (Giăng 17:3), tức là sự sống đời đời, lại là một nguồn hy vọng tuôn chảy trong linh hồn của chúng ta mỗi ngày. Trước giả Thi Thiên đã mô tả một người được phước là người “có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ mình, đặt niềm hi vọng nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình” (Thi Thiên 146: 5 BDHĐ).

Hãy xét kỹ mấy lời của Thomas Aquinas sau đây:

Lý do để chúng ta đặt trọn hết hy vọng nơi Đức Chúa Trời là vì Ngài có sự tốt lành vô hạn, điều nầy đòi hỏi Ngài phải là Đấng quyền năng, bởi vì chỉ có Đấng quyền năng vô hạn mới dẫn chúng ta đến với sự tốt lành vô hạn. Sự tốt lành ấy là sự sống đời đời, tức là được sống vui hưởng chính Đức Chúa Trời. Chúng ta chẳng thể hy vọng được gì khác từ Ngài hơn là chính Ngài, vì sự tốt lành của Ngài, mà nhờ đó Chúa đã ban mọi điều tốt lành cho muôn vật, chẳng khác gì bản chất của Ngài. Do đó, mục tiêu chính và đúng đắn để hy vọng là sự vui mừng đời đời. (Luận văn Thần học, II-II.17.2)

Nói tóm lại, Aquinas đang nói rằng sự vui mừng của chúng ta có liên quan đến sự hy vọng của chúng ta, điều nầy có liên quan đến Cứu Chúa, vậy thì cũng liên quan đến Đức Chúa Trời của chúng ta. Niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo chỉ tồn tại khi chúng ta đặt hy vọng vào Đức Chúa Trời là Cha của Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta (1 Phi-e-rơ 1:13). Đỉnh điểm của hy vọng chính là Đức Chúa Trời.

Chắc như Lời Chúa hứa

Những điều kiện nói lên hy vọng theo Kinh Thánh: phải là điều tốt đẹp, phải ở trong tương lai, phải có sự khó khăn (thí dụ như kiên nhẫn chịu khổ) và phải dựa vào Lời Chúa hứa. Người nào sống bền đỗ bằng đức tin sẽ nhận được điều mình đang trông đợi, đó là: nhìn thấy Cứu Chúa (Tít 2:13).

Niềm hy vọng mà Đấng Christ cho chúng ta không chỉ dựa vào dữ kiện Chúa sẽ trở lại, mà còn dựa vào việc nhận biết rằng Đức Chúa Trời ở trong chúng ta. Điều nầy giải thích cho lời lẽ của sứ đồ Phao-lô trong Rô-ma 15:13 (BDTT) chép rằng: “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!”

Sự hy vọng không chỉ là những lời hứa khách quan nào đó thôi, mà còn có “sự thôi thúc” bên trong của Đức Thánh Linh hướng đến Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Vì vậy, niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo không phải là trông chờ điều gì đó có thể xảy ra, hoặc là một tiên đoán nào đó sẽ xảy ra trong tương lai, mà là một điều vĩ đại chắc chắn.

Đức tin, hy vọng và tình yêu thương

Đức tin nơi Đức Chúa Trời qua Đấng Christ bởi Thánh Linh khơi dậy niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo. Đức tin và hy vọng có một sự ràng buộc mật thiết với nhau (Rô-ma 4:18-21; 5:2; 15:13; Ga-la-ti 5:5; Ê-phê-sô 1:18-19; Cô-lô-se 1:23; 1 Ti-mô-thê 4:10; Hê-bơ-rơ 11:1; 1 Phi-e-rơ 1:21). Đức tin là nền tảng của hy vọng, nếu hy vọng mà không có đức tin thì chẳng hy vọng gì cả. Chúng ta tin Đức Chúa Trời để hy vọng vào điều chúng ta đã đặt lòng tin. Nhưng đức tin cũng lái chúng ta trở lại với hy vọng để thêm can đảm trong sự bền đổ. Nếu đức tin dựa vào Lời Chúa đã hứa, thì hy vọng trông chờ vào điều Chúa hứa. Trong lúc khó khăn, tuyệt vọng và chịu khổ, đức tin và hy vọng nuôi chúng ta bằng lời hứa của Ngài và cho chúng ta biết Đức Chúa Trời.

Sự khác biệt giữa đức tin và hy vọng không dễ để phân biệt. Nói đơn giản thì đức tin là tin cậy, còn hy vọng là kiên nhẫn chờ đợi. (Nhưng có một khía cạnh mà đức tin cũng cần sự kiên nhẫn). Đức Chúa Trời là mục tiêu của hy vọng, cụ thể là tập chú vào sự tốt lành của Ngài ở trong Đấng Christ. Đức tin không chỉ tập chú vào Đức Chúa Trời mà còn run sợ trước sự sửa phạt của Ngài nữa (khi đúng kỳ). Hy vọng không bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ ấy. Đức tin và tình yêu thương có liên quan đến đối tượng trong hiện tại hoặc tương lai, còn hy vọng chỉ hướng về tương lai mà thôi.

Tất nhiên, đức tin và hy vọng cũng có sự ràng buộc mật thiết với tình yêu thương. Nếu hy vọng là sự trông đợi của đức tin, thì hy vọng là sự khao khát của tình yêu thương. Tình yêu phải có sự khao khát, hễ chúng ta càng khao khát sự tốt lành, thì chúng ta sẽ càng yêu quý điều tốt lành đó. Tương tự, hy vọng cần có sự khao khát. Hễ chúng ta càng khao khát Lời hứa, thì chúng ta càng hy vọng vào Lời hứa ấy. Vì đức tin tập chú vào Đấng Christ, hy vọng sẽ luôn có mặt chừng nào đức tin thật vẫn còn đó. Vì đức tin tập chú vào Đấng Christ, nên tình yêu sẽ luôn đi cùng đức tin và hy vọng vì Đức Chúa Trời và Đấng Christ là đối tượng của đức tin và hy vọng — làm thế nào chúng ta không yêu Ngài là Đấng mà chúng ta tin rằng chính Ngài đã cứu rỗi chúng ta và hứa ban cho chúng ta rất nhiều điều trong tương lai? Như vậy, đức tin, hy vọng và tình yêu thương được bày tỏ ra trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 13:13; Cô-lô-se 1:4).

Hy vọng làm nên thánh

Sự hy vọng mang lại nhiều ích lợi cho Cơ Đốc nhân, đại loại như việc trông đợi vào sự sống đời đời (Tít 1:2; 3:7), sự cứu rỗi (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8), thiên đàng (Cô-lô-se 1:5), sự sống lại (Công-vụ 23:6), phúc âm (Cô-lô-se 1:23), sự kêu gọi của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:18; 4:4) và cơ nghiệp của chúng ta (Ê-phê-sô 1:18). Nhưng cũng có một “nghĩa vụ” đi kèm với hy vọng, đó là sự nên thánh của linh hồn chúng ta: “Ai có niềm hi vọng như vậy nơi Ngài thì phải giữ mình thanh sạch, như Ngài là thanh sạch” (1 Giăng 3:3 BDHĐ).

Mạng lệnh nầy theo sau một trong những lời hứa rất lớn trong niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo: “Thưa anh em yêu dấu, hiện bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời; còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vốn có vậy” (1 Giăng 3:2 BDHĐ). Người nào có hy vọng trong việc được trở nên giống như Đấng Christ trong thân thể và linh hồn phải khao khát về sự nên thánh ngay trong hiện tại. Nói về sự nên thánh thì chúng ta thường nghĩ đó là việc của Chúa, còn trong 1 Giăng 3:3 lại cho thấy phần của chúng ta. Nếu Cơ Đốc nhân hy vọng được nhìn thấy Đấng Christ mặt đối mặt, thì hãy tự mình làm nên thánh.

Nói cách khác, hy vọng có một tác động ở trên lối sống đạo đức. Đeo đuổi sự thánh khiết bằng chính hy vọng của chúng ta. Hy vọng kiến tạo sự nên thánh; khi chúng ta được nên thánh, thì chúng ta càng thêm hy vọng vì chúng ta càng được gần Chúa hơn. Ngoài Giăng ra thì sứ đồ Phi-e-rơ cũng đưa ra điều tương tự. Ông nói về lời hứa trong tương lai của trời mới và đất mới cho độc giả của mình (2 Phi-e-rơ 3:13) rồi lý giải rằng: “Vậy, thưa anh em yêu dấu, trong khi trông đợi những điều đó, anh em phải cố hết sức để Ngài thấy anh em không tì vết, không có gì đáng trách và sống trong sự bình an” (2 Phi-e-rơ 3:14).

Cũng vậy, sứ đồ Phao-lô viết rằng: “Thưa anh em yêu dấu, vì có những lời hứa nầy, chúng ta hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh, cũng hãy làm cho sự thánh hóa được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Những lời hứa mà sứ đồ Phao-lô nói cũng bao gồm cả địa vị làm con nuôi, là chỗ để Đức Chúa Trời ngự vào và hiện diện ở giữa chúng ta (2 Cô-rinh-tô 6:16, 18). Tất nhiên, những lời hứa nầy được bày tỏ ra trong đời nầy, nhưng chúng cũng chờ ngày cứu chuộc mà hết chúng ta đều trông đợi (xem Rô-ma 8:23).

Niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo có những thực tại ngay trong đời nầy, một trong những thực tại ấy là sự nên thánh của chúng ta. Vì vậy, đức tin của chúng ta bám chặt vào hy vọng của chúng ta, khi chúng ta làm mọi cách để sống thánh khiết như Đức Chúa Trời là thánh.

Hy vọng khác với hy vọng của thế gian

Đối với Hội thánh ngày nay, chúng ta đang coi thường động cơ của tương lai (niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo) về việc sống thánh khiết là như thế nào. Cũng giống như Lễ tiệc thánh, chúng ta không chỉ nhớ lại sự chết của Đấng Christ, mà còn nhớ tới sự sống lại của Đấng Christ và những phước hạnh trong tương lai đang chờ đợi chúng ta. Đây là sự nên thánh của niềm hy vọng thật.

Hy vọng của chúng ta khác với hy vọng của thế gian. Hy vọng của thế gian thường mập mờ, không chắc chắn, giống như một mong ước dưới các vì sao. Nhưng niềm hy vọng của Cơ Đốc giáo là vững chắc, kiên cố, có tương lai và trong sạch. Hy vọng ấy còn mãi như Đức Chúa Trời là Đấng hằng sống và trụ vững như Ngài là Đấng không hề thay đổi. Ngài là hy vọng của chúng ta, vì ngoài Chúa ra chúng ta chẳng có hy vọng nào khác (Ê-phê-sô 2:13).

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .