17 Th11, 2023

Hãy dốc chí trượng phu

Hãy dốc chí trượng phu
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Người nam Cơ Đốc nào khiến phụ nữ, trẻ em và Hội thánh an toàn, thì sẽ làm cho ma quỷ và kẻ ác khó chịu. Một người chăn chiên sẽ dùng cây trượng và cậy gậy của mình an ủi họ. “Hiền lành”, “nhu mì” và “giàu lòng thương xót” phải có ý nghĩa đặc biệt vì anh ta không chỉ có những phẩm chất này. Tương tự một chiến binh ngày xưa, người nam Cơ Đốc “có nhiều đặc điểm giống những quái vật mà anh ta chinh phục, là điều anh ta cần phải làm nếu muốn chinh phục chúng” (Leon Podles, Hội thánh Bất lực, trang 95). Nói cách khác, người nam Cơ Đốc phải mạnh mẽ. 

Chủ nghĩa nữ quyền gào thét lên chỉ vì trích dẫn này: “Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ” (1 Cô-rinh-tô 16:13). Họ không thích (và đe dọa chúng ta không được thích) những người nam cư xử “như đàn ông”. Nếu họ không thể khiến đàn ông trở nên tàn bạo, thì sẽ làm cho tâm hồn của họ nhu nhược trước phim ảnh khiêu dâm, không quan tâm đến quyền lực, lãng phí cuộc đời của mình khi dán mắt vào cái hộp ở trong phòng. Sứ đồ Phao-lô, nhờ sự thần cảm của Đức Chúa Trời, khuyên chúng ta phải sống, đứng vững và thậm chí hy sinh vì một điều gì đó, sống lại từ mồ mả để cai trị một lần nữa – “hãy cư xử như đàn ông” theo bản dịch King James cổ – mạnh mẽ.

Mạng lịnh này không phải là bản cải thiện. Sứ đồ Phao-lô, hiểu rõ Cựu Ước, lớn lên với những câu chuyện về Áp-ra-ham, Nô-ê, Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, Giô-na-than, Ê-li, Nê-hê-mi, Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô. Khi sứ đồ Phao-lô nói rằng toàn bộ Hội thánh phải “cư xử như đàn ông”, ông sử dụng từ — andrizomai đã quen thuộc với độc giả của các bản dịch Cựu Ước tiếng Hy Lạp. Dân Y-sơ-ra-ên lớn lên với các phạm trù rõ nghĩa về việc cư xử như đàn ông, đứng vững trong đức tin và mạnh mẽ.

Những đàn ông mà quỷ sứ cũng phải biết

“Hãy dốc chí trượng phu” là sứ mạng chung được trao cho thế hệ sắp bước vào đất hứa. Tôi không đếm được có bao nhiêu lần tâm linh nao sờn của mình cần uống chén của Giô-suê. Đức Giê-hô-va đã phán với ông rằng:

Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí [andrizomai], chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. (Giô-suê 1:9)

Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên cần phải “cư xử như đàn ông” để chinh phục nỗi sợ của mình và tiến vào vùng đất đầy dẫy những kẻ thù hung dữ và kiên cố (Phục truyền Luật lệ ký 31:6). Đức Chúa Trời đã hành quyết tinh thần hèn nhát của các sứ giả đi do thám xứ bằng bốn mươi năm lang thang trong đồng vắng. Chỉ hai người có tinh thần chiến binh còn sống vì đã tin cậy Đức Chúa Trời của mình là: Ca-lép và Giô-suê. Giô-suê được Môi-se, Đức Giê-hô-va và dân sự giao cho nhiệm vụ hết lần này đến lần khác: Hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ (Phục truyền Luật lệ ký 31:6–8, 23; Giô-suê 1:1–9, 16–18).

Từ Andrizomai bao hàm sức mạnh của tâm hồn. Đàn ông phải hành động, bằng tinh thần của chiến binh, để bảo vệ dân sự, trong khi tin cậy vào Đức Chúa Trời. Mọi điều họ làm đều bị chi phối bởi tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 16:14), lòng yêu thương đó không phủ nhận tâm hồn mạnh mẽ, kiên cường; nhưng tập trung vào những mục đích đúng đắn. “Một người lính thực thụ không chiến đấu vì căm thù những điều ở trước mặt mình, mà vì yêu thương những điều ở đằng sau mình” (G.K. Chesterton, Báo Minh họa Luân Đôn, 1911). Một người lính như vậy sẽ giúp đỡ đồng đội trong cuộc chiến, tấn công trên cả hai mặt trận, nhớ đến dân tộc mình trong tim, mà nói rằng:

Nếu dân Sy-ri mạnh hơn anh, em sẽ đến giúp anh; nhưng nếu dân Am-môn mạnh hơn em, anh sẽ đến giúp em. Hãy vững lòng bền chí, đánh giặc cách can đảm [andrizomai], vì dân sự ta và vì các thành của Đức Chúa Trời chúng ta; nguyện Đức Giê-hô-va làm theo ý Ngài lấy làm tốt! (2 Sa-mu-ên 10:11–12)

Ma quỷ nhận ra người đàn ông này. Vợ người tôn trọng người. Các con trai người ngưỡng mộ người. Con gái người được an toàn khi ở cạnh người. Dân sự người tin cậy nơi người. Người đó là chiến binh của Đức Vua, con trai của Cha mình, một người nam Cơ Đốc.

Tội hèn nhát

Vậy thì, khi chúng ta đến thăm Cơ Đốc nhân, chúng ta tưởng sứ đồ Phao-lô đã dạy rằng: “Hãy bình tĩnh, cư xử như những tạo vật lưỡng tính, chấp nhận điểm yếu không thay đổi (và không thể thay đổi) của bản thân”?

Trong những trường hợp như thế, lời kêu gọi phải “hiền lành” không làm nổi bật sức mạnh của người nam Cơ-đốc mà còn đánh gục khả năng ấy. Tình yêu thương không truyền lịnh phải có sự can đảm mà thổi lên hiệu lệnh rút lui. Vua Đa-vít có thể dùng đàn hạc để xoa dịu và gây thương tích bằng cái trành ném đá. Chính Đức Giê-hô-va đã mời con cái đến với Ngài, nhưng cũng vì sự sốt sắng về nhà Cha mà Chúa đã đuổi những kẻ đổi tiền ra khỏi đền thờ. Chúng ta có thuộc dòng dõi của họ không? “Hãy mềm mại hơn” không thể là thông điệp duy nhất cho thế hệ ngày càng thiếu hiểu biết về việc khẳng định bản thân, nhận thức tội lỗi hoặc liều lĩnh.

Charles Spurgeon đã than thở về tinh thần mềm yếu và thiếu nam tính trong thời đại của mình. Trong ấn bản tháng 5 năm 1866 của tờ Gươm và Bay, ông chẩn đoán thế hệ của mình chẳng khác gì mấy thế hệ của chúng ta:

Sự hèn nhát không phải là một thói xấu phổ biến giữa những người hầu việc Chúa sao? . . . Không phải dạy dỗ dân sự của Đức Chúa Trời có những thói quen không sẵn sàng cho cuộc chiến thuộc linh là tội lỗi hay sao? Chẳng phải những lúc như thế này đòi hỏi người tin Chúa phải tỏ ra trượng phu hơn so với hầu hết những điều mà họ đã làm rồi hay sao? (Ngựa chiến)

Hèn nhát là một thói xấu, nhưng còn tôn vinh những đức tính “mềm mại hơn” như khiêm tốn của Cơ Đốc giáo thì sao? Ông nói tiếp rằng: 

Mọi người nhắc tôi mới nhớ khiêm tốn là một đức tính tuyệt vời; tôi tin điều đó, nhưng tôi tin rằng những đức tính khác cũng là điều cần thiết không kém đối với một người lính. Sự khiêm tốn giữ một người lính ở hậu phương trong ngày chiến trận sẽ mang lại cho anh ta ít vòng nguyệt quế [danh dự]; còn sự thoái lui khiến anh ta chùn bước khi nghe lệnh tiến lên của mấy kẻ được gọi là những người quả cảm.

Spurgeon thường mặc cho bài giảng của mình tinh thần chiến sĩ. Ông đã có một chức vụ rất đàn ông, chống lại sự nhút nhát mà ông từng chứng kiến từ rất nhiều bục giảng trong thời của mình:

Gia vị của sự khiêm tốn bội bạc này thấm vào chức vụ của chúng ta, thậm chí một số người còn thèm khát thứ gia vị ấy nhiều hơn nữa. Chúng ta xuất hiện trước thính giả với sự nhút nhát, phủ nhận tất cả giáo điều, cầu xin được lắng nghe như một kẻ ăn xin cần sự bố thí. Đúng ra, những đại sứ của Đức Chúa Trời phải liếm bụi đất và rao truyền sứ điệp của Chủ mình.

Nói cách khác, một mục sư mượn lời thoại từ chiến sĩ Coriolanus của Shakespeare: “Tại sao ngươi lại muốn ta nhẹ nhàng hơn? Ngươi muốn ta cư xử trái với tính tình của ta sao? Nhưng ta sẽ cư xử đúng với con người của ta” (Coriolanus, 3.2.15). Spurgeon tuyên bố rằng: “Người nam của Đức Chúa Trời là một bậc trượng phu”. “Một người đàn ông đích thực làm những điều anh cho là phải, mặc kệ tiếng càu nhàu của loài lợn và tiếng hú của loài chó” (“Người nam của Đức Chúa Trời là một bậc trượng phu”, Nam tính và thuộc linh dưới thời Victoria, trang 211). 

Phép lịch sự hủy hoại tâm hồn

Nhưng Spurgeon đặc biệt nhắm đến điều gì, và làm thế nào để chúng ta áp dụng điều đó vào thời nay? Đạo lạc của thời này (cũng tồn tại trong thời của ông) sẽ khiến chúng ta bày tỏ sự tôn kính trước các thần tượng. Một người nam không được “chiến đấu vì đức tin đã được truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả” (Giu-đe 3). Một người nam được quyền tin Chúa Jêsus cách riêng tư, chứ không phải Chúa của mọi người là Đấng nắm giữ hết thảy quyền phép trên muôn dân, tội nhân cũng phải quỳ lạy trước mặt Ngài. Chủ nghĩa đa thần thù ghét Chúa – mặc dù đầu của nó sẽ rơi xuống đất giống như thần Đa-gôn mà thôi. 

Vậy, cuộc chiến của chúng ta từ xưa đến nay (kể cả trong thế kỷ thứ nhất) liên quan nhiều đến sự rao giảng thẳng thắn về Đấng Christ vì ích lợi của những linh hồn. Chúng ta sử dụng khí giới thuộc linh, đạp đổ các đồn lũy, chủ yếu bằng sự giảng luận, khi chúng ta “đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 10:4–5). 

Nếu chúng ta còn ở dưới tôn giáo của Cựu Ước, biên giới của nước Đức Chúa Trời còn bị xác định bởi địa lý, nếu nơi Chúa ngự còn ở phía sau tường thành Giê-ru-sa-lem và hòm giao ước còn ở trong đền thờ, nếu chúng ta là quốc gia của Đức Chúa Jêsus Christ, thì chúng ta có thể tưởng tượng trách nhiệm mà những người nam của Đức Chúa Trời được giao phó ngày hôm nay là: “Hỡi bậc trượng phu, hãy cầm gươm lên mà vì Hội thánh chiến đấu chống lại kẻ thù!”

Trong khi một người bình thường có thể cầm gươm và chiến đấu, chúng ta biết rằng cuộc chiến của mình ở trong Đấng Christ đã được nâng cao hơn. Đó là cuộc chiến thường nhật chống lại những kẻ thù không biết mệt mỏi và vô hình, cảnh giác với những kẻ phản bội cận kề như da với thịt, chống trả các quỷ sứ đang bắn những mũi tên rực lửa vào tấm lòng, chúc tụng kẻ lừa đảo hùng mạnh và tối tăm đang cầm giữ linh hồn cách không thương tiếc ở trong miệng của nó? Những người nam mạnh mẽ, mạnh dạn trong đức tin, mạnh dạn ở trong Chúa, đứng vững và dám đối đầu với thế gian, xác thịt, ma quỷ. 

C.S. Lewis đã viết trong thời của mình rằng: “Những kẻ hiểu biết đã không dám lên tiếng nữa. Đó là vì sao những đau buồn đã từng làm sạch tấm lòng mà bây giờ chỉ còn lại sự day dứt mà thôi” (Cuộc chia ly lớn, trang 106). Chúng ta có dồn hết sức để nói với người chưa tin Chúa đang sống trong Chợ Hư Hoa rằng họ đang trên đường xuống địa ngục, thần của họ chỉ là hình tượng, sự trông cậy của họ chẳng qua chỉ là ảo tưởng mà thôi chăng?

Spurgeon nói lớn tiếng rằng: “Loài người đang hư mất, nếu nói điều này với họ là thiếu lịch sự, thì chỉ có thể nói như vậy chừng nào ma quỷ còn là chủ tiệc. Hãy ra khỏi cái lịch sự đang hủy diệt linh hồn của chúng ta; Chúa ban cho chúng ta một chút yêu thương chân thành dành cho linh hồn, sự hiền lành hời hợt này sẽ sớm tan biến” (Ngựa chiến). Những đau buồn đã từng làm sạch tấm lòng mà bây giờ chỉ còn là sự day dứt có phải vì Cơ Đốc nhân sợ cất tiếng nói – hoặc nói giảm nói tránh kèm theo những lời xin lỗi lầm bầm không?

Anh em mài giũa nhau

Có lẽ chúng ta đã cắt tóc của Sam-sôn vì đã để những người đàn ông trở thành anh hùng một mình, đánh mất tình huynh đệ. Có lẽ những người nam Cơ Đốc không mạnh dạn chia sẻ với người lân cận của mình vì họ không nói chuyện cách can đảm với nhau. Trong cộng đồng, trách nhiệm giải trình của đàn ông nhanh chóng bị chuyển thành các buổi trị liệu thế tục, người nghe chỉ có thể bày tỏ sự đồng cảm và khuyến khích người đang có vấn đề. Chúng ta đã quên cách tập luyện, sắt mài nhọn sắt, cách đàn ông cư xử với đàn ông.

Phải chăng tôi quá khắc khe khi thấy nhiều người hành động theo quy tắc bất thành văn rằng chúng ta có thể là mấy gã thân dê tập những bước đầu tiên trong quá trình môn đồ hóa mãi hay sao? Chẳng phải tiền tuyến là để xung kích hay sao? Chẳng phải việc nhóm lại đang trở thành một trò tiêu khiển khi chúng ta chẳng khác nào những con chiên hoảng hốt kêu ca về sự tan vỡ của mình mà không có bất kỳ lời nài xin nào cùng Chúa (và những anh em), hầu cho chúng ta được mạnh dạn hơn sao? Tôi hy vọng là không phải như vậy.

Hãy nhớ khải tượng của sứ đồ Phi-e-rơ về đời sống Cơ Đốc. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, quyền năng xác nhận về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa chúng ta khi chúng ta cùng với các thánh đồ diễu hành vào nước đời đời (2 Phi-e-rơ 1:3–11). Sự thoái trào? Dĩ nhiên. Tội lỗi? Ai có thể phủ nhận điều đó? Nhưng còn sự tăng trưởng thì sao? Chắc chắn rồi. Người lính Cơ Đốc tiến về phía trước là di sản của chúng ta. Hội thánh đắc thắng diễu hành phía sau Đấng Christ đắc thắng, trận chiến bắt đầu từ tâm hồn của chúng ta và diễu hành đến vinh hiển.

Hãy cư xử như đàn ông Cơ Đốc

Điều này đưa chúng ta đến điểm kết: Đức Chúa Trời kêu gọi Cơ Đốc nhân hãy dốc chí trượng phu. Người nam Cơ Đốc không dựa vào sức riêng hoặc xe ngựa. Không đi loanh quanh như Gaston nghêu ngao rằng: “Hạng người như ta đây, ôi chao, thật đáng sợ!” Câu chuyện về Giô-suê là điều mà trước giả thư Hê-bơ-rơ muốn nhắn nhủ với chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5–6), dạy chúng ta biết rằng người nam của Đức Chúa Trời phải mạnh dạn và can đảm vì người tin vào lời hứa của Chúa: Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu. Những kẻ mạnh dạn biết rằng họ hoàn toàn yếu đuối nếu không có Đức Chúa Trời. “Anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10).

Hãy cư xử như người đàn ông, máu đỏ và tâm hồn mãnh liệt, tức là nhận ra chúng ta chẳng qua là đàn ông. Như câu ngạn ngữ nói rằng: “Đàn ông tốt nhất là phải làm sao cho ra dáng trượng phu”. Nếu Đức Chúa Trời không đi cùng chúng ta, thì sức lực của chúng ta sẽ suy giảm. Cùng với Đức Chúa Trời, chúng ta hùng dũng như loài sư tử. Không có Ngài, chúng ta tan tành như nước.

Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa sẽ không lìa bỏ chúng ta. Do đó, hãy tránh xa sự nhút nhát đang ngụy trang bằng đạo đức. Hãy trò chuyện với Đấng Christ để được lắng nghe. Hãy tìm việc làm. Hãy tìm một người vợ. Hãy nuôi dạy con cái. Hãy phục vụ Hội thánh. Hãy yêu thương người lân cận trong danh Chúa Jêsus. Hãy học cách đổ mồ hôi, phát triển khả năng và sử dụng chúng. Hãy bước đi cách khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời và lời của Ngài; hãy đứng thẳng thớm trước mặt người ta. Hãy giơ tay thánh sạch lên trời và cầu nguyện. Học hỏi. Rèn giũa lẫn nhau. Hãy đứng vững. Hãy làm mọi việc trong tình yêu thương. Hãy mạnh dạn trong Chúa. Hãy cư xử như người đàn ông Cơ Đốc.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .