11 Th11, 2023

Gửi những người mẹ đang mắc kẹt trong hối tiếc

Gửi những người mẹ đang mắc kẹt trong hối tiếc
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Đó là một cảm giác quen thuộc vào cuối mỗi ngày. Tôi hôn chúc các con ngủ ngon, cầu nguyện cho chúng, hát cho chúng nghe một bài hát và sau đó bước ra khỏi phòng. Tôi nhìn lại một ngày vừa qua: thất vọng trước hành vi của các con,sử dụng điện thoại thay vì trò chuyện, gạt các con sang một bên thay vì chơi đùa với chúng, nổi giận gay gắt. Tôi cảm thấy rất nặng nề và thất vọng. Những lúc mất bình tĩnh dường như chỉ muốn nhấn chìm những lúc tốt đẹp đã xảy ra trong ngày hôm đó. Mấy đứa con có nhớ mãi những thất bại này chăng? Tôi có để lại vết sẹo cho chúng không? Đức Chúa Trời có vui lòng không?

Những người làm mẹ thường bị mặc cảm và hối tiếc. Đôi khi sự mặc cảm cũng đúng vì chúng ta đã phạm tội nghịch cùng con cái của mình. Đôi khi sự mặc cảm xảy ra vì chúng ta có những kỳ vọng không theo Kinh Thánh. Dẫu sao đi nữa, làm sao những người làm mẹ thoát khỏi sự hối tiếc và sự mặc cảm đây?

Sách Thi thiên là một dẫn nhập đáng tin cậy cho sự tranh chiến này của chúng ta. Các Thi thiên chứa đựng nhiều cảm xúc thăng trầm nhất. Sách Thi thiên cho chúng ta sự hiểu biết về các nhân vật trong Kinh Thánh đã trải qua những sự kiện cụ thể nào đó. Như vậy, các Thi thiên cho chúng ta nhìn vào cửa sổ tâm hồn của loài người, cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến từng khía cạnh trong đời sống của mình. Chúa lo liệu những chi tiết của câu chuyện, Chúa còn ban cho chúng ta lời lẽ để đáp lại câu chuyện của mình, bao gồm cả những lúc hối tiếc nhất.

Hãy đối diện với sự hối tiếc như Đa-vít

Sống trong thế giới tan vỡ có nghĩa là những người làm mẹ sẽ trải qua sự hối tiếc. Trong Thi thiên 51, Đa-vít vô cùng hối hận vì đã mưu sát U-ri và ngoại tình với Bát-sê-ba là vợ của U-ri. Nói cách khác, ông hối hận về những điều đó là đúng lắm, không hề có sự tưởng tượng. Ông đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời và những người khác.

Bước quan trọng nhất mà Đa-vít đã làm khi cảm thấy hối tiếc là ông đã bước đến gần Đức Chúa Trời. Chúng ta thường có khuynh hướng tránh xa Đức Chúa Trời khi phạm tội. Chúng ta cảm thấy xấu hổ vô cùng khi đến trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết. Nhưng Đức Chúa Trời thánh khiết này cũng là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót và nhân từ (Thi thiên 145:8). Chúa vui lòng cứu rỗi những đứa con ương ngạnh của Ngài, nếu chúng chịu đến cùng Ngài. Chạy trốn Đức Chúa Trời khi chúng ta cảm thấy hối tiếc chỉ làm sự hối tiếc thêm nhiều hơn mà thôi. Chạy đến cùng Chúa khi chúng ta cảm thấy hối tiếc mang lại sự sống.

Sau khi đến trước mặt Chúa, chúng ta phải trung thực. Chúng ta đã phạm tội và chúng ta cần được giúp đỡ. Đa-vít cũng thừa nhận tội lỗi của mình. Ông không ngần ngại nói rằng mình đã phạm tội, khi ông tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ và khiến mình trở nên mới (Thi thiên 51:7–12). Nếu không có lời cầu xin sự tha thứ và thanh tẩy, thì tội lỗi sẽ chồng chất ở trên chúng ta (Thi thiên 32:3–4).

Vậy, chúng ta đau buồn ở trong lòng đến cầu xin Đức Chúa Trời thánh khiết tha thứ tội lỗi của mình. Vì cớ Đấng Christ nên Chúa tha thứ cách tự do và rộng rãi. Chúng ta không cần phải ở trong tội lỗi và sự hối tiếc của mình. Chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời (Hê-bơ-rơ 4:16). Chúng ta có thể thừa nhận tội lỗi của mình, đến với Cứu Chúa là Đấng đã trả giá cho tội lỗi đó và tiếp tục bước đi.

Hai loại mặc cảm

Khi phạm tội, chúng ta có Chúa Jêsus và một tấm gương đã thừa nhận tội lỗi của mình là Đa-vít. Những người làm mẹ phải đối diện với sự hối tiếc không gây ra bởi tội lỗi như thế nào? Còn cảm giác thiếu sót hoặc chưa làm tròn bổn phận với các con thì sao đây?

Nếu chúng ta đã phạm tội, thì chúng ta có thể thấy tội lỗi đó được chép trong Kinh Thánh. Sự tức giận, nói nặng lời, phản ứng ích kỷ, thần tượng hóa con cái của mình – đều là những vi phạm, còn Kinh Thánh nói về chúng cách rõ ràng (Ê-phê-sô 4:31–32Phi-líp 2:3–4). Tất nhiên, đôi khi chúng ta không thể biết những điều mình đã làm là tội lỗi hoặc tại vì những hạn chế của con người. Đôi khi cảm giác ích kỷ thực ra chỉ là dấu hiệu cần phải chợp mắt một chút. Đôi khi cảm giác khó chịu thực ra chỉ là dấu hiệu cần có sự kỷ luật để con cái hiểu rõ thẩm quyền và giới hạn.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta không thể phân biệt giữa tội lỗi và “cảm giác tồi tệ”, thì câu trả lời vẫn giống nhau: chúng ta có Đấng biện hộ trước mặt Đức Chúa Cha (1 Giăng 2:1). Cho dù chúng ta đã phạm tội hoặc chỉ cảm thấy mình cần phải làm tốt hơn, thì địa vị của chúng ta ở trước mặt Chúa Jêsus không hề thay đổi.

Thi thiên 131 nhắc tôi nhớ về địa vị của mình. Có những hiện thực tuyệt vời đến nổi không thể hiểu được (câu 1); khi tôi không biết phải làm mẹ như thế nào, thì linh hồn tôi có thể yên lặng và tin cậy Đức Chúa Trời đang kiểm soát mọi sự (câu 2). Giống như một đứa trẻ đã cai sữa học cách tin rằng mình sẽ có đồ ăn, thì tôi có thể học cách tin rằng con cái của mình vẫn ổn. Mỗi ngày trôi qua không thể làm hại chúng. Đức Chúa Trời sẽ giữ chúng trong tay Ngài, giống như Chúa đã gìn giữ tôi.

Hoàn tất và tự do

Rất nhiều người làm mẹ có khuynh hướng muốn làm đúng hết mọi thứ. Chúng ta muốn biết tất cả quy tắc để làm hết mọi việc thật hoàn hảo. Chúng ta không muốn làm mọi người thất vọng. Tức là chúng ta cần nhớ một điều trong suốt cả quá trình: danh tính của chúng ta đã được đảm bảo.

Nếu chúng ta tin cậy Đấng Christ, thì Chúa đã hoàn tất công tác này cho chúng ta rồi. Sự cố gắng của chúng ta bây giờ đều là từ đức tin, vui lòng thuận phục Chúa, chứ không tìm kiếm điều gì khác. Tất nhiên, Chúa kêu gọi chúng ta vâng lời và bước đi theo lời Chúa – nhưng không thể thêm hoặc bớt những điều Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, Chúa Jêsus đã trả giá chuộc tội lỗi rồi. Khi chúng ta không làm cho người khác hài lòng, thì không nhất thiết Đức Chúa Trời cũng sẽ buồn lòng đâu. Khi chúng ta mắc sai sót, Đức Chúa Trời không định tội chúng ta. Khi cảm thấy hối tiếc, chúng ta có một con đường để tiến về phía trước.

Những lựa chọn của chúng ta không nhất thiết gây xấu hổ cho chúng ta. Chúng ta có thể đi cách tự do trước mặt Chúa, biết rằng trong Đấng Christ chúng ta có hết mọi sự – bao gồm Đức Thánh Linh là Đấng ban cho chúng ta sự khôn ngoan càng hơn để nhận ra điều gì là tội lỗi.

Chúng tôi thường nói ở nhà rằng: “Ngày mai sẽ có sự thương xót của Chúa và nhiều cơ hội nữa để vâng lời Ngài”. Nếu chúng ta phạm tội ngày hôm nay, thì ngày mai sẽ có sự thương xót (Ca thương 3:22–23). Nếu đã gần hết ngày mà chúng ta ước gì đã làm được nhiều hơn, thì ngày mai sẽ có sự thương xót.

Sự hối hận không có quyền phán quyết cho cuộc đời của chúng ta – Đấng Christ đã phục sinh mới có quyền đó. Vì Chúa phán rằng: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30), nên chúng ta có hy vọng cho hôm nay và mỗi ngày sắp tới nữa.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .