12 Th9, 2023

Giấc ngủ của Cơ Đốc nhân

Giấc ngủ của Cơ Đốc nhân
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Khi mới tin Chúa, tôi đã bắt đầu liên tưởng sự mất ngủ với sự tin kính. Vì những lý do dễ hiểu.

Kẻ biếng nhác trong Châm ngôn từ lâu đã hiện hữu như một nhân vật sống động ở trong trí tưởng tượng của tôi – Kẻ biếng nhác lăn trở trên giường mình, “khác nào cửa xây trên bản lề nó” (Châm ngôn 26:14), hắn đáp lại tiếng gõ cửa của mẹ bằng sự lầm bầm: “Ngủ một chút, chợp mắt một chút . . .” (Châm ngôn 6:10). Sau đó, một cách tích cực, tôi đọc thấy các trước giả Thi thiên đã cầu nguyện lúc nửa đêm và thức dậy trước bình minh (Thi thiên 119:62147) – và một Cứu Chúa đã thức dậy lúc “trời còn mờ mờ” (Mác 1:35), đôi khi không hề chợp mắt suốt cả đêm (Lu-ca 6:12).

Những câu chuyện từ lịch sử Hội thánh cũng khiến cái giường ngủ của tôi trở nên ảm đạm. Tôi thắc mắc làm thế nào Hudson Taylor thức dậy lúc 2 giờ sáng để đọc và cầu nguyện cho đến 4 giờ sáng (Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor, 243). George Whitefield cũng vậy, ông nổi tiếng là người bắt đầu một ngày của mình trước bình minh, rồi kết thúc giờ tĩnh nguyện lẫn bài giảng đầu tiên trước 6 giờ sáng (George Whitefield: Đầy tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời, 196). Chẳng phải các nhà Thanh giáo chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm sao? William Law, một người đã sống vào thời kỳ hậu phong trào Thanh giáo, đã nắm bắt được tinh thần của những thánh đồ tin kính nhất khi nói về việc “từ bỏ giấc ngủ” để lợi dụng thì giờ (Khi tôi không khao khát Chúa, 160).

Dưới những ảnh hưởng nói trên, tôi đã nhiều lần cố gắng cắt xén vài phút và đôi khi là hàng tiếng đồng hồ từ giờ giấc sinh hoạt mỗi đêm của mình, cố gắng ngủ ít nhất có thể. Tôi đã nhiều lần thức dậy vào nửa đêm hoặc khi trời còn tờ mờ tối. Thử dùng đồng hồ báo thức. Đánh đổi cái gối ngủ bằng mấy tách cà phê.

Suốt thời gian ấy, không phải lúc nào tôi cũng nghiêm túc với mọi điều Đức Chúa Trời phán về giấc ngủ. Tôi đã không nhận ra rằng “đôi khi”, như D.A. Carson từng nói là “điều tin kính nhất chúng ta có thể làm trong vũ trụ này là ngủ một giấc ngon lành” (Scandalous, 147).

Các thánh đồ ngủ say

Bên cạnh tất cả phân đoạn Kinh Thánh thiêng liêng hóa sự mất ngủ, thì có lẽ cũng tồn tại nhiều đoạn thánh hóa giấc ngủ. Trong Châm ngôn, người cha quen thuộc đã cảnh báo con trai về mối nguy hiểm của việc “ngủ một chút” cũng đảm bảo với con rằng sự khôn ngoan mang lại giấc ngủ ngon (Châm ngôn 3:24). Bên cạnh các trước giả Thi thiên ca ngợi Đức Chúa Trời vào lúc nửa đêm thì cũng có những người ngợi khen Chúa vào buổi sáng, sau một đêm ngon giấc (Thi thiên 3:5).

Trong các sách Phúc Âm, một trong những hình ảnh đáng chú ý hơn về Cứu Chúa của chúng ta là khi Ngài đang ở trên thuyền bị sóng biển giữa cơn bão mà vẫn “dựa gối mà ngủ” (Mác 4:37–38). Chúa có thể thức cả đêm khi cần thiết, nhưng cũng không ngại nghỉ trưa vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên, có lẽ sự công nhận nổi bật nhất về giấc ngủ xuất phát từ thực tế đơn giản rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta với khả năng như vậy. Kinh Thánh không nói rằng nhu cầu nghỉ ngơi hàng đêm của chúng ta bắt đầu từ Sáng thế ký 3. Trên thực tế, trước khi trái của cây biết điều thiện và điều ác được hái xuống, trước khi sự mỏi mệt của tội lỗi đè nặng thế gian, A-đam đã nằm ngủ (Sáng thế ký 2:21). Dường như giấc ngủ không phải là một nhu cầu từ sự sa ngã, cũng không đơn thuần là cám dỗ của thể xác, nhưng là sự ban cho từ trời. Từ xưa đến nay, Đức Chúa Trời đều “ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến” (Thi thiên 127:2).

Do đó, dù có lúc chúng ta phải từ bỏ giấc ngủ vì mục đích to lớn hơn, nhưng Kinh Thánh vẫn cho chúng ta một tư thế mặc định tích cực hơn: trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời dạy chúng ta biết lợi dụng giấc ngủ. Chúa đem giường của chúng ta trở lại vườn Ê-đen, là nơi chúng ta học cách nằm ngủ để chữa lành, dạy dỗ, ban cho và phục vụ.

Giấc ngủ là thầy thuốc

Vào những đêm giấc ngủ là sự gián đoạn, chẳng khác gì tám tiếng đồng hồ làm tê liệt mọi kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy ích lợi từ việc hình dung cái giường là sự yên ủi cho tâm trí, thân thể và tâm hồn. Vì ý định của Đức Chúa Trời là giấc ngủ sẽ khiến chúng ta dừng lại để chữa lành cho chúng ta.

Cho đến gần đây, sự chữa lành mà Chúa ban cho trong giấc ngủ là một vấn đề thiêng về trực giác hơn là kinh nghiệm thực tế. Nhưng các khoa học gia nghiên cứu về giấc ngủ hiện có thể viết rất nhiều về ích lợi của sự nghỉ ngơi đầy đủ đối với não bộ và cơ thể. Matthew Walker, giám đốc trung tâm Khoa học Nghiên cứu Giấc ngủ Con người, cho biết rằng: “Giấc ngủ chínhlà dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu: dù là chứng bệnh về thể chất hay tinh thần, thì giấc ngủ đều có đơn thuốc để phân phối khắp nơi” (Tại sao chúng ta ngủ, 108). Trong khi chúng ta nằm bất động, thì giấc ngủ củng cố ký ức và nuôi dưỡng sự sáng tạo của chúng ta; đồng thời tăng cường năng lượng và ngăn ngừa bệnh tật.

Điều này cũng có nghĩa là giấc ngủ đóng vai trò khiêm tốn nhưng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Giống như tập thể dục có thể giữ cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh để phục vụ và là chất dinh dưỡng thêm năng lượng cho chúng ta để làm việc lành, thì thói quen ngủ nghỉ lành mạnh có thể giúp chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời và người lân cận tốt hơn – tức là giữ cho chúng ta tỉnh táo để suy gẫm, cầu nguyện và sẵn sàng để dành thời gian với người khác. Hơn thế nữa, giấc ngủ ngon còn bảo vệ chúng ta khỏi tội lỗi mà sự mất ngủ sẽ dễ dàng khiến chúng ta trở nên: cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn, cay đắng và tham dục, hoài nghi và càu nhàu.

Đối với những người có khuynh hướng tự lực cánh sinh, thì cái giường là bàn học ở trong trường khiêm nhường của Đức Chúa Trời

Khi tiên tri Ê-li khốn khổ cầu xin Đức Chúa Trời cất mạng sống mình đi, thì phương thuốc của Đức Chúa Trời ban cho vị tiên tri đang chán nản là giấc ngủ, sau đó là thức ăn, rồi lại ngủ tiếp – cuối cùng là tiếng phán (1 Các Vua 19:4–6). John Piper, sau khi nhận được bài học của tiên tri Ê-li, đã đề cập đến việc trở nên “ít chán nản về mặt cảm xúc” về việc nằm ngủ một chút. Do đó, ông mới viết rằng: “Đối với tôi, ngủ đủ giấc không chỉ là vấn đề về sức khỏe. Mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì chức vụ – tôi muốn nói rằng điều này liên quan đến sự bền đổ của Cơ Đốc nhân” (Khi tôi không khao khát Chúa, trang 205).

Mỗi đêm, Đức Chúa Trời đã thêu dệt bộ não và cơ thể sẽ đứng bên cạnh giường của chúng ta, sẵn sàng sắp xếp lại những chỗ lỏng lẻo trong ngày, may vá các lỗ hổng và đánh thức chúng ta dậy sau khi làm xong công tác chữa lành, giúp chúng ta sẵn sàng lắng nghe và đáp lại lời hằng sống của Ngài.

Giấc ngủ là giáo sư

Giấc ngủ có thể chữa lành, thì giấc ngủ cũng là giáo sư. Trong một thế giới bận tâm về năng suất, giấc ngủ dạy dỗ những bài học mà chúng ta không thể tìm thấy ở chỗ khác: Đức Chúa Trời, chứ không phải chúng ta, nâng đỡ đời sống của chúng ta (Thi thiên 121:3–4); sự chủ động và công tác của Ngài, chứ không phải của chúng ta, mới quyết định xây dựng nhà cửa và cai quản các thành phố của chúng ta (Thi thiên 127:1–2). Đối với những người có khuynh hướng tự lực cánh sinh, thì cái giường là bàn học ở trong trường khiêm nhường của Đức Chúa Trời.

Tương tự ngày Sa-bát của dân Y-sơ-ra-ên, buổi tối kêu gọi chúng ta từ bỏ những việc cần làm và tạm dừng sự tranh đấu, nhắc nhở chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời có thể nâng đỡ đời sống trong khi chúng ta nằm xuống nghỉ ngơi. Tương tự ngày Sa-bát của dân Y-sơ-ra-ên, đây là điều rất khó học nhưng lại rất dễ quên. Nhiều người trong chúng ta đón nhận sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời một cách miễn cưỡng, giống như mấy kẻ đi tìm ma-na vào ngày thứ bảy (Xuất Ê-díp-tô-ký 16:27). Tuy nhiên, giấc ngủ vẫn quay lại hàng đêm, nhắc lại bài học nó đã dạy chúng ta.

Cũng để củng cố điều này, Đức Chúa Trời kể cho chúng ta nghe những câu chuyện mà Chúa làm ra những điều kỳ diệu khi chúng ta còn đang ngủ say. Trong vườn Ê-đen, A-đam chìm vào giấc ngủ khi còn là độc thân, nhưng khi thức dậy ông đã thấy nàng dâu của mình (Sáng thế ký 2:21–23). Sau đó, một “giấc ngủ sâu” tương tự xảy ra với Áp-ram, Đức Chúa Trời lập những lời hứa lớn lao và long trọng trong lúc tối tăm, đóng ấn giao ước đầy ân điển của Ngài (Sáng thế ký 15:12–21). Kế đến, khi đôi mi mắt nặng nề của các môn đồ sụp xuống trước nỗi khổ của Cứu Chúa, thì Chúa Jêsus đã một mình tranh chiến, cầu nguyện và đắc thắng trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mác 14:40–42).

Chắc hẳn, chúng ta không nên cho rằng Đức Chúa Trời sẽ sửa lại công việc kém chất lượng của Ngài khi chúng ta nằm ngủ. Cũng có thể đám cỏ dại mà lẽ ra kẻ biếng nhác phải nhổ bỏ ngày hôm nay vẫn còn sống cho đến ngày mai, mọc dài hơn một chút vì sự sơ suất của người. Nhưng đối với người nào bị cám dỗ ăn “bánh lao khổ” (Thi thiên 127:2), thì hình ảnh về sự quan tâm không mệt mỏi của Đức Chúa Trời và sự tiếp trợ không chợp mắt của Ngài hết sức nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa có thể làm nhiều việc khi chúng ta nằm ngủ hơn những việc chúng ta có thể làm sau khi thức dậy.

Giấc ngủ là kẻ ban cho

Tất nhiên, chúng ta có thể thừa nhận giấc ngủ mang lại sự chữa lành và cũng là giáo sư, nhưng vẫn thấy mình nằm xuống một cách miễn cưỡng. Thuốc men và bài học có thể rất cần thiết, nhưng sự cần thiết hiếm khi khiến bệnh nhân và học trò vui mừng. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói về giấc ngủ không chỉ là điều cần thiết, mà còn “ngọt ngào” đối với dân sự của Đức Chúa Trời (Châm ngôn 3:24Giê-rê-mi 31:26).

Giống như đồ ăn, giấc ngủ cũng là một trong những món quà tốt lành “đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy” (1 Ti-mô-thê 4:3); là một phần mà Đức Chúa Trời “ban mọi vật dư dật” cho chúng ta được hưởng (1 Ti-mô-thê 6:17). Do đó, Cơ Đốc nhân nằm ngủ không chỉ để hạ mình đón nhận giấc ngủ cần thiết cho chúng ta, mà còn là khi, như Adrian Reynolds nói, chúng ta “thức dậy sau một đêm ngon giấc, vươn vai và thốt lên ‘Cảm tạ Chúa vì con được ngủ một giấc ngon lành’” (Đi ngủ thôi, trang 38). Giấc ngủ là món quà rộng rãi từ Đức Chúa Trời rộng rãi.

Tuy nhiên, ngoài việc làm cho cơ thể được tỉnh táo, Đức Chúa Trời còn kêu gọi chúng ta kinh nghiệm giấc ngủ ở mức độ sâu sắc hơn nhiều. Chúng ta thoáng thấy trong Thi thiên 31:5 một lời cầu nguyện rất phổ biến trước khi đi ngủ vào thời của Chúa Jêsus rằng: “Tôi phó thác thần linh tôi vào tay Chúa”. Vào buổi tối, Đức Chúa Trời cho phép chúng ta phó thác chính bản thân mình vào tay Ngài, bao gồm cả những lo lắng phiền toái và rắc rối, nản lòng và xao lãng. Ở bên cạnh giường, Chúa giữ họ – tức là chúng ta – và gìn giữ chúng ta khi nằm ngủ. Chẳng có chỗ nào để ngủ ngon giấc bằng ở trong bàn tay tối thượng của Đức Chúa Trời.

Chúa có thể làm nhiều việc khi chúng ta nằm ngủ hơn những việc chúng ta có thể làm sau khi thức dậy

Chúa Jêsus đã cầu nguyện trong Thi thiên 31:5 trước khi Ngài ngủ một giấc vĩ đại và cuối cùng, đã tận hưởng món quà này mỗi ngày trong suốt ba thập kỷ ở trên đất. Chúa đã ngủ trong cơn bão như thế nào? Chúa đã nghỉ ngơi giữa muôn vàn nhu cầu và bị kẻ thù hăm dọa như thế nào? Chúa đã làm được điều đó chỉ vì Ngài đã phó thác tâm linh cho Đức Chúa Cha mỗi buổi tối, đón nhận sự bình an trổi hơn mọi khó khăn chồng chất của hôm nay và ngày mai.

Giấc ngủ là đầy tớ

Giấc ngủ là thầy thuốc, giáo sư, ban cho – ba điều này đã cho chúng ta rất nhiều lý do để chủ động tìm kiếm một giấc ngủ ngon vào buổi tối. Qua đó, nhiều người trong chúng ta cần phải thừa nhận rằng mình phải ngủ như thế nào và cân nhắc một số gợi ý căn bản để chìm vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số, ít vận động, các chất cà-phê của chúng ta.

Nhưng giấc ngủ của Cơ Đốc nhân có mục đích sâu xa hơn. Đối với những người tin theo Cứu Chúa đã hy sinh giấc ngủ của Ngài cho chúng ta, thì chúng ta không theo đuổi sự nghỉ ngơi vào buổi tối bằng mọi giá. Chúng ta không xem thầy thuốc, giáo sư, sự ban cho của giấc ngủ là chủ của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẵn sàng từ bỏ giấc ngủ khi tình yêu thương vẫy gọi.

Có thể một người bạn nào đó gặp khó khăn muốn trò chuyện với chúng ta vào nửa đêm, hoặc một thành viên trong nhóm nhỏ cần đi nhờ đến sân bay vào sáng sớm. Có thể một đứa trẻ đang khóc ở dưới sảnh, hoặc người phối ngẫu cần được trò chuyện. Có thể phải tiếp đãi ai đó đến muộn, hoặc một vài quyết định quan trọng cần phải hội ý với Chúa lúc nửa đêm. Dù sao đi nữa, đứng trước rất nhiều nhu cầu như vậy, chúng ta cảm ơn giấc ngủ vì sự phục vụ của nó và đối xử với giấc ngủ đúng với vai trò đầy tớ mà Đức Chúa Trời đã tạo ra.

Khi chúng ta rời khỏi giường để sống bày tỏ tình yêu thương, chúng ta không có hề lìa bỏ Đức Chúa Trời của mình. Sự vùa giúp của Chúa còn to lớn hơn sự chữa lành của giấc ngủ, sự khôn ngoan của Chúa sâu sắc hơn sự dạy dỗ của giấc ngủ, sự rộng rãi của Chúa còn to lớn hơn sự ban cho của giấc ngủ. Chúa có thể nâng đỡ chúng ta khi mất ngủ và ban cho con chiên yêu dấu của Ngài giấc ngủ ngon tùy thời điểm tốt lành của Ngài.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .