29 Th7, 2021

Gia đình bạn đang ở tiền tuyến

Ba cách để phục hồi gia đình Cơ Đốc
Image
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Đại dịch Vi-rút Corona đã làm đảo lộn cuộc sống hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Ai cũng phải đối diện với những thách thức chồng chất về những vấn đề như làm thế nào để có việc làm, làm thế nào để đi nhà thờ, và ngay cả làm thế nào để duy trì hạnh phúc trong gia đình.

Trước khi đại dịch xuất hiện, thật bình thường khi nhắc đến chuyện phục hồi cuộc sống gia đình. Một gia đình ở Mỹ chỉ dành ra khoản vài tiếng đồng hồ với nhau, mà thường là để chuẩn bị cho hoặc phục hồi từ các hoạt động chiếm nhiều thời gian của họ, như trường học hoặc công sở. “Gia đình” là tổ ấm. Một nơi để nghỉ ngơi giữa những bộn bề trong cuộc sống. Nhưng giờ đây, các gia đình buộc phải ở với nhau, cả xã hội bảo nhau phải “ở nhà”. Nhưng chúng ta có biết phải làm gì khi ở với nhau không?

Lý do không biết làm gì ở nhà cũng là vì cuộc sống gia đình không mặn nồng lắm đối với nhiều người. Đó cũng là lý do ai nấy đều muốn kết hôn trễ, có ít con cái, và dễ xảy ra ly hôn. Vấn đề không chỉ vì tội lỗi của một cá nhân nào đó hoặc là thiếu quan tâm, mặc dù những điều nầy cũng đóng góp đôi chút. Thực trạng lớn hơn đó là cấu trúc xã hội của thời đại ngày nay được xây dựng để nghịch lại với gia đình. Đứng trước những vấn đề đó, cũng không lạ gì khi các gia đình xảy ra căng thẳng, tan vỡ, và giới trẻ phải suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào hôn nhân. Gia đình là một cái chốt hình vuông trong lỗ tròn của thế giới.

Nhưng chúng ta hiện giờ đang ở nhà. Có phải đại dịch toàn cầu là một dịp để Cơ Đốc nhân sống nghiêm túc hơn về gia đình? 

Phục hồi gia đình Cơ Đốc?

Khi chúng ta tiếp cận câu hỏi nầy một cách chi tiết, chúng ta phải đối diện với những phản ứng sâu xa hơn: “Có phải Cơ Đốc nhân đều sẽ kết hôn? Có phải chúng ta đang quay lại những năm 1950? Đây là lối sống luật pháp!” Rất nhiều người sẽ lôi ra những kinh nghiệm bị bắt buộc phải ở nhà và muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường. Lúc đó, những thứ đặc thù của ngày xưa lại có trật tự hơn.

Nói một cách nghiêm túc thì vấn đề nầy chẳng liên quan đến sự cứu rỗi. Con người được xưng công bình chỉ bởi đức tin, đức tin ấy là phép lạ từ công tác của Đức Thánh Linh, Ngài hành động như một cơn gió (Giăng 3:8). Không hề có phương tiện kỹ thuật nào có thể kiểm soát được ơn cứu rỗi nầy, và Cơ Đốc nhân được gọi trở thành môn đồ trung tín của Đấng Christ cho dù phải chịu khổ, bị hoạn nạn, và không còn được sống ngoài xã hội như trước nữa.

Thật sự thì không phải người nào tin Chúa đều tiến đến hôn nhân. Cơ Đốc giáo chưa bao giờ nói rằng hôn nhân là một yêu cầu bắt buộc đối với người nào tin Chúa, mà Cơ Đốc giáo còn có chỗ cho người nào được kêu gọi sống độc thân để hỗ trợ cho công tác mở mang Hội thánh và truyền giáo thế giới nữa (1 Cô-rinh-tô 7:38).

Tuy nhiên, nói như vậy thì chúng ta không gặp khó khăn trong việc nhắc đến những trường hợp được kêu gọi và có hoàn cảnh ngoại lệ. Về mặt định nghĩa, đó là những điều bất thường. Kinh Thánh nói rất rõ hôn nhân là lời kêu gọi bình thường dành cho loài người. “Loài người ở một mình thì không tốt” (Sáng thế ký 2:18). “Đức Chúa Trời làm cho kẻ cô độc có nhà ở” (Thi thiên 68:6).

Gia đình là lời kêu gọi bình thường

Kinh Thánh liên tục sử dụng hình ảnh hôn nhân và có con cái là biểu tượng cho việc được ban phước (Thi thiên 113:9; 128:3-4). Cựu Ước bắt đầu với khuôn mẫu về loài người: người nam và người vợ. Tân Ước kết thúc bằng một hình ảnh về tiệc cưới. Như vậy, hôn nhân và gia đình không phải là những yếu tố không thể thiếu của sự cứu rỗi, mà đó là nét đặc trưng rất bình thường về nhân loại và là yếu tố giúp cho sự nên thánh trong cộng đồng Cơ Đốc.

Còn nữa, Kinh Thánh chỉ ra gia đình là trường huấn luyện thuộc linh đầu tiên. Phục truyền 6:7-8 dạy cha mẹ biết làm cho những điều thuộc về Đức Chúa Trời trở thành đề tài bình thường trong các cuộc đối thoại và đời sống hằng ngày. Ê-phê-sô 6:1-4 dạy cha mẹ và con cái phải có mối liên hệ với nhau ở “trong Chúa”, bằng cách làm sao để sự vâng lời và sự huấn luyện được xảy ra một cách phù hợp trong cuộc sống. Như vậy, trong khi Kinh Thánh không hề nói rằng làm cha mẹ Cơ Đốc thì có thể kiểm soát thân phận thuộc linh của con cái, thì họ vẫn là những công cụ mà Chúa dùng để môn đồ hóa trong đời sống hằng ngày.

Cơ Đốc nhân có quyền tin rằng hôn nhân và gia đình là sự kêu gọi bình thường. Cơ Đốc nhân ủng hộ việc có gia đình là điều rất tốt. Các mục sư và các giáo viên cũng nên chỉ ra những thách thức hiện thời về gia đình, đồng thời đưa ra những công cụ lẫn các khái niệm giúp vượt qua những thách thức đó và giúp gia đình được hưng thịnh. Vậy thì đúng là Cơ Đốc nhân nên phục hồi gia đình, khi Cơ Đốc nhân làm vậy, họ phải làm sao để gia đình Cơ Đốc trở thành một bộ máy sản xuất ra những linh hồn và thân thể. Trong những ngày đối diện với đại dịch, chúng ta đang có một cơ hội vàng. Làm thế nào để bắt đầu đây?

1. Tạo ra tổ ấm

Bước đầu tiên nghe có vẻ rất hiển nhiên, nhưng tỷ lệ hôn nhân ở Mỹ đang ít dần so với các thế hệ trước, còn người nào tiến tới hôn nhân thì lại kết hôn trễ. Cụ thể là ở những khu vực đô thị, giới trẻ không còn quan tâm đến hôn nhân nữa vì gánh nặng về văn hóa và kinh tế.

Điều nầy dẫn tới những vấn đề về đạo đức có thể đoán trước được. Rối cuộc thì Giáo lý Vấn đáp của Westminster cũng bao gồm “trì hoãn hôn nhân quá đáng” nằm trong danh sách tội lỗi bởi mạng lệnh thứ bảy (xem câu hỏi số 139). Sau đó là những vấn đề về hệ thống xã hội. Có vài người kết hôn trễ thường sinh con trễ. Mang thai thường bị coi là một gánh nặng hơn là phước hạnh, thai kỳ nào kéo dài sau 35 tuần đều được coi là “nguy hiểm”. Tỷ lệ sinh con đang trên đà tuột dốc ở các nước phát triển, bao gồm các nước Mỹ. Khi nhìn lại thì “bình thường” trông thật khó coi.

Nếu giới trẻ chỉ biết chạy theo xu hướng và bị áp lực bởi văn hóa, thì họ thường cảm thấy chán nản trong hôn nhân và con đường bình thường để tiến tới hôn nhân không còn hấp dẫn và quý giá nữa. Vì thế, các lãnh đạo Hội thánh cần phải chủ động khuyến khích hôn nhân.

Chúng ta có thể làm điều nầy bằng cách dạy về những giá trị và đạo đức trong hôn nhân. Đức Chúa Trời đã giao trách nhiệm nầy cho toàn thể loài người phải “sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất (Sáng thế ký 1:28). Thư tín Hê-bơ-rơ nói rằng: “Mọi người phải tôn trọng hôn nhân (Hê-bơ-rơ 13:4). Hầu hết Cơ Đốc nhân nên mong ước được kết hôn, họ nên xem hôn nhân là viên đá nền tảng hơn là viên gạch bình thường để xây dựng cuộc sống người lớn của mình.

Ngoài việc đề cao về hôn nhân và gia đình, chúng ta cũng phải cơ cấu lại cách gia đình “thích ứng” với cuộc sống của mình. Chúng ta cần phải liên kết khái niệm về gia đình bằng khái niệm về tổ ấm. Tổ ấm không chỉ là nơi các thành viên trong gia đình về nhà nằm ngủ và nạp năng lượng để làm những việc quan trọng “ngoài kia”. Mà tổ ấm nên là trung tâm làm việc của gia đình, một trung tâm tạo ra các hoạt động hiệu quả và xây đắp xã hội. Một tổ ấm có sự hiệu quả sẽ là nơi hữu ích để tu sửa lại tổ ấm có sự cô đơn và cô độc mà nhiều người đang đối diện, đây sẽ là nơi phục hồi người nào bị u uất, tức là người đó cảm thấy họ bị mắc kẹt ở nhà hơn là đang sống cuộc đời của mình.

2. Tạo ra tổ ấm có sự hiệu quả

Vậy, tạo ra tổ ấm có sự hiệu quả là sao? Allan C. Carlson đã viết một vài quyển sách về gia đình. Một trong những quyển quan trọng nhất là Từ nhà riêng đến công sở: Một gia đình tìm cách sống hài hòa với xã hội thời đại công nghiệp. Carlson giải thích làm thế nào cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi vai trò thường thấy ở trong tổ ấm. Thay vì làm việc và sinh hoạt tại một chỗ, cùng với một vài người thân, thì rất nhiều người bắt đầu rời xa gia đình để đi làm.

Sau một thời gian, tổ ấm bắt đầu có sự thiếu vắng gần như tất cả hoạt động có ý nghĩa ở nhà. Tổ ấm trở thành một nơi kém quan trọng dần so với công việc ngoài xã hội. Rốt cuộc thì gia đình phải chịu khổ cùng một số phận.

Bên cạnh đó, quyển sách Gia đình khôn khéo về kỹ thuật của tác giả Andy Crouch luận rằng đa số những gì chúng ta gọi là “kỹ thuật” đều không giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn ở công ty, mà còn làm thay cho chúng ta và thuyết phục chúng ta dành thì giờ rảnh rỗi để làm việc nhiều hơn. Trong khi tuyên bố rằng những thứ đó sẽ giúp chúng ta hiệu quả hơn, thì phương tiện kỹ thuật lại huấn luyện chúng ta biết cách làm ít hơn hoặc là chẳng cần làm gì cả, cho dù chúng ta đang làm gì với các phương tiện kỹ thuật, chúng ta thường tự làm một mình, tách biệt với người khác. Chúng ta sử dụng chúng và làm một mình.

Cả hai Carlson và Crouch đều đưa ra lời khuyên tương tự về cuộc chiến trong những vấn đề nầy. Họ luận rằng: chúng ta phải làm sao để tổ ấm trở thành trung tâm tạo ra sự hiệu quả. Chúng ta cần giành quyền kiểm soát những công cụ và phương tiện kỹ thuật của mình, chúng ta cần phải làm việc có ý nghĩa cùng với gia đình của mình. Chúng ta cần có những gia đình tạo ra sự hiệu quả.

Khải tượng nầy có hướng áp dụng khác nhau cho các gia đình khác nhau. Sau đây là một vài gợi ý để chúng ta xem xét.

Công việc

Một trong những ảnh hưởng của đại dịch lên hệ thống xã hội là làm việc ở nhà. Không phải ai cũng làm được việc nầy, nhưng có rất nhiều người đã làm được, ngay cả khi họ cảm thấy tù túng và bị giới hạn, hơn là chúng ta tưởng. Nhiều người sẽ thắc mắc về “công ty” và số người làm việc ở nhà sau khi lệnh giãn cách được hủy bỏ. Kỳ thực thì, có vài người mất việc và phải bắt đầu lại từ đầu với khải tượng và hướng đi mới.

Trong khi việc nầy không tự nhiên đối với mọi người, chắc chắn sẽ có thách thức, làm việc ở nhà sẽ tạo ra một lợi thế mà ai cũng thấy: nó liên kết công việc và tổ ấm một cách rất cơ bản. Khi chúng ta làm việc ở nhà, chúng ta thường đeo đuổi nghề nghiệp của mình, xung quanh là gia đình và chỗ ở. Những phương pháp làm việc ở nhà có thể khác nhau. Chúng có thể là làm nông hoặc viết lách tự do hoặc nhân viên trực tuyến qua Zoom chẳng hạn. 

Trường học

Những lựa chọn về giáo dục cũng đã thay đổi theo, tác động của mấy ngày nầy sẽ kéo dài cho đến khi nước Mỹ mở cửa nền kinh tế trở lại. Rất nhiều trường học sẽ chọn không quay lại trường một thời gian. Những người khác sẽ không sống được trước những thay đổi và dẫn đến việc đóng cửa từ đây. Điều nầy đòi hỏi phải có đường lối mới dành cho trường học, tôi xin nói lại là chúng ta đang có một cơ hội trong lĩnh vực nầy.

Giáo dục tại nhà là một điều bình thường mới. Ngay cả học sinh ở các trường công lập cũng đang học ở nhà ngay bây giờ. Nhưng chúng ta nên cẩn thận về vấn đề nầy. Đi học trong thời kỳ khủng hoảng không giống như học ở nhà. Một điển hình về giáo dục tại nhà bắt đầu từ vài tháng trước khi năm học bắt đầu, khi phụ huynh lên kế hoạch trước về chương trình học và thiết lập những thói quen. Hầu hết những người học ở nhà không hề ở nhà toàn bộ thời gian, nhiều người phải gặp gỡ các thành viên trong gia đình và những đối tượng khác để tham gia các lớp học và hoạt động ngoại khóa. Đi học thời Vi-rút Corona không phải là bình thường đối với mọi người.

Nhưng trải nghiệm bắt buộc của việc học tại nhà có thể khiến một số gia đình thích ở bên nhau nhiều hơn trong tuần, họ có thể ngạc nhiên khi thấy mình thích học như thế, một khi họ vượt qua được cú sốc. Thật vậy, giáo dục tại nhà là một cách quan trọng để tạo ra một tổ ấm có sự hiệu quả, vì điều nầy sẽ gắn kết cha mẹ và con cái trong việc bồi dưỡng tâm trí và đạo đức.

Một khi những lựa chọn đi học tại trường quay trở lại, các gia đình Cơ Đốc không nên vội vàng quay trở lại trạng thái bình thường trước đây. Họ cần phải giữ vững các nguyên tắc chính của một tổ ấm có sự hiệu quả. Trường học Cơ Đốc là một lựa chọn tốt về mặt nầy nếu họ có thể thắt chặt mối liên hệ với cộng đồng tại địa phương và các gia đình theo học. Phụ huynh cần được khuyến khích phải dự phần vào, đặc biệt là trong các hoạt động ngoại khóa, thể thao và văn hóa giải trí của trường.

Có lẽ, điều hấp dẫn nhất của việc nầy là những mô hình học tập có sự kết hợp đa dạng gồm: các yếu tố của việc học tại nhà và đi học theo quy định thông thường, để cho phép học sinh làm một phần bài tập ở nhà trong tuần, rồi đi học ở trường gặp các thầy cô và ban giám hiệu để hoàn thành những phần còn lại trong tuần. Học phí thường thấp hơn so với các trường tư thục bình thường, gia đình được hòa nhập sâu vào các trải nghiệm ở trường. Đây có thể là một lựa chọn ngày càng tăng trong bối cảnh giáo dục sau đại dịch.

Những bữa ăn và hướng giải trí

Nhiều người không thể cơ cấu lại việc làm hoặc việc học của họ theo như vậy. Ngay cả khi tất cả chúng ta đều ở nhà, thì cũng không đảm bảo là sẽ làm được hết mọi việc cần thiết. Có những hoạt động cơ bản quan trọng có thể giúp gia đình tạo ra sự hiệu quả hơn. Bắt đầu đơn giản với việc: ăn cơm ở nhà. Chúng tôi buộc phải làm điều này ngay bây giờ, nhưng đây thực sự là một hiện trạng tuyệt vời cần phải tiếp tục sau khi đại dịch kết thúc. Ăn uống tại nhà có lợi về kinh tế và thường tốt cho sức khỏe hơn. Hãy học nấu ăn, đầu tư vào những kiến ​​thức cơ bản về bếp núc và dùng bữa cùng gia đình quanh bàn ăn.

Đừng chỉ ăn cơm với gia đình của mình. Khi chúng ta có cơ hội, hãy mở rộng lòng hiếu khách của Cơ Đốc nhân bằng cách dùng bữa với những người khác. Hãy mời bạn bè, tín hữu trong nhà thờ và thậm chí là thành viên trong khu phố đến dùng bữa. Chẳng bao lâu nữa, ngôi nhà của chúng ta sẽ là một trung tâm giao thiệp xã hội cho mọi người, điều nầy sẽ cho Cơ Đốc nhân cơ hội để bày tỏ lòng hiếu khách.

Các hoạt động hiệu quả thông thường khác như làm vườn, xây dựng, chế tác, tạo ra tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc. Hãy làm sống lại việc ca hát dân gian là một cách tuyệt vời để mang đến một hoạt động thú vị cho gia đình của mình. Con cái rất thích ca hát, điều nầy sẽ cho phép chúng tạo ra một chút tiếng ồn. Nếu các thành viên trong gia đình của chúng ta có thể học một vài nhạc cụ để hỗ trợ ca hát, thì chúng ta đang tạo ra thêm một sự hiệu quả. Khi cha mẹ thích tạo ra âm nhạc cùng với con cái, họ cũng truyền đạt niềm đam mê ấy cho con cái của mình.

3. Tạo ra tổ ấm thân thiện trong Hội thánh

Các thói quen được đề cập ở trên sẽ không tự tạo ra kết quả theo Cơ Đốc giáo. Ân điển đặc thù của Cơ Đốc giáo phải được thêm vào thói quen của gia đình, điều đó có nghĩa là phải luôn ưu tiên khía cạnh thuộc linh. Điều này bắt đầu từ trong Hội thánh. Nhưng trong khi chúng ta mong đợi một góc nhìn như thế này để kêu gọi các nhà thờ nên có những gia đình thân thiện, thì thực tế là chúng ta cần có các gia đình thân thiện trong Hội thánh.

Điều nầy có nghĩa là phải có vài điều sau đây. Đầu tiên và trước nhất là: Cơ Đốc nhân phải đi nhà thờ. Họ phải áp dụng điều răn thứ tư hàng tuần, và không được “[bỏ] sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25). Một gia đình Cơ Đốc mà không đi nhà thờ là một mâu thuẫn. Nhiều người trong chúng ta đang trải nghiệm việc đi nhà thờ trực tuyến, điều nầy khiến chúng ta muốn quay lại nhóm tập thể. “Linh hồn tôi mong ước đến đỗi hao mòn về hành lang của Đức Giê-hô-va” (Thi thiên 84:2).

Gia đình lễ bái

Nhưng các gia đình Cơ Đốc không chỉ làm các việc thuộc linh của mình ở nhà thờ. Họ cũng nên có gia đình lễ bái thường xuyên. Cơ Đốc nhân nên chủ động có thời gian tôn giáo ở nhà với gia đình (Phục truyền luật lệ ký 6:7–9). Hơn nữa, trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền dạy các thầy tế lễ phải thường xuyên dâng các của lễ hy sinh (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38; Dân số ký 28:3). Trong giao ước mới, tất cả các tín hữu đều là thầy tế lễ, do đó mà chúng ta phải dâng của lễ ngợi khen bằng môi miệng của mình (Hê-bơ-rơ 13:15).

Các tín đồ được truyền dạy phải “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16–17), thậm chí là phải trò chuyện với nhau bằng “ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa” (Ê-phê-sô 5:19). Có gia đình lễ bái cũng là thời gian tự nhiên để người làm cha dạy dỗ những điều thuộc linh trong gia đình một cách tập trung hơn. Hãy làm cho thói quen nầy xảy ra thường xuyên sẽ đảm bảo thì giờ nầy được xảy ra, sắp xếp lịch sinh hoạt của tổ ấm có gia đình lễ bái là cách hay nhất để tạo ra thẩm quyền thuộc linh trong gia đình. Đó là một dạng biệt riêng thời gian của chúng ta trong gia đình.

Bắt đầu từ đâu

Gia đình lễ bái không cần phải phức tạp, cũng không nên coi đó là một việc không quan trọng. Cha mẹ cần phải làm gương về đức tin thật và nếp sống đạo khi họ thờ phượng tại nhà, họ nên nhấn mạnh việc đọc Kinh thánh, hát ngợi khen Đức Chúa Trời và thời gian cầu nguyện.

Khi con cái còn nhỏ, thời gian nầy nên tương đối ngắn lại. Năm phút là khoảng thời gian dài đối với trẻ mới biết đi. Khi trẻ lớn hơn, mọi thứ có thể được nới rộng hơn một chút, nhưng lợi ích của việc thờ phượng hàng ngày trong gia đình là biết rằng: ngày mai chúng ta sẽ có cơ hội nầy nữa. Chúng ta không cần phải nhồi nhét mọi thứ mỗi khi có thì giờ nầy. Hãy nhớ rằng, gia đình lễ bái không phải là điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với gia đình cùng các nhu cầu khác nữa của chúng ta. Gia đình lễ bái là thì giờ gia đình của chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy giữ đúng trọng tâm chính. Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách cùng nhau sống trong Ngài.

Trong tất cả những điều trên, gia đình Cơ Đốc sẽ học cách trở thành một gia đình Cơ Đốc. Khi tất cả các thành viên thực sự tin vào những gì họ nói và nghe, tổ ấm sẽ được tô điểm bằng mùi hương ngào ngạt của Đấng Christ. Cha mẹ sẽ dạy con cái họ về niềm tin, chứ không phải sự nghi ngờ, cả gia đình sẽ sắp xếp công việc của họ để hướng tới sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đây không phải là một biện pháp tạm thời trong thời gian khẩn cấp, nhưng là một khải tượng lâu dài cho đời sống Cơ Đốc nhân, để giành lại tổ ấm, xây đắp gia đình, và biệt riêng ngôi nhà của cho Chủ của mình, là Đức Chúa Jêsus Christ

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .