hư không: (danh từ) chất lượng hay trạng thái hư vô; vô dụng hoặc vô nghĩa
Thỉnh thoảng hay thông thường, hết thảy chúng ta đều cảm thấy một trạng thái hư không nào đó đè nặng ở trên chúng ta như một lớp sương mù. Có lẽ chính chúng ta bị choáng ngộp trước sự xấu xa và vô lý ở trong thế giới nầy, hoặc là những tấn bi kịch và gian khổ ở trong đời sống riêng của mình. Bệnh tật, đau khổ, sự chết, và ngay cả những sự bất tiện không đáng kể ra, đều giống như các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm có thể khiến chúng ta kêu lên rằng: “Chuyện gì xảy ra thế nầy!”
Đôi khi, cảm giác vô nghĩa nầy trôi qua rất nhanh. Còn lúc khác thì nó ở lại lâu hơn và ám ảnh lương tâm chúng ta giống như vòi nước bị rỉ nước vậy. Ngay cả khi chúng ta để ý khắp mọi nơi đi nữa, thì cảm giác hư không ấy cứ đè nặng ở trên chúng ta, bao phủ tâm trí chúng ta, và đè nén cảm xúc của chúng ta. Rất nhiều người trong chúng ta biết rõ cảm giác vô nghĩa nầy kinh khủng như thế nào! Với sự trợ giúp của C.S. Lewis, tôi muốn khám phá con đường tắt dẫn tới điểm sáng của sự hư không.
Không chỉ là vật chất
Là một người biện giải cho niềm tin Cơ Đốc, mọi người biết về Lewis vì cách ông suy luận rõ ràng và thuyết phục về lý lẽ, đạo đức, và sự khao khát trong lòng. Ông trình bày những lập luận ấy chủ yếu là để bác bỏ chủ nghĩa tự nhiên hay chủ nghĩa vật chất, là quan điểm cho rằng mọi thứ ra từ tự nhiên hay vật chất
Lý lẽ
Sự lập luận về lý lẽ nói như sau: Suy nghĩ của loài người không đơn thuần là một dữ kiện về họ, về nguyên lý thì những suy nghĩ ấy phải cho chúng ta sự hiểu biết về thực tại nữa. Lewis thường trích dẫn nhiều thứ từ Giáo sư J.D.S. Haldane đến nỗi “nếu những suy nghĩ của tôi bị chi phối hoàn toàn bởi những chuyển động của các nguyên tử ở trong não bộ, thì không có lý do gì để tôi cho rằng niềm tin của mình là đúng, vì thế mà tôi chẳng có lý do gì để cho rằng bộ não của mình được tạo nên bởi các nguyên tử cả”.
“Chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời ở gần chúng ta như trong từng suy nghĩ, lời phê bình và sự khao khát”.
Nói cách khác, tất cả kiến thức đều lệ thuộc vào tính chắc chắn của lô-gíc, do đó về nguyên lý thì lô-gíc không chỉ là một hiện tượng chủ quan mà là một “sự hiểu biết thật để cho thấy mọi thứ có thật đang tồn tại” (“De Futilitate“, trang 63). Nếu điều nầy đúng, thì lý lẽ của loài người minh chứng cho sự tồn tại của Đấng Biện Luận vĩ đại đã làm nên cả cõi vũ trụ nầy. Nếu cách lập luận nầy không giúp chúng ta biết về thuyết hữu thần của Cơ Đốc giáo, thì bấy nhiêu cũng đủ để bác bỏ chủ nghĩa vật chất khắc nghiệt ngoài kia.
Đạo đức
Sự suy luận về đạo đức cũng vậy: Loài người thường phê bình về đạo lý. Chúng ta gọi điều nầy tốt và điều kia xấu, điều nầy đúng và điều kia sai. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta muốn có một tiêu chuẩn khách quan về thói cư xử. Cho dù chúng ta đang phê bình người láng giềng hay thành viên của Đức quốc xã, thì sự phê bình của chúng ta đang minh chứng cho niềm tin về một Đấng tốt lành và khách quan có thật, Ngài vĩ đại hơn chúng ta và chúng ta cần phải được biến hóa theo ảnh tượng của Ngài. Đây là một quy tắc đạo đức có thật đang thôi thúc chúng ta ngày đêm.
Một lần nữa, nếu suy luận nầy không giúp chúng ta đến với Cơ Đốc giáo, thì sự tồn tại của quy tắc đạo đức phổ quát nầy đang hàm ý về Đấng ban luật pháp, vì thế nên mở ra thêm sự bàn luận sâu xa hơn về Đấng ban luật pháp nầy là ai.
Sự khao khát
Cuối cùng, tôi sẽ để cho Lewis nói lên suy luận của ông về sự khao khát:
Cơ Đốc nhân nói rằng: "Các tạo vật ra đời không hề có khao khát gì cả nếu không có sự thỏa mãn đáp ứng những khao khát ấy. Một em bé đói bụng, thì có đồ ăn. Một con vịt muốn đi bơi, thì có nước. Một người muốn thỏa mãn tính dục, thì có một thứ gọi là tình dục. Nếu tôi thấy trong mình có một khao khát mà thế giới nầy không thể đáp ứng, thì giải thích hợp lý nhất đó là tôi được tạo nên cho một thế giới khác". (Cơ Đốc giáo Căn bản, trang 136–37).
Điểm sáng của sự hư không
Ít ra thì có hai dòng tư tưởng phổ biến đang góp phần trong từng suy luận trên. Đầu tiên là sự tồn tại của khiếm khuyết minh chứng cho sự tồn tại của hoàn hảo. Đã tin có sự sai trật thì sẽ tin có chân lý. Đã tin có điều ác thì sẽ tin có điều thiện. Đã tin vào sự trống rỗng thì sẽ tin có sự đầy dẫy. Như vậy, thay vì suy luận từ lý lẽ, chúng ta có thể suy luận với nhau về sự sai trật. Thay vì suy luận về đạo đức, chúng ta có thể suy luận về điều ác. Thay vì suy luận về sự khao khát, chúng ta có thể suy luận về sự trống rỗng.
Thứ hai, ngoài nhà thương điên ra thì những niềm tin kể trên không thể bị trừ diệt và bác bỏ. Cho dù người ta có theo học thuyết nào đi nữa, cho dù người ta có phát minh ra triết lý gì đi nữa, hết thảy chúng ta đều phải đi tìm cái sai, phê bình đạo lý, và đeo đuổi sự thỏa mãn nào đó. Điều hệ trọng là hiện tượng không thể xóa nhòa nầy đang cần được giải thích.
Điều nầy đem chúng ta quay trở lại với cảm giác hư không dai dẳng ấy. Giờ đây, nhờ có những lập luận của Lewis, chúng ta mới thấy được điểm sáng của sự hư không. Cảm giác hư không của chúng ta, giống như tin có sự sai trật, điều ác và sự trống rỗng, minh chứng cho một vài khái niệm, hoặc mục đích, hoặc ý nghĩa hữu ích mà chúng ta muốn có và đôi khi vẫn còn thiếu nhiều lắm. Khi Lewis nói rằng: “Lời chỉ trích của chúng ta về thực tại đang chứa đựng một sự trung thành vô thức dành cho chính thực tại ấy, là cội rễ cho những tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta”. Hoặc là nói lại rằng: “Trừ khi chúng ta cho phép thực tại tối thượng ấy là đạo đức, thì chúng ta không thể lên án về mặt đạo đức nữa. Hễ chúng ta càng nghiêm túc đối diện với sự hư không, thì chúng ta càng tin quyết rằng nhờ cậy vào thực tại tối hậu ấy không phải là vô ích đâu” (“De Futilitate”, 70).
Người thợ săn không bao giờ ngủ
Một lần nữa, Lewis đã nhận ra giới hạn của những lập luận trên. Chúng không nhất thiết dẫn người khác đến với lẽ thật trọn vẹn của Cơ Đốc giáo. Vì thế cho nên chúng phải được kết hợp với các lập luận về lịch sử, thần học và triết học nữa. Nhưng Cơ Đốc nhân là những người đã tiếp nhận chân lý của Phúc âm, những tranh luận trên có thể mang lại sự gây dựng và cân bằng.
Khi chúng ta nhận ra những hàm ý về niềm tin bất diệt của sự sai trật và chân lý, điều ác và điều thiện, sự khao khát và sự đầy dẫy, sự hư không và có mục đích, thì chúng ta có thể dùng việc làm mỗi ngày là cơ hội để làm chứng rằng Đức Chúa Trời là có thật. Như sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công-vụ 17:27). Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng Đức Chúa Trời ở gần chúng ta như trong từng suy nghĩ, lời phê bình và sự khao khát.
“Thay vì chạy trốn Đức Chúa Trời vì cảm giác hư không, chúng ta thấy trong cảm giác ấy có lời mời gọi quay về nhà và yên nghỉ trong Ngài”.
Cho dù nghĩ gì đi nữa, thì suy nghĩ của chúng ta đang minh chứng cho việc tin vào suy luận, lô-gíc, sai trật, và do đó mà tin vào chân lý. Chúa là Chân lý. Khi đánh giá và phê bình, lên án và chấp thuận, buộc tội và tuyên dương, chúng ta minh chứng cho việc tin vào đạo đức, tiêu chuẩn, điều ác, và do đó mà tin vào điều thiện. Đức Giê-hô-va là thiện. Khi khao khát và đeo đuổi sự thỏa mãn nào đó, thèm muốn và đau đớn, hy vọng và cảm thấy vô nghĩa, chúng ta đang minh chứng cho việc tin vào ý nghĩa, mục đích, sự đầy dẫy và sự sống. Chúa là sự sống.
Thực tại bướng bỉnh
Tất nhiên, nếu được chọn thì chúng ta có thể đàn áp những lẽ thật nầy. Chúng ta có thể tạo ra những triết lý để bác bỏ (cách vô lý) thực tại về chân lý, điều thiện, và nét đẹp. Nhưng thực tại là một thứ rất bướng bỉnh. Hoặc là nói dễ nghe hơn thì Đức Chúa Trời là một thợ săn không bao giờ ngủ. Chúa đang tìm kiếm và biết chúng ta. Ngài vây bọc chúng ta từ bên trong, đằng sau và trước mặt (Thi thiên 139:5). Chúng ta không thể chạy thoát khỏi Ngài. Nếu chúng ta lên tận trời cao, thì Ngài có ở đó. Nếu chúng ta xuống dưới vực sâu, thì Ngài có ở đó. Nếu chúng ta đi xa ngoài biển, hoặc đến nơi xa nhất trong các dãy ngân hà, Chúa vẫn ở đó, hành động và đeo đuổi chúng ta.
Vậy, nếu chạy trốn Đức Chúa Trời vì cảm giác hư không, tại sao chúng ta không thấy trong cảm giác ấy có lời mời gọi quay về nhà. Có lẽ, cảm giác hư không ấy lại là một sự bày tỏ khác về Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo nên chúng ta cho riêng Ngài, tấm lòng của chúng ta không thể yên nghỉ nếu không được nghỉ yên ở trong Đức Chúa Trời.