Trong những năm qua, cái tên mà tôi đã đặt cho sự hiểu biết của mình về vai trò to lớn của niềm vui không chỉ trong đời sống Cơ Đốc, mà còn trong tất cả tạo vật và ý định của Đức Chúa Trời – là Cơ Đốc nhân Khoái lạc. Mô tả ngắn gọn nhất về Cơ Đốc nhân Khoái lạc là Đức Chúa Trời được vinh hiển nhất ở trong chúng ta khi chúng ta được thỏa mãn nhất ở trong Ngài.
Con đường dẫn tới sự hiểu biết của tôi trong những năm qua hoặc lâu hơn thế chủ yếu bị ảnh hưởng bởi Jonathan Edwards, C. S. Lewis và sứ đồ Phao-lô, nhưng tất cả lại quay về với cha tôi. Ông có lẽ là người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết, nhưng ông cũng là sống hết mình vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Vì hai điều này xuất hiện ở trong cuộc đời của ông, nên tối muốn biết một giải pháp hoặc một lời giải thích nào đó. Sự vui sướng tột cùng và sự cam kết hoàn toàn vì vinh hiển của Đức Chúa Trời phải đi cùng nhau theo một cách nào đó.
Khao khát những điều lớn lao quá yếu ớt
Sau cha tôi, C. S. Lewis bước vào bức tranh với tuyên bố tuyệt vời của ông rằng vấn đề của con người không phải là khao khát quá mãnh liệt, mà vấn đề là khao khát của chúng ta quá yếu ớt. Tôi tưởng khao khát của mình mới là nan đề. Lewis nói: Không, khao khát của chúng ta không phải là nan đề. Sự yếu ớt của khao khát mới là nan đề. Chúng ta giống như một đứa trẻ chơi đùa trong khu ổ chuột với những miếng bánh làm từ bùn đất bởi vì chúng ta không thể hình dung được một kỳ nghỉ trên biển là như thế nào. Nói cách khác, khao khát những điều vĩ đại mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta còn quá mong manh. Vấn đề không phải là có khao khát lớn, mà vấn đề là chúng khao khát những điều lớn lao quá yếu ớt.
Jonathan Edwards là người có ảnh hưởng lớn nhất. Ông nói rằng Đức Chúa Trời Ba Ngôi toàn năng là Đức Chúa Cha có một ý niệm về chính Ngài phơi bày qua Đức Chúa Con và niềm vui về Ngài bày tỏ qua Đức Thánh Linh dâng trào qua lại như một thân vị ở giữa Cha và Con. Sau đó, khi Đức Chúa Trời tạo nên loài người, họ ở trong ảnh tượng của Ngài hầu cho chúng ta tôn vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách có được ý niệm đúng đắn về Ngài – giáo lý thật – và bằng cách có những cảm xúc thích hợp, sốt sắng hướng về Ngài. Vậy, tôi có hai khả năng tuyệt vời này ở trong mình: một khả năng tư duy làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách có suy nghĩ đúng đắn về Ngài và một khả năng cảm nhận làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách có cảm nhận đúng đắn về Ngài.
Bên dưới tất cả những điều đó là Kinh Thánh kêu gọi chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời hết lần này đến lần khác, Kinh Thánh kêu gọi chúng ta lấy làm vui về Đức Chúa Trời hết lần này đến lần khác. Vậy, làm thế nào để hai mạng lịnh này hòa quyện với nhau?
Câu hỏi này dẫn tôi đến với câu hỏi đầu tiên của Giáo lý Vấn đáp Westminster là: Mục tiêu tối hậu của loài người là gì? Trả lời: Mục tiêu tối hậu của loài người là tôn vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng Ngài mãi mãi. Tôi suy gẫm rằng: Chỉ có từ “và” thôi sao? Từ “và” có nghĩa gì? Không phải mục tiêu tối hậu của loài người là tôn vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách vui hưởng Ngài mãi mãi sao? Đó là điều Edwards đã nói. Đó là điều Lewis muốn nói. Dường như đó là điều xảy ra ở trong cuộc sống của cha tôi. Nhưng điều này có đúng với Kinh Thánh không?
Tại sao chết là ích lợi
Điều này đưa chúng ta đến với tín hữu tại thành Phi-líp. Trong Phi-líp 1:20–21 là bản văn quan trọng cho tôi thấy Đức Chúa Trời được vinh hiển nhất ở trong chúng ta – hoặc Đấng Christ được vinh hiển nhất ở trong chúng ta – khi chúng ta được thỏa mãn nhất ở trong Ngài. “Tôi có lòng trông cậy chắc chắn nầy, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi. Vì . . .”, từ này đã trở nên quan trọng vô cùng. “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy”. Nhờ cái từ nhỏ bé đó, sứ đồ Phao-lô đã đặt một nền tảng kiên cố cho lòng trông cậy của ông vào Đấng Christ sẽ được vinh hiển khi ông sống và khi ông chết. Tại sao? Vì đối với ông sống là Đấng Christ và chết là ích lợi.
Điều đó nghĩa là sao? Chỗ này có lô-gíc không? Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi tôi bỏ qua phần sống và tập trung vào phần chết. Chúng ta hãy nói lại như thế này: Tôi hết lòng mong đợi và hy vọng đến nỗi chẳng có gì phải hổ thẹn, nhưng Đấng Christ sẽ được vinh hiển ở trong mình tôi qua sự chết của tôi, vì đối với tôi chết là được ích lợi.
Như vậy có dễ hiểu không? Lòng trông cậy vào Đấng Christ sẽ được vinh hiển khi tôi chết dựa vào sự thật đó là vì chết là ích lợi. Nếu Đấng Christ là ích lợi ở trong sự chết của tôi, thì Đấng Christ sẽ được vinh hiển vô cùng ở trong sự chết của tôi. Nhưng vẫn còn thiếu một mảnh ghép trong cuộc tranh luận này. Câu 23 chép rằng: “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn”. Vậy, ích lợi ích mà ông đang nói trong câu 21 là Đấng Christ. Nếu tôi đi ở với Đấng Christ, nếu tôi chết và đi ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn nhiều. Đó là ích lợi của tôi.
Vậy, bây giờ chúng ta hãy quay lại và xem xét thử lô-gíc này có đúng hay không. Tôi có lòng trông cậy chắc chắn rằng Đấng Christ sẽ được vinh hiển ở trong sự chết của tôi bởi vì tôi sẽ được nếm biết sự chết là ích lợi – còn thỏa mãn hơn bất cứ điều gì ở trong đời này, và sự ích lợi là Chúa Jêsus.
Hãy xem thử chúng ta có thể sắp xếp hai điều này lại với nhau không. Tôi tin chắc rằng Đấng Christ sẽ được vinh hiển ở trong sự chết của tôi, còn nền tảng cho sự tin chắc vào Đấng Christ sẽ được tôn cao ở trong sự chết của tôi đó là tôi sẽ nếm biết sự chết của mình là ích lợi; tức là tôi được thỏa mãn ở trong Đấng Christ còn hơn mọi sự ở trong đời này. Tôi đặt niềm tin của mình vào Cơ Đốc nhân Khoái lạc dựa trên lô-gíc được chép trong Phi-líp 1:20-23.
Một minh họa từ hôn nhân
Vậy, thí dụ minh họa: Kỷ niệm ngày cưới. Tôi nói với Noel rằng: “Anh sẽ đưa em đi chơi tối nay, vì đó là kỷ niệm 47 năm ngày cưới của chúng ta và anh sẽ rất hạnh phúc khi được dành thời gian tối nay với em”.
Không có người vợ nào, hay Noel cũng sẽ không nói, rằng: “Anh thật ích kỷ. Anh chỉ có nghĩ cho bản thân mình mà thôi. Anh sẽ thấy hạnh phúc khi đưa em đi chơi và dành cả buổi tối với em sao”. Không có người vợ nào phàn nàn đó là sự ích kỷ. Tại sao? Bởi vì nếu tôi hoàn toàn được thỏa mãn với người vợ của mình, thì nàng sẽ thấy được tôn trọng. Đối với Đức Chúa Trời cũng vậy. Nếu chúng ta được kéo đến cùng Đức Chúa Trời vì chúng ta muốn dành thời gian với Ngài, nếu Đức Chúa Trời là sự quý báu và sự thỏa mãn của chúng ta, thì Đức Chúa Trời được tôn trọng.
Chân lý này – Đức Chúa Trời được vinh hiển nhất ở trong chúng ta, hoặc Đấng Christ được vinh hiển nhất ở trong chúng ta, khi chúng ta được thỏa mãn nhất ở trong Ngài – không phải là thứ yếu. Lẽ thật này không phải là vấn đề thứ yếu ở trong đời sống Cơ Đốc hay là thứ yếu ở trong thư tín Phi-líp. Đây là ý nghĩa trọng tâm của việc tin Chúa, thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ, tôn quý và tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ. Đây không phải là phụ kiện thêm vào Cơ Đốc giáo. Đây là trọng tâm của Cơ Đốc giáo.