6 Th10, 2021

Cơ Đốc giáo thật là một trận chiến

Cơ Đốc giáo thật là một trận chiến
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

J.C. Ryle viết trong quyển sách kinh điển của mình có tựa đề Thánh Khiết rằng: “Con cái của Đức Chúa Trời có hai dấu hiệu lớn chỉ về mình . . .” Chúng ta sẽ hoàn thành câu nầy như thế nào?

Đức tin và sự ăn năn? Tình yêu thương và hy vọng? Sự ngợi khen và cảm tạ? Sự khiêm nhường và vui mừng? Tôi không chắc phải nói gì trước khi đọc Ryle, nhưng tôi biết mình sẽ không hoàn thành câu trên như ông đã làm:

Con cái của Đức Chúa Trời có hai dấu hiệu lớn chỉ về mình . . . Người đó có chiến trận cũng như có sự bình an ở trong lòng mình. (trang 72)

Chiến trận và sự bình an. Chiến đấu và nghỉ ngơi. Tiếng giao tranh của các đạo quân và sự yên lặng của những lúc đình chiến. Cơ Đốc nhân chắc là có nhiều dấu hiệu chỉ về mình hơn là chỉ có hai, nhưng không có ít hơn hai dấu hiệu đâu. Người đó là con cái ở trong nhà Cha mình và cũng là người lính ở trong cuộc chiến của Cứu Chúa.

Câu ấy đóng vai trò rất lớn trong việc giải cứu tôi ra khỏi nỗi tuyệt vọng.

Nhảy dù vào trận chiến

Khi tôi bước vào đời sống Cơ Đốc, tôi không biết mình đang bước vào trận chiến. Lúc đầu, tôi cảm thấy mình giống như người lính nhảy dù xuống chỗ vinh hiển của sự cứu rỗi — rồi tỉnh dậy với Đấng Christ, được tha thứ tội lỗi, tiến về thiên đàng. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi rơi vào một quốc gia mà tôi không biết là gì, ngay giữa cuộc chiến mà tôi chưa hề sẵn sàng đối diện.

Tất nhiên, cuộc xung đột ấy xảy ra ở trong tôi. Tôi chưa hề có cảm nhận về sự chi phối nội tâm lớn đến như vậy: tâm linh tôi cảm thấy bình an trong vài tháng rồi đột nhiên chiến tranh xảy ra — đào mương, vạch ra chiến tuyến. Tôi thấy mình thiêng về những nghi ngờ mà tôi chưa từng đối diện trước đây: Làm sao biết Kinh Thánh là thật? Làm sao biết Đức Chúa Trời là thật? Tôi càng giết chết tội lỗi, tôi càng tìm được những tội lỗi thầm kín – tinh vi và ẩn núp bò vào trong khu rừng xác thịt đầy phức tạp: thú tưởng tượng tâng bốc bản thân, những lời đoán xét ngang ngược chống lại người khác, những suy nghĩ phóng túng và đôi khi xấu xa, tình yêu trồi sục dành cho Đức Chúa Trời. Tôi vẫn thích được bình yên ở trong Chúa Jêsus, nhưng bây giờ cảm giác ấy giống như đang bị vây hãm.

“Phúc âm làm nên sự hòa thuận với Đức Chúa Trời cũng gây chiến với tội lỗi”.

Tôi nghĩ có gì đó không đúng. Chắc chắn Cơ Đốc nhân sẽ không đối diện với sự tối tăm sâu thẳm đến như thế. Vậy chắc chắn, mình không phải là Cơ Đốc nhân. Trong một khoảng thời gian dài, tôi không còn gọi Đức Chúa Trời là Cha nữa, sợ hãi khi cho rằng tôi là ai mà có thể thuộc về một Đấng tuyệt vời như thế.

Cuộc chiến Cơ Đốc

Sau đó, Ryle xuất hiện. Chương sáu được gọi rất đơn giản và khéo léo là “Cuộc Chiến”, ông đã chứng minh cho tôi, bằng sự lôi cuốn rất mãnh liệt, thấy rằng “Cơ Đốc giáo thật là một trận chiến” (trang 66), còn mỗi thánh đồ là một người lính. “Hễ nơi nào có ân điển, ở đó có xung đột”, ông đã viết bằng tinh thần nam giới của mình. “Không có hề có sự thánh khiết mà không có chiến tranh. Những linh hồn được cứu rỗi sẽ luôn bắt gặp mình ở trong một cuộc chiến” (trang 70).

Một tập hợp các câu Kinh Thánh sau đây — các bản văn mà tôi đã biết đôi chút, nhưng vẫn chưa biết hết về chúng.

  • “Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành” (1 Ti-mô-thê 6:12).
  • “Làm cho chết các việc của thân thể” (Rô-ma 8:13; cũng xem Cô-lô-se 3:5).
  • “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:11).
  • “Phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn” (1 Phi-e-rơ 2:11).
  • “Hãy thức canh và cầu nguyện” (Ma-thi-ơ 26:41).
  • “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Ti-mô-thê 2:3).
  • “Đánh trận tốt lành” (1 Ti-mô-thê 1:18).

Phúc âm làm nên sự hòa thuận với Đức Chúa Trời cũng gây chiến với tội lỗi. Đã nói “Jêsus là Chúa” thì cũng như nói “Tội lỗi không phải Chúa” — còn tin theo Chúa Jêsus tức là sống giơ cao đôi tay chống lại ma quỷ. Vậy, chính Đức Thánh Linh bảo bọc chúng ta bằng sự yên ủi từ thiên thượng cũng mặc cho chúng ta khí giới của Đức Chúa Trời nữa.

Chương sách đó của Ryle đã làm tôi cảm thấy được yên ủi một cách lạ lùng. Nhiều tháng qua, tôi thấy mình như một người dân bình thường đã bước vào một trận chiến; bây giờ tôi thấy mình như một người lính đã được chiêu mộ. Cuộc chiến của tôi là một trận chiến bình thường — không những thế đâu, đó là một trận chiến tốt lành.

Trận chiến bình thường

Nếu “xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt” (Ga-la-ti 5:17), thì còn gì bình thường hơn việc Cơ Đốc nhân cảm thấy bị chia rẻ, bị chia cắt, bị xé toạc ra thành từng mảnh ở trong lòng — hoặc như Ryle nói là: cảm thấy chúng ta có “hai quy luật ở trong mình đang muốn dành làm chủ” (trang 72)? Chừng nào chúng ta còn có Thánh Linh và xác thịt, thì cuộc chiến ấy là chuyện bình thường.

Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy trong mình có một sức mạnh lôi kéo chúng ta đừng cầu nguyện trong khi chúng ta cần phải cầu nguyện. Hoặc là một sự mong mỏi lớn nào đó cần được thỏa mãn — như đồ ăn, giấc ngủ, nước uống, tình dục, giải trí — mà chúng ta biết mình phải từ chối nó. Hoặc là một trạng thái hết sức thờ ơ trước sự thôi thúc của Đức Chúa Trời muốn chúng ta chia sẻ Phúc âm hoặc phục vụ gia đình của mình. Hoặc tính hay quên thất thường làm cụt hứng tinh thần buổi sáng vào đầu giờ chiều. Hoặc một sự thôi thúc mạnh mẽ chỉ muốn tự mình tìm hiểu chứ không nhờ cậy vào sự mặc khải của Lời Chúa.

“Sự chia rẻ và đối nghịch xảy ra ở trong lòng không có nghĩa là chúng ta đã thua; mà có nghĩa là cuộc chiến đã bắt đầu”.

Chúng ta không nên ngạc nhiên vào những lúc như thế, giống như một đạo quân bị lửa của kẻ thù làm cho bất ngờ vậy. Chúng ta hãy dũng cảm lên. Ryle viết rằng: “Chúng ta không phải là bạn hữu của Sa-tan. Giống như các vua chúa trong thế gian nầy, họ không chiến tranh với thần dân của mình” (trang 72). Sự chia rẻ và đối nghịch xảy ra ở trong lòng không có nghĩa là chúng ta đã thua; mà có nghĩa là cuộc chiến đã bắt đầu.

Đánh trận tốt lành

Cuộc chiến Cơ Đốc không giống như các trận chiến ngoài kia, nhưng đó là cuộc chiến khốc liệt nhất mà thế giới từng biết. Ryle nói: “Chúng ta hãy ghi nhớ rằng cuộc chiến Cơ Đốc là một trận chiến tốt lành – thực sự là rất tốt” (trang 80). Phải, cuộc chiến ấy rất hung tợn. Chúng ta sẽ bị đánh và chảy máu. Tệ nhất là chúng ta dễ bị rơi vào nỗi tuyệt vọng. Dẫu vậy đi nữa thì cuộc chiến Cơ Đốc vẫn tốt lành làm sao!

Tốt lành, vì Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ giày đạp kẻ thù của chúng ta (Mi-chê 7:19). Tốt lành, vì Chúa hứa sẽ bổ sức cho chúng ta trong những lúc cuộc chiến trở nên dữ tợn nhất (Ê-sai 41:10). Tốt lành, vì người nào ngã sẽ được tha thứ (1 Giăng 1:9). Tốt lành, vì chúng ta chỉ giết chết tội lỗi và các quỷ sứ, không phải loài người (Rô-ma 8:13). Tốt lành, vì trận chiến nầy khôi phục chứ không phải hủy hoại loài người. (Cô-lô-se 3:5, 9-10).

Hầu hết thì cuộc chiến ấy là tốt lành vì chúng ta đánh trận ở dưới quyền, cùng với, và vì cớ Đấng Christ. Chúa là vị Tướng rất lớn và chúng ta là những người lính đi theo Đấng đã chinh phục chúng ta thuộc về Ngài bằng cách chịu chết thay cho chúng ta, chính Ngài còn hứa là sẽ không lìa bỏ chúng ta (Ma-thi-ơ 28:20). Ryle hỏi rằng: “Có ai muốn sống cuộc đời của người lính Cơ Đốc chăng? Người đó hãy ở trong Đấng Christ, thật gần Đấng Christ, buộc mình vào Đấng Christ mỗi ngày khi còn sống trên đất nầy” (trang 76).

Hôm nay, chúng ta hãy diễu hành ở dưới lá cờ “Đấng Christ thật tốt đẹp biết bao”, không ngạc nhiên và không nản lòng trong trận chiến nữa, lưỡi gươm rút ra để nghịch lại cùng điều gì chẳng giống Ngài. Chúng ta hãy hướng về ngày đó khi “hai dấu hiệu lớn” của Cơ Đốc nhân trở nên một, còn cuộc chiến chỉ đang mở ra con đường để chúng ta bước vào sự yên nghỉ đời đời của Chúa Jêsus mà thôi.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .