4 Th4, 2023

Chúng ta có nên kết hôn không đây?

Làm sao để tìm hiểu nhau tốt hơn
Chúng ta có nên kết hôn không đây?
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Nếu tôi có thể quay lại và bắt mình đọc một bài góc nhìn khi còn 17, 18 hoặc thậm chí 21 tuổi, tôi nghĩ bài viết ấy có thể là bài này. Tôi muốn mở rộng và sắp xếp lại những ý tưởng ngây thơ của mình về hẹn hò, lãng mạn và hôn nhân. Tôi muốn vạch ra một bản đồ để đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn, yêu thương hơn về các mối quan hệ. Đó là cách tôi nghĩ về bài viết này: như một bản đồ ba chiều để hẹn hò hiệu quả.

Nhưng tại sao tôi lại chọn bài viết này cho mình vào độ tuổi lúc ấy? Vì ít nhất hai lý do lớn. Thứ nhất, vì không gì trong đời sống và đức tin có sự khó hiểu và nguy hiểm về mặt thuộc linh bằng việc đeo đuổi cuộc hôn nhân. Tuổi thiếu niên của tôi là một chuỗi dài các mối quan hệ quá nghiêm túc so với lứa tuổi của mình, kéo dài quá lâu và do đó thường kết thúc một cách tồi tệ và đau đớn. Tôi hy vọng đó không phải là trải nghiệm của chúng ta, mà là của tôi mà thôi. Tôi muốn giúp đỡ cho dù chỉ là vài người thoát khỏi sự dại dột và cứng đầu đã hành hạ tôi ngày xưa (hoặc giúp đỡ người nào giống như tôi thoát khỏi tình trạng đó).

Lý do thứ hai đó là tôi đã kết hôn được bảy năm rồi, nên tôi thấy rõ hết mọi thứ – hẹn hò, lãng mạn, hôn nhân – bây giờ khác xưa rất nhiều. Tám năm trước, tôi biết hôn nhân giống như một đứa 6 tuổi biết truyện Narnia vậy. Tôi biết rất nhiều về hôn nhân – từ Kinh Thánh, từ sách vở, từ việc quan sát các cặp đôi ở trong cuộc sống – tôi bị mê hoặc bởi ý tưởng hôn nhân. Nhưng tôi vẫn chưa bước sang bên kia tủ quần áo. Tôi đã không trải nghiệm được sự thật. Còn thực tế thì đầy hoang mang, phong phú và sâu sắc hơn mình tưởng. Nếu chúng ta có thể nếm trải được tình yêu trong giao ước trước khi bắt đầu hẹn hò, tôi tin rằng chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn nhiều về thời điểm hẹn hò, hẹn hò với ai, hẹn hò như thế nào và khi nào nên kết hôn.

Tôi không thể cho ai có trải nghiệm ấy, nhưng điều tôi nói từ trải nghiệm có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn những gì đã thấy. Nếu một ngày nào đó chúng ta kết hôn, thì tôi muốn chúng ta kinh nghiệm được sự trọn vẹn của ý muốn Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân. Để làm được điều đó, chúng ta cần sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời. Vậy, hãy xem đây là bức thư tôi gửi từ khu rừng Narnia.

Những góc độ rõ ràng

Khi nhìn lại những điều đáng lẽ tôi đã làm khác đi trong hành trình tiến tới hôn nhân, một trong những bài học chính mà tôi ước mình biết được sớm hơn đó là đeo đuổi sự rõ ràngtrì hoãn sự thân mật.

Bây giờ, tôi có thể nói nhiều hơn về nửa sau của bài học đó (“trì hoãn sự thân mật”) – tôi đã nói rồi – nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh vào nửa đầu của bài học này. Theo đuổi sự rõ ràng trong hẹn hò – đặc biệt với tư cách là Cơ Đốc nhân có nghĩa là gì? Cảm giác rõ ràng là gì? Làm thế nào chúng ta đó là người sẽ kết hôn với mình? Để trả lời những câu hỏi trên, tôi muốn cho bạn thấy một bản đồ ba chiều.

Hầu hết mọi người ngày hôm nay, kể cả Cơ Đốc nhân, theo đuổi sự rõ ràng trong hẹn hò bằng cách làm theo cảm xúc của họ. Tôi thấy người này thế nào? Tôi đã sẵn sàng để mối quan hệ này đi xa hơn chưa? Tôi có muốn kết hôn với người này không? Đây là những câu hỏi hay. Chúng không phải là những câu hỏi duy nhất. Người khôn ngoan không gạt bỏ cảm xúc của mình, nhưng họ cũng không hoàn toàn tin tưởng vào cảm xúc. Người đó biết mình cần không chỉ cần cảm xúc để đưa ra quyết định và lựa chọn sáng suốt, mà họ cần nhiều hơn thế nữa trong khi hẹn hò. Họ biết rằng có ít nhất hai khía cạnh khác để có cảm giác rõ ràng (nghĩ đến chiều cao, chiều rộng và chiều sâu): thứ nhất là có sự khẳng định từ cộng đồng của chúng ta. Sau đó, đây là điều thường bị phớt lờ hoặc ít nhất là coi thường, cho cơ hội để thực sự đeo đuổi hoặc kết hôn với một người cụ thể. Vậy, chúng ta có ba khía cạnh rõ ràng theo Cơ Đốc là: ước muốn, cộng đồng và cơ hội.

Chiều cao: Ước muốn rõ ràng

Đầu tiên, hãy xem xét sự rõ ràng của ước muốn. Thật tốt khi muốn kết hôn. Trên thực tế, theo Kinh Thánh, bản thân ước muốn đã là sự khôn ngoan:

  • “Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một điều phước, và hưởng được ân điển của Đức Giê-hô-va” (Châm ngôn 18:22).
  • “Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được? Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc” (Châm ngôn 31:10).

Thật tốt khi tìm kiếm một người bạn đời xứng đáng, thậm chí sẽ tốt hơn nữa nếu tìm được một người như vậy. Thật tốt khi muốn kết hôn. Điều đó không có nghĩa là không có nhiều cách tồi tệ để đeo đuổi hôn nhân (tức là có đấy), hoặc cũng không có nghĩa là ước muốn hôn nhân không thể bị bóp méo và mất cân bằng (tức là có đấy). Nhưng Chúa đã làm cho hầu hết đều muốn kết hôn.

Chúng ta không cần phải muốn kết hôn để tin theo Chúa Jêsus. Vài người hạnh phúc nhất, tin kính nhất trong Hội thánh không bao giờ kết hôn. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô ca ngợi sự tốt đẹp của việc sống độc thân suốt đời (1 Cô-rinh-tô 7:7-8). Nhưng nếu chúng ta muốn kết hôn, thì không cần phải che giấu hay hổ thẹn về ước muốn ấy làm gì. Đức Chúa Trời ưa thích khao khát hôn nhân của chúng ta – muốn được hứa hôn với một người nam hay người nữ nào đó, trở nên một thịt, mang thai và nuôi nấng con cái nếu muốn.

Ngoài ra, chúng ta có thể nói rất nhiều điều về ước muốn, cảm xúc và sự hấp dẫn, nhưng nói một cách đơn giản nhất theo Kinh Thánh thì chúng ta chủ yếu tìm kiếm người nào có thể kết hôn với mình. Chúng ta tìm kiếm người nào có thể vui sống vì Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nói với các góa phụ trong Hội thánh (và nói chung với tất cả tín hữu) rằng: “nếu chồng chết, vợ được tự do, muốn lấy ai tùy ý, miễn là theo ý Chúa” (1 Cô-rinh-tô 7:39). Đối với Cơ Đốc nhân, kết hôn không chỉ đơn giản là về tình dục, tình bạn, con cái hay cuộc sống. Chúng ta muốn kết hôn trong ý Chúa.

Chúng ta muốn cùng nhau tiếp nhận Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đi nhà thờ, cùng nhau phục vụ. Chúng ta muốn nói với mọi người một cách nhất quán và đẹp đẽ về những gì Chúa Jêsus đã làm cho hôn nhân của mình. Chúng ta muốn hôn nhân giúp chúng ta trở nên giống Đấng Christ hơn, dần dần nhưng chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta thành một người mới, một người thánh. Điều này có nghĩa là khi chúng ta tìm kiếm đối tượng để kết hôn, trước hết chúng ta không tìm kiếm về vật chất, tài chính, sự thoải mái hay thú vui (mặc dù chúng ta sẽ cân nhắc một số yếu tố này). Chúng ta đang tìm kiếm Đức Chúa Trời ở trong cả hai và cho tương lai của nhau.

Vậy, góc độ đầu tiên của sự rõ ràng là ước muốn của chúng ta. Tôi có muốn hẹn hò hoặc kết hôn với người này không? Nếu vậy thì tôi có tin chắc rằng ước muốn của tôi làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không — Chúa có muốn tôi đeo đuổi mối quan hệ này không? Nếu chúng ta không chắc Đức Chúa Trời nghĩ gì về mối quan hệ này, thì Chúa thường bày tỏ ý muốn của Ngài qua hai góc độ rõ ràng còn lại.

Chiều ngang: sự rõ ràng từ cộng đồng

Góc độ rõ ràng thứ hai mà chúng ta cần khi hẹn hò đến từ cộng đồng. Trong số ba góc độ thì đây là gánh nặng lớn nhất của tôi dành cho các tín đồ trẻ tuổi ngày nay.

Hẹn hò thường cô lập chúng ta khỏi anh chị em Cơ Đốc khác trong cuộc sống. Càng thân thiết với bạn trai hay bạn gái, chúng ta càng đi xa khỏi những mối quan hệ quan trọng khác. Quỷ Sa-tan thích điều này và luôn khuyến khích điều đó xảy ra. Để chống trả hắn, chúng ta cần phải thay đổi thói hẹn hò ở một góc riêng bằng cách đưa mối quan hệ hẹn hò của chúng ta đến gần với các mối quan hệ quan trọng khác.

Một lần nữa, sách Châm ngôn chứa đầy sự khôn ngoan nói rằng:

  • “Dân sự sa ngã tại không chánh trị; song nếu có nhiều mưu sĩ, bèn được yên ổn” (Châm ngôn 11:14).
  • “Đường lối của kẻ ngu muội vốn ngay thẳng theo mắt nó; còn người khôn ngoan nghe lời khuyên dạy” (Châm ngôn 12:15).
  • “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa thích; nó cãi cọ với những sự khôn ngoan thật” (Châm ngôn 18:1).

Nói cách khác, hãy tin tưởng vào những người hiểu chúng ta nhất, yêu thương chúng ta nhất và sẵn sàng chia sẻ ngay khi chúng ta làm sai. Thông qua kinh nghiệm cá nhân và tư vấn cho những người khác, tôi nhận thấy rằng đó là quy tắc vàng trong hẹn hò Cơ Đốc, quy tắc này thường tạo ra sự khác biệt giữa các mối quan hệ lành mạnh và không lành mạnh.

Hãy tin tưởng vào những người hiểu chúng ta nhất, yêu thương chúng ta nhất và sẵn sàng chia sẻ ngay khi chúng ta làm sai“.

Chỉ có người nào yêu Chúa hơn yêu chúng ta mới đủ can đảm để nói ra những điều sai trật khi chúng ta hẹn hò – sai về đối tượng, sai về thời điểm, sai về bất kỳ điều gì. Chỉ có những người như thế mới sẵn sàng nói ra điều khó nghe, ngay cả khi chúng ta đang rất hạnh phúc. Hầu hết bạn bè sẽ đồng tình với chúng ta vì họ vui mừng cho chúng ta, nhưng chúng ta cần nhiều hơn tình cảm vui vẻ của họ – vì bản thân chúng ta đã thấy vui lắm rồi. Chúng ta cần sự thật, sự khôn ngoan, sự sửa phạt và góc nhìn. Hãy tin tưởng vào những người hiểu bạn nhất, yêu thương bạn nhất và sẽ nói ra ngay khi chúng ta làm sai.

Sau đó, hãy xem xét ba đối tượng có thể là cộng đồng dành cho chúng ta khi đeo đuổi hôn nhân (tôi thậm chí muốn nói đây nên là cộng đồng dành cho chúng ta). Ai sẽ là cố vấn khôn ngoan góp phần mang lại ý nghĩa cho chúng ta đây?

Hội thánh

Thứ nhất, chớ phớt lờ Hội thánh. Chúng ta thường không nghĩ Hội thánh là một phần trong quá trình đeo đuổi hôn nhân (thậm chí có thể chúng ta e ngại với ý tưởng này), nhưng dù nghe có vẻ không thoải mái hay cảm thấy bất tiện, Đức Chúa Trời vẫn muốn chúng ta giải trình với Hội thánh địa phương là nơi đã được Chúa giao phó trách nhiệm chính và cuối cùng (Ma-thi-ơ 18:15–20Hê-bơ-rơ 13:17).

Đức Chúa Trời muốn Hội thánh là bước đi gồ ghề trên mép đường cao tốc, đảm bảo rằng chúng ta luôn tỉnh thức và cảnh giác khi lái xe trong cuộc sống, kể cả khi hẹn hò. Nếu chúng ta không cho Hội thánh góp phần vào thói quen và các mối quan hệ của mình, thì chúng ta có khả năng lao thẳng vào một hố sâu thuộc linh hoặc thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên, Hội thánh có thể hỗ trợ một cặp vợ chồng bằng cách cơ cấu, định hướng và giữ an toàn.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta cần phải đứng lên khi có thông báo và cập nhật cho cả Hội thánh biết mối quan hệ của mình hoặc cập nhật trên bản tin của tờ chương trình mỗi tuần. Nhưng hãy nương tựa vào các anh em chị em Cơ Đốc, đặc biệt là những người lớn tuổi và trưởng thành hơn chúng ta. Hãy nghĩ đến vài người không có mặt trong buổi hẹn hò và lựa chọn thật đúng đắn khi hẹn hò vào cuối tuần. Hãy có trách nhiệm giải trình với Hội thánh địa phương: tham gia, làm quen và cho người khác biết về chúng ta, gặp gỡ những người khác biệt với chúng ta, và chia sẻ với họ những điều chúng ta suy nghĩ, ước muốn và trải nghiệm khi hẹn hò. Đừng phớt lờ Hội thánh.

Cha mẹ

Thứ hai, hãy dựa vào tình yêu đã tạo ra và nuôi nấng chúng ta. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12). Nghe thật đơn giản nhưng thường rất thách thức và còn khó hơn thế nữa trong giai đoạn hẹn hò. Ngày hôm nay, chúng ta không muốn cha mẹ can thiệp vào chuyện yêu đương. Đó là chuyện của ngày xưa và không cần thiết. Cha mẹ thường chỉ là hình thức khi chúng ta đã có quyết định của riêng mình – tất nhiên, trừ khi chúng ta muốn lắng nghe Chúa và đeo đuổi hôn nhân một cách khôn ngoan hơn. Sự khôn ngoan nói: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu . . . Ước gì cha và mẹ con được hớn hở, và người đã sanh con lấy làm vui mừng” (Châm ngôn 23:2225).

Có lẽ chúng ta không nhìn thẳng vào mắt của cha mẹ. Có lẽ cha mẹ thậm chí không phải là tín đồ. Có lẽ cha mẹ đã ly hôn và không đồng ý với nhau về điều chúng ta nên làm. Có lẽ một hoặc cả hai thậm chí không quan tâm đến mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta không thể ép buộc cha mẹ quan tâm hoặc hợp tác, nhưng chúng ta có thể hiếu kính họ và có thể nghĩ ra những cách sáng tạo để khuyến khích họ dự phần cũng như xin ý kiến đóng góp và lời khuyên của họ. Cha mẹ có thể hoàn toàn sai, nhưng hầu hết cha mẹ không cố ý làm hại chúng ta hoặc làm cho chúng ta mất đi hạnh phúc. Họ đã biết và yêu thương chúng ta lâu hơn bất kỳ ai khác, họ thực sự muốn điều tốt nhất cho chúng ta.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta yêu thương cha mẹ mình có chủ đích hơn và tỏ ra vui vẻ hơn khi chúng ta bất đồng ý kiến với họ? Điều này sẽ nói – với họ, với người quan trọng của chúng ta, với bạn bè và gia đình còn lại của chúng ta – về đức tin của chúng ta nơi Chúa Jêsus như thế nào? Hãy dựa vào tình yêu thương đã tạo ra và nuôi nấng chúng ta.

Bạn thật

Tuyến phòng thủ tiếp theo trong giai đoạn hẹn hò là bạn bè hiểu rõ chúng ta nhất – họ là những người yêu mến Chúa Jêsus và thương yêu chúng ta đủ để chúng ta có thể giải trình với họ. Chúng ta không chỉ cần bạn bè. Ai cũng có bạn. Chúng ta cần bạn thật – những người biết rõ chúng ta, những người thường xuyên và tích cực tham gia vào mối quan hệ của chúng ta, những người yêu thương chúng ta đủ để đưa ra những câu hỏi khó hoặc cho chúng ta biết khi mình làm sai.

Ngay cả sau khi Đức Chúa Trời cứu rỗi chúng ta ra khỏi tội lỗi, kéo chúng ta ra khỏi hố sâu và ban Đức Thánh Linh của Ngài ở trong lòng của chúng ta, thì chúng ta vẫn phải chiến đấu với tội lỗi và vượt qua cám dỗ. Chúng ta cần bạn bè trong cuộc chiến để giúp mình thấy sự sai trật hay sự yếu đuối ở đâu. Đừng trông chờ bạn bè hỏi han mọi việc đang diễn ra như thế nào. Hãy tìm kiếm bạn bè và chia sẻ cởi mở với họ. Chúng ta có thể hỏi han nhau:

  • Hai người thường nói chuyện gì với nhau? Cuộc đối thoại bình thường xảy ra như thế nào?
  • Cả hai có những hành động thân mật nào chưa, hai bạn có đặt ra giới hạn không và khi nào bị cám dỗ nhiều nhất?
  • Bạn biết gì về anh ấy (hoặc cô ấy)? Hai bạn có đang tiến đến hay chưa có sự rõ ràng về hôn nhân?
  • Mối quan hệ này ảnh hưởng đến sức khỏe thuộc linh như thế nào? Đời sống cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, đi nhà thờ và phục vụ người khác?

Có ai nói với chúng ta những câu hỏi như thế này chưa? Có bạn bè nào làm được những điều này không?Nếu chúng ta chưa có ai, thì chúng ta biết ai có khả năng trở thành người bạn như vậy không? Chúng ta có biết ai cần mình trở thành người bạn đó đối với họ không? Nếu chúng ta muốn hẹn hò tốt, hãy gắng sức để có vài bạn bè thật.

Chiều sâu: Sự rõ ràng về cơ hội

Chúng ta có sự rõ ràng về ước muốn, sự rõ ràng về cộng đồng và cuối cùng là sự rõ ràng về cơ hội. Tấm lòng của chúng ta và cộng đồng của chúng ta vẫn chưa đủ để giúp chúng ta có sự rõ ràng cần thiết. Tấm lòng của chúng ta sẽ nói (thông qua ước muốn của mình), bạn bè của chúng ta sẽ nói (thông qua một cộng đồng tốt) và sau đó Chúa sẽ phán (thông qua cơ hội). Thực sự, Chúa phán qua cả ba cách, nhưng đôi khi Ngài phán rõ ràng nhất qua cách cuối cùng này. Nói cách khác, Chúa phán qua sự thần hựu của Ngài. Mối quan hệ có kết quả hay không. Hoàn cảnh xảy ra hoặc không có gì xảy ra. Cảm xúc và thời gian phù hợp hay không.

“Nếu Đức Chúa Trời từ chối điều tốt lành cho chúng ta, không phải vì Chúa muốn làm hại chúng ta đâu”.

Đôi khi, Chúa bày tỏ sự rõ ràng cần thiết trong giai đoạn hẹn hò chỉ đơn giản là thực hiện công tác ngoài tầm kiểm soát của con người. Chúng ta có thể yêu ai đó, bạn bè và gia đình có thể nghĩ đó là ý hay, nhưng hôn nhân có thể sẽ không xảy ra. Có lẽ cô ấy không đáp lại; cô ấy chỉ muốn là bạn bè. Có lẽ anh ấy sẽ hẹn hò và kết hôn với người khác. Có lẽ cô ấy chuyển nhà để đi học hoặc đi làm, khoảng cách quá xa. Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài bằng cách làm rõ ước muốn của chúng ta, nhưng Chúa cũng làm rõ ý muốn của Ngài bằng nhiều cách khác nữa.

Châm ngôn 16:33 chép rằng: “Người ta rút thăm trong vạt áo,” – hoặc là tin nhắn, hoặc là gọi điện, hoặc là một bó hoa – “nhưng mọi quyết định đến từ Đức Giê-hô-va”. Nghe có vẻ tàn nhẫn? Tại sao Đức Chúa Trời cho phép chúng ta ước muốn một điều tốt đẹp (hoặc một đối tượng nào đó), mà không ban điều đó cho chúng ta? Một trong những bài học quan trọng nhất khi tin theo Chúa Jêsus là có đến hàng ngàn câu trả lời rất hay cho câu hỏi đó.

Nếu Đức Chúa Trời từ chối điều tốt lành cho chúng ta, không phải vì Chúa muốn làm hại chúng ta đâu. Sứ đồ Phao-lô nói: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28). “Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng” (Thi thiên 84:11). Không hề, Đức Chúa Trời từ chối điều tốt lành cho dân sự của Ngài khi điều đó chưa đủ tốt lành – tức là khi Ngài có ý định ban điều tốt lành hơn cho chúng ta. Vậy, đừng cho rằng một ước muốn tốt đẹp được bạn bè ủng hộ thì đó là điều tốt lành cho chúng ta. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời mới là Đấng biết điều gì là tốt lành cho chúng ta.

Khi cầu nguyện và tiến đến hôn nhân, hãy tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri và yêu thương chúng ta, chính Chúa sẽ làm thành ý muốn của Ngài cho chúng ta qua ba cách – ước muốn, cộng đồng và cơ hội.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .