Chúa không bao giờ phạm sai lầm
Tôi nhớ rõ câu này, là một chương trong cuốn sách của Evelyn Christenson “Điều gì xảy ra khi người nữ cầu nguyện”. Thật lòng mà nói, khi đọc xong lần đầu tiên tôi cảm thấy rất hoài nghi. Chúng nghe thật cũ rích và ngây ngô. Tôi đã kết luận một cách kiêu ngạo rằng tác giả là người chưa trải qua nhiều tranh đấu trong đời, nếu có thì bà đã không đưa ra một lời tuyên bố táo bạo như vậy. Trong suy nghĩ của tôi, Chúa là tốt lành và toàn năng, nhưng để nói rằng Ngài không bao giờ phạm sai lầm thì dường như mâu thuẫn với những tội ác khủng khiếp và khổ đau trong thế giới nầy. Câu nói của Christenson đã làm tôi khó chịu và tôi chỉ muốn thôi không đọc tiếp nữa.
Khi tôi đọc cuốn sách của bà, tôi vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng hôn nhân trong khi đang mang thai đứa con gái đầu lòng của mình. Tôi đã rất biết ơn vì chúng tôi đã phục hồi được hôn nhân của mình, nhưng để nói rằng Chúa không phạm sai lầm thì dường như còn quá gượng gạo. Cuộc đời tôi đã trải qua vô vàn khó khăn rồi. Tôi đã sống cuộc đời vào ra bệnh viện sau khi mắc bệnh bại liệt từ lúc còn là một đứa trẻ. Tôi đã bị bắt nạt trong suốt thời đi học. Mới đây thôi, tôi vừa bị sảy thai ba lần.
Tôi thấy rất khó khăn khi nghĩ rằng Chúa không hề phạm sai lầm sau khi nhìn lại những thử thách trong đời mình.
Tất cả đau khổ của tôi?
Trong khi tôi cố gắng tin rằng Ngài chẳng bao giờ phạm sai lầm, tôi đã tin là Chúa có những sai sót, ít nhất là đối với một vài nỗi đau đầu đời của tôi.
“Chúa không phạm sai lầm khi tạo nên con trai tôi, đem nó đến với chúng tôi trong một khoảng thời gian ngắn, rồi cất đứa trẻ ấy đi”.
Khi được gặp gỡ Đấng Christ, lúc mới 16 tuổi, tôi đã bắt đầu nhận biết mục đích của Chúa trong sự bất toàn của mình. Tôi đã tình cờ đọc Giăng 9, khi Chúa Jêsus phán với các môn đồ là hoàn cảnh của người mù không phải vì bất kỳ tội lỗi nào, nhưng ấy là để ông tôn vinh hiển Đức Chúa Trời. Đọc tới chỗ nầy, tôi biết rằng Chúa đang phán trực tiếp với mình. Ngài khẳng định rằng những khổ đau của tôi là có mục đích, điều nầy đã thay đổi cách tôi nhìn nhận cuộc đời mình và những tranh đấu kèm theo.
Mặc dù tôi vẫn thấy Chúa dùng những thử thách về thể chất để mang lại ích lợi nào đó, nhưng tôi vẫn hoài nghi về nguồn gốc của mọi đau khổ trong đời mình.
Chúa phán gì về sự tể trị tuyệt đối
Bởi vì tôi đang hướng dẫn cuộc thảo luận về quyển sách của Christenson tại Hội thánh, nên mặc cho những nghi hoặc của mình, tôi phải tiếp tục đọc nó. Tôi đã nghiền ngẫm Kinh Thánh trước buổi thảo luận, cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan và sự dẫn dắt, rồi bị thu hút vào các câu nói về sự tể trị và mục đích của Đức Chúa Trời. Tôi thấy có một sự liên kết nào đó và viết ra một danh sách những câu Kinh Thánh đã động chạm đến tôi, như các câu sau đây:
Hai con chim sẻ không phải chỉ bán được một đồng sao? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi. (Ma-thi-ơ 10:29-30)
Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; nhưng ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thành tựu. (Châm ngôn 19:21)
‘Kế hoạch của Ta sẽ thành tựu, và Ta sẽ thực hiện mọi điều Ta muốn’ . . . Điều Ta đã phán, Ta sẽ hoàn thành; điều Ta đã hoạch định, Ta sẽ thực hiện. (Ê-sai 46:10-11)
Tôi cứ đọc đi đọc lại những câu nầy dù tôi chẳng biết chúng có ý nghĩa gì với mình.
Chân lý mà tôi không thể lay chuyển
Khi buổi thảo luận bắt đầu, mọi người đều có cùng suy nghĩ với tôi về chủ đề: “Chúa không bao giờ phạm sai lầm”. Một vài người lại nhất quyết không đồng ý. Ý nghĩ này khiến họ bực dọc. “Dĩ nhiên, có những đau khổ đang xảy ra trong thế giới nầy,” họ cứ khăng khăng là “nhưng chúng ta không nên đổ hết cho Chúa”. Những người khác lại chia sẻ nhiều kinh nghiệm đau thương, tranh đấu và nhiều mất mát của họ.
Một vài người nói (chủ yếu đề cập đến lẽ thật), nhưng chúng ta biết trong Rô-ma 8:28 chép rằng: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời”. Những lời êm dịu của bà nghe sao vô vị và sáo rỗng hơn là lẽ thật, vì nghe cứ mông lung và không có lời giải đáp. Sự kiên định cách vô tư của bà về vấn đề nầy rõ ràng đang thiếu đi sự đồng cảm và thấu hiểu, đã khiến tôi muốn ở về phía những quan điểm khác. Nhưng không hiểu sao, tôi không làm được. Vì một lý do nào đó, sau khi nghiềm ngẫm Kinh Thánh cách cẩn thận, tôi không thể nào gạt đi ý tưởng cho rằng: Chúa không bao giờ phạm sai lầm. Tận sau trong thâm tâm mình, tôi biết rằng lời của tác giả là đúng với Kinh Thánh. Tôi tin rằng đây là một lẽ thật có thể biến đổi đời sống. Do đó, tôi đã tuyên bố niềm tin của mình với cả nhóm, thậm chí ngay cả khi tôi không thật sự hiểu hết chúng.
Tại sao con trai của tôi lại chết?
Vài tuần sau, những lời nói của tôi đã được thử nghiệm. Vào tuần siêu âm định kỳ thứ 20, chúng tôi biết rằng đứa con chưa ra đời, tên là Paul, bị vấn đề về tim mạch có thể đe dọa đến mạng sống và cần được phẫu thuật. Tôi nói với bản thân và mọi người rằng: Chúa không bao giờ phạm sai lầm. Tôi đã nói đi nói lại những lời nầy cho đến khi chúng ăn sâu vào tâm trí tôi. Bằng một cách không thể lý giải được, sự bình an của Chúa đến ngay khi tôi tuyên bố mấy lời nầy, đó là những lời lẽ đã che phủ tôi trong suốt thai kỳ.
Paul đã được phẫu thuật thành công sau khi ra đời và khoẻ lên từ từ. Nhưng gần hai tháng sau, nó qua đời đột ngột vì sự lơ là của bác sĩ. Mặc dù chúng tôi không thể thốt lên lời nào, nhưng vợ chồng tôi đã nói tại tang lễ của Paul để nhắc lại rằng: Chúa không bao giờ phạm sai lầm. Chúng tôi đã giúp nhiều người khác tìm thấy hy vọng nơi Đức Chúa Trời qua mấy lời đó.
Lúc ấy, tôi đã nói những lời lẽ ấy một cách chân thành, nhưng chỉ vài tuần sau tang lễ của Paul, cũng chính những lời đó dường trở nên sáo rỗng hẳn đi. Tại sao Paul chết? Tại sao Chúa lại cho phép điều nầy xảy ra? Đó là vì sự sơ suất của bác sĩ – phải chăng lần nầy Chúa đã phạm sai lầm?
Thần học – tất cả mọi thứ – đều trở nên khó hiểu và vô nghĩa đối với tôi. Không gì có ý nghĩa nữa. Mấy lời lẽ đó ở trong tâm trí của tôi chẳng giải quyết được gì cả. Tôi không biết phải nghĩ gì hay cầu nguyện thế nào. Thế là, tôi đã không làm gì cả. Tôi đã sống xa Chúa.
Nhiều tháng sau đó, Chúa đã kéo tôi lại gần bằng ân điển của Ngài. Đang lúc ngồi trong xe hơi vì quá đỗi mừng rỡ, tôi đã gặp gỡ tình yêu trọn vẹn của Chúa và nhận biết một lẽ thật vững như đá ngay trong chính mấy lời lẽ đã muốn đẩy tôi đi xa. Chúng là những lời căn bản mà tôi có thể dựa vào đó mà xây dựng cuộc đời mình. Lời ấy có thể mang tôi ra khỏi những ngày đen tối. Chúa không phạm sai lầm khi tạo nên Paul, cho đứa bé ở với chúng tôi một vài giờ đồng hồ, rồi Chúa cất nó về với Ngài. Cuộc đời của Paul đầy dẫy mục đích từ thiên thượng.
Kế hoạch A của Chúa
Sau khi Paul mất, tôi đọc trong một cuốn sách của Joni Eareckson Tada “Khi Chúa khóc”, chính quyển sách nầy đã giúp tôi thấy được tầm quan trọng của việc tin vào quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Joni nói:
Hoặc là Chúa cai trị, hoặc là Sa-tan lèo lái cả thế gian, còn Đức Chúa Trời bị giới hạn trong việc phản ứng lại. Trong trường hợp nầy, Đấng Toàn Năng trở thành cậu bé lao công cho Sa-tan, quét dọn sau khi ma quỷ đã giày xéo và hoàn tất mọi công việc xấu xa nhất của nó, tìm cách moi móc đâu đấy chút ít điều tốt lành ngay giữa hoàn cảnh đó bằng cách nầy hay cách khác. Nhưng đó không phải là kế hoạch tốt lành nhất dành cho bạn, không phải kế hoạch A, không phải là những gì Ngài dự định trong trí. Nói cách khác, cho dù Chúa cố gắng sữa chữa mọi thứ đi nữa, thì sự khổ sở của bạn vẫn bị coi là vô nghĩa. (84)
“Sự khổ sở của tôi mang ý nghĩa nào đó. Tất cả đều có nghĩa. Tôi đang ở trong kế hoạch A của Chúa”.
Như tựa đề trong sách của Christenson, lời của Joni đánh động tôi thật mạnh mẽ. Sự khổ sở của tôi mang ý nghĩa nào đó. Tất cả đều có nghĩa. Tôi đang ở trong kế hoạch A của Chúa. Khi chấp nhận và thấu hiểu lời của tác giả, những điều nầy đã thay góc nhìn về cuộc sống của tôi, thêm sức để tôi tiếp tục vượt qua những thử thách trong đời, tìm kiếm bàn tay Chúa và biết ơn Ngài vì sự đau đớn của tôi đều có một mục đích thiên thượng.
Ngay cả trong ác mộng
Đức Chúa Trời không bao giờ phạm sai lầm. Câu nầy đã hình thành và tái định hình đời sống tôi va là cái neo cho tôi qua nhiều cơn bão đời. Tôi bám chặt vào nó khi tôi bị chẩn đoán là mắc chứng bại liệt. Tôi tiếp tục lặp đi lặp lại câu đó sau khi người chồng đầu tiên bỏ chúng tôi mà đi.
Tôi rất cần sự đảm bảo rằng Chúa ở cùng tôi trong cơn thử thách. Một sự đảm bảo cho dù cơn ác mộng thành sự thật đi nữa, thì Đức Chúa Trời không hề phạm sai lầm. Ngài sẽ dùng ngay cả những hậu quả tệ hại nhất để làm ích cho tôi và cho sự vinh hiển của Ngài. Christenson nói rằng:
Đây là chỗ của bạn sau nhiều năm thử thách và khó khăn, bạn thấy tất cả xảy ra vì ích lợi của bạn, còn ý muốn của Đức Chúa Trời là hoàn hảo. Bạn thấy Ngài không phạm sai lầm nào cả. Chúa biết hết những giả định "nếu như" trong cuộc đời bạn. Khi bạn nhận ra mọi sự ngày hôm nay, ngay cả trong lúc chịu thử thách, bạn cảm thấy thật vui, một niềm vui sâu thẳm. (89-90)
Tôi không có hạng mục nào dành cho loại đức tin hoặc sự kiên trì khi mới đọc những từ ngữ ấy lần đầu tiên vài năm trước. Nhưng giờ đây, đã hơn hai mươi năm rồi, tôi rất biết ơn những lời lẽ ấy. Thật biết ơn vì cũng chính Đức Chúa Trời đã đồng đi với Evelyn Christenson qua nhiều thử thách trong đời của bà, dạy dỗ bà biết cách cầu nguyện, đã đồng đi với tôi và dạy dỗ tôi điều tương tự.
Trên hết tất cả, tôi rất biết ơn khi biết rằng Chúa Jêsus là Đấng đã chịu chết, hầu cho chúng ta được sống, Ngài là Đấng yêu thương chúng ta bằng tình yêu đời đời, cũng là Đấng quan tâm đến từng chi tiết trong đời sống của chúng ta nữa, Ngài sẽ không bao giờ phạm sai lầm.