21 Th9, 2021

Chúa Jêsus có tự tôn chính Ngài không?

Chúa Jêsus có tự tôn chính Ngài không?
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Chúa Jêsus chưa hề tự tôn chính Ngài. Cả về văn hóa và thần học, đây có thể là những lời lẽ khó tin trong Hê-bơ-rơ 5:5. Cũng vậy khi Chúa Jêsus phán về chính Ngài trong Giăng 8:50 rằng: “Ta chẳng tìm sự vinh hiển ta”.

Về mặt văn hóa, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sự tự tôn, tự kêu và tự bào chữa đang gia tăng trong các phạm trù về đạo đức chứ không phải trụy lạc. Chúng ta mong chờ sự tự tôn và còn ca ngợi điều nầy nữa. Hãy đòi lại quyền lợi của bản thân. Hãy cất tiếng nói cho bản thân. Hãy thôi thúc mình ra phía trước. Nhưng một trong những bài học được Chúa Jêsus lặp đi lặp lại nhiều nhất, cũng ngày càng gia tăng mặc kệ nghịch cảnh: “Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”. (Lu-ca 14:11; cũng xem Ma-thio7 23:12; Lu-ca 18:14).

Về mặt thần học, chúng ta có những thắc mắc khác nữa. Nhiều người trong chúng ta biết được trực tiếp từ Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời là hữu thể duy nhất trong cả vũ trụ có thể tự tôn mình là hành động hợp đạo lý nhất. Nhưng điều nầy có nghĩa gì về Đấng Christ là người mà chúng ta đang nhìn thấy và lắng nghe Ngài ở trong các Phúc âm? Chúa vừa là Đức Chúa Trời vừa là người. Ngài có tìm kiếm vinh hiển riêng cho mình – mà vẫn được coi là điều lành, điều đúng và kính mến Đức Chúa Trời không? Nếu vậy, chúng ta nói làm sao về mấy lời rõ ràng trong Hê-bơ-rơ và Giăng đều cho biết Ngài không hề tự tôn mình?

Ai tôn vinh ai?

Trong Kinh Thánh, tôn vinh hiển, hay tôn cao, hay tôn lên, là hành động và lối nói thánh thiện. Đức Chúa Trời đã làm nên chúng ta theo ảnh tượng của Ngài, để phản ánh và bày tỏ Ngài trong thế giới, hầu cho chính Chúa được vinh hiển và được tôn cao. Trước khi giải quyết câu hỏi: điều nầy có nghĩa gì về Đấng Christ, vừa là người vừa là Đức Chúa Trời, không hề tìm kiếm vinh hiển riêng cho Ngài, thì chúng ta nên nhắc lại sự dạy dỗ rõ ràng và được lặp đi lặp lại trong Kinh Thánh về việc đeo đuổi sự vinh hiển và sự tự tôn cao.

Đức Chúa Trời tôn cao Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời tôn cao chính Ngài trong sự công bình (và yêu thương) không phải là sự dạy dỗ thường thấy nhất trong Kinh Thánh về sự tôn cao, nhưng điều nầy được nói rất rõ ràng và được lặp đi lặp lại — và cũng có cơ sở thần học.

Đức Chúa Trời phán qua trước giả Thi thiên về sự xứng hiệp cao trọng không hề có một khiếm khuyết nào rằng: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất” (Thi thiên 46:10). Trước giả Thi thiên cũng thưa với Đức Chúa Trời về sự cao trọng không có khiếm khuyết nào như là lời ngợi khen hoàn toàn có cơ sở hợp lý rằng: “Chúa đã làm cho lời Chúa và danh Chúa được tôn cao hơn tất cả” (Thi thiên 138:2). Trong danh Chúa và qua Lời Chúa, Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài là Đấng giàu lòng yêu thương và thành tín đối với dân sự của Ngài.

“Đức Chúa Trời tôn cao Đức Chúa Trời, dân Chúa tôn cao Ngài, còn Ngài tôn họ lên, nhưng dân Chúa không được tự tôn mình lên”

Sự tự tôn của Đức Chúa Trời không đến từ niềm vui của dân sự Ngài, mà đến từ dân sự hầu việc Chúa một cách vui mừng. Tiên tri Ê-sai nói rằng: “Ngài sẽ được tôn lên mà thương xót các ngươi” (Ê-sai 30:18). Khi Đức Chúa Trời tôn vinh chính Ngài — “Bây giờ, Ta sẽ đứng dậy; bây giờ, Ta sẽ tự tôn cao” (Ê-sai 33:10) — khiến kẻ thù phải nhút nhát, còn dân Chúa được vui mừng. Cũng vậy, ở trong các Phúc âm, khi Chúa Jêsus cầu nguyện rằng: “Cha ơi, xin hãy tôn vinh danh Cha!”, một tiếng phán đầy yêu thương và công bình đến từ trời rằng: “Ta đã tôn vinh rồi, Ta sẽ còn tôn vinh nữa” (Giăng 12:28).

Dân Chúa tôn cao Chúa

Vì thế mà chẳng có gì phải ngạc nhiên, Kinh Thánh cũng thường xuyên cho thấy dân sự Chúa tôn cao Chúa. Đây là trọng tâm và điều cốt lõi vì sao chúng ta được tạo ra theo ảnh tượng của Ngài: để tôn vinh hiển Chúa, để giúp người khác biết Chúa, để tôn cao Chúa trong thế giới. Khi loài người tôn cao, hoặc khi loài người tôn vinh, thì Đức Chúa Trời là đối tượng cho hành động thiêng liêng ấy.

Sau khi được giải cứu khỏi Ê-díp-tô và biển Đỏ, Môi-se và đoàn dân hát vui mừng rằng: “Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài; Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi, tôi tôn kính Ngài” (Xuất Ê-díp-tô-ký 15:2). Chúng ta tiến đến tận đáy bản chất và sự kêu gọi của mình với tư cách là loài người khi chúng ta cũng nói với tiên tri Ê-sai rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn sùng Ngài” (Ê-sai 25:1), rồi lặp lại với trước giả Thi thiên rằng: “Hãy cùng tôi tôn kính Đức Giê-hô-va, chúng ta cùng nhau tôn cao danh của Ngài” (Thi thiên 34:3).

Chính Chúa Jêsus đã phán về sự kêu gọi rất quan trọng nầy ở trong Ma-thi-ơ 5:16 rằng: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời”. Nét mặt sững sờ của Phi-e-rơ và các môn đồ sẽ còn mãi trên gương mặt của họ. Trong số hàng tá sự kiện về sự tôn cao hoặc tôn vinh hiển Đức Chúa Trời ở trong Tân Ước, sứ đồ Phi-e-rơ đã chọn ký thuật lại lời kêu gọi căn bản dành cho loài người, mà bây giờ đã thuộc về Cơ Đốc nhân: “Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ . . . đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 2:12; cũng xem 4:11,16).

Chúa tôn dân Chúa lên

Đôi khi người nào đã nghe thấy hai lẽ thật ở trên sẽ thấy lẽ thật thứ ba rất khó nghe: Chúa tôn dân Chúa lên. Họ không chỉ là tuyển dân được tiền định để trở nên giống như Đấng Christ, được gọi và được xưng công bình, mà họ còn được làm cho vinh hiển nữa (Rô-ma 8:29-30). Kinh Thánh đưa ra rất nhiều lời hứa hùng hồn — hầu hết đều tuyệt vời đến khó tin — về việc Đức Chúa Trời sẽ tôn vinh hiển dân sự của Ngài như thế nào: Ngài vui lòng về chúng ta, khiến chúng ta làm kẻ đồng kế tự mọi sự cùng với Đấng Christ (Rô-ma 8:16-17), hầu việc chúng ta (Lu-ca 12:37), giao cho chúng ta quyền đoán xét các thiên sứ (1 Cô-rinh-tô 6:3), ban cho chúng ta có giá trị và hát mừng rỡ vì chúng ta (Sô-phô-ni 3:17), và (có lẽ đây là điều sốc nhất) cho phép chúng ta ngồi trên ngôi với Đấng Christ (Khải huyền 3:21).

Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời tôn vinh hiển hoặc tôn cao một lãnh đạo của dân sự, Đầu tiên là Môi-se; sau đó là Giô-suê rằng: “Đức Giê-hô-va khiến Giô-suê được tôn trọng trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, và chúng kính sợ người trọn đời người, như đã kính sợ Môi-se vậy” (Giô-suê 4:14; cũng xem 3:7). Về sau nầy, vua Đa-vít cũng được như vậy, mà chính ông cũng nhận ra điều đó nữa (2 Sa-mu-ên 5:12; 22:49; 1 Cô-rinh-tô 25:5). Nhưng không chỉ có các tiên tri, lãnh đạo và vua chúa thôi đâu. Chúa phán cùng hết thảy kẻ được chọn rằng: “Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất!” (Thi thiên 37:34).

Đức Chúa Trời tôn dân Chúa lên cũng là một trong những điều Chúa Jêsus đã phán nhiều lần, chúng ta cũng thấy rồi: “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Thi thiên 23:12; cũng xem 14:11; 18:14). Điều nầy còn được đặt cách áp dụng cho Cơ Đốc nhân như trong Gia-cơ 4:10 và 1 Phi-e-rơ 5:6 chép rằng: Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.

Dân Chúa không được tự tôn mình

Tuy nhiên, đến đây thì sự đối xứng không còn nữa. Kinh Thánh không cho thấy sự đối xứng diệu kỳ nào cả, có lẽ chúng ta nói rằng: Đức Chúa Trời tôn cao Đức Chúa Trời, dân Chúa tôn cao Chúa, Chúa tôn dân Chúa lên, nhưng dân Chúa không được tự tôn mình. Cũng giống như sự tôn cao là thứ ngôn ngữ thiêng lêng đã nói: Đức Chúa Trời phải là đối tượng tôn vinh hiển của loài người, vậy nên Đức Chúa Trời chứ không phải loài người là nhân vật chính khi dân Chúa được tôn vinh hiển.

“Theo Kinh Thánh, con đường tự tôn của loài người là một chuỗi bi kịch và nước mắt”

Thi thiên 66:7 nói “những kẻ phản nghịch” là “tự cao”. Châm ngôn 30:32 nói “tự cao kiêu ngạo” là ngu dại. Sự tự tôn có lẽ cho ta cảm giác được chú ý và an toàn tạm thời, nhưng bàn tay của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta phải hạ xuống sẽ đến đúng kỳ.

Khải tượng của Đa-ni-ên 11 cho thấy kẻ kiêu ngạo và sự tự tôn đầy ngu dại của loài người không phải là sai lầm nhỏ nhặt hay chỉ là sơ suất. Đó là tinh thần của kẻ địch lại Đấng Christ. “Vua sẽ làm theo ý muốn mình; kiêu ngạo và lên mình cao hơn hết các thần; nói những lời lạ lùng nghịch cùng Đức Chúa Trời của các thần” (Đa-ni-ên 11:36). Sứ đồ Phao-lô cũng nhìn thấy sự tự tôn là dấu hiệu của “kẻ bất pháp” đang đến: “Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-4).

Sự tự tôn của loài người mang lấy tinh thần của kẻ địch lại Đấng Christ. Trong đó, theo sứ đồ Phao-lô thì sự hạ mình của loài người mang lấy tinh thần của Đấng Christ: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8). Điều nầy đưa chúng ta trở lại câu hỏi: Chúa Jêsus có tự tôn mình chăng?

Chúa Jêsus có tự tôn mình không?

Câu hỏi về sự tự tôn của Đấng Christ mang nhiều thách thức hơn là nhữung gì chúng ta thấy từ nảy đến giờ. Kinh Thánh nói rõ là sự tự tôn của Đức Chúa Trời là sự tôn cao Đức Chúa Trời của loài người đều là sự công bình, cũng như khi Đức Chúa Trời tôn dân Chúa lên, trong khi sự tự tôn của loài người là sự điên rồ, nổi loạn, mang tinh thần của kẻ địch lại Đấng Christ nữa. Còn với Đấng Christ, chúng ta gặp được một kỳ nhân độc nhất cũng là Đức Chúa Trời, Ngài là một thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và cũng là con người nữa.

Phúc âm Giăng phát họa lên tính phức tạp rất kỳ diệu trong mối liên hệ giữa Chúa Jêsus là con người, cũng là Đức Chúa Trời, và Cha trên trời của Ngài.

Thứ nhất, Chúa Jêsus đã tôn vinh hiển Đức Chúa Trời. Là con người, Ngài đã phó mạng sống của mình, từ đầu đến cuối, cho sự kêu gọi làm con người, hầu cho chúng ta cũng làm theo, để tôn cao Đức Chúa Trời bằng lời nói và việc làm. “Con đã tôn vinh Cha trên đất”, Chúa Jêsus nói với Cha của Ngài vào đêm trước khi Ngài chịu chết (Giăng 17:4).

Thứ hai, Đức Chúa Trời đã tôn vinh hiển Chúa Jêsus. Nhịp điệu lặp đi lặp lại về việc ai tôn vinh hiển Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời là rất rõ ràng, đó là cả Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh. Khi Chúa Jêsus phán rằng: “Ấy là Cha ta làm vinh hiển ta” (Giăng 8:54); cũng xem 13:32), và Đức Thánh Linh “Ngài sẽ tôn vinh Ta” (Giăng 16:14). Sách Công-vụ cũng chép rằng: “Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã tôn vinh đầy tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ 3:13). “Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên phải Ngài” (Công-vụ 5:31).

Thứ ba, Đức Chúa Trời được vinh hiển ở trong Chúa Jêsus. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Đấng Christ không hề có sự ganh đua mà là sự vinh hiển bổ sung cho nhau (Giăng 11:4). Khi Chúa Jêsus được vinh hiển, “Đức Chúa Trời được vinh hiển nơi Con Người” (Giăng 13:31). Chúa Jêsus còn phán với các môn đồ của Ngài hãy khi cầu nguyện rằng “nhân danh ta mà cầu xin . . . để Cha được sáng danh nơi Con” (Giăng 14:13).

Thứ tư, lẽ thật sững sốt về nhân tính của Đấng Christ: Chúa Jêsus không hề tự tôn mình. Đây là những gì chúng ta đã thấy Hê-bơ-rơ 5:5 nói Chúa là thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta: “Đấng Christ không tự tôn [nghĩa đen là: tôn vinh] mình làm thầy tế lễ thượng phẩm”. Còn đây là những gì chúng ta nghe từ miệng của Chúa Jêsus ở trong Giăng 8:50 chép rằng: “Ta chẳng tìm sự vinh hiển ta, có một Đấng tìm và đoán xét”. Ngài giải thích thêm ở trong Giăng 8:54 chép rằng: “Nếu ta tự tôn vinh, thì sự vinh hiển ta chẳng ra gì; ấy là Cha ta làm vinh hiển ta”.

Thứ năm, cũng là điều cuối cùng, là lời cầu nguyện thiêng liêng đầy sững sốt mà Chúa Jêsus thưa cùng Cha của Ngài trong đêm trước khi Ngài chịu chết rằng: Chúa Jêsus cầu xin được vinh hiển, vì sự vinh hiển của Cha.

Thưa Cha, giờ đã đến; xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha . . . Cha ôi! Bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha. (Giăng 17:1,5)

Đây có lẽ đây là chỗ, trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá, mà Chúa Jêsus đeo đuổi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác với chúng ta. Nhưng cũng tại chỗ nầy, khi cầu xin được vinh hiển, Ngài đang là con người. Bằng lời lẽ của loài người, bằng môi miệng và linh hồn của con người, Chúa cầu xin Cha của Ngài, thay vì tự tôn mình, và Ngài chờ đợi trong đức tin. Sự đeo đuổi ấy của Ngài có thiên hướng. Chúa không tỏ vẻ cần “vinh hiển bởi người ta mà đến” (Giăng 5:41; cũng xem Ma-thi-ơ 6:2) nhưng Ngài tìm kiếm “vinh hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến” (Giăng 5:44). Chúa làm cho việc Cha sẽ tôn cao Ngài và chính Chúa tôn cao Cha của Ngài trở thành một với nhau: “. . . hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha”.

Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao

Vậy thì chúng ta học được gì từ Đấng Christ, cả về thần học lẫn đạo đức, trong bối cảnh phải ở nhà liên tục cùng với sự tự tôn và sự hạ mình khó hiểu nầy?

“Đấng Christ, là con người, đã không tự tôn mình. Còn tiếng gọi và lối sống của chúng ta với tư cách là con người và cũng là Cơ Đốc nhân thì sao đây?”

Đầu tiên, có quá nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi chúng ta trong tính độc nhất và kỳ nhân của Đức Chúa Jêsus Christ — người duy nhất là Đức Chúa Trời và cũng là Đấng thần nhân đã đến làm người. Sứ đồ Phao-lô viết câu Kinh Thánh nầy trong sự kính sợ rằng: “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Cô-lô-se 2:9). Có nghĩa là chúng ta cần phải coi chừng trí nhớ hoặc những câu hỏi đơn sơ về Chúa Jêsus. Ai đã tôn vinh hiển Đấng Christ? Câu trả lời: Đức Chúa Trời đã làm điều đó — Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh, và Đức Chúa Con. Đấng Christ, khi đề cập về nhân tính của Ngài, không hề (và hiện cũng không) tự tôn vinh hiển chính Ngài; Chúa không hề mắc tội tự tôn của loài người. Còn Đấng Christ, là Đức Chúa Trời, thân vị thứ hai đời đời trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, đã (và vẫn đang) không chút nghi ngờ, ngần ngại, hay cảm thấy có lỗi — bằng sức lức và quyền năng vô hạn của Ba Ngôi Đức Chúa Trời — tôn vinh hiển chính Ngài. Đấng Christ, là con người, không hề tự tôn chính Ngài, ngay cả khi Ngài đã làm điều đó với tư cách là Đức Chúa Trời.

Về mặt đạo đức, đối với cuộc sống của chúng ta là loài người ở trong ngày sau rốt nầy, chúng ta thấy rõ sự dại dột, nổi loạn, và ngay cả tinh thần chống Cơ Đốc giáo từ thói tự tôn của loài người. Đấng Christ, là con người, đã không tự tôn mình. Còn tiếng gọi và lối sống của chúng ta với tư cách là con người và cũng là Cơ Đốc nhân thì sao đây?

Chúng ta được tạo ra và được cứu chuộc, để biết hạ mình xuống mà tôn cao Đức Chúa Trời. Trong đường lối mà Đấng Christ đã làm gương đó, có một niềm vui rất lớn — có lẽ chúng ta còn nói được rằng có một “niềm vui lớn không ngừng gia tăng” trong ngày sự hạ mình càng trở nên hiếm hoi hơn như hôm nay.

Đối với Cơ Đốc nhân, cũng như đã từng xảy ra đối với Đấng Christ khi Ngài đến làm người, Đức Chúa Trời làm cho chúng ta được vinh hiển, được tôn trọng và được tôn lên cao không phải là vấn đề, nhưng sự tự tôn và tự cao của chúng ta mới là vấn đề nguy hiểm. Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta trở thành những kẻ tiếp nhận sự vinh hiển và tôn trọng đến từ Ngài, theo chuẩn của Ngài, chứ không được tự tôn và tự cao theo ý của chúng ta. Còn với ai hạ mình xuống trước mặt Chúa, Ngài chắc chắn sẽ — vào đúng “kỳ” của Ngài, chứ không phải của chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:6) — nhắc họ lên, như Chúa đã làm với chính Con một của Ngài là Đấng Christ (Phi-líp 2:9).

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .