31 Th1, 2022

Chúa đã cứu một tội nhân như ông

John Newton (1725–1807)
Chúa đã cứu một tội nhân như ông
Image

Góc nhìn của Desiring God
Tài liệu Cơ Đốc cho người Việt

Trong suốt 82 năm cuộc đời, John Newton là một thủy thủ hư hỏng; một kẻ tội nghiệp ở bờ Tây Phi; là thuyền trưởng tàu buôn nô lệ; là người giám định thủy triều ở Liverpool; là mục sư yêu dấu của hai hội chúng tại Olney và Luân Đôn trong vòng 43 năm; một người chồng chung thủy của Mary trong vòng 40 năm cho đến khi bà qua đời; là bạn thân của William Wilberforce, John Wesley và George Whitefield; cuối cùng, ông là tác giả bài thánh ca tiếng Anh nổi tiếng nhất tựa đề là: “Ân điển lạ lùng”.

Tại sao tôi thích người đàn ông nầy? Vì một trong những khao khát lớn nhất của tôi đó là muốn thấy Cơ Đốc nhân trở nên cứng cáp và bền bỉ giống như cây tùng bách, dịu dàng và ngát hương như cánh đồng cỏ ba lá — để “bênh vực và củng cố sứ điệp Phúc âm” một cách không nao núng (Phi-líp 1:7), cũng như có sự khiêm nhường, kiên nhẫn và thương xót người khác.

Tấm lòng nhân hậu, gốc rễ cứng rắn

Dường như chúng ta thường té khỏi ngựa về phía nầy hoặc phía kia mỗi khi nói đến chuyện cứng rắn và nhân hậu, chịu đựng và vui vẻ, dũng cảm và nhân từ — yếu đuối trước lẽ thật trong khi cần phải có trái tim của sư tử, hay là gay gắt lên trong khi cần phải rơi nước mắt. Thật hiếm thấy Cơ Đốc nhân có thể nói bằng trái tim nhân hậu mà vẫn giữ được sự cứng rắn của thần học.

John Newton không phải lúc nào cũng làm được điều nầy. Nhưng dù ông chỉ có đôi chân bằng đất sét, giống như các bậc anh hùng kia, ngoại trừ Đấng Christ, thì điểm mạnh nhất của ông là “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15). Ông mang trong lòng sự nhân hậu để yêu người hư mất, nâng đỡ kẻ nản lòng, tiếp đón thiếu nhi và cầu thay cho kẻ thù. Còn sự nhân hậu của ông có những gốc rễ cứng cáp như cây tùng bách.

Tôi bắt đầu bằng một câu chuyện ngắn về cuộc đời của ông, bởi vì đối với Newton, cuộc đời ông là bằng chứng rõ nhất về lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà chính ông cũng chưa thấy bao giờ. Trí nhớ của ông về sự cứu rỗi của mình là một trong những gốc rễ cổ thụ sâu nhất để ông có được một tấm lòng nhân hậu như vậy. Ông vẫn mãi không tin mình đã được cứu chỉ bằng ân điển đắc thắng ấy.

Hư hỏng đạo đức và khổ sở

John Newton sinh ngày 24 tháng 7 năm 1725 ở Luân Đôn, mẹ ông là một người tin kính và cha ông là một tay chuyên đi biển không có tín ngưỡng. Mẹ mất khi ông sáu tuổi. Ở một mình, Newton đã trở thành một tên thủy thủ trụy lạc — bị ép vào hải quân khi mới mười tám tuổi. Richard Cecil là bạn và cũng là người viết tiểu sử về ông nói là: “Những kẻ đồng hành mà ông gặp trong giai đoạn này đã làm hỏng mọi nguyên tắc của ông” (Ký sự về Mục sư John Newton, 1:9). Về bản thân, Newton viết là: “Tôi muốn làm gì cũng được; tôi chẳng kính sợ Đức Chúa Trời một chút nào, cũng không (theo trí nhớ) để ý đến lương tâm của mình” (Ký sự, 1:12).

“Ông vẫn mãi không tin mình đã được cứu chỉ bằng ân điển đắc thắng ấy”.

Khi được 20 tuổi, ông phải xuống khỏi thuyền của mình ở một vài hòn đảo về phía đông nam của Sierra Leone, Tây Phi, rồi trong vòng một năm rưỡi ông đã sống như một tên nô lệ cơ cực trong nhiều hoàn cảnh. Vợ của ông chủ coi thường và đối xử độc ác với ông. Ông viết là ngay cả nô lệ người Phi cũng phải lén lút chia sẻ đồ ăn ít ỏi của họ cho ông. Sau này, ông trầm trồ trước việc một con tàu vô tình thả neo đậu ở hòn đảo sau khi thấy khói bốc hơi, vị thuyền trưởng của con tàu ấy còn quen biết cha của Newton và đã trả tự do cho ông. Đó là vào tháng 2 năm 1747. Ông sắp được 21 tuổi, còn Đức Chúa Trời thì ở gần lắm rồi.

Cơn bão quý báu giữa đại dương

Con tàu bận rộn trên biển trong vòng một năm. Sau đó, vào ngày 21 tháng 3 năm 1748, trên đường về nhà ở nước Anh tại miền Bắc Atlantic, Chúa đã can thiệp để cứu rỗi “kẻ nhạo báng người châu Phi”.

Newton bị thức dậy trước một cơn bão dữ tợn khi căn phòng của ông bắt đầu ngập nước. Ông được lệnh phải bơm nước và tự mình thốt lên rằng: “Nếu máy bơm không được nữa thì xin Chúa thương xót chúng ta” (Hồi ký, 1:26). Đó là lần đầu tiên ông tỏ ra mình cần sự thương xót sau bao nhiêu năm. Ông đã làm việc với cái máy bơm từ ba giờ sáng cho đến trưa, ngủ đúng một tiếng, rồi cầm bánh lái cho dến nửa đêm. Đứng trước tay lái, ông có thời gian nghĩ về cuộc đời và tình trạng thuộc linh của mình.

Vào lúc sáu giờ tối hôm sau, dường như có được một chút hy vọng. “Tôi nghĩ mình đã thấy bàn tay của Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng tôi. Tôi bắt đầu cầu nguyện: tôi không thể thốt ra được lời cầu nguyện bằng đức tin nào cả; tôi cũng không thể đến gần để làm hòa với Đức Chúa Trời và gọi Ngài là Cha được . . . Những nguyên tắc khó chịu của sự bội đạo trở nên chặt chẽ hơn . . . Giờ đây câu hỏi lớn đó là làm thế nào để có đức tin” (Hồi ký, 1:28).

Từ kẻ buôn nô lệ trở thành nhà truyền đạo

Sáu năm sau lần đó, Newton nói ông không có “bạn bè tin Chúa hay mục sư trung tín nào khuyên răn mình”. Ông đã trở thành thuyền trưởng một chiếc tàu buôn nô lệ cho đến tháng 12 năm 1749. Trong những năm trưởng thành, ông cảm thấy hối tiếc cùng cực vì sự góp phần của mình vào việc buôn nô lệ, nên ông đã tham gia cùng William Wilberforce để chống đối chuyện này. Sau ba mươi năm rời khỏi đại dương, ông đã viết một bài tiểu luận tựa đề là Những suy tư về vấn đề buôn nô lệ châu Phi, có phần kết nói rằng “Buôn nô lệ châu Phi là một thương vụ trái với đạo lý, độc ác, đầy áp bức và chết chóc!” (Hồi ký , 6:123).

“Ông mang trong lòng sự nhân hậu dành để yêu người hư mất, nâng đỡ kẻ nản lòng, tiếp đón thiếu nhi và cầu thay cho kẻ thù”.

Vào năm 1764 Newton đã chấp nhận tiếng gọi trở thành mục sư Hội thánh Anh quốc ở Olney và đã phục vụ tại đó gần mười sáu năm trời. Sau đó, ông đã tiếp nhận sự kêu gọi khi được 54 tuổi để làm mục sư ở Woolnoth của St. Mary tại Luân Đôn, ở đó ông bắt đầu 27 năm mục vụ của mình vào ngày 8 tháng 12 năm 1779. Đôi mắt và đôi tai của ông bị hư dần, còn người bạn thân của ông là Richard Cecil đã khuyên ông đừng giảng nữa khi được 80 tuổi, Newton đáp lại rằng: “Cái gì! Kẻ nhạo báng người châu Phi như tôi không nên giảng nữa trong khi còn nói được thế nầy hay sao?” (Hồi ký, 1:88).

John và Mary không có con, nhưng họ đã nhận hai đứa cháu của mình làm con nuôi. Khi Mary qua đời mười bảy năm trước khi John qua đời, ông đã sống với gia đình của một trong hai đứa cháu và được cháu mình chăm sóc như là cha ruột của mình. Newton đã qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 1807 hưởng thọ được 82 tuổi.

Lòng nhân hậu của Newton

Chúng ta nói về lòng nhân hậu của John Newton, được biểu hiện ra lần đầu tiên khi ông chợt cảm thấy mình có tình yêu thương dành cho gần như người nào mà ông gặp được. Theo Cecil, “Ông Newton không thể sống lâu nếu không yêu thương” (Hồi ký, 1:95). Tình yêu thương mà ông dành cho người khác là dấu ấn cuộc đời của ông. Ông yêu những người đang hư mất và cũng yêu bầy chiên đã được cứu rỗi của mình nữa.

Hễ ai . . . đã nếm biết tình yêu thương của Đấng Christ và cũng biết nhu cầu lẫn giá trị của sự cứu rỗi bằng chính trải nghiệm của mình, thì người đó có thể, cũng như buộc phải, yêu những người đã được Chúa tạo nên nữa. Ông yêu họ ngay lần đầu gặp mặt (Hồi ký, 5:132)

Cụm từ ngay lần đầu gặp mặt nổi bật nhất trong đoạn trích này. Phản ứng đầu tiên của Newton là yêu thương người hư mất.

Newton cũng bày tỏ một dấu hiệu rõ ràng về lòng nhân hậu giống Đấng Christ qua tình yêu của ông dành cho thiếu nhi. “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng no” (Mác 10:14) là biểu hiện cho lòng nhân hậu của Chúa Jêsus. Khi Newton đến Olney, một trong những điều đầu tiên ông đã làm đó là bắt đầu gặp các em thiếu nhi vào chiều thứ Năm. Ông đã tự gặp các em, phân việc cho chúng, rồi đọc Kinh Thánh cho các em nghe. Một lần nọ ông đã nói là: “Tôi nghĩ mình sẽ có 200 em thiếu nhi thường xuyên đến tham dự” (John Newton, trang 143).

Có lẽ chúng ta thấy ví dụ về lòng nhân hậu đáng nể nhất của Newton đó là khi ông chăm sóc cho William Cowper, một nhà thơ và nhạc sĩ thánh ca mắc bệnh tâm lý đã đến sống tại Olney trong suốt mười hai năm Newton sống mười sáu năm ở đó. Newton đón Cowper về nhà mình trong năm tháng suốt một thời gian rồi thêm mười bốn tháng nữa trong một lần khác, khi nhà thơ bị trầm cảm nặng không thể tự mình làm gì được. Kỳ thực, Cecil đã nói về cả cuộc đời của Newton là: “Nhà của ông dưỡng trí viện cho người bị rối loạn hay ưu phiền” (Hồi ký, 1:95).

Chúng ta hay làm gì nhất đối với một người mắc chứng trầm cảm không thể ra khỏi nhà? William Jay đã tóm tắt lại phản ứng của Newton là: “Ông là người có lòng nhân hậu; luôn tỏ ra thận trọng trước chứng trầm cảm và sự nản lòng của bạn mình như là một phản ứng của thân thể, ông thường xin Chúa cất những điều đó đi, nhưng không bao giờ dùng đến lý lẽ để than phiền” (John Newton, trang 41).

Vậy, tính nhân hậu ấy từ đâu mà có? Những gốc rễ để duy trì sự kiên nhẫn, lòng thương xót và tình yêu thương là chi?

Thầy thuốc ở Bedlam

Có vài điều sẽ khiến chúng ta mềm mại hơn nhiều trong lúc chịu khổ và đối diện với cái chết. Newton nói là: “Tôi phải học như một bác sĩ phẫu thuật, phải tuân thủ các nguyên tắc của bệnh viện” (Hồi ký, 1:100). Hướng đánh giá theo Kinh Thánh của ông về sự khổ sở mà ông đã chứng kiến đó là sẽ có vài đau khổ, chứ không nhiều, có thể được cất đi trong đời này. Ông sẽ hết dức dùng chính cuộc đời mình để mang đến sự giải cứu và bình an trong đời này và cõi đời đời. Nhưng ông cũng không trở nên khó chịu và chỉ trích trước những đau khổ mãn tính giống như căn bệnh tâm lý của Cowper.

“Phản ứng đầu tiên của Newton là yêu thương người hư mất”.

“Tôi cố gắng sống trong thế giới này như một bác sĩ phải sống trong Bedlam [dưỡng trí viện nổi tiếng dành cho người bị mất trí]: bệnh nhân thường làm ồn, tự mình làm mấy chuyện phi lý, rồi tự nhốt mình trong chính trò chơi của mình; nhưng ông đã làm hết sức có thể, nên cũng vượt qua” (John Newton, trang 103). Nói cách khác, sự kiên nhẫn và sự kiên trì của ông khi săn sóc cho những người gặp khó khăn, một phần nào đó, đến từ quan điểm thực tế và rất nghiêm túc về những gì nên mong đợi trong thế giới này. Đời thật khó khăn, còn Chúa thật tốt thay.

Chính quan điểm về hiện thực đầy chín chắn đối với những gì chúng ta có thể mong đợi từ thế giới đã sa ngã này là một gốc rễ quan trọng sinh ra tính nhân hậu trong đời sống của John Newton.

Kẻ có tội được cứu

Newton quay lại với niềm tin cứu rỗi chính là nguồn lực sinh ra lòng nhân hậu. Cho đến ngày qua đời, ông không bao giờ thôi ngạc nhiên về những gì ông đã nói khi được 72 tuổi là: “Một tội nhân như tôi không đáng được tha thứ và còn sống, nhưng lại được cứu để rao truyền Phúc âm của Ngài, là điều mà tôi đã từng nói phạm thượng và chối bỏ . . . đây là điều tuyệt vời làm sao! Chúa nâng tôi lên bao nhiêu, tôi hạ nhục mình bấy nhiêu” (Hồi ký, 1:86).

Newton đã bày tỏ cảm nghĩ này trong bài thánh ca “Ân điển lạ lùng” nổi tiếng của mình:

Ngợi ca Chúa từ ái ban ơn lạ lùng 
Đời tôi vốn tràn những lệ đắng 
Tôi đã hư mất bao ngày 
Lầm than trong nơi tội đầy 
Mà ơn Chúa thương xót khoan nhân.

Kết quả của sự lạ lùng này là sinh ra tấm lòng nhân hậu dành cho người khác. Kẻ “hư mất” được cứu bởi ân điển “tin và cảm được sự yếu đuối và đê hèn của bản thân, sống nhờ vào ân điển và sự tha thứ đầy yêu thương của Chúa mình. Điều nầy giúp ông có được lòng nhân ái và hiền hậu làm thói quen. Khi hạ mình nhận biết bản thân đã được tha thứ, ông thấy như vậy sẽ giúp mình thứ tha cho người khác dễ dàng hơn” (Hồi ký, 1:70).

Lòng vui mừng, lòng biết ơn và lòng tan vỡ của một “kẻ hư mất” đã được cứu có lẽ là gốc rễ lớn nhất sinh ra lòng nhân hậu của Newton dành cho người khác.

Bình an trong ơn thần hựu của Đức Chúa Trời

Để duy trì tình yêu thương và lòng nhân hậu luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác nhiều hơn sự thoải mái của bản thân, chúng ta phải có lòng trông cậy vững chắc đến nỗi sự đau buồn trong đời sống sẽ mang đến lợi ích đời đời cho chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ mắc bẫy, bị điếc trước mọi nhu cầu, rồi nói rằng: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1 Corinthians 15:32). Newton đã tìm được sự bình an và lòng tin quyết trong ơn thần hựu cao cả của Đức Chúa Trời đối với điều lành và điều dữ. Ông mô tả trải nghiệm riêng của mình khi mô tả người tin Chúa như sau:

Đức tin của người tin Chúa gìn giữ người qua mọi thử thách, đảm bảo với người đó rằng mỗi nghĩa vụ đều được Chúa mình dìu dắt; mọi sự sửa phạt đều là tình yêu thương của Ngài; mọi đau khổ xảy ra theo thời kỳ, có giới hạn và độ dài đều được Đấng khôn ngoan vô hạn sắm sẵn, vì lợi ích đời đời của người đó; còn ân điển và sức lực sẽ được ban cho người tùy theo số ngày của người. (Hồi ký, 1:169)

Lòng tin quyết không hề rúng động vào ơn thần hựu cao cả của Đức Chúa Trời như thế sẽ làm cho mọi trải nghiệm trở thành lợi thế để Newton có được sự ổn định, sức lực và bền bỉ, hầu cho ông không sống trong sự than vản, mà sẽ ca ngợi rằng: “‘Nhưng Chúa đã cứu tôi về, nghỉ yên trong tay nhiệm màu. Thật ơn Chúa rộng lớn, vô biên'”.

“Để duy trì tình yêu thương, chúng ta phải có lòng trông cậy vững chắc đến nỗi sự đau buồn sẽ mang đến lợi ích đời đời cho chúng ta”.

Desiring God bắt đầu từ khi John Piper giao lại toàn bộ mục vụ ghi âm cho Jon Bloom là trợ lý của ông. Từ những băng ghi âm và sách vở, mà mục vụ Desiring God đã phát triển thành một mục vụ trực tuyến quốc tế với hơn 14,000 tài liệu miễn phí và hơn 3,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hiện nay, John Piper đang giữ vai trò là giáo sư điều hành mục vụ này.

Chia sẻ với mọi người . . .