Nỗi thống khổ mà Con Đức Chúa Trời phải chịu là vô đối. Không có người nào từng chịu khổ sở giống như Ngài. Suốt cõi đời đời, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng nỗi thống khổ của Con Đức Chúa Trời và hát rằng: “Chiên Con đã bị giết thật xứng đáng” (Khải huyền 5:12).
Bá tước Zinzendorf (1700-1760) và Giáo hội Moravian đã phát triển một nền thần học dựa trên những đau thương và sự đổ huyết của Chúa Jêsus đến nỗi vài người tin Chúa đã mất đi sự cân bằng khi tập chú hẳn vào “năm vết thương” của Đấng Christ. Nhưng ngày nay, chúng ta không còn bị nguy hiểm khi tập chú quá mức vào nỗi thống khổ của Chúa Jêsus nữa. Vì vậy, hãy cùng tôi thờ phượng Đấng Christ là Đấng đã chịu khổ một cách huy hoàng.
Không có người nào chịu khổ ít mà được nhận lãnh nhiều.
Cuộc đời toàn hảo của Ngài đã được Đức Chúa Trời đóng ấn bằng hai chữ: “vô tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). Ngài là người duy nhất trong lịch sử không xứng đáng phải chịu khổ, mà lại khổ sở rất nhiều. Ngài “chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá” (1 Phi-e-rơ 2:22). Không có nỗi đau nào mà Ngài đã chịu là giá trả cho tội lỗi của Ngài. Ngài không hề phạm tội.
Do đó, không ai biết mình có quyền trả thù mà lại ít dùng đến quyền hạn ấy. Ngài đã từ bỏ quyền phép đời đời mỗi khi phải chịu khổ sở. “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (Ma-thi-ơ 26:53). Nhưng Ngài đã không làm điều đó. Mỗi khi toà án tối cao của vũ trụ nói rằng: “Bất công!” thì Chúa Jêsus giữ im lặng. “Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm” (Ma-thi-ơ 27:14). Ngài cũng chẳng bác bỏ lời nhạo báng nào cả: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa” (1 Phi-e-rơ 2:23). Ngài cũng không bào chữa cho mình trước sự tra hỏi của vua Hê-rốt: “Ngài không trả lời gì hết” (Lu-ca 23:9). Trong đời này, chẳng ai chịu bất công mà không trả thù.
Ấy không phải vì Ngài có thể gánh chịu sự đau khổ dường ấy. Nếu chúng ta bị ép chứng kiến, thì có lẽ không ai trong chúng ta còn tỉnh táo. Trong khu vườn, “Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44). Vào giữa đêm, trước mặt thầy tế lễ cả, “Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài” (Ma-thi-ơ 26:67). Trước mặt quan tổng đốc, họ “đánh đòn” Ngài (Ma-thi-ơ 27:26). Eusebius (vào khoảng năm 300 S.C.) đã mô tả trận đòn của người La Mã thấu đến tĩnh mạch và động mạch của cơ thể, đến nỗi những nơi kín đạo nhất, tức là ruột gan và nội tạng, cũng phải lộ ra trước mặt mọi người”.
Trong sự đau khổ Ngài phải chịu, quân lính đã giễu cợt Ngài. Họ mặc cho Ngài những áo choàng của vua chúa để chế nhạo Ngài. Họ bắt đầu “nhổ trên Ngài, đậy mặt Ngài lại, đấm Ngài, và nói với Ngài rằng: Hãy nói tiên tri đi! Các lính canh lấy gậy đánh Ngài” (Mác 14:65). Một mão gai bị ép đội trên đầu Ngài – tệ hơn nữa là cây sậy làm cho gai đâm vào sọ Ngài. “Lại lấy cây sậy đánh đầu Ngài, nhổ trên Ngài, và quì xuống trước mặt Ngài mà lạy” (Mác 15:19). Trong tình trạng ấy, Ngài không thể tự vác thập tự giá được (Ma-thi-ơ 27:32).
Sự tra tấn và tủi nhục tiếp tục xảy ra. Ngài bị lột trần. Tay chân của Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá (Công-vụ 2:23; Thi thiên 22:16). Trò nhạo báng vẫn không dừng lại cho tới sáng hôm sau. “Lạy Vua của dân Giu-đa! . . . Ngươi là kẻ phá đền thờ và dựng lại trong ba ngày, hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự!” (Ma-thi-ơ 27:29, 40). Ngay cả một trong những tên cướp “cũng mắng nhiếc Ngài” (Lu-ca 23:39).
Đó là một cái chết gớm ghê. Quyển Bách khoa Toàn thư Kinh Thánh Bản chuẩn Quốc tế [1] cho chúng ta biết rằng: “Những vết thương sưng lên vì những cây đinh sắt, những sợi gân và dây thần kinh bị xé toạt ra gây đau đớn đến tột cùng. Máu tụ lại nơi động mạch ở đầu và dạ dày cùng cơn đau đầu xảy ra . . . Nạn nhân bị đóng đinh trên thập tự giá phải chịu một cái chết gấp ngàn lần . . . Sự đau khổ kinh khủng đến nỗi “ngay cả lòng thương hại của những kẻ bị mê hoặc bởi chiến tranh cũng phải xao xuyến”.
Tất cả đều xảy ra với “bạn của tội nhân” một cách rất cô đơn, không ai ở bên cạnh. Giu-đa đã phản bội Ngài bằng một cái hôn (Lu-ca 22:48). Phi-e-rơ chối Ngài đến ba lần (Ma-thi-ơ 26:75). “Hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi” (Ma-thi-ơ 26:56). Trong giờ phút tối tăm nhất của lịch sử thế giới, Đức Chúa Cha đã hình phạt Con một của Ngài thay cho chúng ta. “Chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ” (Ê-sai 53:4). Người duy nhất trong thế giới này biết rõ Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 11:27) đã kêu lên rằng: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46).
Đức Chúa Cha bằng lòng
Chưa bao giờ có sự chịu khổ nào như thế, dù là trước đó hay sau này, vì hình phạt kinh khủng ấy đã được định trước. Chính Đức Chúa Cha đã dự định như vậy, còn Đức Chúa Con đã làm trọn kế hoạch ấy. “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm” (Ê-sai 53:10). Chúa Jêsus đã “bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời” (Công-vụ 2:23). Vua Hê-rốt, tổng đốc Phi-lát, quân lính và dân Giu-đa đã làm “mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước” (Công-vụ 4:28) cho Chúa Jêsus. Sự chịu khổ của Con Ngài đã được viết cách chi tiết trong Kinh Thánh. “Đức Chúa Jêsus biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: Ta khát” (Giăng 19:28).
Sự chịu khổ ấy không chỉ được định trước, mà còn được thực hiện trong sự vâng phục. Chúa Jêsus đã chấp nhận chịu đau thương. Ngài chọn làm điều ấy – “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8). Còn sự vâng phục của Ngài được thực hiện bằng cách tin cậy vào Cha của Ngài. “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình” (1 Phi-e-rơ 2:23). “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi” (Lu-ca 23:46).
Bởi đức tin, “Ngài quyết định đi đến thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 9:51). Tại sao vậy? “Vì một đấng tiên tri không thể chết bên ngoài Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 13:33). Ngài đã quyết định chịu chết. “Ta sẽ nói gì đây? ‘Cha ơi, xin cứu Con khỏi giờ này! Nhưng cũng chính vì giờ này mà Con đã đến” (Giăng 12:27). Ngài đã đến để chịu chết.
Vì vậy, sự chịu khổ và sự yếu đuối của Chúa Jêsus là cách để bày tỏ uy quyền tể trị của Ngài. “Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh” (Giăng 10:18). Ngài đã chọn thực hiện ý muốn của Cha để chịu khổ và chịu chết.
Ý muốn ấy là gì? Đó là để thay thế chúng ta, hầu cho chúng ta được sống. “Vì Con người đã đến…phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (1 Phi-e-rơ 2:24). “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người” (Ê-sai 53:6).
Còn mục tiêu của hết thảy những điều đó là gì? “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Phải, nhưng mục tiêu cuối cùng là gì? Tình yêu ấy đeo đuổi điều gì? Hai mục đích lớn nhất đã được hoàn thành qua sự chịu khổ của Đấng Christ, mà thực ra cả hai mục đích ấy đều là một. Thứ nhất, “Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (1 Phi-e-rơ 3:18). Sự chịu khổ của Chúa Jêsus chính là để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời là Đấng có trọn sự khoái lạc và sự vui sướng vô cùng. Thứ hai, chính trong giờ phút đối diện với sự chết, Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng được vinh hiển. “Hiện bây giờ Con người được vinh hiển, và Đức Chúa Trời được vinh hiển nơi Con người” (Giăng 13:31). Niềm vui của chúng ta trong sự say mê Đức Chúa Trời và vinh hiển của Ngài trong sự cứu rỗi chúng ta đều là một. Đó là sự chịu khổ tột cùng đầy vinh hiển của Đấng Christ.
Lời cầu nguyện
Lạy Cha, chúng con sẽ nói gì đây? Chúng con thấy mình không xứng đáng để Đấng Christ chịu khổ đến như vậy. Chúng con xin lỗi Ngài. Ấy là vì tội lỗi của chúng con mà những điều đó phải xảy ra. Ấy là chính chúng con đã đánh Ngài, nhổ trên Ngài và nhạo báng Ngài. Cha ơi, chúng con xin lỗi Ngài. Chúng con xin cúi mình và không muốn thốt lên bất kỳ điều gì dù là rất nhỏ trong linh hồn tội lỗi của mình. Cha ơi, xin đụng chạm chúng con hầu cho chúng con biết tin cậy vào những điều phi thường này. Sự đau đớn mà Đấng Christ gánh chịu đã cứu rỗi chúng con thoát khỏi sự tuyệt vọng. Xin Chúa giúp chúng con có lòng kính sợ mà tiếp nhận Phúc Âm. Xin Chúa đánh thức những góc chết vô cảm trong lòng chúng con để biết mình được yêu bằng tình yêu thương rất mãnh liệt, sâu đậm và thánh sạch nhất trong cõi vũ trụ. Xin Chúa giúp chúng con cùng với các thánh đồ hiểu được bề cao, bề sâu, bề dài, bề rộng của tình yêu Ngài trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho chúng con được đầy dẫy mọi sự ở trong Đức Chúa Trời. Xin Ngài chiến trận cho chúng con hầu cho chúng con không bị tê liệt, mù loà và dại dột trước những hào nhoáng hư không và trống rỗng. Xin Ngài giúp chúng con không lãng phí cuộc đời thật ngắn ngủi, thật quý báu, đầy đau khổ vào những thứ ảo tưởng của thế gian. Thiên đàng thật tuyệt vời, địa ngục thật kinh khủng, cõi đời đời thật dài đến nỗi chúng con nên nghiêm túc trước những điều này. Chúa ơi, xin hãy mở mắt chúng con để nhìn thấy rõ sự chịu khổ của Đấng Christ lớn lao thế nào và điều ấy có ý nghĩa ra sao đối với tội lỗi, sự thánh khiết, sự trông cậy và thiên đàng. Chúng con sợ rằng mình sẽ bị khuất phục trước những thứ tầm thường của đời. Xin thức tỉnh chúng con để nhìn biết sự chịu khổ tột cùng đầy vinh hiển của Đấng Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh vĩ đại và tuyệt vời của Ngài. A-men.
[1] International Standard Bible Encyclopedia